Trong bối cảnh Mỹ không ngừng đưa ra yêu cầu cứng rắn đối với Trung Quốc, việc hy vọng chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Tập Cận Bình đạt được đỉnh cao lịch sử như chuyến thăm Mỹ năm 1979 của ông Đặng Tiểu Bình dường như là điều không tưởng.
Trước chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới, ông Tập Cận Bình từng 6 lần thăm Mỹ. Tuy nhiên, dư luận ít biết về hành trình những lần thăm Mỹ đầu tiên của ông Tập Cận Bình. Truyền thông của Trung Quốc và Mỹ chỉ đưa tin rộng rãi về hai lần thăm Mỹ gần đây nhất của ông Tập Cận Bình (năm 2012 và 2013). Vấn đề là các chuyến viếng thăm liên tục như vậy chưa chắc có thể chuyển hóa thành quan hệ song phương tốt đẹp. Vì vấn đề Biển Đông, quan hệ Trung-Mỹ ngày một căng thẳng. Trong bối cảnh Mỹ không ngừng đưa ra yêu cầu cứng rắn đối với Trung Quốc, việc hy vọng chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Tập Cận Bình đạt được đỉnh cao lịch sử như chuyến thăm Mỹ năm 1979 của ông Đặng Tiểu Bình dường như là điều không tưởng.
Trong một nhận định khá tương đồng, tờ “Tin tức Thế giới” ngày 2/7 cho biết Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ vòng 7 đã kết thúc. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là việc tuyên truyền về kết quả đối thoại ở Trung Quốc và ở Mỹ lại hoàn toàn khác nhau. Trong khi truyền thông chính thức của Trung Quốc ca ngợi đối thoại đạt được “kết quả phong phú”, chính giới và truyền thông Mỹ lại tập trung vào tình trạng căng thẳng và đối kháng giữa hai nước. Tờ “Tin tức Thế giới” cho rằng sự khác biệt trong cách đưa tin của truyền thông Trung Quốc và Mỹ về kết quả đối thoại đã gây ra rủi ro nhất định đối với chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới của ông Tập Cận Bình. Dự kiến, chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập Cận Bình rất có thể khiến hai bên thất vọng.
Sau khi Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ vòng 7 kết thúc, Viện Brookings đã cho đăng tải bài viết liên quan, chỉ rõ khi đưa tin về đối thoại, truyền thông chính thức của Trung Quốc chỉ nhấn mạnh tới “thành quả” và đưa tin một cách mơ hồ, không rõ ràng về căng thẳng Biển Đông và vấn đề an ninh mạng đang khiến quan hệ Trung-Mỹ nguội lạnh. Khác với việc truyền thông chính thức Trung Quốc đưa tin đối thoại “đạt được hơn 120 thành quả”, tờ “Nhật báo Phố Wall”, hãng tin Bloomberg và hãng tin AP của Mỹ đều sử dụng từ “căng thẳng” trong tiêu đề các bài viết liên quan tới đối thoại. Các cơ quan truyền thông của Mỹ đã liệt kê cụ thể những vấn đề tồn tại trong quan hệ Trung-Mỹ, đó là việc Trung Quốc lấp biển xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông và tin tặc Trung Quốc tấn công các công ty của Mỹ. Tờ “Nhật báo Phố Wall” chỉ rõ hai bên Trung-Mỹ rất thẳng thắn trong đối thoại, nhưng vẫn chưa đạt được bất cứ tiến triển nào trong các vấn đề nhạy cảm.
Phân tích của Viện Brookings nhận định một trong những nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt trong cách đưa tin về kết quả đối thoại của truyền thông hai nước Trung Quốc và Mỹ là phía Trung Quốc rất hài lòng với hiện trạng quan hệ Trung-Mỹ hiện nay, nhưng chính quyền Mỹ thì có thái độ ngược lại. Việc không đạt được tiến triển trong vấn đề Biển Đông, vấn đề an ninh mạng và vấn đề tiếp cận thị trường của Trung Quốc khiến phía Mỹ cảm thấy thất bại, nhưng phía Trung Quốc lại cảm thấy vui vẻ vì hiện trạng ổn định. Theo Viện Brookings, sự khác biệt trong cách đưa tin của truyền thông Trung-Mỹ về kết quả đối thoại tạo ra rủi ro nhất định đối với chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới của ông Tập Cận Bình. Trung Quốc cho rằng lần đối thoại này sẽ dọn đường cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Tập Cận Bình, nhưng phía Mỹ lại cho rằng Trung-Mỹ cần phải đạt được tiến triển trong các vấn đề nhạy cảm thì ông Tập Cận Bình mới có thể tiến hành thăm chính thức Mỹ. Điều bất hạnh là quan điểm khác nhau giữa Trung Quốc và Mỹ rất có thể khiến cho chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình mang tới sự thất vọng cho cả hai bên.
Trên thực tế, kỳ vọng khác nhau của Trung Quốc và Mỹ đã sớm bộc lộ. Ngày 14/6, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long kết thúc chuyến thăm Mỹ, trở thành vị Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đầu tiên thăm Mỹ không được Tổng thống Mỹ tiếp đón. Hoạt động chính thức nhất được kể tới là lễ đón tướng Phạm Trường Long được tổ chức ở Lầu Năm góc. Nhưng trong lễ đón, người ta không thấy đội nghi lễ đại diện các quân binh chủng của quân đội Mỹ xếp hàng dài, cũng không có 19 phát đại bác, có chăng chỉ là lời nhắn nhủ của Tướng Phạm Trường Long rằng “không cần phải hình thức, nên dành nhiều thời gian để thảo luận các vấn đề quan trọng”.
Trong khi đó, khi tới thăm Mỹ, các vị tiền nhiệm của Tướng Phạm Trường Long - gồm các ông Trương Vạn Niên, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu - đều được Tổng thống Mỹ tiếp đón và hưởng đủ các lễ nghi. Lần thăm Mỹ này của Tướng Phạm Trường Long không những không được Tổng thống Obama tiếp đón, mà lễ đón cũng được tiến hành qua loa, xem ra chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới của ông Tập Cận Bình cũng sẽ không thuận lợi như mong muốn.
Duy Anh (th)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét