Pages

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Cờ người

Chúng tôi không có ý bàn về ván cờ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Chúng tôi muốn nói tới bàn cờ mà những con cờ là tù nhân lương tâm đang được Mỹ và Việt Nam cầm lên hay đặt xuống.
Trên thế gian này có nước nào trừng phạt người dân của mình bằng cách tống khứ họ ra khỏi nhà tù đi thẳng ra sân bay đến một nước khác tiếp tục “chống phá” nhà nước?
Trên thế giới này có nước nào lằng nhằng can thiệp vào chuyện pháp luật của nước khác, đòi hỏi nước đó phải thả tù nhân chính trị ra và lại mang thẳng vào nước mình mặc dù người tù kia không hề tơ tưởng gì tới cái đất nước xa xăm khó lòng vươn tới này.
Hai nước đó đều vượt khỏi sự tưởng tượng của con người. Một quá nhẫn tâm và một quá nhân đạo.
Nhẫn tâm thì Việt Nam quá rõ ràng không cần bàn luận còn nhân đạo hay lợi dụng cái gọi là nhân đạo của Mỹ như một số dư luận viên gân cổ lên thóa mạ cũng nên phân giải theo cách của người nhà quê xem có phần nào hợp lý hay không.

Mỹ luôn “xía” vô mấy nước độc tài và yêu cầu những nước ấy phải tôn trọng nhân quyền, tức quyền con người. Tôn trọng dân chủ tức những giá trị mà con người phải có và được chính phủ tôn trọng. Nhân quyền và dân chủ đối với Mỹ giống như không khí, đương nhiên phải có và hai điều ấy được cả người dân lẫn chính phủ bảo vệ. Ai vi phạm dù chỉ là vô tình cũng bị pháp luật xử lý.
Trái lại ở các nước độc tài, hai vấn đề này luôn bị cấm cản, bóp méo và thậm chí giải thích sai lạc cốt để người dân không được lên tiếng nói trước những việc mà nhà nước, chính phủ đó muốn che dấu để cai trị.
Việt Nam hội đủ hết những yếu tố mà chỉ có các nhà nước độc tài mới có.
Việt Nam xem tiếng nói của những người tranh đấu cho tự do dân chủ, nhân quyền là phản lại chính sách, đường lối lẫn chủ trương của nhà nước. Những tiếng nói phản biện, những hoạt động kêu gọi sự chú ý của dư luận hay ngay cả các buổi tập trung biểu tình chống sự xâm lược của Trung Quốc đều đặt người bất đồng chính kiến vào vị thế chống lại nhà nước.
Chính phủ không phân biệt được thế nào là chống phá nhà nước và chống lại cá nhân trong guồng máy. Chống lại những kẻ đưa ra các chính sách trưng thu đất đai một cách ngu dốt dẫn tới sự đổi chát đất đai lấy quyền thế và giàu có cho những tham quan.
Chính phủ nhiều lúc giây máu ăn phần trên những hợp đồng, những dự án mà người dân thấy ra bên trong cả một âm mưu xẻ thịt quốc gia, ăn mòn lòng tin của người dân với chính phủ.
Tất cả những con người này nhiều hoặc ít bị tập trung vào các trại giam. Họ bị đủ loại cực hình và một ngày nào đó, những người nổi tiếng nhất trong cái tập thể “vì dân” ấy sẽ được kêu ra, dẫn độ ra sân bay Nội Bài và hai mươi giờ sau có mặt tại đất Mỹ, nơi không cần sự có mặt của họ.
Không cần sao Mỹ vẫn cưu mang, vẫn âm thầm hết người này tới người khác được kéo ra hỏi tù, lên máy bay…chấp nhận cuộc sống lưu đày ở Mỹ?
Nước Mỹ có luật pháp. Nước Mỹ cũng có biện pháp và hẳn nhiên biện pháp nằm trong khuôn khổ pháp luật của nước Mỹ luôn là những câu hỏi khó trả lời thỏa đáng trong một cách nhìn. Thử trả lời theo vài cách sau đây.
Thứ nhất, nước Mỹ muốn bày tỏ trách nhiệm với công dân của họ. Những người Mỹ gốc Việt nay đã có người lọt vào quốc hội, vào các vị trí chính quyền và có cả những cá nhân tài năng vượt trội. Tiếng nói của họ đủ sức nặng thuyết phục những chính trị gia nổi tiếng của nước Mỹ. Từ lý do này, Bộ Ngoại giao phải chia sẻ sự quan tâm của người Mỹ gốc Việt trước các hành xử độc tài của chính phủ Việt Nam.
Thứ Hai, trong chính sách can thiệp nhân quyền của nước Mỹ trên khắp thế giới, đặc biệt tại các quốc gia độc tài chuyên chế, đòi hỏi thực thi nhân quyền là chiếc gậy và củ cà rốt không thể chối cãi sẽ được đưa ra nếu Việt Nam thực hiện yêu cầu thả tù chính trị.
Củ cà rốt lần này có thể là TPP cũng có thể là bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương hay thậm chí có thể là một viện trợ ngầm về quân sự.
Những người tù nhân lương tâm mà Việt Nam luôn cáo buộc họ vi phạm luật pháp quốc gia không ai muốn ra khỏi nước vì hơn ai hết họ biết khi sang tới Hoa Kỳ là con đường tranh đấu của họ chấm dứt. Lý tưởng họ theo đuổi và trả giá tan thành theo mây khói. Công an Việt Nam phủi tay thở phào vì đã tống khứ họ sang Mỹ.
Sự thở phào ấy e rằng quá sớm, quá trẻ con và nhất là quá tồi trước nước cờ cao hơn của người Mỹ, ngay cả cờ người.
Đẩy tù nhân chính trị ra khỏi nước nhưng chưa chắc công an đã buông tha. Nhiều kịch bản, biện pháp được cẩn thận vẽ ra và thực hiện một cách kiên trì nhằm cô lập, bôi bẩn hình ảnh của những tù nhân đặc biệt này và lần hồi đẩy họ lún vào vũng lầy của tranh cãi.
Tuy nhiên, người Mỹ đã tiên đoán mọi thứ, kể cả lá cờ vàng của những người đón tiếp.
Điều mà người Mỹ cần là nước Mỹ, nhân dân Mỹ và Quốc hội Mỹ biết chân tướng của những điều mà Việt Nam cố giấu, cố đánh bóng.
Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày và bây giờ là Tạ Phong Tần không phải là những người câm điếc. Họ bị bịt miệng trong nước nhưng khi sang Mỹ làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ, trước Bộ Ngoại giao hay những tổ chức quốc tế khác có quan tâm đến vấn đề nhân quyền thì ắt hẳn điều mất mát của Việt Nam sẽ lớn hơn những đổi chát có tính thời vụ do nhẹ dạ, nông nỗi.
Không hẳn Việt Nam nông nỗi nhưng có thể do họ cả tin. Cả tin vào bộ máy công an mật vụ quá mạnh sẽ ngay lập tức khống chế, bóp nghẹt những ai tiếp tục đối đầu với họ.
Họ sẽ còn tiếp tục thả tù nhân lương tâm vì còn một người, hay một con cờ nữa, trong danh sách phải giải quyết: Trần Huỳnh Duy Thức.
Họ nuôi béo người tù nhân nổi tiếng này cho một sự đổi chát có lời hơn. Cuộc đổi chát này được ngay cả Bộ chính trị tính toán rất chi li vì hơn ai hết chóp bu Việt Nam biết rõ khả năng của người tù đặc biệt này.
Nhưng sau Trần Huỳnh Duy Thức chắc chắn sẽ còn hằng trăm con cờ tù khác xuất hiện. Bất kể tranh đấu thật hay giả, bất kể mục đích “vì dân” hay “vì Mỹ” một khi sự ra đi trở thành hiện tượng thì khuôn mặt bóng nhẫy mỡ của giới chức Việt Nam sẽ hiện ra dưới cặp mắt của thế giới không khác nào những hình nhân được vỗ béo bằng sinh mạng của những người tù.

Không có nhận xét nào: