Pages

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

VN tăng 12 bậc về năng lực cạnh tranh

Image copyrightGetty
Image captionViệt Nam là quốc gia tăng bậc mạnh nhất so với một năm trước trên bảng xếp hạng của WEF.
Việt Nam tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo một báo cáo mới nhất.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Việt Nam (WEF) ở vị trí thứ 56 trong tổng số 140 quốc gia, tăng 12 bậc so với báo cáo hồi năm ngoái.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam được xếp hạng thứ 6, sau Singapore (xếp hạng 2), Malaysia (xếp hạng 18), Thái Lan (xếp hạng 32), Indonesia (xếp hạng thứ 37) và cao hơn Lào (xếp hạng 83), Campuchia (xếp thứ 90) và Myanmar (xếp hạng 131).
Hầu hết các nước Đông Nam Á đều tăng bậc, ngoại trừ Thái Lan (giảm một bậc) và Indonesia (giảm 4 bậc).
Việt Nam là quốc gia tăng bậc mạnh nhất so với một năm trước trên bảng xếp hạng của WEF.
Các chỉ tiêu đánh giá của WEF được chia thành ba nhóm chính:
  • Yêu cầu cơ bản: Bao gồm đánh giá về thể chế, cơ sở hạ tầng, kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục tiểu học
  • Nâng cao hiệu suất: Bao gồm giáo dục cao học, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, thị trường lao động, sự phát triển của thị trường tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường.
  • Sáng tạo: Bao gồm đánh giá về độ tinh vi trong tổ chức của doanh nghiệp và tính đột phá.
Việt Nam được chấm điểm cao nhất về quy mô thị trường (xếp hạng thứ 33) và độ hiệu quả của thị trường lao động (xếp hạng thứ 52).
Tuy nhiên, nước này vẫn xếp hạng khá thấp về thể chế (thứ 85), giáo dục cao học (xếp thứ 95), sự phát triển của thị trường tài chính (xếp hạng 84), trình độ công nghệ (xếp thứ 92), độ tinh vi trong tổ chức doanh nghiệp (xếp hạng 100).

Kinh tế Trung Quốc

Trong báo cáo mới nhất, WEF ghi nhận những biến động gần đây tại Trung Quốc, bao gồm việc phá giá đồng nhân dân tệ, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, tăng trưởng tín dụng nhanh chóng và sự đình trệ của thị trường bất động sản đã gây nhiều nghi ngờ về tương lai của nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, theo WEF, có ba nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc vẫn khó có khả năng 'hạ cánh đau đớn'.
Thứ nhất, Bảng xếp hạng Cạnh tranh Toàn cầu cho thấy Trung Quốc có các nền tảng kinh tế vững chắc. Nước này xếp hạng thứ 28 trong tổng số 140 quốc gia trong xếp hạng năm 2015 - 2016.
WEF ghi nhận việc Trung Quốc có một hệ thống giáo dục bậc tiểu học và y tế cộng đồng phát triển, nước này cũng đã đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng, năng lượng và đảm bảo một nền kinh tế vĩ mô ổn định.
"Các thế mạnh của Trung Quốc không phải nước láng giềng với trình độ phát triển tương đương nào cũng có được", báo cáo nhận định.
Thứ hai, việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là không tránh khỏi và hoàn toàn bình thường do tăng trưởng ở tốc độ chóng mặt của nước này trong hai thập niên qua, theo WEF.
Thứ ba, ngay cả khi nước này vẫn chưa chính thức từ bỏ chỉ tiêu tăng trưởng 7%, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tái cân bằng mục tiêu tăng trưởng, từ số lượng sang chất lượng.

Không có nhận xét nào: