Pages

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Khúc ruột ngoài da

Tạp ghi Huy Phương Theo định nghĩa chữ “kiều” là “ở nhờ, đi ở nhờ làng khác hay nước khác” nên những người này thường được gọi là kiều cư, kiều dân. Chế độ Cộng Sản ở trong nước dùng chữ Việt kiều hay kiều bào để chỉ chung những người Việt hiện đang sống ở hải ngoại. Đây không phải là kiểu dốt chữ nhưng họ có thâm ý “nhận vơ” cho rằng những người Việt này là công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài.





Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh ở Hà Nội, cơ quan phụ trách ra vào Việt Nam
của “Việt Kiều.” (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Do sự “nhận vơ” đó mà ông Trương Tấn Sang trong dịp được Tổng Thống Mỹ Barack Obama tiếp kiến ở Tòa Bạch Ốc hồi Tháng Bảy, 2013, đã cám ơn chính phủ Mỹ đã chăm lo cho các người Việt ở Hoa Kỳ. Đây là lời cám ơn vô duyên, khá trơ trẽn, có lẽ trong thâm tâm hay cố tình, ông Sang cho tất cả những người Việt ở Mỹ đều là con dân của chế độ Cộng Sản Việt Nam, trong khi thực chất Việt kiều của ông chỉ là những người Việt du học tạm thời, nhân viên ngoại giao, mang thông hành Việt Nam đang ở Mỹ. 


Trong một bài viết về Học Viện Quân Sự West Point của Hoa Kỳ bằng tiếng Việt, một tác gỉa trong nước đã hạ bút rằng: “Sinh viên người Việt ở West Point khá đông, nhưng đều là Việt kiều...” thật tình tôi không hiểu hết ý của tác giả, và đây là một câu khá ngớ ngẩn.


Tại Trung Quốc, khái niệm “Hoa Kiều” mang tính cách đứng đắn hơn, vì “Hoa Kiều” chỉ để nói đến những người còn mang quốc tịch Trung Quốc đang “ở nhờ” bên ngoài đất nước của họ. Còn nếu như muốn nói đến tất cả mọi người gốc Hoa tại nước ngoài, không kể họ đang tạm trú hay là thường trú nhân, có quốc tịch hay không có quốc tịch, thì các cơ quan truyền thông nước này dùng danh từ “Hải Ngoại Hoa Nhân” (người Hoa ở hải ngoại). 


Chúng ta, nhất là những người trong nước, phải dùng danh từ “người Việt hải ngoại” để gọi những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài mà không thể cá mè một lứa, hễ cứ người Việt ở ngoại quốc, ai cũng là... “Việt Kiều.”

Những ai đã sống dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa hẳn đã không quên “Hoa Kiều” tập trung ở Chợ Lớn, họ di cư sang Việt Nam từ mấy đời trước, làm ăn buôn bán, sinh con đẻ cái, nhưng không chịu vào quốc tịch Việt Nam. Chính phủ Ngô Đình Diệm, không những đã ra sắc luật cấm ngoại kiều, bất cứ Chà Và hay Tàu Chợ Lớn, đang sinh sống tại Việt Nam làm tám nghề chính liên quan đến huyết mạch kinh tế, mà còn bắt buộc những người cư trú lâu đời phải nhập tịch Việt Nam, từ đó, họ không còn là “ngoại kiều” nữa, mà trở thành “người Việt gốc Hoa” tồn tại cho đến ngày nay. Vậy thì ngày nay chúng ta nhận là “người Mỹ gốc Việt” hay “người Úc gốc Việt” là chính danh.


Vậy thì chính phủ Cộng Sản cũng đừng bao giờ nhận vơ những Dương Nguyệt Ánh, Lương Xuân Việt, Alan Phan là Việt Kiều. Có điều lạ là chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19 Tháng Năm của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam “về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” có 2,199 chữ, nhưng không hề có một chữ “Việt kiều” nào. Tuy vậy trong Bách Khoa Toàn Thư tiếng Việt, người ta vẫn còn dùng chữ một cách lơ lửng: “Việt kiều hay người Việt hải ngoại...” 


Nói chung toàn bộ người Việt hiện nay ở ngoại quốc, có khoảng 4 triệu người Việt sinh sống trên hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có gần 2 triệu người ở Mỹ là những người Việt ở hải ngoại, phần lớn là người tị nạn, không mang quốc tịch Việt Nam (khi ra đi đã bị “cắt” hộ khẩu) không thể gọi đây là Việt kiều!


Nếu nhắm vào các sinh hoạt của người Việt ở ngoại quốc, chúng ta sẽ khẳng định ai là Việt kiều, ai là không. Việt kiều là những người mang cờ đỏ sao vàng, thường tụ tập tại các sứ quán Việt Nam Cộng Sản trong các dịp lễ, Tết, sắp hàng đón tiếp các quan chức Cộng Sản sang thăm nước họ đang sinh sống hoặc “hồ hởi” về nước tham gia các buổi hội nghị hay đón tiếp để được mang thêm hai chữ “yêu nước!”


Nghĩa tốt xấu của mỗi Việt kiều tùy theo hoàn cảnh, được báo chí trong nước loan tin.
Nếu một Việt Kiều Mỹ hay Úc về nước lường gạt thì đó là một người Việt tha phương cầu thực đang sinh sống ở nước ngoài, nhưng nếu là một Việt kiều tiếng tăm, thành công vượt bực thì đó chính là một người gốc gác Việt Nam, khúc ruột ngàn dặm thương yêu trìu mến của chúng ta. 


Cộng Sản là bậc thầy của chuyện đổi giọng và đổi trắng thay đen, cho nên Việt Kiều nguyên xưa kia, chỉ là “những kẻ chạy theo bơ thừa sữa cặn của Đế Quốc Mỹ” nay đã hóa thân thành “khúc ruột ngàn dặm, một thành phần không thể thiếu của tổ quốc.” Và chúng lên mặt kẻ cả dạy dỗ: “Ủng hộ và khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tôn trọng pháp luật và hội nhập vào xã hội nước sở tại, nơi bà con sinh sống,” cũng như sẽ “phối hợp chặt chẽ với các nước có người Việt Nam sinh sống nhằm hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú.” 


Trước kia những nhà đại trí thức như Nguyễn Khắc Viện, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường cũng nghĩ lầm là Việt Cộng yêu nước mà trở về, mới sống trong tai ương, chết trong vùi dập. Ngày nay, bài học của những Việt Kiều cỡ lớn như Nguyễn Trung Trực (Úc), Trịnh Vĩnh Bình, (Hòa Lan), Nguyễn Gia Thiều (Pháp), Nguyễn An Trung (Nhật), Nguyễn Đình Hoan (Mỹ)... đến Việt kiều “tép” như Trần Trường đã cho chúng ta hiểu rõ hơn thế nào là Cộng Sản.


Gần đây việc một “Việt Kiều” tên Bùi Văn Tánh, nguyên dân Nha Trang, năm 1980 vượt biển đến Mỹ, định cư tại Mỹ đã 25 năm, trở về cố quốc bị công an bắt giữ về tội vượt biên trước đây. Tị nạn ở hải ngoại hiện nay có bao nhiêu người mang tội vượt biển, vượt biên trái phép, trốn trại, cướp tàu, trốn thuế, hối lộ chính quyền địa phương, mua bãi, “sở hữu hai bao cao su đã dùng rồi,” tội còn sờ sờ ra đó!


Chúng ta “được gọi” là “khúc ruột ngàn dặm” nhưng 40 năm qua chúng ta đã chịu bao cảnh “ruột héo, gan bầm,” đoạn trường (đứt ruột!) khi phải bỏ nước ra đi.

Không có nhận xét nào: