Cách giải quyết cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu đang gây chia rẽ trong khối thành viên EU, đặc biệt đối với đề xuất tái phân bổ 120.000 người di cư.
BBC Tiếng Việt mời các nhà báo, nhà quan sát và nhân chứng lịch sử từ hải ngoại tham gia Bàn tròn thứ Năm về vấn đề này, cũng như nhắc về sự kiện nhiều đợt người Việt Nam di cư trong thập niên 70, 80.
Thảo luận được phát trực tiếp lúc 19h30 giờ Việt Nam, thứ Năm ngày 24/09/2015 trên YouTube: http://bit.ly/1ORJPik và Google + của BBC Tiếng Việt:http://bit.ly/1Qynxk4
Vấn đề chính trong thảo luận tuần này xoay quanh phản ứng của người dân cũng như chính trị gia châu Âu trước làn sóng di dân diễn ra bất ngờ và nhanh chóng.
Một số người Việt sống ở nước ngoài cũng liên hệ sự kiện này với làn sóng tỵ nạn của người Việt Nam từ cuối thập niên 70.
Câu chuyện lịch sử
Theo thống kê của trang mạng chuyên đưa tin về người di cư, Migrations News, có tới hơn một triệu người Việt Nam tỵ nạn tính từ năm 1975, trong đó lớn nhất ở Hoa Kỳ, Úc, Canada, Pháp, Đức và Anh Quốc.
Sau giai đoạn đầu tiếp nhận, Hong Kong - một trong những điểm dừng đầu tiên phổ biến nhất của di dân Việt - bắt đầu thực hiện rà soát hồ sơ và ưu tiên những người tỵ nạn chiến tranh, tỵ nạn chính trị.
Diễn biến cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu cũng đang tới bước tương tự. Nhiều quốc gia trong khối Shenghen buộc phải đóng cửa biên giới và bắt đầu quá trình xét tình trạng, điều kiện của người di cư.
Các lãnh đạo trong khối EU đã cam kết thêm một khoản viện trợ 1,1 tỷ đôla cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đang trợ giúp người tỵ nạn Syria ở Trung Đông.
Việc trợ giúp sẽ được mở rộng đến các nước láng giềng của Syria, nơi hàng triệu người chạy trốn kể từ khi cuộc xung đột của nước này diễn ra.
Đây được coi như là một phần của nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư sang EU.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc tăng cường biên giới bên ngoài EU.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo ‘làn sóng lớn nhất của những người tỵ nạn và di cư vẫn còn phía trước’.
Các lãnh đạo EU đã rất chật vật trong việc tìm ra một giải pháp có phối hợp giữa các nước để đối phó với cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có các cuộc thảo luận vào đêm trước kỳ họp thượng đỉnh và nói việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Syria là điều then chốt cho việc xử lý cuộc khủng hoảng di dân hiện thời.
Hai ông cũng đồng ý rằng cần phải làm thêm nữa để trả về các di dân không đáp ứng tiêu chuẩn tỵ nạn, phát ngôn viên thủ tướng Anh nói.
Có tới gần 480.000 di dân đã tới châu Âu bằng đường biển trong năm nay, và hiện đang vào châu Âu với tốc độ gần 6.000 người một ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét