Pages

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Nên tăng cường hay giảm bớt “vai trò lãnh đạo của Đảng”?


121011-193527-640x176
Nguyễn Tiến Trung – Từ lâu rồi, mình thấy ở Việt Nam có một hiện tượng rất thú vị (hay kinh dị) là khi có bất kỳ vấn đề xã hội nào diễn ra, thường là sẽ có những hội thảo với cái tên na ná nhau. Đó là “Vấn đề ABC, thực trạng và giải pháp”. Và giải pháp luôn được đưa lên hàng đầu, trở thành kinh điển là “tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng [cộng sản] với vấn đề ABC”.
Ví dụ như ngày 25/6/2015, Ban bí thư TW đảng đã ra chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Sau khi sự lãnh đạo của đảng được tăng cường với mọi mặt đời sống xã hội, các vấn đề xã hội có được giải quyết hay không, có lẽ ai cũng biết cả. Mới đây, các chuyên gia đã thẳng thắn “một nửa” khi chỉ ra vấn đề không phải nằm ở chỗ thiếu sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước, mà vấn đề lại nằm ở chỗ quá dư thừa sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước.
Tóm lại, đảng, nhà nước đang là vấn đề lớn cản trở sự phát triển bền vững của đất nước.
[TBKTSG] Nhà nước phình to, ôm đồm, trùng lắp, thiếu giải trình… đang trở thành lực cản cho thị trường phát triển.
[TBKTSG] Tại diễn đàn này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng: “Sự trói buộc đối với đất nước giờ nằm ở thượng tầng kiến trúc”. Một khía cạnh quan trọng của vấn đề được ông phân tích: ngân sách đang phải gánh cho hoạt động của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, tức tương đương 2-3 nhà nước. Trong khi đó, quản trị nhà nước lại dựa trên nguyên tắc tập thể, dẫn đến tình trạng không ai chịu trách nhiệm. Theo ông, đã đến lúc phải thiết kế lại cấu trúc quyền lực trên nền tảng ngân sách, phải tuyên ngôn là tiền của dân không chịu được cách nuôi Nhà nước như vậy”.
Nghĩa là người dân Việt Nam chơi sang hơn các nước khác, đóng tiền thuế để nuôi tới 2, thậm chí 3 nhà nước [đảng – nhà nước – mặt trận], trong khi không ai ở nhà nước chịu trách nhiệm về bất cứ vấn đề gì.
Dẫn chứng thêm lần nữa. nhờ tăng cường sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước trong công tác giáo dục và công tác quốc phòng, nhà thầu Trung Quốc ở Vũng Áng không tuyển đủ công nhân Việt Nam mà phải nhập 10 000 công nhân Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia như thế nào thì ai cũng rõ cả.
Các chuyên gia chỉ thẳng thắn “một nửa” vì ai cũng nói nhu cầu cần cải cách thể chế nhà nước nhưng không ai dám nói thẳng ra phải cải cách như thế nào, chỉ nói hết sức chung chung. Thôi thì chuyện nói thẳng đành để dân thường thấp cổ bé họng nói giùm các chuyên gia vậy.
Nhu cầu cải cách căn bản nhất và bức thiết nhất hiện nay của xã hội Việt Nam là khiến cho nhà nước trở nên chính danh, nghĩa là lãnh đạo phải do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng, và thiết kế tổ chức nhà nước phải được minh định qua bản hiến pháp dân chủ, do toàn dân phúc quyết. Nói cách khác, chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân chứ không phải thuộc về bất kỳ một đảng phái nào.
Một điểm nữa là dân không ai sống và làm việc theo chỉ thị của một đảng, mà bất cứ chủ trương, chính sách của bất kỳ đảng nào phải được cụ thể qua pháp luật chuẩn mực. Trở lại ví dụ trên, đáng lẽ phải có biện pháp để luật phòng cháy chữa cháy được thực thi, ban chấp hành đảng cộng sản lại ra “chỉ thị”. Đó không phải là cách thức hoạt động của nhà nước pháp quyền, nơi mà người dân “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.
Đã không phải là nhà nước pháp quyền, hay nhà nước cộng hòa chính danh thì Công Lý vắng bóng và đất nước đầy rẫy vấn đề bức xúc là điều dễ hiểu.
Do đó, “nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực” chính là giải pháp cho Việt Nam.
Đất nước đang cần Công Lý, hãy cùng nhau góp ý! ;)
– Khi Nhà nước “nghiện” quản
– Nhập 10.000 công nhân TQ vì lao động trong nước không đủ trình độ!
Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy

Không có nhận xét nào: