Pages

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Phạm Quang Nghị trước cơ hội làm Tổng Bí Thư

H1Lẽ ra ở tuổi 65 không được ứng cử vào Bộ Chính Trị. Nhưng mới đây Đảng CSVN quy định thêm một chi tiết cho phép những người ở tuổi 65 nếu ứng cử vào một trong bốn chức vụ như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng, Chủ tịch quốc hội sẽ được nới thêm tuổi.
Lý do của việc thêm tuổi này là nhiều uỷ viên BCT hiện nay đã quá tuổi, nếu để theo quy định cũ thì quá nửa uỷ viên BCT phải về hưu. Đảng CSVN buộc phải nới thêm tuổi để một số uỷ viên BCT cũ ở lại, đảm bảo tiếp tục sự ổn định cũng như tiến trình cải cách kinh tế, ngoại giao. Hai trọng tâm chiến lược quan trọng nhất mà ĐCSVN hiện nay.
Nếu như Nguyễn Tấn Dũng ở lại BCT với lý do để thúc đẩy việc cải cách kinh tế thì lý do của Phạm Quang Nghị, bí thư thành uỷ Hà Nội là ở lại để duy trì chế độ CNXH.

Ở lại thêm nhiệm kỳ nữa, Phạm Quang Nghị chỉ còn đường hướng tới vị trí Tổng Bí Thư.
Những đời TBT trước đây đều là người miền Bắc và được sự thiện cảm của Trung Quốc. Phạm Quang Nghị có hai điểm này, đồng thời Nghị còn có chuyên môn công tác đảng và tuyên huấn.
Cứ theo như tiền lệ, Nghị ăn đứt các đối thủ ứng cử viên cho chức TBT.
Không phải bây giờ, mà trước đây Nghị đã nhiều lần muốn bứt phá để lên làm TBT. Nhưng số phận của Nghị về duy tâm dường như không được tốt cho lắm. Mặc dù Nghị có quan hệ mật thiết với các thầy chùa cao tay ấn ở miền Bắc.
Đáng buồn là Mạn Đà La của Mật Tông và sự phù hộ của Đức Phật không đến với Nghị. Việc cấu kết với Phùng Quang Thanh để tạo quyền lực bất thành do Thanh bị ngã bệnh đột ngột. Đã thế trước đó Nghị tự mình hại mình bằng việc chặt hạ cây xanh thủ đô, tuyên bố dân chúng ỷ lại nhà nước trong lúc ngập lụt, dùng thủ đoạn cắt xén để vu khống Tổng Giám Mục Hà Nội. Toàn những việc Nghị làm mất lòng dân, dẫn đến cuộc lấy phiếu tín nhiệm trong BCT vừa qua Nghị xếp áp chót bảng
Chỉ còn thời gian ngắn nữa là đến lúc ngã ngũ cho chức TBT. Các đối thủ của Nghị phanh phui ra những việc tiêu cực đến bi hài ở Hà Nội. Đó là vụ một huyện của Hà Nội quan chức lãnh đạo là nguyên cả một dòng họ.
Tiếp đến là việc thi chạy viên chức ở Sóc Sơn với mức giá hàng trăm triệu đồng để làm giáo viên mầm non huyện.
Trước nữa là chuyện buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, chuyện ở Hoài Đức, bệnh viện nhân bản hàng nghìn phiếu xét nghiệm huyết học giống nhau giống nhau để rút tiền ngân sách.
Tắc đường, lụt lội, xây dựng trái phép, ô nhiễm môi trường và bệnh viện lẫn trường học đều tồi tệ là những điều dễ trông thấy Nghị đã làm cho nhân dân Hà Nội dưới thời lãnh đạo của mình. Tuy nhiên mặt khác Nghị có công tuyên truyền cho bộ mặt của Đảng CSVN bằng những lễ hội hoành tráng, xa hoa, tốn kém. Nghị cũng thể hiện tinh thần kiên quyết thù địch với đế quốc Mỹ trong chuyến sang thăm Hoa Kỳ bằng cách nhục mạ thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Nghị du nhập văn hoá phim ảnh Trung Quốc phổ biến tần suất kín trên truyền hình Hà Nội và ủng hộ du nhập Phật Giáo kiểu Trung Quốc vào Việt Nam.
Xa dân, ghét Mỹ, thân Tầu, phò Đảng lại là những yếu tố cần thiết cho một người lãnh đạo cao cấp trong Đảng cộng sản. Thế nên, thoạt nhìn thì tưởng Phạm Quang Nghị đang thất thế, mất uy tín trong cuộc đua vào chức TBT. Nhưng đó là cái nhìn của người dân mà thôi. Còn trong tiêu chí của phe sống chết giữ bằng được Đảng CSVN và lý tưởng CNXH bằng mọi giá, thì Phạm Quang Nghị lại là nhân vật sáng giá nhất để làm Tổng Bí Thư.
Trường hợp Nghị làm TBT, Nguyễn Tấn Dũng là Chủ tịch nước, Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch quốc hội, Nguyễn Thiện Nhân làm thủ tướng, đấy có lẽ là lựa chọn an toàn vưà đảm bảo tính ổn định chính trị duy trì chế độ CNXH vừa đảm bảo cải cách kinh tế xã hội.
Tuy nhiên cho dù cơ cấu có thế nào đi nữa, thì sự đảm bảo chế độ cộng sản cai trị vẫn là yếu tố đầu tiên mà cơ cấu nhân sự mới của Bộ chính trị Đảng CSVN kỳ tới đây phải chứng minh giữ được điều đó.
Và nếu Phạm Quang Nghị không nắm được chức TBT Đảng, chức này vào tay nhân vật khác, thì thế lực cai trị độc tài ở Việt Nam tiếp tục là Đảng CSVN mà thôi. Chẳng có nhân tố đột biến nào trong những bộ mặt tham quyền, tiền ở Bộ Chính Trị Việt Nam hiện nay để mà hy vọng họ nắm quyền, đất nước sẽ có tương lai sáng lạn cả.
Thế nhưng nếu Phạm Quang Nghị làm TBT, người dân sẽ được chứng kiến màn đấu đá, hạ bệ, tranh giành quyền lực trong suốt nhiệm kỳ 2016 đến 2021. Những màn công kích nhau đầy kịch tính giữa các phe phái lợi ích. Sẽ có nhiều nhân vật mang số phận bi thảm như Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh và án tù cho các tổng giám đốc tập đoàn, ngân hàng.
May ra trong sự tranh giành khốc liệt ấy sẽ thúc đẩy một phe nào đó trong ĐCSVN phải chọn nước cờ bảo vệ phe mình bằng cách xoá sổ Đảng CSVN, chọn con đường dân chủ, đa đảng cho đất nước. Một chọn lựa không phải vì sự tử tế, mà do toan tính thấy bất lợi bèn xoá bàn cờ đi bày lại. Dẫu biết đó là hy vọng mong manh, nhưng trông chờ người cộng sản Việt Nam thay đổi chỉ có từ điểm toan tính ấy chứ không thể mong họ thay đổi vì sự tiến bộ cho lợi ích dân tộc.
Sự tấn công mới đây như vụ chạy công chức và bổ nhiệm quan chức ở Hà Nội vào Phạm Quang Nghị, cho thấy trong Đảng đang có những ý kiến manh mẽ để Nghị ứng cử vào chức TBT, vì thế các đối thủ của Nghị phải tìm cách triệt hạ uy tín của Nghị trước thềm đại hội 12, dập tắt những ý kiến đề cử Nghị.
Câu hỏi lớn nhất của Nghị bây giờ là có được sự giới thiệu người kế nhiệm của Nguyễn Phú Trọng hay không. Thông thường các Tổng Bí Thư sắp mãn nhiệm thường chọn người kế tục, trước khi bầu bán, Tổng Bí Thư tiền nhiệm hay cho người kế nhiệm tương lai đi cùng, xuất hiện cùng trong sự việc nào đó. Một trong những cách giới thiệu đầy tính quái thai, dị thường của cộng sản chuyên chế pha trộn phong kiến độc tài là trước ngày đại hội, ông Tổng Bí Thư đến dâng hương ở lăng Hồ Chí Minh, kẻ đi tháp tùng dâng hương cùng ông là kẻ được mặc định là sẽ thay thế ông ta.
Nghị đi Mỹ, chuyến đi mà trợ lý của Nghị là Hồ Quang Lợi khoác lác cho rằng mục đích tiền trạm cho chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ sau này. Ý như muốn nói Nghị là đại diện của Nguyễn Phú Trọng nên được Trọng cử đi trước sắp xếp nội dung làm việc.
Dường như ông Trọng chưa định ra được người kế nhiệm của mình, hay nói cách khác là ông chưa định chọn Phạm Quang Nghị. Nên từ lúc đi Mỹ về đến nay, ông Trọng tránh những động thái để người ta hiểu nhầm ông đã chọn Nghị làm người kế nhiệm.
Sẽ là bất lợi lớn nhất cho Phạm Quang Nghị trong việc ứng cử chức TBT, nếu như thiếu đi sự đề cử của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng gần đây không còn mặn mà với Tàu, đã thế ông còn có vẻ vơi thù địch với phương Tây. Tiêu chí thân Tàu, ghét Mỹ của Nghị không còn là hứng thú của ông Trọng nữa để ông giới thiệu Nghị.
Có lẽ Nghị sẽ trông chờ vào sự giới thiệu từ đích thân miệng Tập Cận Bình trong chuyến sang thăm Việt Nam sắp tới đây. Đó là lời giới thiệu nặng ký nhất, nếu không được chấp nhận sẽ kèm theo là những đòn trừng phạt của Trung Quốc đối với Việt Nam. Cơ hội của Nghị dẫu thế nào vẫn là tràn trề hy vọng làm TBT đảng CSVN.

Không có nhận xét nào: