Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong buổi dạ tiệc ở Seattle, tối 22/09/2015.REUTERS/Jason Redmond
Cuộc họp thượng đỉnh giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Barack Obama ngày 25/092/2015 tại Nhà trắng sẽ là dịp để lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ đề cập đến những hồ sơ đang gây căng thẳng giữa hai nước, trong đó gai góc nhất sẽ là hồ sơ Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng bồi đắp và quân sự hóa nhiều đảo ở vùng Biển Đông.
Quan hệ Mỹ-Trung hiện nay xuống đến mức xấu nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Đến mức mà nhiều chuyên gia dự báo là Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tiến đến một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Các vụ tấn công tin tặc nhắm vào những công ty Mỹ, mà Trung Quốc bị nghi là thủ phạm, các vụ đàn áp chính trị ở Trung Quốc, chính sách thương mại mang tính bảo hộ của Bắc Kinh và đặc biệt là hồ sơ Biển Đông, là những vấn đề chính đang gây sóng gió trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Khi ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Bắc Kinh không chỉ gây lo ngại cho các nước trong khu vực, mà còn khiến Hoa Kỳ giận dữ, bởi lẻ những hành động đó trực tiếp đe dọa đến những lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ ở khu vực này cũng như có nguy cơ phá vỡ thế độc tôn của Mỹ ở vùng biển châu Á.
Hoa Kỳ đã công khai lên án Bắc Kinh vì xem đó là những hành động « gây mất ổn định » và « đe dọa an ninh khu vực ». Mới tuần trước, thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain còn thẳng thừng tuyên bố Biển Đông « không phải là thuộc Trung Quốc », sau khi Phó đô đốc Viên Dự Bách ( Yuan Yubai ), tư lệnh hạm độ Bắc Hải của Trung Quốc khẳng định Biển Đông là của Trung Quốc, vì tên tiếng Anh của vùng biển này là « South China Sea ».
Theo thượng nghị sĩ McCain, biểu hiện rõ rệt nhất cho việc tôn trọng quyền tự do lưu thông trên biển, đó là không mặc nhiên công nhận khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Ông McCain thúc giục hải quân Mỹ đưa tàu chiến đến khu vực này.
Vào tuần trước, dân biểu Cộng hòa Randy Forbes cùng với 28 đồng nghiệp cũng đã gởi thư cho tổng thống Obama và bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, cảnh báo rằng những thái độ thụ động của Hoa Kỳ sẽ tạo tính chính đáng cho cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo lời một quan chức Lầu năm góc, chính quyền Obama thật ra cũng đang nghiên cứu phương án đưa tàu chiến vào khu vực giới hạn 12 hải lý nói trên.
Các lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn xem chính sách « xoay trục » sang châu Á của Mỹ trên thực tế chỉ là nhằm kềm chế Trung Quốc về mặt địa chính trị. Bản thân chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang khai thác tinh thần dân tộc của dân Trung Quốc, đặc biệt trên vấn đề chủ quyền Biển Đông, để qua củng cố vị thế của ông trong nước. Cho nên, chắc chắn là ông sẽ không làm theo yêu cầu của chính quyền Obama là « ngưng ngay lập tức các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông ».
Trên hồ sơ nhân quyền, cũng không ai chờ đợi ông Tập Cận Bình sẽ nhân nhượng Hoa Kỳ, vì làm như thế có thể gây phương hại cho vị thế của ông trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và hơn nữa cũng không đúng với đường lối của ông là tăng cường kiểm soát chính trị trên một xã hội năng động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét