Pages

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Đức Giáo Hoàng sẽ nói gì trước Quốc Hội Hoa Kỳ?

Nguyễn Khanh, GĐ Ban Việt Ngữ

000_Was8963605

Đức Thánh Cha Phanxicô tại Washington, DC ngày 23/9/2015.
 AFP photo






  Ngày mai tại Washington DC. Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ đọc bài diễn văn tại Quốc Hội Mỹ để gửi người dân Hoa Kỳ. Đây là một sự kiện rất đặc biệt, vì Ngài là vị Giáo Chủ Giáo Hội Công Giáo La Mã đầu tiên được mời đọc diễn văn ở Quốc Hội Liên Bang, và chỉ chi tiết đó thôi cũng chứng tỏ cho toàn thế giới sự quý trọng mà hành pháp, lập pháp và người dân Mỹ dành cho Ngài. Diễm Thi xin được gửi đến quý vị cuộc trao đổi ngắn với anh Nguyễn Khanh, hiện đang có mặt tại trụ sở Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ.

Diễm Thi: Chào anh, mọi người trông chờ gì ở bản thông điệp Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ đọc ở Quốc Hội Liên Bang Mỹ?
Nguyễn Khanh: Tôi nghĩ rằng nếu nói là trông chờ thì người ta trông chờ rất là nhiều. Phía bên đảng Dân chủ thì người ta kêu gọi Ngài nên lên tiếng về vấn đề xóa đói giảm nghèo, Ngài nên nói chuyện về vấn đề môi trường. Ở phía bên Đảng Cộng Hòa thì kêu gọi Ngài nên lên tiếng nhắc nhở Giáo Hội Công Giáo La Mã không chấp nhận cho phụ nữ phá thai, không chấp nhận hôn nhân đồng tính và đặc biệt nhất là Ngài chỉ nên nói những chuyện mà Hội Thánh cần phải làm thay vì là nói chuyện chính trị.
Điểm mà tôi để ý đến là trên chuyến máy bay từ Havana đến Washington DC, Đức Thánh Cha nói với các nhà báo là bản thông điệp Ngài đọc trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ sẽ không mang màu sắc chính trị. Ngài nói rõ ràng rằng Ngài không lên tiếng kêu gọi dân biểu và các vị Thượng nghị Mỹ bãi bỏ cấm vận Cuba. Ngài coi dó là chuyện của Mỹ và Cuba.
Mục tiêu quan trọng nhất là Ngài đến đây với sứ mệnh của một tông đồ, trách nhiệm của Ngài là trách nhiệm rao giảng tin mừng và Ngài sẽ dùng bản thông điệp mà Ngài đọc ngày mai trước Lưỡng viện Quốc hội để rao giảng tin mừng, để nói với mọi người rằng trách nhiệm của con người là trách nhiệm phải đem lại công bằng và bác ái. Cái trách nhiệm đó là không phải chỉ cho cá nhân, cho người chung quanh, mà đó là trách nhiệm cho một tập thể lớn hơn. Tập thể đó là thế giới và Ngài hy vọng Ngài sẽ làm được điều đó vào ngày mai.
Cũng phải thưa thêm là ngay chính các viên chức của Tòa Thánh Vatacan cũng không biết là ngày mai Ngài sẽ đọc một bản thông điệp hay Ngài sẽ tự phát biểu những điều Ngài thấy cần phải nói. Đây là điều rất ngạc nhiên vì hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia có vinh dự được mời ra trước lưỡng viện Quốc Hội thì họ đã có bài diễn văn soạn sẵn.
Riêng với Đức Thánh Cha thì nhiều khi có soạn sẵn Ngài cũng không dùng đến vì trong suốt hơn 50 năm làm Linh mục, làm Giám mục, làm Hồng Y và bây giờ lên ngôi Giáo Hoàng, Ngài là người có những bài giảng hàng ngày, nên chuyện nói với người dân Hoa Kỳ không phải là chuyện khó với Ngài dù không có bài diễn văn soạn sẵn trước mặt.
Diễm Thi: Trong 24 giờ đồng hồ qua, tin tức cho biết có một số vị dân cử không hài lòng với Đức Thánh Cha. Muốn hỏi anh là tại sao vậy? Ảnh hưởng của chuyện này như thế nào?
Nguyễn Khanh: Đối với một nhà lãnh đạo đặc biệt và nổi tiếng như Đức Thánh Cha Francis thì cả thủ đô Washington đang nóng lên vì chuyện đón tiếp Ngài. Nhưng thật sự thì không phải ai cũng ủng hộ Ngài.  Tôi xin đơn cử một thí dụ là vị dân biểu Paul Gosar của tiểu bang  Arizona nói với các nhà báo là ngày mai ông sẽ tẩy chay để phản đối vì Đức Giáo Hòang cấp tiến, có vẻ nghiêng về phía cánh tả. Ông muốn Đức Giáo Hoàng bảo thủ hơn.
Nhưng nếu chúng ta hỏi các vị dân cử khác, kể cả ông Chủ tịch Hạ Viện là ông John Boehner, kể cả người đang điều hành khối thiểu số ở tại Hạ Viện là bà Nancy Peloci thì tất cả đều đang nức lòng để gặp Đức Thánh Cha vào ngày mai.
Như vậy là có dư luận chống đối nhưng số đó quá nhỏ so với sự ủng hộ mà mọi người dành cho Ngài.
Đây cũng không phải là sự ngạc nhiên nếu chúng ta nhìn vào các cuộc thăm dò thì có đến 70% người dân toàn thế giới quý mến Ngài. Tới 90% người công giáo toàn thế giới kính trọng Ngài. Tôi nghĩ rằng ngay các chính trị gia của Hoa Kỳ cũng chỉ ước mơ được một phần nhỏ sự quý mến và kính trọng đó.
Diễm Thi: Nghe nói vé vào Nhà Trắng đã khó, vé vào Quốc Hội còn khó hơn nữa, anh có thể kể cho quý khán thính giả về chuyện này được không?
Nguyễn Khanh: Đương nhiên chiếc vé để vào Quốc Hội liên bang Hoa Kỳ để được chứng kiến hình ảnh lịch sử là Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô đọc bản thông điệp gửi nhân dân là chiếc vé "đắt" nhất, khó tìm nhất ở thủ đô Washington bây giờ. Chị thử tưởng tượng mỗi vị dân biểu, thượng nghị sĩ ... mỗi người chỉ có một vé mà thôi. Chiếc vé họ chưa cầm trong tay thì đã có người xin. Người xin chiếc vé có thể là vợ, là mẹ, là bạn học, là một linh mục mà họ quen... vì ai cũng muốn được chứng kiến Ngài đọc bài diễn văn mang thông điệp kêu gọi mọi người cùng biết sống yêu thương nhau, công bằng và bác ái.
Diễm Thi: Cũng xin thưa thêm cùng quý khán thính giả là Văn Phòng Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ có gửi văn thư nhắc nhở tất cả các vị dân cử phải lưu ý về thủ tục ngoại giao, như không được chìa tay xin bắt tay Đức Thánh Cha, không được vỗ vai Ngài, không được níu kéo Ngài vì bất kỳ lý do gì. Riêng phụ nữ thì phải mặc áo che khuỷu tay, quần phải dài quá đầu gối, và một điểm quan trọng khác nữa là không được hò hét lúc Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn. Một lần nữa, thay mặt quý khán thính giả, cám ơn Anh Nguyễn Khanh rất nhiều.
Nguyễn Khanh: Cám ơn chị Diễm Thi. Từ trụ sở Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ, tôi là Nguyễn Khanh tường trình đặc biệt cho đài ACTD
.

Không có nhận xét nào: