Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

VN có đứng trước nguy cơ giảm phát?

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP GETTY
Báo Financial Times (FT) nói Việt Nam có nguy cơ đối mặt với giảm phát lần đầu tiên, sau khi chỉ số giá tiêu dùng tháng Chín tăng ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Số liệu vừa được Tổng Cục Thống kê Việt Nam công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Chín giảm 0,21% so với tháng trước.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây CPI tháng Chín giảm so với tháng trước, cơ quan này cho biết.

Tờ Financial Times trong bài ngày 24/9 nói đây là một "cú xoay đầu khác thường" đối với một quốc gia từ lâu đã đối phó với tình trạng lạm phát vượt tầm kiểm soát.
Theo FT, diễn biến lạm phát tại Việt Nam đang phản ánh nhu cầu yếu kém, giá hàng hóa giảm và chi phí sản xuất giảm trên toàn cầu.
"Đối với các nhà hoạch định chính sách, đây là một thế tiến thoái lưỡng nan", FT nhận định.
"Nếu họ muốn giữ lạm phát quá thấp, nền kinh tế có thể rơi vào giảm phát, và hậu quả có thể là suy thoái hoặc tăng trưởng chậm, khiến nhu cầu tiêu dùng lẫn đầu tư đều giảm".

Nguyên nhân lạm phát thấp

Tuy nhiên, ý kiến từ giới chuyên gia lại cho rằng Việt Nam khó có khả năng rơi vào giảm phát trong năm nay.
"Tôi không nghĩ Việt Nam đối mặt với nguy cơ giảm phát", Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh nói với BBC hôm 24/9.
"Hiện nay mức chỉ số giá vẫn còn dương và khả năng Việt Nam rơi vào giảm phát hiện nay chưa có dấu hiệu cụ thể".
"Do điều chỉnh tỷ giá nên ngành điện báo lỗ muốn tăng giá, Bộ Tài chính thì đang muốn tăng thuế và các khoản thu khác cho ngân sách."
"Chỉ số tăng tín dụng của Việt nam thì tăng rất mạnh nên nền kinh tế Việt Nam không có dấu hiệu quá trầm lắng."
Ông Doanh cho biết nguyên nhân lạm phát thấp là do "giá xăng dầu giảm hai lần, khiến cước phí vận tải giảm, từ đó kéo theo mặt bằng giá giảm đáng kể."
"Trong khi đó mặt bằng giá về chi tiêu, giáo dục, giải trí lại tăng lên vì là mùa học sinh đi học và phụ huynh phải mua sắm, đóng góp cho nhà trường", ông nói.
Tuy nhiên ông cho rằng chỉ số giá tiêu dùng giảm cũng có thể mở ra các cơ hội cho nền kinh tế.
"Chỉ số giá tiêu dùng giảm thì cũng mở ra khả năng giảm mặt bằng lãi suất".
"Lãi suất của Việt Nam hiện nay là cao nhất trong khu vực, vào khoảng 7%. Đó lãi suất ưu đãi, còn những lãi suất thương mại bình thường có thể lên đến 10% trong khi lãi suất ở Hoa Kỳ chỉ khoảng 0,5% và ở Thái Lan là 3%."
"Vì vậy nên chi phí đầu vào đối với các doanh nghiệp Việt Nam cao, tác động tới giá thành, tác động tới năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam."

Không có nhận xét nào: