Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Cả ngàn người xuống đường tại Sài Gòn và Hà Nội phản đối Trung Quốc




Biểu tình tại Hà Nội ngày 05/06/2011, phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông
REUTERS



Thụy My / Trọng Nghĩa / Trọng Thành
Hàng trăm người tập hợp trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, cả ngàn người trước tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, vào hôm nay, 05/06/2011, đông đảo người dân trong nước, đã xuống đường phản đối các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực Biển Đông.
Các cuộc biểu tình và tuần hành đã diễn ra một cách ôn hòa, quy tụ chủ yếu là thanh niên, nhưng cũng thu hút nhiều nhân sĩ trí thức lớn tuổi.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, khoảng 300 người đã tập hợp biểu tình trong nửa tiếng đồng hồ trước khi giải tán một cách ôn hòa theo yêu cầu của 50 cảnh sát vũ trang được phái đến nơi theo dõi.

Hãng tin Mỹ AP còn cho biết thêm là sau khi rời nơi biểu tình, đoàn người còn tuần hành qua các đường phố trung tâm Hà Nội hướng về hồ Hoàn Kiếm, vừa đi vừa hát quốc ca và hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc.

Những người tham dự đã mang theo đủ loại biểu ngữ, nội dung đả kích Trung Quốc xâm lấn vùng biển đảo của Việt Nam như : "Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam", " Phản đối Trung Quốc gây hấn", "Trung Quốc phải chấm dứt gây hấn", "China, hàng xóm to xác, xấu tính", "Phản đối đường lưỡi bò phi pháp"…

Có người còn trương cờ Trung Quốc nhưng bên trên có in thêm biểu tượng của quân cướp biển là hình chiếc đầu lâu bên trên hai lưỡi kiếm đan chéo vào nhau. Bên cạnh đó cũng có những khẩu hiệu ghi bằng Việt ngữ và Hoa Ngữ, nội dung nêu bật "Trung Hoa vĩ đại, xử sự tầm thường".

Một biểu ngữ khác mang chân dung tướng Võ Nguyên Giáp bên trên ghi chữ "Trung Quốc phải chấm dứt gây hấn", bên dưới kêu gọi "Việt Nam tinh nhuệ hóa quân đội".

Trả lời câu hỏi của AFP, một tư chức 50 tuổi, giải thích lý do thúc đẩy ông tham gia cuộc biểu tình như sau : "Chúng tôi đến đây để yêu cầu chính phủ có một số biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia". Một sinh viên 21 tuổi cho biết là sở dĩ họ phải biểu tình vì cảm thấy đất nước bị Trung Quốc sỉ nhục.

Trả lời RFI, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tại Hà Nội, một người đã quan sát cuộc biểu tình, xác nhận đây là một hành động "tự phát" của quần chúng :


http://telechargement.rfi.fr.edgesuite.net/rfi/vietnamien/audio/modules/actu/201106/SOn_VN_1_5-6.mp3
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tại Hà Nội 05/06/2011
by Trọng Thành
Nghe (02:28)



"Cuộc tuần hành, biểu tình trước đại sứ quán tại Hà Nội diễn ra ngày hôm nay là cuộc biểu dương lực lượng không có người tổ chức, người cầm đầu, đều là do tự phát.


Vào khoảng lúc 7giờ 30, đã có lác đác một số người tập trung ở một số quán cà phê xung quanh công viên, chỗ có tượng đài Lênin, tức là trước cửa đại sứ quán Trung Quốc.


Đến lúc vào khoảng gần 8 giờ, đã có khoảng 100 người tụ tập, giương cao biểu ngữ và khẩu hiệu. Chúng tôi thấy tất cả những khẩu hiệu này đều là phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc vừa có cử chỉ gây hấn tại vùng Biển Đông thuộc lãnh hải của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.


Tất cả những người đi biểu tình hôm nay đều thể hiện một tinh thần yêu nước, luôn luôn đứng bên cạnh nhau và tỏ một thái độ rất cương quyết đối với Trung Quốc. Cử chỉ thì rất ôn hòa.


Vào khoảng gần 9 giờ, cảnh sát, các lực lượng an ninh có tới và yêu cầu mọi người dời khỏi khu vực vườn hoa ở trước cửa đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Họ dùng một cái dây mềm tiến vào đoàn người để buộc đoàn người rời khỏi cái khu vực vườn hoa đó. Lúc đó có hai đoàn, một đoàn kéo về Bờ Hồ, một đoàn kéo dọc theo đường Phùng Hưng rồi cũng ra Bờ Hồ, tuần hành trên các đường phố. Kết thúc cuộc tuần hành là vào khoảng 12 giờ.


Chúng tôi thấy rằng buổi tuần hành, biểu tình hôm nay diễn ra ở Hà Nội là ôn hòa và rất tôn trọng các điều luật, không có gây ra một sự cố gì đáng tiếc.


Tôi thấy là người dân đã thể hiện được tinh thần yêu nước, luôn luôn đứng bên cạnh nhau và đứng bên cạnh chính quyền Việt Nam trong việc phản đối sự xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc trong thời gian vừa rồi. Cuộc biểu tình này không phải là cuộc biểu tình lớn, nhưng tôi rất mừng là lòng dân rất đoàn kết và các cơ quan an ninh hôm nay đã ứng xử một cách rất là « được », không gây ra một sự xung đột nào.


Tôi cho rằng, dù là tự phát nhưng cuộc tuần hành đã thể hiện được tinh thần của nhân dân Việt Nam trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông thuộc lãnh hải của Việt Nam trong thời gian vừa qua".

Tính đến 12 giờ trưa nay, giờ Paris, tức 18 giờ Hà Nội, báo chí chính thức tại Việt Nam chưa thấy đưa tin về các cuộc biểu tình, nhưng thông tin, hình ảnh và video về các cuộc biểu tình đã rộ nở trên các trang blog.

Ít nhất 1000 người biểu tình tại Sài Gòn

Theo nguồn tin trên blog, tại thành phố Hồ Chí Minh, thủ phủ kinh tế của Việt Nam, phong trào biểu tình rất rầm rộ, quy tụ từ ít nhất 1000 người cho đến 3000 người, có ước tính lên đến 8000 người.

Theo các nhân chứng, công an đã cho chận xe trên các đường phố phía trước tổng lãnh sự quán Trung Quốc, ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai (tên cũ là Hồng Thập Tự rồi Xô Viết Nghệ Tĩnh) và Phạm Ngọc Thạch (tức là Duy Tân trước đây), nhưng vẫn cho người đi bộ vào. Sau khi tập hợp trước tổng lãnh sự quán Trung Quốc, đoàn biểu tình cũng tuần hành trên các trục lộ lớn khu vực chung quanh Nhà thờ Đức Bà, tòa tổng lãnh sự Mỹ, dinh Thống Nhất (tức Dinh Độc lập).

Về phong trào biểu tình ở Sài Gòn, giới quan sát ghi nhận nhiều yếu tố đáng lưu ý. Trước hết là số người tham gia rất đông, vượt mức 1000, lại có sự hiện diện của nhiều nhân sĩ, trí thức, như nhà sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông Huỳnh Tấn Mẫm, cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Sài Gòn trước đây…

Mặt khác, đoàn biểu tình cũng hô hàng loạt khẩu hiệu khi đứng trước cửa tòa tổng lãnh sự Trung Quốc như : "Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam", "Ðả đảo Trung Quốc"… Biểu ngữ cũng đa dạng, có cả khẩu hiệu bằng Anh ngữ như "China must respect UNCLOS 1982 (Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc) ; Justice and Peace on Oriental Sea (Hòa bình và Công lý trên Biển Ðông) ; Paracel and Spratly belong to Viet Nam (Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam)…”


http://telechargement.rfi.fr.edgesuite.net/rfi/vietnamien/audio/modules/actu/201106/son_manif_saigon_05_06_2011.mp3
Một sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh 05/06/2011
by Thụy My
Nghe (02:51)



Một sinh viên 24 tuổi, đã từng tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc cách nay 4 năm, lần này cũng có mặt trong đoàn người đã không tránh khỏi so sánh hai sự kiện. Trả lời RFI, anh cho biết :

Theo hãng AFP, biểu tình là một hành động đầy rủi ro tại Việt Nam, và nhiều người tham gia các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh trước đây, vào năm 2007, từng bị bắt giữ sau khi chính quyền Việt Nam bị Trung Quốc phản đối vì đã cho phép sự kiện này diễn ra.

Lần này, các cuộc biểu tình đã được gián tiếp bật đèn xanh cho thấy là việc Trung Quốc chèn ép Việt Nam tại Biển Đông đã trở thành nghiêm trọng, đặc biệt sau vụ Bắc Kinh cho tàu hải giám tiến vào bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam để cắt cáp thăm dò của tàu nghiên cứu địa chấn của Việt Nam, ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam cuối tháng Năm vừa qua, rồi sau đó tiếp tục sách nhiễu một tàu thăm dò khác của Việt Nam ngoài khơi miền Nam… Khi bị phản đối, Bắc Kinh lại đổ lỗi cho Việt Nam là đã hoạt động tại các vùng biển thuộc chủ quyền của họ.

Nguồn RFI.

Không có nhận xét nào: