Phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Nhã về tranh chấp Biển Ðông
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
LTS. Tiến sĩ Nguyễn Nhã nguyên là chủ nhiệm kiêm chủ bút tập san Sử Ðịa của nhóm giáo sư và sinh viên Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn từ năm 1966 đến 1975. Sau năm 1975, ông tiếp tục giảng dạy phương pháp dạy học lịch sử và văn hóa Việt Nam và cũng là sáng lập viên của trường Ðại Học Hùng Vương. Tại Việt nam, Tiến sĩ Nguyễn Nhã được coi là một chuyên gia về lịch sử biển Đông. Hiện là ông trưởng đề án Bếp Việt với chương trình liên kết cùng nhau xây dựng bếp Việt cho thế giới với trang web www.amthuc.net.vn. Nhân dịp từ Việt Nam sang Mỹ thăm gia đình, Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã đến thăm và dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây.
-Ðinh Quang Anh Thái (NV): Theo nhận định của Tiến sĩ, với nhịp độ ngày càng gia tăng căng thẳng hiện nay, liệu có thể xẩy ra một cuộc xung đột quân sự giữa hai nước và nếu có thì tầm vóc và hậu quả cuộc xung đột sẽ ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Nhã tại nhật báo Người Việt. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)
-Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Trong cuộc hội thảo lần thứ 2 bàn về Biển Ðông do Học Viện Ngoại Giao tổ chức tại Hà Nội vừa qua, có một học giả đã đưa ra bốn kịch bản: thứ nhất là tình hình sẽ giữ nguyên trạng như hiện nay; thứ hai là sự hợp tác Bắc Kinh-Hà Nội tiến triển hơn; thứ ba tình hình sẽ căng thẳng hơn; và thứ thư là xẩy ra chiến tranh. Riêng nhận định của tôi thì lịch sử không thể nào khẳng định được. Nhưng tôi nghĩ chiến tranh khó có thể xẩy ra vì chẳng có lợi cho ai và thiệt hại nhất chính là Trung Quốc, vì khi Biển Ðông có xung đột thì hải lộ chính mà Trung Quốc dùng để xuất nhập cảng hàng hóa sẽ bị phương hại năng nề và các thế lực quốc tế sẽ phản ứng không thuận lợi cho Trung Quốc.
-NV: Bắc Kinh đã công bố bản đồ “lưỡi bò” và ngang ngược tự nhận chủ quyền trên vùng biển thuộc lãnh hải các quốc gia khác; Tiến sĩ nghĩ có cách nào để các quốc gia đang bị Bắc Kinh lấn át có chung một hành động chống lại tham vọng của Trung Quốc.
-Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Khi Trung Quốc ngang ngược công bố việc chính thức đăng ký thềm lục địa của họ với Ủy ban Liên Hiệp Quốc, thì hành động này đã tạo phản ứng bất lợi cho Trung Quốc và thuận lợi cho Việt Nam cũng như các quốc gia trong vùng. Vì làm vậy, Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm quyền lợi của các quốc gia trong vùng và các thế lực quốc tế khác. Chúng ta đừng quên, cứ 4 chiếc tầu đi trên đại dương trên thế giới thì có 1 chiếc tầu đi qua vùng Biển Ðông. Thành ra, chính thái độ ngang ngược của Trung Quốc đã sớm bộc lộ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh và như vậy vô tình tạo cái thế của Việt Nam. Cũng cần nhắc lại lịch sử, cha ông chúng ta luôn dùng thế và khi cùng đối đế mới phải dùng lực.
-NV: Theo Tiến sĩ, phản ứng của giới lãnh đạo Hà Nội đối với chích sách bành trướng của Bắc Kinh như thế nào?
-Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tại cuộc Hội thảo Quốc tế lần thứ 2 tại Sài Gòn bàn về vấn đề Biển Ðông, một học giả nhận định rằng trước đây 10 năm, có những vấn đề nhạy cảm như chủ quyền tại Biển Ðông, thì nay không còn nhạy cảm nữa. Và trong phát biểu tổng kết của ban tổ chức cuộc Hội thảo về tranh chấp Biển Ðông tại Học Viện Ngoại Giao ở Hà Nội vừa qua, cũng có nói đến sự thay đổi tư duy hiện nay về vùng biển này. Tóm lại, theo tôi phản ứng của giới lãnh đạo nay có khác trước.
-NV: Với tư cách một nhà nghiên cứu chuyên về Biển Ðông, theo Tiến sĩ, cách nào là tốt nhất cho Việt Nam nhằm đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
-Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tôi đã từng phát biểu nhiều lần, thứ nhất, sách lược tốt nhất để đối phó với tham vọng của Trung Quốc là phải đoàn kết với ASEAN; mà sau ASEAN là Mỹ. Thứ hai là cần phải xây dựng sức mạnh nội lực hùng cường của dân tộc. Bài học tổ tiên chúng ta để lại biểu tượng là cây tre, cần nhu thì uốn rạp mình và cần cứng thì biến thành tầm vông chống giặc. Ngoài ra, riêng về vấn đề Biển Ðông, người Việt chúng ta cũng phải đoàn kết với nhau để xây dựng nội lực dân tộc. Cứ nhìn người Ðài Loan và Trung Quốc, dù lãnh thổ chia cắt, họ đã thống nhất với nhau về sách lược Biển Ðông; và người Mỹ và người Nhật, vốn là kẻ thù trong Thế Chiến 2 nhưng nay đã hợp được với nhau.
-NV: Tiến sĩ có nghĩ giới lãnh đạo Hà Nội học được những kinh nghiệm của tiền nhân khi đối phó với kẻ thù Bắc phương?
-Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Có chứ. Nhưng mức độ thì tùy lúc khác nhau.
-NV: Tiến sĩ là người đã đưa ra nhiều bằng chứng lịch sử Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, trong khi Trung Quốc chỉ diễn giải mà không có tài liệu cụ thể về vùng biển này, xin Tiến sĩ nói cho nghe về những tài liệu có trong tay.
-Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Trước hết, ngày 20 Tháng Giêng 1975, tôi đã ấn hành Tập san Sử Ðịa số 29 đặc khảo về Hoàng Sa-Trường Sa, trong đó có rất nhiều những bài khảo cứu có giá trị của Học giả Hoàng Xuân Hãn, của Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham, của Thái Văn Kiểm cũng như của cá nhân tôi. Cũng ngày hôm đó, Ủy ban Vận động Xây dựng Ðền Thờ Quốc Tổ phối hợp với Vovinam Việt Võ Ðạo và nhóm chủ trương Tập san Sử Ðịa đã tổ chức triển lãm những tài liệu lịch sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên vùng đảo này.
Ngày 18 Tháng Giêng 2003, tôi đã trình luận án Quá Trình Xác Lập Chủ Quyền Của Việt Nam Tại Hoàng Sa và Trường Sa. Gần đây, như mọi người được biết, Việt Nam đã phát hiện nhiều tài liệu mới gồm có văn bản chính quyền tỉnh Quảng Ngãi nói về các bằng cấp cho người đi công tác Hoàng Sa; và trên mạng điện tử Google có rất nhiều sách địa lý và bản đồ đề cập đến Paracel (Hoàng Sa) thuộc về Việt Nam từ thế kỷ 19 trở về trước. Phải nói rằng chưa có một nước nào có chính sử, sách điển chế, sách địa lý, nhất là các văn bản của triều đình cũng như của chính quyền địa phương nói rất cụ thể về việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trong thế kỷ 19, trước năm 1909 khi chính quyền Quảng Ðông của Trung Quốc cho rằng Paracel (Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) là vùng đất vô chủ, nên họ đã tổ chức thám sát và dựng bia chủ quyền. Việc làm này của Trung Quốc rõ ràng là hành động tranh chấp trái phép khi Việt Nam đang bị Pháp đô hộ.
Hiện nay tôi đang chuẩn bị hai hồ sơ dầy khoảng 500 trang bằng Anh ngữ để gửi cho Văn Phòng Quốc Hội Hoa Kỳ và Hội Ðịa Lý Quốc Gia Mỹ để hai cơ quan này biết rõ sự thực là Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tôi mong những ai quan tâm giúp tôi hoàn chỉnh hai tập hồ sơ này để đầu Tháng Bẩy 2011 tôi gửi cho hai cơ quan nói trên. Xin liên lạc với tôi tại email: hannguyen1940@yahoo.com hoặc số điện thoại (408) 724-7518.
-NV: Cám ơn Tiến sĩ đã đến thăm và trả lời phỏng vấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét