Bài và hình: Song Hà
Những ngày gần đây, người dân Việt Nam khắp nơi trên thế giới đang dồn tâm lực và hướng cái nhìn của mình về Biển Ðông, nơi bọn bành trướng Ðại Hán đang ngang nhiên tiến sát bờ biển để phá hoại việc làm ăn, xâm phạm lãnh hải của đất nước.
Cảnh hoang tàn bên ngoài tu viện kín Camelo, Hà Nội.
Nguy cơ của cả dân tộc đang rình rập sau lưng, tiền đồ cha ông đã và đang dần rơi vào tay giặc, hiểm họa mất nước đang cận kề.
Lẽ ra, là một chính quyền “của dân, do dân, vì dân” thì khi tổ quốc lâm nguy, điều cần thiết và cấp bách nhất là động viên mọi tấm lòng, mọi người dân, tập trung mọi lực lượng nhân tài trong toàn dân để có phương án cứu nguy cho tổ quốc, cho dân tộc.
Ðể dân tộc có sức mạnh quật cường như truyền thống cha ông từ ngàn xưa đã từng không khuất phục trước mộng bành trướng phương Bắc, thì sức mạnh toàn dân phải được huy động bằng nhiều cách, nhiều nguồn lực mà trước hết là bằng tinh thần đoàn kết.
Tinh thần đó đúc kết từ ngàn đời nay, là truyền thống của con Lạc, cháu Hồng để lại, là căn nguyên để bảo vệ vững chắc lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc mà cha ông ta đã xây dựng lên bằng mồ hôi công sức và bảo vệ bằng núi xương, song máu của bao thế hệ.
Nhưng, nhà cầm quyền Hà Nội đã không làm như vậy.
Hèn với giặc
Người ta quan sát thấy những gì khi Trung Cộng ngang nhiên cấm biển Việt Nam, cản trở, bắt bớ ngư dân Việt Nam làm ăn trên biển của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên coi Biển Ðông là cái ao nhà của chúng. Nhà cầm quyền Việt Nam chỉ phản ứng qua loa lấy lệ vài câu bằng cái gọi là “Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao,” nghe như cái băng rè đã cũ đến độ mà mỗi lần phát lại người dân chỉ thấy chán nản và tuyệt vọng.
Càng ngày, diễn biến của vấn đề lãnh thổ càng cho thấy tình hình trở nên ai oán và thê thảm cho số phận của đất nước, của dân tộc qua những bản phát ngôn của Bộ Ngoại Giao.
Ðặc biệt, khi Trung Cộng đưa tàu vào tận ngõ nhà để phá hoại việc làm ăn của Tổng Công ty Dầu Khí Việt Nam, thì những phản ứng lạ lùng của nhà nuớc làm người dân thêm ái ngại cho cái gọi là “Nhà nước hiện nay.” Từ trước đến sau, cũng chỉ là những bản “phát ngôn” không hơn không kém.
Trên các phương tiện truyền thông do nhà nước nắm trọn yết hầu, thậm chí còn không dám gọi thẳng tên kẻ thù của đất nước, của dân tộc là bọn bành trướng Ðại Hán Bắc Kinh, mà chỉ là những danh từ “tàu lạ,” lực lượng quân sự nước ngoài...
Thế mới hiểu sự hèn hạ đó đã đến mức nào, có lẽ đã sắp là đỉnh điểm của sự hèn nhát và thiếu một bước ngắn nữa thôi, thì cha con Trần Ích Tắc thế kỷ 21 sẽ chạy lên phương Bắc để dâng nốt đất này cho giặc.
Tu viện kín Camelo, Hà Nội, nhìn từ bên trong.
Thái độ hèn hạ và nhu nhược đó của nhà cầm quyền Việt Nam đã nói lên một bản chất của nhà nước hèn hạ trước ngoại xâm, coi rẻ sinh mạng đồng bào và thờ ơ trước việc mất dần lãnh thổ đất nước vào tay quân giặc.
Thái độ đó không phải bây giờ mới phát sinh, nó có lịch sử gắn liền với lịch sử cầm quyền của những người cộng sản Việt Nam trên đất nước này. Kể từ khi lên nắm quyền ở đất nước Việt Nam, cái công hàm ngày 14 tháng 8, 1958 mở đầu cho thái độ coi thường lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc vì cái gọi là “Phong trào Cộng sản Quốc tế” đến hành động bán dần lãnh thổ trên bộ, trên biển. Rồi thái độ im lặng đồng tình khi Trung Cộng xâm lược Hoàng Sa mà nhà cầm quyền CSVN không hé một lời lấy lệ. Thậm chí, cuộc tấn công dữ dội vào Trường Sa năm 1988 làm 64 chiến sĩ ta hy sinh trên biển không biết đến giờ thân xác phiêu bạt nơi nào, nhân dân ta cũng không được một dòng thông báo.
Tinh vi hơn là những vùng đất “cho thuê dài hạn,” những khu khai thác Bauxite ở Tây Nguyên... đều là những canh bạc của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bán dần lãnh thổ của đất nước vào tay kẻ thù của dân tộc nhằm thỏa mãn túi tiền quan chức cộng sản vinh thân phì gia và giữ nguyên cái ghế độc tài của đảng Cộng Sản trên đầu trên cổ gần 90 triệu người Việt Nam.
Thay vì lá cờ thêu sáu chữ vàng của Trần Quốc Toản ngày xưa kêu gọi cứu nước, nhà cầm quyền Việt Nam hiện đại dựng lên lá cờ 16 chữ mới với những lời lẽ đẹp đẽ nhằm che đậy hành động bán nước bên trong.
Ðể bảo vệ việc bán lãnh thổ của mình, nhà cầm quyền CSVN không ngần ngại đàn áp ngay chính người dân mình khi bày tỏ lòng yêu nước cách ôn hòa. Những cuộc đàn áp năm 2007 đối với sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Hà Nội và Sài Gòn để sau đó đón đoàn quân Tàu Cộng vào Tây Nguyên, vào phía Bắc, vào các tỉnh minh chứng những điều vừa nêu.
Có lẽ trong lịch sử Việt Nam, chưa thời nào dù khi mạt vận nhất của dân tộc có những kẻ cầm quyền dùng những hành động tương tự đó đối với lòng yêu nước của người dân nước Việt.
Ngược lại những thái độ của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trước kẻ thù của dân tộc, với công lao cha ông ngàn năm ta để lại, với lãnh thổ quốc gia, dân tộc lại là một thái độ hung hãn, cướp bằng được, chiếm bằng hết những tài sản còn có thể chiếm, cướp của nhân dân.
Nhiều cái gọi là dự án, khu công nghiệp đầu tư nước ngoài... đã đẩy hàng triệu người nông dân, thành thị từ chỗ yên ấm cả ngàn năm nay buộc phải rời xa tổ ấm, bỏ đất cha ông, mồ mả bao đời để cho đảng lấy đất đút vào tay những nhà tư bản và làm nặng thêm túi tiền của bọn tư bản đỏ trong nước.
Hàng đoàn, hàng đoàn người dân khiếu kiện, hàng triệu người dân mất đất, sinh mạng và đời sống hàng chục triệu người dân không còn lối thoát, tài nguyên đất nước rơi vào tay giặc, xã hội hỗn loạn... tất cả những điều đó không nằm trong sự quan tâm của nhà nước.
Thậm chí, những ngày gần đây, người ta thấy rộ lên khắp nơi những cuộc đập phá, chiếm cướp tài sản tôn giáo đặc biệt là Công Giáo được tiến hành cấp bách, khẩn trương qua các “Dự án” như khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế ở Ðà Lạt, nhà thờ Nhà thờ Kitô Vua thuộc Giáo Xứ Bình Triệu Sài Gòn... và mới đây nhất là đang đập phá tu viện kín Camelo 72 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Những hành động có tính tập trung, khiêu khích đó đối với một tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nhằm mục đích gì?
Ai cũng biết, cùng với chiến dịch cướp phá toàn dân, toàn diện của đảng nhằm vơ vét nốt những đồng cắc tài sản cuối cùng của người dân sau khi đã bán hết tài nguyên, khoáng sản của đất nước, mà người dân lành không có khả năng chống cự. Những năm qua một số hành động cướp phá của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nhằm vào tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của lực lượng giáo dân biết hy sinh, đoàn kết và luôn sẵn sàng bảo vệ Giáo hội cũng như tài sản của Giáo hội.
Nhiều dự án đã và đang âm mưu chiếm cướp của Giáo hội Công Giáo đã buộc phải dừng lại.
Bỗng nhiên, những dự án kia được triển khai rầm rộ trong những ngày này bất chấp sự phản đối của giáo dân và những người có lương tri. Người ta tự hỏi, đằng sau những hành động này là ý đồ gì?
Có phải, trước cơn binh biến cận kề, trước khi biết vận mệnh của đảng, cơ sở bảo trợ cho những dự án cướp bóc kia sắp đến ngày tiếp bước con đường phương Bắc mà ngày xưa Trần Ích Tắc đã ra đi, những người cầm quyền các địa phương đã tìm cách đẩy mạnh chiến dịch này nhằm vét nốt chút canh bạc mà họ đã bỏ tiền đặt cọc quá lớn khi thực hiện việc mua quan bán chức thời gian qua?
Cũng có thể đây là một động tác thường thấy của các chính thể cộng sản nhằm tập trung sự chú ý của người dân trong nước và quốc tế bằng cách tạo ra những scandal mới, thu hút sự chú ý của công luận nhằm làm nhạt đi khí thế phẫn uất, căm hờn của nhân dân với thái độ hèn hạ, nhu nhược của nhà cầm quyền Việt Nam trước bọn bá quyền Trung Quốc?
Dù với ý đồ nào đi nữa, thì đó cũng chỉ là hành động mà dân gian thường gọi là “chó cùng cắn giậu” không hơn không kém.
Những hành động đó càng khẳng định cho mọi người nhận rõ mặt hơn bộ mặt “hèn với giặc, hung hãn với dân” của nhà cầm quyền Hà Nội xưa nay vốn được tô son trát phấn xưng tụng với những lời lẽ hoa mỹ ồn ào.
Nguồn Người Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét