Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Bắc Kinh trước các áp lực đòi cải cách dân chủ trong nước và quốc tế


Biểu tình tại Đài Bắc yêu cầu tổng thống Đài Loan can thiệp để
Bắc Kinh thả Lưu Hiểu Ba. Trong ảnh, nhà ly khai Trung Quốc
Wang Dan (trái), nghị sĩ đối lập Tien Chou-jin (thứ hai trái sang)...,
27/02/2013. REUTERS/Pichi Chuang
Lê Phước
Một trong những hồ sơ làm đau đầu nhất đối với dàn lãnh đạo mới tại Bắc Kinh đó chính là vấn đề dân chủ. Đã có nhiều phản ứng nổi lên trong nước, làm báo chí đề cập ngày càng nhiều đến nguy cơ bạo động xã hội.Thế nhưng, Bắc Kinh không chỉ phải chịu sức ép trong nước, mà còn bắt đầu bị dư luận quốc tế tấn công trực diện. Nhật báo cánh tả Pháp Libération mô tả tình trạng Trung Quốc bị « nội ngoại giáp công » này với bài viết : «Liên tục các phản bác chống lại chế độ Bắc Kinh ».

Tờ báo cho biết, vào ngày hôm qua, đại sứ quán Trung Quốc ở nhiều nước đã đồng loạt nhận được thư đề nghị được ký bởi 400.000 người thuộc 130 quốc gia và 140 người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình. Nội dung của bức thư là yêu cầu thả Nobel hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba và chấm dứt việc quản thúc tại gia một cách không chính thức đối với vợ của ông Lưu.
Bức thư được đề gửi đến tân tổng bí thư và người sắp nắm ghế chủ tịch nước Trung Quốc ông Tập Cận Bình. Bức thư không ngại dùng đến những từ mạnh bạo khi cho rằng, sự việc trên « đáng bị cộng đồng quốc tế lên án một cách công khai và mạnh mẽ ».
Đây không phải là lần đầu tiên có kiểu phản ứng theo cách ký tên liên danh như vậy tại Trung Quốc. Mới hôm thứ ba này, khoảng 100 người bao gồm các nhà văn, nhà báo và luật sư đã gửi thư ngỏ đề nghị quốc hội Trung Quốc phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự của Liên Hiệp Quốc, một văn bản mà Trung Quốc đã ký kết vào năm 1998, nhưng chưa bao giờ áp dụng trong thực tế.
Hồi tháng 12 năm 2012 vừa qua, một giáo sư luật thuộc Đại học Bắc Kinh đã cùng với hơn 70 luật gia đồng ký tên kiến nghị yêu cầu Bắc Kinh thực thi chế độ tam quyền phân lập. Bản kiến nghị này đã nhấn mạnh đến vấn đề tự do ngôn luận và không ngại nhấn mạnh rằng, nếu triệt tiêu quyền tự do ngôn luận, thì sự phẫn nộ của người dân sẽ lên cao đến mức nguy hiểm và đất nước « sẽ chìm sâu trong bất ổn và cách mạng bạo lực sẽ nổ ra ».
Chưa hết, trong bài xã luận đón chào năm mới 2013, một tạp chí mạng tại Trung Quốc đã yêu cầu Bắc Kinh cải cách chính trị và kêu gọi nhà cầm quyền tôn trọng hiến pháp.
Trước làn sóng kêu gọi dân chủ đó, Bắc Kinh đã phản ứng như thế nào ? Phản ứng của Bắc Kinh cho thấy một tương lai dân chủ không sáng sủa. Libération cho biết, hồi tháng rồi, trên một ấn phẩm chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào, hiện vẫn nắm ghế chủ tịch nước trên nguyên tắc, đã cho rằng những « nhà dân chủ Trung Quốc » đã bị giật dây bởi « các thế lực thù địch quốc tế với ý đồ Tây hóa » Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Hồ Cẩm Đào cũng ra lệnh « tiến hành những biện pháp hữu hiệu để ngăn cản họ ».
Trung Quốc bắt đầu ngán ngẩm Bắc Triều Tiên
Một hồ sơ khác làm đau đầu dàn lãnh đạo mới tại Trung Quốc trong lĩnh vực ngoại giao, đó là anh bạn láng giềng mà Bắc Kinh ra sức bảo vệ bấy lâu nay, tức chế độ Bình Nhưỡng của nhà họ Kim. Nhật báo Le Monde đăng bài phân tích của thông tín viên Brice Pedroletti tại Bắc Kinh.
Tác giả cho biết, vụ thử hạt nhân lần thứ ba vừa qua của Bắc Triều Tiên đã làm lộ rõ hơn thái độ bớt tha thiết của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng. Dư luận tại Trung Quốc hầu như phản đối vụ thử này. Dân Trung Quốc sống trong khu vực ranh giới với Bắc Triều Tiên thì tỏ ra lo lắng. Cư dân mạng tại Trung Quốc còn không ngại cảnh báo : coi chừng « nước anh em » sẽ trở thành « kẻ thù thật sự » của Trung Quốc.
Làn sóng phản đối này dâng lên cả ở các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc. Trước khi Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, tờ Hoàn Cầu thời báo thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không ngại cảnh báo việc Bình Nhưỡng sẽ trả giá đắt nếu thử hạt nhân. Đến sau vụ thử, Cơ quan thống tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã đã lên tiếng trách cứ Bình Nhưỡng. Còn Hoàn Cầu Thời Báo thì cho đăng ý kiến một chuyên gia Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ đối với Trung Quốc nếu Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Theo tác giả, thái độ này của phía Trung Quốc bắt đầu thành hình từ sau vụ thử hạt nhân lần 2 vào năm 2009 của Bắc Triều Tiên. Kể từ đó, giới chiến lược gia Trung Quốc bắt đầu cho rằng Bắc Kinh phải dừng chịu phí tổn vì Bình Nhưỡng. Dòng tư tưởng này đã củng cố thêm phe có đầu óc cải cách trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Tiếp thêm sức mạnh cho xu thế chính trị đó, một làn sóng xa lánh Bình Nhưỡng đã đến từ giới doanh nhân Trung Quốc. Tác giả bài viết cho hay, các doanh nhân Trung Quốc đã bắt đầu chán nản với những khó khăn trong làm ăn với anh bạn đồng minh Bắc Triều Tiên và có khuynh hướng cuốn gói tìm đến làm ăn tại Seoul. Giới chuyên gia còn lên tiếng khẳng định : « Thật sai lầm khi cho rằng Bắc Triều Tiên sụp đổ sẽ là một thảm họa đối với Trung Quốc ».

Tuy vậy, tờ báo cho biết, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc còn có phe bảo thủ kế tục đường lối của Mao Trạch Đông. Phe này lúc nào cũng xem trong quan hệ với Bình Nhưỡng và xem Bắc Triều Tiên là bình phong để chống Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ : Chuck Hagel đã vượt được vũ môn

Hôm thứ ba này, thượng viện Hoa Kỳ đã chính thức bỏ phiếu chuẩn y ông Chuck Hagel vào điều hành Lầu Năm Góc. Nhật báo Le Monde quan tâm đến sự kiện này với bài : « Chuck Hagel trở thành bộ trưởng quốc phòng bất chấp sự phản đối của đảng Cộng Hòa ».

Sự chuẩn y lại có kết quả sát sao với 58 phiếu ủng hộ, trong đó chỉ có 4/45 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa bỏ phiếu thông qua. Nếu so sánh với kết quả của tân bộ trưởng ngoại giao John Kerry được thượng viện phê chuẩn hồi cuối tháng Giêng thì mới thấy sự phản đối của đảng Cộng Hòa lớn dường nào đối với ông Hagel : Ông Kerry đã được đến 94 phiếu ủng hộ, trong khi chỉ có 3 phiếu chống.
Cách đây hai tuần, các đại biểu đảng Cộng Hòa tại thượng viện đã tiến hành trì hoãn vụ bỏ phiếu dù rằng họ chiếm thiểu số trong thượng viện. Cáo buộc của phe Cộng Hòa đối với ông Hagel tập trung vào mấy việc như cho rằng ông này có lập trường bài bác Israel, hay như ủng hộ việc giải trừ hạt nhân toàn cầu, hoặc là quá mềm yếu với Iran… Thế nhưng, Le Monde cho rằng, chính thái độ bài hạt nhân của ông Hagel đã giúp ông trở thành một « đồng minh hữu ích của tổng thống Obama trong việc chống lại sự vận động hành lang » của phe quân đội và của các thế lực ủng hộ tăng cường vũ trang.
Tờ báo nhắc lại, trước đây, ông Hagel đã từng tán đồng việc Mỹ can thiệp quân sự vào Irak, nhưng vào năm 2007 ông đã phản đối chính sách gửi thêm 30 000 quân đến chiến trường này, một chính sách được đa số phe Cộng Hòa ủng hộ. Khi ấy, Le Monde nhắc lại, ông Hagel còn so sánh cuộc chiến Irak đối với Mỹ giống như là cuộc chiến tranh Việt Nam mà Mỹ tiến hành hồi thế kỷ trước.
Cuối cùng, tờ báo nhận định: Thế là, một cựu quân nhân tham chiến tại Việt Nam, một người có lập trường e dè trong việc sử dụng võ lực, đã chính thức lãnh đạo Ngũ Giác Đài.
Pháp-Nga : Kinh tế nặng hơn nhân quyền ?
Chuyến thăm Nga vào hôm nay của tổng thống Pháp François Hollande là một trong những chủ đề thu hút nhiều sự chú ý nhất của báo chí Pháp. Lợi ích kinh tế có thể được đặt nặng hơn nhân quyền, đó là nhận định của tờ Libération về chuyến thăm này.
Tổng thống Hollande có đề cập đến nhân quyền trong chuyến thăm Nga lần này hay không ? Libération cho rằng, có rất ít khả năng xảy ra điều đó, hoặc nếu có thì bắt quá cũng ở mức độ hạn chế, tức là về phương diện tuyên ngôn chính thức, tờ báo cho rằng đừng nên chờ mong điều gì lớn lao từ ông Hollande về vấn đề này.
Một trong những bằng chứng cho nhận định đó, theo tờ báo, chính là việc vấn đề nhân quyền tại Nga không có trong lịch trình chính thức của chuyến thăm. Cố vấn điện Elysée còn mơ hồ khi tuyên bố : «Tổng thống sẽ đề cập đến vấn đề đó khi cần thiết », mà khi nào cần thiết thì lại không nói rõ. Chưa hết, người này còn cho rằng : « Quan hệ Pháp-Nga không chỉ có vấn đề nhân quyền ». Libération nhận định, nói như vậy thì rõ ràng là muốn đặt nặng vấn đề kinh tế trong chuyến thăm này.
Tờ báo nhắc lại một loạt những điều mà tờ báo cho rằng là vi phạm nhân quyền ở Nga, và việc trước khi tổng thống Hollande khởi hành đi Nga, nhiều người thuộc nhiều thành phần tại Pháp đã gửi thư đề nghị tổng thống đề cập vấn đề này trong chuyến thăm. Thế nhưng, tờ báo cánh tả Pháp cho rằng, ông Hollande có thói quen là « rất e dè về vấn đề này ». Tờ báo còn dẫn lời một dân biểu cánh tả Pháp so sánh ông Hollande với người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy như sau : « Ít kiêu ngạo hơn. Tuy nhiên, không có điều gì chấm dứt hẳn với thời Sarkozy cả. Nhân danh kinh tế người ta quên béng đi nhiều nguyên tắc lớn ».
Để làm rõ thêm lập trường của nước Pháp đối với tổng thống Nga Putin, Libération còn đăng lại kết quả thăm dò cho biết, có đến 80% người Pháp đánh giá không tốt về ông Putin, và đến 86% người Pháp cho rằng tình hình nhân quyền tại Nga chưa được tốt.
Chia sẻ quan điểm trên của Libération, tờ báo cánh hữu Le Figaro đăng bài « Hollande muốn hâm nóng quan hệ với Putin ».
Le Figaro cũng cho rằng, kinh tế vẫn là ưu tiên trong chuyến thăm Nga của thổng thống Hollande. Tờ báo nhắc lại, một cách có phương pháp, tổng thống Hollande đã và đang tiến hành làm ngoại giao kinh tế đến các đại gia trong nhóm các nước tân hưng. Ông Hollande đã thăm Ấn Độ để bàn về kinh tế, và sẽ đến Trung Quốc vào tháng tới, tức đến nước đang nắm giữ vị trí đệ nhị cường quốc kinh tế thế giới.
Còn trong chuyến thăm Nga lần này, với một phái đoàn doanh nhân hùng hậu, mục đích của chuyến thăm đã được điện Elysée thừa nhận là để tạo thuận lợi và thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương. Một số thỏa thuận lớn trong ngành đường sắt cũng sẽ được ký kết.
Trên bình diện quốc tế, tờ báo cánh hữu Le Figaro cho rằng, tổng thống Hollande muốn tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của Nga về vấn đề Mali và tìm cách thu hẹp khoảng cách về hồ sơ Iran. Tuy nhiên, về hồ sơ Syria, Le Figaro cho rằng khó có cơ may hai nước có được đồng thuận, vì theo quan sát tình hình, đến hiện tại hình như Nga vẫn chưa sẵn sàng bỏ rơi chế độ Assad.
Tuy vậy, tờ báo cánh tả Liberation lại cho rằng, trước khi tham chiến tại Mali, tổng thống Hollande đã đi thăm Algeri, vậy giờ đây trong chuyến thăm Nga lần này, cũng có thể khiến người ta nghĩ về một điều gì đó đối với Syria ?
Pháp : Khó khăn kinh tế khiến tổng thống thất hứa với dân ?
Đã hơn 9 tháng trôi qua kể từ khi đắc cử tổng thống Pháp, hồ sơ hóc búa nhất của chính phủ Hollande vẫn là kinh tế, mà nghiêm trọng nhất là tình trạng thất nghiệp. Đây là chủ đề làm hao tốn nhiều giấy mực của báo chí Pháp hôm nay.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro dành trang nhất đăng bài xã luận phê phán chính sách của ông Hollande, nhất là việc tăng thuế quá mức khiến nhiều đại gia Pháp phải tìm cách chạy ra nước ngoài, khiến cho tầng lớp trung lưu bị gánh nặng thuế má gây ảnh hưởng nặng nề đến tiêu thụ, làm trì hoãn sự phục hồi của nền kinh tế.
Về vấn đề thất nghiệp, tờ báo cho biết, nhiều nhất là trong hai tháng nữa, thất nghiệp tại Pháp sẽ lên đến 3,2 triệu người, tức bằng năm 1997. Tổng thống Hollande cũng đã chính miệng tỏ ra quan ngại khi thừa nhận có đến 25% tuổi trẻ Pháp thất nghiệp. Tuy nhiên, ông Hollande tuyên bố sẽ cố gắng đảo ngược bản thống kê thất nghiệp từ đây đến cuối năm. Thế nhưng, theo Le Figaro, tình hình cho thấy, thất nghiệp tại Pháp sẽ còn dai dẳng suốt năm 2013.
Cùng nhận định với Le Figaro, Le Monde có bài cảnh báo : « Những lời hứa đang xa dần, nghi ngờ đang được tạo ra ».
Theo tờ báo, đến hiện tại, cần phải thừa nhận rằng, một vài lời hứa trước đây của ông Hollande sẽ không thể thực hiện được, trong đó có việc giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 3% trong năm nay, chấm dứt việc tăng thuế, và làm đảo ngược xu hướng thất nghiệp từ đây đến cuối năm.
Le Monde cay đắng : ông Hollande đã không thể tưởng tượng được rằng, 9 tháng sau khi đắc cử, lại xảy ra kịch bản tồi tệ đến như vậy.
Giáo hoàng Benedicto XVI chính thức thôi chức
Đúng 7h GMT ngày hôm nay, sự từ nhiệm của đức giáo hoàng Benedicto XVI sẽ chính thức có hiệu lực. Nhiều báo Pháp đặc biệt chú ý đến sự kiện này.
Nhật báo Công Giáo La Croix dành trang nhất cùng với 14 trang bài viết về đức giáo hoàng Benedicto XVI với đầy đủ những thăng trầm trong gần 8 năm tại nhiệm. Trên trang nhất, La Croix đăng tựa lớn : « Tạm biệt » cùng với hình ảnh đức giáo hoàng Benedicto XVI trong buổi lễ cầu nguyện cuối cùng hôm qua tại Vatican với hơn 170 000 tín đồ Cơ Đốc. Cũng trên trang nhất, tờ báo đăng bài xã luận nhấn mạnh rằng, hành động từ chức của đức giáo hoàng Benedicto XVI cho thấy ông là « một con người tự do » với cánh hành xử tự do, vì lợi ích chung của tôn giáo, một hành động mà người kế nhiệm phải biết kế thừa. Tờ báo cũng nhấn mạnh việc trong tương lai Vatican phải cải tổ nhiều thứ trong đó có việc tăng cường tính minh bạch.
Còn nhật báo Le Monde thì dành phần phụ trang 8 trang cho đức giáo hoàng Benedicto XVI với dòng tựa : « Giáo hội thời hậu Benedicto XVI ». Tờ báo có cùng nhận định với La Croix khi cho rằng, lâu nay nhiều vấn đề trọng đại vẫn được xem là bí mật cấp cao ở Vatican, bởi vậy đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Tờ báo cho rằng, trong tương lai cần tăng cường tính minh bạch để lấy lại lòng tin của các tín đồ.
Một điểm đáng chú ý nữa là, cả La Croix và Le Monde đều cho rằng, Vatican cần hội nhập với xã hội hiện đại, với thế hệ trẻ thời đại Iphone, Ipad.
Nhà ngoại giao « phẫn nộ » Stéphane Hessel qua đời
Stéphane Hessel, người được mệnh danh là nhà ngoại giao « phẫn nộ » đã qua đời vào hôm qua, 27/02/2013, thọ 95 tuổi. Cả một đời tranh đấu cho tự do, cho nhân quyền, sự ra đi của ông đã được báo chí Pháp bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, với những lời ca tụng tài năng và đức độ của ông.
Nhật báo Le Monde chạy tựa lớn trên trang nhất : « Cái chết của một người theo chủ nghĩa nhân văn » với một bài khá dài tổng kết cuộc đời và sự nghiệp của Stéphane Hessel với nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó nổi bật nhất là « Hãy phẫn nộ – Indignez vous » hồi 2010. Cuốn sách mỏng 32 trang này kêu gọi mọi người, đặc biệt là giới trẻ hãy phẫn nộ, phản kháng một cách hòa bình. Hơn 4,5 triệu bản đã được bán ra ở 35 nước, vào thời điểm nổ ra những cuộc nổi dậy chống lại các chế độ độc tài trong thế giới Ả Rập. Tờ báo còn nhắc đến tác phẩm « Chúng ta tuyên bố hòa bình ! Vì một sự tiến bộ tinh thần – Déclarons la Paix! Pour un progrès de l’esprit », xuất bản năm 2012, ghi lại những cuộc nói chuyện giữa ông và lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tờ báo ca ngợi Stéphane Hessel là người đấu tranh không mệt mỏi và gọi ông là « người mãi mãi tuổi thanh xuân».
Nhật báo Cộng Sản Pháp cũng giành trang nhất cho Stéphane Hessel với dòng tựa cũng chính là biệt danh mọi người dành cho ông « Người phẫn nộ », với nhấn mạnh đó là một sự phẫn nộ để vùng lên đấu tranh vì những lý tưởng cao đẹp.

Tờ báo cánh tả Pháp Libération thì đăng ảnh lớn của Stéphane Hessel trên trang nhất vời dòng chữ khen tặng : « Một người chân chính » cùng với 32 trang đặc biệt tổng kết cuộc đời và sự nghiệp của ông trong đó nhấn mạnh : Cuộc đời của Stéphane Hessel hòa quyện với cuộc chiến đấu không mệt mỏi vì nhân quyền. Tờ báo nhắc lại lập trường chính trị của ông, đó là ngay cả khi đang nằm viện, ông cũng ủy thác người đi bỏ phiếu ủng hộ ông François Hollande làm tổng thống.
Trong khi đó, tờ báo cánh hữu Pháp Le Figaro thì dành một bài ngắn ở trang 11 chạy tựa : « Stéphane Hessel : cái chết của người phẫn nộ nhất » để ca ngợi cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi của ông.

Không có nhận xét nào: