Nguyễn Khánh Trung, theo Tia Sáng
Không biết câu “chín người mười ý” mà người Việt hay nói hằng ngày có gốc gác từ đâu, có lẽ là một sự đúc kết kinh nghiệm sống của ông cha ta, nó thật hay và thật đúng trong đời sống không những với xã hội Việt Nam mà với tất cả mọi xã hội. Nhà tôi có ba cháu nhỏ, cứ mỗi lần các cháu được phép xem một cuốn phim nào đó, là lại nảy sinh cãi vã vì mỗi cháu mỗi ý, lắm khi các cháu tự thỏa thuận với nhau không được, buộc chúng tôi phải dàn xếp. Chỉ có ba đứa nhỏ còn vậy, huống hồ là cả một xã hội?
Khỏi phải lý thuyết gì cao xa cũng có thể khẳng định, chuyện “chín người mười ý” là bản chất của xã hội con người, bất kể là ở đâu, thuộc về nền văn hóa nào. Nếu có xã hội nào mà luôn luôn muôn người một ý, có lẽ đó không còn là xã hội con người bình thường nữa, đó là một xã hội robot, nơi con người đã bị biến thành công cụ, bị điều khiển và chắc chắn xã hội đó sẽ tẻ nhạt và chậm phát triển.
Chiến tranh và độc tài trong một xã hội
Chuyện “chín người mười ý” tưởng chừng đơn giản, ấy vậy mà trên thế giới đã tốn bao nhiêu xương máu vì chuyện này, bởi có những cá nhân, hay nhóm người không hiểu hay cố tình không hiểu. Xã hội được kết cấu bởi các cá nhân và các nhóm người khác nhau, trong đó nhóm nào cũng có cái lý của mình, nhờ cái lý đó mà các thành viên quy tụ chia sẻ với nhau. Khi có nhiều thành phần khác nhau như thế, chắc chắn sẽ có sự xung đột giữa các thành viên trong nhóm hoặc giữa các nhóm với nhau. Những chuyện này xảy ra cũng là điều tự nhiên như hơi thở, là bản chất của xã hội con người, cũng giống như chuyện “chín người mười ý” đã nói. Nội chiến xảy ra là do các nhóm thương lượng, thỏa thuận với nhau không được bằng lời, bằng lý luận dẫn đến sử dụng vũ lực, dùng đến vũ khí.
Có những cá nhân, hay nhóm người mạnh trong xã hội đã xưng hùng xưng bá, khi đã có quyền lực trong tay, thì tìm cách làm hợp lý hóa và hợp pháp hóa tư tưởng, các giá trị riêng của mình, áp đặt lên mọi người như một thứ chân lý phổ quát duy nhất. Dĩ nhiên là, chân lý đó phải có lợi cho trật tự xã hội mà trong đó họ ngồi ở hàng đầu để thống trị người khác, đó là lý của kẻ mạnh trong các xã hội độc tài.
Như vậy có thể nói, tình trạng chiến tranh, độc tài xảy ra trong xã hội con người, là do con người không tôn trọng nhau, không biết dùng lời lẽ trí tuệ để thương thuyết với nhau, để điều tiết các xung đột bất đồng trong xã hội. Hay nói cách khác, các xã hội đó chưa có dân chủ, hay chưa đạt đến xã hội dân chủ thực sự.
Dân chủ như một giải pháp
Các xã hội Tây phương sau một thời gian đánh đấm nhau, cuối cùng cũng tìm ra được một giải pháp, một hình thức tổ chức xã hội hợp lý mà cho đến nay, loài người chưa tìm ra một hình thức nào mới hơn, hợp lý hơn. Đó chính là xã hội dân chủ. Trước tiên, họ nhất trí với nhau trên nguyên tắc công nhận chuyện “chín người mười ý” là bản chất của xã hội. Họ luật pháp hóa “chuyện chín người mười ý” thành một nguyên tắc ứng xử, và cũng luật pháp hóa những nguyên tắc giải quyết bất đồng, xung đột trong xã hội; họ giáo dục công dân “tôn trọng sự khác biệt”, tôn trọng tự do cá nhân của người khác, biết cách thương lượng, giải quyết các xung đột, xem đó là những giá trị, những chuẩn mực, những kỹ năng của đời sống văn minh. Mọi ý kiến, ý tưởng, lập trường, khuynh hướng của các cá nhân, các nhóm trong xã hội đều được tôn trọng, được tự do tồn tại và phát triển trong một cơ chế cạnh tranh bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Ai muốn theo ý nào, lập trường nào là quyền tự do của mỗi người. Muốn làm cho mình mạnh lên thì tìm đồng chí, lập ra hội, ra nhóm, ra đảng để vận động, thuyết phục người khác. Về chính trị, nhóm nào vận động được nhiều người trong xã hội đi theo, chiếm đa số thì nhóm đó cầm quyền, hoặc liên minh với các nhóm khác cầm quyền, còn những nhóm khác tiếp tục đóng vai trò phản biện, đối trọng với nhóm cầm quyền để làm cho xã hội hài hòa… Và để bảo đảm trật tự của một xã hội “chín người mười ý”, người ta phân biệt rõ giữa công và tư. Họ cho rằng, anh theo nhóm nào, đảng nào, tín ngưỡng nào thì cứ việc, đó là quyền của anh, là chuyện riêng tư của anh (lĩnh vực tư), chứ không phải chuyện công (lĩnh vực công), chuyện chung của mọi thành phần trong xã hội. Các thiết chế như Nhà nước, quân đội, cảnh sát, tòa án, giáo dục phải là thuộc lĩnh vực công, nhằm đảm bảo trật tự xã hội, bảo vệ và thi hành luật pháp, bảo vệ cho quyền lợi của mọi người, của các nhóm khác nhau.
Có thể nói, mô hình xã hội dân chủ là một giải pháp hợp lý mà con người tìm ra, biến “chuyện chín người mười ý”, tưởng chừng như là xấu, là nguyên nhân của đánh đấm nhau một thời thành sức mạnh, kích thích và thúc đẩy sự tiến bộ về mọi mặt, từ khoa học, kỹ thuật, giáo dục đến kinh tế thông qua cơ chế cạnh tranh. Thực tế trên thế giới cho thấy, đất nước nào theo mô hình dân chủ đều không nhiều thì ít cũng phát triển cả, không kể là ở đâu, văn hóa nào. Vì vậy, theo tôi, muốn Đất nước phát triển, khỏe mạnh về văn hóa, kinh tế, giáo dục, khoa học, thì không có con đường nào khác là phải chấp nhận xã hội như bản chất của nó, đó là “chín người mười ý”, và tổ chức quản lý xã hội trên sự công nhận này.
Giáo dục
Về giáo dục, các trường tư thì không nói, nhưng các trường công phải thuộc lĩnh vực công, nhằm đào tạo ra những người công dân trung lập, trang bị cho trẻ nhỏ ý thức về các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người công dân tương lai nhằm chuẩn bị cho các em thái độ chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt và có khả năng, có tinh thần tham gia tích cực vào xã hội với bản chất là “chín người mười ý”. Không có một nhóm nào có quyền lấy nhà trường làm phương tiện riêng cho mình. Ở Pháp, người ta cấm các khẩu hiệu tuyên truyền mang tính chính trị trong nhà trường. Trường học là thiết chế công, dành cho con em của mọi thành phần, của mọi nhóm, là nơi gặp gỡ của muôn người muôn ý, nên không có cá nhân nào, hay nhóm nào có quyền sử dụng nó để phục vụ cho ý đồ riêng của nhóm mình. Mục tiêu giáo dục, do đó, không phải là đào tạo học sinh thành những con người công cụ, theo một khuôn mẫu nhất định nào, theo ý chí của một nhóm nào đó, nhưng nói như J. J, Rousseau (1712 – 1778), triết gia đã sống cách chúng ta 250 năm, là nơi đào tạo học sinh LÀM NGƯỜI1, con người tự do, tự chủ và có trách nhiệm. Trường học là nơi chuyển tải những tri thức và phương pháp khoa học, nơi giữ gìn và chuyển tải các giá trị văn hóa tốt đẹp từ thế hệ này sang thế hệ khác, là nơi trang bị cho các em khả năng và tinh thần phản biện để chính các em có khả năng suy xét, và dùng lý trí của mình để tự tạo cho mình một lối đi riêng, hay để chọn cho mình một con đường, một nhóm giữa một xã hội với bản chất là “chín người mười ý”.
1 Rousseau, J.J. (1964). Emile hay là về giáo dục. Do Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương (2010) dịch. Hà Nội: NXB Tri Thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét