Pages

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Giảm lãi suất 'là bước đi mạo hiểm'



Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong suốt năm ngoái bất chấp nhiều lần giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước
Giới chuyên gia cảnh báo những rủi ro tiềm tàng trong việc hạ lãi suất mới nhất của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 26/3, các ngân hàng trong nước chính thức hạ lãi suất huy động từ 8% xuống còn 7,5% một năm.

Việc hạ lãi suất được quyết định ngay sau khi Tổng cục thống kê thông báo số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái hạ xuống mức 6,8%, thấp hơn 0,2% so với một tháng trước đó.
Thông báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 25/3 cũng cho hay lãi suất tái cấp vốn sẽ được hạ xuống từ 9% còn 8% một năm và sẽ điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu từ 7% xuống 6% một năm.

'Bước đi mạo hiểm'

Thông thường, lãi suất giảm có ý nghĩa có lợi cho doanh nghiệp vì điều này đồng nghĩa với chi phí vay vốn giảm, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng rất thấp trong thời gian qua.
Trước đó, hồi tháng Hai, ngân hàng JPMorgan Chase đã dự đoán Việt Nam có thể hạ lãi suất 1% nếu như tăng trưởng vẫn ở mức thấp như hiện nay, đồng thời nói khó có khả năng điều này sẽ làm mất ổn định kinh tế vì triển vọng lạm phát đã được kiềm chế, tăng trưởng tín dụng chậm cũng như tài khoản vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế đều được cải thiện.
Trả lời BBC tiếng Việt ngày 26/3, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng việc hạ lãi suất là một nỗ lực về một mặt nào đó là "đáng trân trọng."
Tuy nhiên ông cũng cảnh báo những rủi ro của việc hạ lãi suất, mà trước hết là bắt đầu bằng mức độ tin cậy của việc nợ xấu được công bố là đã giảm từ 8,6% trong năm 2012 xuống còn 6% ở thời điểm hiện tại:
"Người ta không hiểu rằng nợ xấu đó giảm từ đâu, bằng biện pháp nào hay đó chỉ là biện pháp 'bút toán', nghĩa là chuyển số nợ xấu đó vào một tài khoản khác rồi lấy tiền dự trữ bắt buộc đưa ra thay thế?"
Cũng theo ông Doanh, tình hình lạm phát đang diễn biến khá phức tạp:
"Chính phủ đã có nỗ lực không cho phép tăng giá xăng dầu thời gian vừa qua."
"Nhưng có nhiều dấu hiệu điện có thể sẽ phải tăng giá vì họ sẽ phải dùng dầu DO để sản xuất thay cho than và khí, vì thế giá thành sẽ lên cao và họ có thể sẽ phải nâng giá điện."
"Đó là chưa kể đến những yếu tố khác như chi phí y tế của các bệnh viện của một số tỉnh cũng muốn tăng lên."
"Tất cả những yếu tố đó có thể làm lạm phát tăng trở lại."
"Việc tiếp tục giảm lãi suất nữa là một điều khá mạo hiểm."

Có giúp được doanh nghiệp?

Nhiều ý kiến cho rằng việc hạ lãi suất là dễ hiểu, sau khi Tổng Cục thống kê Việt Nam công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Ba.
Theo ông Doanh, chỉ số công nghiệp ba tháng đầu năm rất thấp, trong khi đó số hàng tồn kho lại rất cao.
"Chừng nào còn ngần ấy yếu tố thì việc hạ lãi suất chỉ có thể đem lại một tác động hạn chế mà thôi."
"Tôi nghĩ cần có một nỗ lực đồng bộ bên cạnh việc giảm lãi suất, cũng phải nỗ lực giải quyết nợ xấu, cải cách hệ thống ngân hàng và giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn kho của họ."
Tờ Financial Times ngày 25/3 cũng có bài viết nói về việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam không được tiếp cận vốn vay mới, bất chấp những lần hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Financial Times dẫn ví dụ trường hợp một giám đốc công ty nội thất ở Bình Dương nói năm ngoái, người này đã nộp đơn xin vay vốn ở bốn ngân hàng nhưng đều bị từ chối.
"Mỗi lần tôi nghe đến việc lãi suất giảm, tôi đều đi hỏi ngân hàng nhưng không bao giờ được tiếp cận vốn ở mức lãi suất mà họ quảng cáo," người này nói.
"Hơn một nửa số công nhân của tôi đã phải nghỉ việc trong hai năm qua. Liệu lần này tôi có nên hy vọng?"
Hồi tháng Chín năm ngoái, khi thống kê chính thức của Ngân hàng Nhà nước vẫn ở mức 8,6%, hãng xếp hạng tín dụng Moody's đã cho rằng khối nợ xấu khổng lồ hiện tại đang hạn chế khả năng vay mượn của ngân hàng, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng trung hạn của nền kinh tế và tăng quan ngại về một gói cứu trợ tốn kém cho ngành ngân hàng từ phía chính phủ.

Không có nhận xét nào: