Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

VIỆT NAM CHƯA BAO GIỜ CÓ CUỘC BẦU CỬ ĐÚNG NGHĨA


Icon_Symbol_Votes_Lineup-for-Democracy
Ngày nay bầu cử được xem như một trong những quyền chính trị quan trọng nhất của con người. Để xây dựng được nhà nước chịu trách nhiệm trước người dân, quyền bầu cử phải được thực thi theo đúng bản chất của nó (democratic elections).
Ở Việt Nam, chưa bao giờ người dân được thực thi quyền này theo đúng nghĩa là bầu cử.
Những hội nghị Hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là những cuộc “sắp xếp, cơ cấu”, thực hiện các “mệnh lệnh” của Bộ Chính trị.

Sắp xếp cơ cấu như thế nào?
Thứ nhất, hơn 90% số đại biểu phải là Đảng viên. Như vậy, gần 87 triệu người không là Đảng viên, bất tài ? chỉ có chưa đầy 10% số ghế.
Cơ cấu đủ thành phần. Hầu hết các Đại biểu là kiêm nhiệm, có chức vụ, làm công trong cơ quan Nhà nước… như vậy họ sẽ không có đủ điều kiện để tập trung vào công việc giám sát Chính phủ, đại diện cho người dân…
Rồi cơ cấu theo danh sách bầu bán. Ví dụ Đồng chí X (trình độ học vấn: cử nhân luật) sẽ được sắp xếp với những người có trình độ lớp 12, đại học, mà đồng chí X sẽ không phải “chọi” với 4 giáo sư, thạc sỹ…
Thông thường 5 sẽ chọn 3. Như vậy, quyền quyết định của dân là bao nhiêu phần trăm? Theo toán học, tính sơ sơ thì người dân chỉ có quyền quyết định khoảng 37.5% (3:(3+5)x100%).
Ngoài ra, một người đi bầu có thể đại diện cho nhiều phiếu bầu. Chẳng hạn như, gia đình có 5 cử tri, thì ở Việt Nam chỉ có 1 người đi bầu (ở các nước, quy định rất rõ ràng, người nào thì bầu lá phiếu của người đó, việc bầu thay có thể sẽ bị truy tố hình sự). Do vậy ở Việt Nam, cử tri chỉ có quyền quyết định có khoảng 10% đến 20% (37% chia cho 2,3,4… dựa vào số lượng cử tri trong mỗi hộ).
Như vậy, với mỗi Đại biểu Quốc hội trúng cử, cử tri Việt Nam chỉ có khoảng 10% đến 20% giá trị quyết định cái ghế của họ.
Về nguyên tắc trách nhiệm, ai bổ nhiệm, cơ cấu, bầu ra họ thì họ sẽ chị trách nhiệm trước người đó. Một khi lọt vào vòng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau khi được Bộ Chính trị xem xét, chỉ đạo. Thì 90% đã có kết quả.
Tuy nhiên, một số trường hợp do không có “thế” đủ mạnh, vẫn có thể không trúng cử, bởi không đủ thẩm quyền chi phối. Chẳng hạn như, lần bầu QH vừa qua, ứng cử viên Lê Thị Thu Ba. Những trường hợp như vậy Đảng dùng để báo cáo là “bầu cử dân chủ, khách quan…”. Còn những trường hợp sẽ được cơ cấu vào các chức vị chủ chốt như Chủ tịch nước, Thủ tướng… sẽ không bao giờ xảy ra chuyện không trúng cử.
Hơn nữa, không có cơ chế nào để Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước dân. Tôi lấy ví dụ, trong mấy nhiệm kỳ Đại biểu QH, ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã đại diện cho cử tri như thế nào? Phát biểu chất vất lần nào? Cử tri đánh giá hiệu quả ra sao?
Với đại biểu QH Việt Nam, “im lặng là vàng?” Bởi vì, im lặng không mắc lỗi, chất vấn “nhiệt tình” đôi khi không được cơ cấu cho khóa sau?
Một cơ chế các Đại biểu QH không phải chịu trách nhiệm còn thể hiện ở chỗ, mỗi tỉnh có 3 đến 5 đại biểu. Khác với các nước. Mỗi khu vực chỉ có một người đại diện. Một khi, đại biểu không hoàn thành trách nhiệm, không bảo vệ quyền của cử tri thì cử tri có thể biểu tình, đòi từ chức…
Khi bầu các chính khách như Chủ tịch nước, Thủ tướng… Chỉ có một vị để bầu. Đó không phải là “bầu cử”. Bởi theo định nghĩa pháp lý, đã gọi là bầu thì phải “ít nhất là 2 ứng viên”. Mà đây được xem như là “phê chuẩn Nghị quyết của Đảng”.
Theo tôi, không nên có chuyện giới thiệu như hiện nay. Anh cảm thấy làm được, sẵn sàng chịu trách nhiệm thì anh phải tự đứng ra ứng cử, đưa ra chính sách để dân chọn. Cứ như “đồng chí X”, Đảng giao việc thì tôi làm (như thế cũng có ý là tôi cũng chả có hào hứng gì cái chức này?, do các ông giới thiệu, giao thì tôi làm thôi)
Thay vì lời kết,
Nếu Mặt trận Tổ quốc VN đã hiệp thương chọn ra 5 ứng viên sáng giá, thì sao không chọn luôn ra 3, để dân khỏi phải mất công bầu? (Đỡ tốn ngân sách?) Đó là chưa kể đến ai sẽ kiểm phiếu, giám sát kiểm phiếu? (Các đảng viên trong ban kiểm phiếu đã được chỉ đạo?). Một thực tế là, những cuộc bầu cử 100%, hay hơn 90% phiếu bầu chỉ xuất hiện ở các chế độ độc tài như Việt Nam, Cu Ba, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, nơi mà kết quả được sắp xếp sẵn. Còn với các nền dân chủ, số cử tri đi bầu chỉ đạt 60 – 80%.
Kinh nghiệm các nước: Quyền ứng cử, bầu cử là quyền bất khả xâm phạm, mọi người đều bình đẳng.
Với bầu cử Đại biểu Quốc hội (Nghị viện), chỉ cần công dân có đủ điều kiện như đủ 21 tuổi, không phạm tội trong vòng 5 năm chẳng hạn, hay các vi phạm liên quan đến bầu cử… sẽ có quyền ghi tên mình vào danh sách ứng cử mà không thông qua cơ chế chọn lọc nào.
Có thể người tự ứng cử sẽ phải đặt cọc một số tiền nhất định (khoảng vài trăm đô la) tại Tòa. Và tên của họ sẽ được ghi vào danh sách ứng cử mà không phải qua sự sàng lọc nào. Tuy nhiên, để hạn chế việc ai cũng ứng cử, thì có một quy định là nếu không được số phiếu nhất định (5% trên tổng phiếu bầu) thì số tiền đặt cọc sẽ bị chuyển thành công quỹ.
Tôi nghĩ rằng, Việt Nam không thiếu luật, nhưng người dân chưa được quyền chọn ra người thực thi luật mà thôi. Và thậm chí khi chưa có luật, nhưng người lãnh đạo có được quyền từ bầu cử dân chủ, họ sẽ làm những điều tốt nhất có thể, bởi người dân quyết định “cái ghế của họ”.
Tham nhũng là một ví dụ điển hình. Việt Nam có chế tài mạnh trong Bộ luật Hình sự, có Luật phòng chống tham nhũng, hàng trăm văn bản khác như các Nghị quyết của Quốc Hội (5 văn bản), Nghị định của Chính phủ (19 VB), Thủ tướng (13 VB), Thông tư các Bộ…[1] nhưng vẫn tham nhũng tràn lan, trong khi đó ngay tại các nước, chỉ cần vài điều luật trong Bộ luật Hình sự là đủ. Kinh phí làm ra các văn bản rất tốn kém, đôi khi cũng phát sinh tham nhũng, lãng phí từ đó.
Cái chính là Việt Nam chưa có một cuộc bầu cử đúng nghĩa. Và Điều 4 Hiến pháp đang cản trở điều đó.

Không có nhận xét nào: