Pages

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Hiệp định Genève, nỗi buồn khôn nguôi


hiep-dinh-paris-1973-danlambaovn
Lâm Bình Duy Nhiên – Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày Hiệp định Genève được ký kết (20/7/1954), biết bao biến động thăng trầm đã diễn ra trong chừng khoảng thời gian ấy trên mảnh đất Việt Nam thân thương. Khói lửa chiến tranh đã không còn nữa, nhưng những hậu quả của Hiệp định Genève vẫn còn đó, vẫn như một vết thương chưa lành hẳn, vẫn như một vết nhơ chưa được xóa bỏ trong ký ức tập thể của cả dân tộc.

Giữa lúc người dân trong và ngoài nước vẫn đang căm tức thái độ trịch thượng và hành vi xâm lấn lãnh hải của Trung Quốc khi họ ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thì Hiệp định Genève lại cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Phải có cái nhìn khách quan và chuẩn mực đối với một hiệp định đã đưa đẩy tương lai của đất nước vào ngõ cụt. Không thể ngờ rằng sau khi nhà Tây Sơn đã dẹp yên cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyễn vào cuối thế kỷ 18, chấm dứt quãng thời gian dài Trịnh-Nguyễn phân tranh, đất nước Việt Nam lại một lần nữa bị chia đôi dọc theo vĩ tuyến 17 thông qua Hiệp định Genève. Đó là một biến cố đau thương và nhục nhã trong lịch sử cận đại của dân tộc. Cái quyền tự quyết định vận mệnh của chính đồng bào Việt Nam đã bị các thế lực bên ngoài cướp và định đoạt. Khi giới lãnh đạo miền Bắc ủng hộ sự chia cắt thì miền Nam kịch liệt phản đối. Khi người cộng sản đặt quyền lợi của Quốc tế cộng sản lên trên lợi ích của dân tộc thì chính phủ Quốc Gia Việt Nam cố gắng xây dựng một nền dân chủ non trẻ với mỏi mong thống nhất đất nước trong hòa bình. Cuộc di cư rầm rộ đầu tiên trong lịch sử dân tộc của gần một triệu đồng bào ở miền Bắc vào Nam như một hồi chuông cảnh báo cho một xã hội độc tài, hà khắc đang được áp đặt bởi những người cộng sản trên nửa phần còn lại của đất nước. Đó không đơn thuần là một cuộc di cư của đồng bào miền Bắc mà cần phải được xem như là cuộc ra đi tìm tự do của những người Việt yêu chuộng dân chủ. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã cố tình bỏ lỡ thời cơ để hàn gắng vết thương chia cắt đất nước, thay vào đó là ý đồ thôn tính miền Nam để xây dựng một thiên đường XHCN. Và cuộc ra đi của hàng triệu người Việt sau biến cố 30/4/1975 chỉ là một hậu quả tất yếu của cuộc di cư năm 1954. Đơn giản, bởi vì nếu có được sự chọn lựa, con người sẽ chọn lấy sự tự do, dẫu có phải đánh đổi sinh mạng của chính mình!
Hiệp định Genève đã cho thấy sự yếu kém, khác hẳn với những tuyên truyền giả dối nhằm ca tụng, thần thánh hóa đảng CSVN, của bộ máy cầm quyền VNDCCH khi đã phụ thuộc quá nhiều vào các “anh em, đồng chí”, nhất là vào người láng giềng phương Bắc. Thái độ ỷ lại, luôn trông chờ vào sự giúp đỡ của các nước cùng khối XHCN: lúc Trung Quốc, khi thì Liên Xô, đã đưa họ đến một vị thế yếu hèn trong bang giao. Ngày nay, những gì đang xảy ra ở biển Đông, chỉ là một kết cục đã được tiên liệu trước của một chính sách ngoại giao nhu nhược trong quan hệ Việt-Trung mà nhà cầm quyền CSVN đã phạm phải. Mỉa mai thay, sự tồn tại của đảng phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ song phương này. Và đau đớn thay, chủ quyền của dân tộc cũng đang bị chà đạp bởi chính tình đồng chí giữa hai chế độ cộng sản nói trên.
Nhắc lại Hiệp định Genève để thấy một thực tế đau thương, một nỗi buồn khôn nguôi, rằng Việt Nam sẽ mãi là một con tốt trong cuộc tranh giành quyền lực của các cường quốc nếu không có những đổi thay sâu sắc về cơ cấu quốc gia, về thể chế chính trị. Đã 60 năm trôi qua, đất nước được “thống nhất”, nhưng tiếng nói của Việt Nam vẫn không có trọng lượng trên thế giới. Đòi hỏi cấp bách của thời đại để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thực sự tự chủ phải là sự chuyển giao từ một nhà nước độc tài, đảng trị thành một xã hội tự do, dân chủ, đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập. Phải cương quyết đoạn tuyệt với một học thuyết phi khoa học đã đưa nhân loại đến bờ vực thẳm. Chính chủ nghĩa không tưởng ấy đã đưa Việt Nam vào bóng tối của thời đại, đã kiềm hãm sự phát triển của cả một dân tộc sau những năm tháng khói lửa chiến tranh đau thương.
Hiệp định Genève là một bài học đáng nhớ cho tất cả những người Việt tiến bộ, luôn mong mỏi xây dựng một đất nước phồn thịnh. Chỉ có một xã hội thực sự dân chủ, nơi quyền căn bản nhất của con người được tôn trọng thì khi ấy Việt Nam mới được cộng đồng quốc tế tôn trọng.
Và chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể rũ bỏ hẳn những biến cố đau thương trong lịch sử dân tộc để tự tin cùng nhau hội nhập với thế giới tiến bộ.
Lâm Bình Duy Nhiên, 20/7/2014

Không có nhận xét nào: