Pages

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

'Hữu nghị, nhưng phải giữ chủ quyền'

Đây được xem là tuyên bố công khai quan trọng đầu tiên của Tổng Bí thư Việt Nam liên quan vụ giàn khoan
Việt Nam cần phải gìn giữ hữu nghị với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng phải "giữ vững chủ quyền", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa khẳng định khi gặp cử tri tại Hà Nội vào sáng thứ Ba ngày 1/7.
Đây được xem là bình luận công khai đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi xảy ra biến cố giàn khoan Trung Quốc trên Biển Đông đầu tháng Năm.


Nhưng một luồng dư luận của người Việt, bày tỏ qua mạng 
internet, phê phán vị Tổng Bí thư vì dường như ông chưa có bình luận về mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.Trước đó, các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có những tuyên bố phê phán Trung Quốc.
Tại hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ, Hà Nội, ngày 1/7, ông Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu dài về biến cố giàn khoan và câu hỏi phải làm gì với Trung Quốc.

‘Hệ trọng, nhạy cảm’

Theo báo Dân Việt, ông Trọng nhấn mạnh quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là "vấn đề rất lớn, quan trọng, hệ trọng và nhạy cảm".
"Lần này, ta lại phải tìm cách chung sống hòa bình, hữu nghị, thân thiện nhưng phải giữ được chủ quyền quốc gia. Cái khó là ở chỗ đó," ông nói.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi người dân "bình tĩnh, tỉnh táo, kiên quyết và đặc biệt là kiên trì để phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ".
"Lần này, ta lại phải tìm cách chung sống hòa bình, hữu nghị, thân thiện nhưng phải giữ được chủ quyền quốc gia. Cái khó là ở chỗ đó."
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
"Chỉ cần sai một ly là đi một dặm,” ông nhấn mạnh quan điểm của Đảng Cộng sản về tình hình Biển Đông.
Trong khi đó, trang tin VnExpress dẫn một phần bình luận khác của ông Trọng trong buổi nói chuyện, nhắc rằng cần phân biệt người dân và chính quyền Trung Quốc.
"Những người đặt giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam khác với 1,3 tỷ người dân Trung Quốc. Xây dựng tình hữu nghị đồng thời phải giữ được chủ quyền."
"Đấu tranh với Trung Quốc là việc lâu dài, chúng ta làm sao phải khẳng định được chủ quyền để lấy lại Hoàng Sa."
Ông nói phải "chuẩn bị mọi khả năng", kể cả chiến tranh, mặc dù "mong nó không xảy ra".
Trang tin VnExpress cho biết Tổng Bí thư Việt Nam nói "tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp, song đấu tranh hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, kể cả đấu tranh pháp lý".
Tuyên bố này trùng khớp với các bình luận tương tự của các ông Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang về khả năng Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc trước tòa quốc tế.
Nó dường như cho thấy đã có sự đồng thuận trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam rằng Việt Nam có thể tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc thông qua con đường pháp lý, nếu cảm thấy đối thoại với Trung Quốc không đi đến đâu.
Trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc trên Biển Đông, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam còn yêu cầu "phải giữ được ổn định, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân", theo báo Tiền Phong.
Ông Trọng cho biết Trung ương Đảng "đã họp, nghe báo cáo, tiến hành thảo luận và cũng có chủ trương" về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Không có nhận xét nào: