Kiện Trung Quốc ra tòa là cách tự bảo vệ cuối cùng
Lê Thanh Phong
Những tham luận của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tại hội thảo hoàn toàn phản bác những luận điệu về Đường lưỡi bò cũng như những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Việt Nam có những chứng cứ mạnh nhất về chủ quyền với các quần đảo. Đã đến lúc các bạn phải nghĩ đến việc sử dụng những bằng chứng này ở một phiên tòa quốc tế” , đó là ý kiến trao đổi của Giáo sư Carlyle Thayer với phóng viên Lao Động tại Hội thảo quốc tế về tranh chấp trên biển Đông diễn ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong 2 ngày 25 – 26.7.2014.
Những tham luận của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế được trình bày trong hai ngày hội thảo có nội dung hoàn toàn phản bác những luận điệu về ''đường lưỡi bò'' cũng như những hành động phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông. Chỉ có duy nhất một tham luận có quan điểm lạc lõng của học giả Cao Quân thuộc Trung tâm An ninh hàng hải và Hợp tác, Đại học Bắc kinh – Trung Quốc.
Ông Cao Quân cho rằng Philippines kiện Trung Quốc là làm xấu mặt Trung Quốc và không có sơ sở pháp lý. Phản bác lại quan điểm của Cao Quân quá dễ; nói như nhà nghiên cứu biển Đông Lê Vĩnh Trương thì “bất kỳ ai trong hội thảo này cũng có thể phản bác được bài tham luận này”. Còn ông Renato Da Castro thuộc Đại học La Salle- Phippines nêu một ý rất đơn giản: “Trung Quốc tuyên bố về ''đường 9 đoạn'' trên biển Đông, liên quan đến quyền lợi của rất nhiều nước; nhưng chưa bao giờ Trung Quốc giải thích ''đường 9 đoạn'' là gì”.
Thực ra, Trung Quốc không phải là chưa giải thích, mà giải thích theo kiểu cả vú..., áp đặt vô căn cứ. Cho nên, bài tham luận thiếu tính học thuật của Cao Quân cũng là luận điệu nhai lại những thứ cũ rích mà Trung Quốc từng đưa ra. Nhưng ở đây, có thêm một thứ, đó là ông Cao Quân nói đến việc Phippines kiện Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý”. Có lẽ ông Cao Quân muốn nhắn gửi đến Việt Nam thông điệp rằng “kiện Trung Quốc là làm xấu mặt Trung Quốc và không có cơ sở pháp lý” (?!).
Thực ra, Trung Quốc đã bị xấu mặt quá đủ mà không cần làm xấu thêm. Do đó, việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế không phải là làm cho Trung Quốc xấu mặt mà là cách giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, văn minh mà Việt Nam cần lựa chọn. Chúng ta cần phân biệt rõ: Hợp tác kinh tế và tranh chấp lãnh thổ là 2 việc khác nhau.
Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc, và chắc chắn Trung Quốc đang lo ngại về điều này. Giáo sư Carlyle Thayer đã nói một ý rất đúng bản chất của nhà cầm quyền Bắc Kinh: “Nếu như Trung Quốc có những bằng chứng này thì họ đã kiện các bạn ra tòa từ lâu. Họ thiếu bằng chứng đến độ phải ngụy tạo ra những bằng chứng giả trên các quần đảo. Điều Việt Nam cần là quyết tâm kiện để đưa vụ việc ra tòa, nếu không tự bảo vệ mình thì không ai còn nhiệt tình bảo vệ cho Việt Nam”.
Thậm chí, GS này còn cho biết: Cho dù Trung Quốc không dự phiên tòa và vụ kiện không thành, thắng lợi của Việt Nam vẫn rõ ràng - đó là cho phần còn lại của thế giới (còn bị nhiễu thông tin về Trung Quốc) thấy được rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh không có lý lẽ gì để tự bảo vệ mình.
Điều này sẽ càng củng cố sự ủng hộ của toàn thể dự luận thế giới đối với chính sách của Việt Nam.
Tập hợp ý kiến của các nhà nghiên cứu được trình bày tại hội thảo về biển Đông tại Trường đại học Tôn Đức Thắng, có thể rút ra kết luận rằng, đã đến lúc phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và cần làm điều này càng sớm càng tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét