Lucy Williamson
BBC News, Seoul
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm hai ngày ở Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên một vị lãnh đạo Trung Quốc đặt chân tới Seoul trước khi thăm Bắc Hàn.
Cuộc gặp giữa hai vị lãnh đạo tối cao được cho là sẽ tập trung vào giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhưng quan điểm về khu vực của Seoul và Bắc Kinh vẫn rất khác nhau.
Sự kiện ông Tập đặt chân tới Seoul đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông ở bán đảo Triều Tiên với tư cách chủ tịch Trung Quốc – điều mà đồng minh của họ ở Bình Nhưỡng coi là sự sỉ nhục, hoặc ít nhất là sự thay đổi mũi nhọn trong giọng điệu chính trị.Các vị chủ tịch của Trung Quốc, theo ông Mao Trạch Đông, phải thân thiết như “môi và răng” với những người tương nhiệm của Bắc Hàn. Xét theo cách so sánh này, bức tranh toàn cảnh có vẻ hơi xiêu vẹo.
Trung Quốc đang làm giảm tầm quan trọng của thời điểm này. Ông Tập từng đi thăm Bình Nhưỡng với vai trò phó chủ tịch vào năm 2008, trước khi lãnh đạo hiện nay của Bắc Hàn lên nắm quyền, và có lý do chính đáng vì sao vị lãnh tụ ít tuổi và thiếu kinh nghiệm Kim Jong-un có thể đã không muốn rời thủ đô và tới thể hiện sự kính trọng ở Bắc Kinh.
Nhưng ít có nghi ngờ rằng quan hệ giữa Bắc Kinh – Bình Nhưỡng có vẻ đã lạnh nhạt dần trong những năm gần đây.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, ông Kim Jong-un đã làm ngơ trước lời khuyên cũng như những lời khiển trách nhẹ nhàng và cả sự khó chịu dần tăng đối với các hỗ trợ từ thiện về kinh tế và chính trị, và việc dấn thêm về việc thử hỏa tiễn tầm xa và thử hạt nhân.
‘Ảnh hưởng phức tạp’
Ngược lại, lần này có vẻ như ông Tập đã tìm thấy điểm tương đồng với Tổng thống Park Geun-hye.
Hai lãnh đạo từng gặp nhau bốn lần, và bà Park nhận được sự chào đón khá nồng ấm trong chuyến thăm cấp nhà nước ở Bắc Kinh hồi năm ngoái.
Đáp lại, bà xuất hiện ở một trường đại học và bày tỏ bằng tiếng Trung niềm ngưỡng mộ của bà đối với văn hóa Trung Quốc.
Hai quốc gia cũng ngày càng thân thiết hơn trong các vấn đề kinh tế. Trung Quốc nay là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và cả hai bên đã cùng làm việc để hướng tới thỏa thuận thương mại tự do chung. Quả là bước trỗi dậy nhanh chóng đối với hai quốc gia mới chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện vào năm 1992.
"Kịch bản mà Trung Quốc đang áp dụng là tỏ ra quyết tâm và thù địch trước toàn bộ xóm giềng không thực sự có hiệu quả ở đây, vùng Đông Bắc Á."
John Delury, nhà Hán học Đại học Yonsei, Seoul
Dân ý cũng được cải thiện đáng kể. Một cuộc trưng cầu gần đây do Viện Á châu ở Seoul thực hiện cho thấy hầu hết 2/3 người dân Nam Triều Tiên coi Trung Quốc là đối tác hợp tác, và dưới 1/3 coi họ là đối thủ - và số người cho rằng họ nghĩ Trung Quốc sẽ đứng về phía Bắc Triều Tiên trong một cuộc xung đột cũng giảm mạnh xuống còn hơn một nửa.
Nhưng bên dưới bề mặt là một bức tranh ảm đạm hơn. Cùng cuộc khảo sát dân ý đó phát hiện rằng đa số người Hàn Quốc coi sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc là nguy hiểm, dù là đối với quốc gia của họ hay ở khu vực nói chung, và 71% cho rằng sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc là mối đe dọa.
Giáo sư John Delury, một nhà Hán học ở Đại học Yonsei, Seoul, nói rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Hàn Quốc khác một cách đáng chú ý so với hình ảnh của quốc gia này ở mọi nơi khác trong khu vực.
“Kịch bản mà Trung Quốc đang áp dụng là tỏ ra quyết tâm và thù địch trước toàn bộ xóm giềng không thực sự có hiệu quả ở đây, vùng Đông Bắc Á,” ông nói.
“Trung Quốc khá là hợp với Hàn Quốc và Hàn Quốc thì hạnh phúc hơn nhiều với ông Tập từ Bắc Kinh hơn là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Thế nên nó cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc đang có ảnh hưởng phức tạp hơn nhiều lên khu vực, hơn là nếu chỉ nhìn vào tranh chấp với Việt Nam và Philippines.”
'Kế hoạch lớn'
Mặc dù mối quan hệ nồng ấm và lợi ích chiến lược mới này, thảo luận giữa hai lãnh đạo trong ngày 04/07 nhiều khả năng sẽ phơi bày những khác biệt không thể xóa nhòa nằm trong cốt lõi quan điểm chính trị của họ.
Cả ông Tập và bà Park có thể sẽ đồng ý rằng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn là không đáng ưa nhưng cách họ muốn ngưng chương trình này lại thì hoàn toàn khác nhau.
"Đầu tiên là Hoa Kỳ xoay trục sang châu Á, tiếp đó là chủ nghĩa dân tộc mới ở Nhật Bản, rồi là mối hận cũ với Việt Nam và vấn đề lãnh thổ với Philippines. Hàn Quốc nằm ở vị trí quan trọng về địa lý và tạo ra mối quan hệ thân thiện với nước này là một phần của kế hoạch lớn của Trung Quốc."
Hwang Byung-tae, cựu đại sứ Nam Hàn ở Trung Quốc
Hàn Quốc muốn Bắc Kinh hành động nhiều hơn nữa để gây sức ép lên Bình Những, nhưng suốt nhiều thập kỷ Trung Quốc đã đưa ra những tính toán chiến lược rằng ổn định ở Bắc Hàn được đặt lên hàng đầu – trong con mắt của họ, tránh làm cho chế độ này bùng nổ còn quan trọng hơn của tránh các cuộc thử hạt nhân.
Thay vào đó, Bắc Kinh đã khuyến khích tất cả các bên cùng quay lại bàn đàm phán mà không đặt ra điều kiện trước. Seoul và Washington nói rằng việc này chỉ dẫn đến “lặp lại việc cũ”. Cuộc bàn luận ở đây sẽ được quan sát kỹ tới từng lời nói, mọi thay đổi giọng điệu từ phía Bắc Kinh, nhưng thước đo cơ bản về lợi ích chiến lược của Trung khó có thể thay đổi.
Và có những người cho rằng đằng nào thì lợi ích của Trung Quốc cũng dần rời xa khỏi vấn đề Bắc Hàn. Hwang Byung-tae, cựu đại sứ Hàn Quốc ở Trung Quốc, tin rằng hai vị lãnh đạo có thể có tư tưởng rất khác nhau đối với những ưu tiên hiện nay.
“Hàn Quốc quan trọng chiến lược [đối với Bắc Kinh] do các mối quan hệ của Trung Quốc đối với ranh giới phía Đông,” ông nói.
“Đầu tiên là Hoa Kỳ xoay trục sang châu Á, tiếp đó là chủ nghĩa dân tộc mới ở Nhật Bản, rồi là mối hận cũ với Việt Nam và vấn đề lãnh thổ với Philippines. Hàn Quốc nằm ở vị trí quan trọng về địa lý và tạo ra mối quan hệ thân thiện với nước này là một phần của kế hoạch lớn của Trung Quốc.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét