Bản đồ Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc đề xuất.
Gần đây trong cuộc gặp với TBT Nguyễn Phú Trọng, ông Tập Cận Bình có đề cập tới vấn đề mời VN tham gia sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Theo các chuyên gia thì VN cần cảnh giác với chiêu bài này của TQ như thế nào?
Hợp lý hóa đường lưỡi bò?
Con đường tơ lụa trên biển gần đây được phía Trung Quốc trình bày như một sáng kiến phục vụ thương mại và phát triển, với mục đích chiến lược của nó là cải thiện quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á.
Thông qua việc đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển trong khu vực, Trung Quốc muốn tăng cường sự trao đổi về chính sách với các nước láng giềng.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng vừa qua, phía Trung Quốc đã mời VN tham gia sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển" với mục đích theo họ để biến Biển Đông thành một khu vực hợp tác và hòa bình.
Nói về “Con đường tơ lụa hàng hải” mà Trung Quốc đã đăng kí với UNESCO. Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết:
Với cái việc đăng ký (Con đường tơ lụa) của TQ lần này trên Biển Đông thì nó là một cái gì đó rất mập mờ, một cái gì đó rất không rõ ràng và mục tiêu của nó (TQ) là làm lẫn lộn, để tiến tới một bước cao hơn là để hợp lý hóa cái đường Lưỡi Bò 9 khúc – bây giờ là 10 khúc.
-Thiếu tướng Lê Mã Lương
“Với cái việc đăng ký (Con đường tơ lụa) của TQ lần này trên Biển Đông thì nó là một cái gì đó rất mập mờ, một cái gì đó rất không rõ ràng và mục tiêu của nó (TQ) là làm lẫn lộn, để tiến tới một bước cao hơn là để hợp lý hóa cái đường Lưỡi Bò 9 khúc – bây giờ là 10 khúc. Và nó là âm mưu độc chiến Biển Đông để vươn ra Thái Bình Dương và vươn ra Ấn Độ Dương.”
Đây là một toan tính của Trung Quốc núp dưới chiêu bài phát triển kinh tế nhằm để khống chế các nước khác. TS. Sử học Nguyễn Nhã khẳng định:
“Điều này thì cũng bộc lộ ra khi họ nói về kinh tế thì thực sự nó không phải là kinh tế, bởi vì như hiện nay họ luôn luôn sử dụng 90% là mềm và chỉ 10% là cứng thôi. Nhưng mà theo tôi thì cái mềm của họ nói thì nó cũng là cái cứng, nghĩa là khi nói đến cái Con đường tơ lụa thì họ cũng đã muốn nói đến cái cứng của họ. Cho nên theo tôi thế giới cũng như các học giả như tôi không hề ngạc nhiên và không có ảo tưởng gì về sáng kiến này của TQ.”
Về bề mặt thì các dự án “con đường tơ lụa“ trên bộ và trên biển của TQ chỉ thuần túy kinh tế. Nhưng bên trong lại hàm chứa một sách lược hướng ngoại đầy tham vọng của TQ.
Từ Paris, Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn nhận định:
Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông.
“Từ bao thế hệ nay, tất cả các tranh chấp của con người, Thế chiến thứ I, Thế chiến thứ II, tất cả đều đến từ lý do ‘kinh tế’. Các tranh chấp giữa các đại cường, từ chuyển trục sang Châu Á hay các dự án ‘con đường tơ lụa trên bộ’ hay ‘trên biển’, đều nhằm mục tiêu chinh phục hay bảo vệ thị trường. Vì vậy, mặc dầu dự án ‘con đường tơ lụa trên biển’ thuần túy về kinh tế, nhưng dự án này lại nằm trong sách lược hướng ngoại của TQ nhằm đối kháng với kế hoạch chuyển trục của Hoa Kỳ.”
Theo báo Pháp luật, ông Dương Danh Dy - Nguyên Tổng Lãnh sự VN tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã khẳng định: “Con đường tơ lụa hàng hải” mà Trung Quốc đã đăng kí với UNESCO đây chỉ là một bước đi nhỏ trong âm mưu lớn của Trung Quốc. Tất cả các bước đi này chỉ nhằm mục đích thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Việc này cũng chỉ là để ngụy tạo cơ sở pháp lý về chủ quyền của họ ở Biển Đông, để họ thực thi chủ quyền ở vùng biển này.”
Trả lời câu hỏi sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển có lơi ích gì đối với VN hay không? Ông Trương Nhân Tuấn nhận định:
“Theo tôi thì các dự án này không đem lại lợi lộc cho VN hết, trong khi đe dọa của TQ ở Biển Đông ngày càng trầm trọng thêm. Ta thấy cảng Hải Phòng của VN là trạm đầu tiên của “con đường tơ lụa trên biển”. Nhưng vai trò của cảng Hải Phòng chỉ là trạm trung chuyển cho hàng hóa các tỉnh Hoa Nam như Vân Nam, Quí Châu… Trong khi thì vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hải phận trên Biển Đông vẫn còn nguyên, nếu không nói là càng trầm trọng thêm. Việc TQ đang ráo riết xây dựng các đảo hiện nay cho thấy tham vọng của nước này về chủ quyền lãnh thổ. Khi mà các đảo này xây dựng xong, TQ có thể tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Việc này là một phần không thể tách rời trong sách lược hướng ngoại của TQ mà dự án “con đường tơ lụa trên biển” là một bộ phận.”
Ẩn chứa nhiều tham vọng?
Theo trang Nghiên cứu Biển Đông, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng “Con đường tơ lụa trên biển” ẩn chứa nhiều tham vọng, với mục đích tạo ra một trật tự mới trên biển mà các nước, trước hết là các nước láng giềng ven biển đi theo một quỹ đạo do Trung Quốc điều hành và chi phối.
Nếu VN đứng trong ‘trục’ của Mỹ, không cần phải nói đến những lợi lộc về kinh tế đem lại cho VN trong kết ước kinh tế ‘xuyên Thái bình dương’ (TPP), thì với quan niệm về an ninh của Mỹ ở Biển Đông cũng đã giúp VN bảo vệ quyền lợi của mình.
-Ông Trương Nhân Tuấn
Nói về hậu quả của sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển” có thể gây ra trong tương lai, ông Trương Nhân Tuấn ghi nhận:
“Hậu quả của sáng kiến này, dĩ nhiên, như đã nói là nhằm hóa giải kế hoạch chuyển trục sang Châu Á của Hoa Kỳ, mà kết quả của nó là làm VN mất trọn quần đảo Trường Sa và hải phận ở Biển Đông. Nếu VN theo Trung Quốc để đứng trong « trục chiến lược » của Trung Quốc, gồm các nước Nga-TQ-VN-Mã Lai v.v… VN sẽ không có lợi lộc gì. Trong khi, vì nhu cầu xây dựng chiến lược, Trung Quốc phải chiếm các đảo TS cũng như phần lớn Biển Đông. VN đúng chung với Trung Quốc thì cũng không ngăn được Trung Quốc chiếm đảo, chiếm biển của mình.”
Trả lời câu hỏi vậy trong lúc này VN cần phải có một lựa chọn thế nào cho phù hợp?
Ông Trương Nhân Tuấn cho biết:
“Nếu VN đứng trong ‘trục’ của Mỹ, không cần phải nói đến những lợi lộc về kinh tế đem lại cho VN trong kết ước kinh tế ‘xuyên Thái bình dương’ (TPP), thì với quan niệm về an ninh của Mỹ ở Biển Đông cũng đã giúp VN bảo vệ quyền lợi của mình. Hoa Kỳ không muốn Trung Quốc xây dựng các đảo nhằm thay đổi hiện trạng, sau đó tiến đến việc tuyên bố khu nhận diện phòng không. Tức là về an ninh, VN và Hoa Kỳ có chung quan điểm.”
Sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc chỉ là một ảo tưởng, rồi sẽ đi đến chỗ phá sản. TS. Sử học Nguyễn Nhã khẳng định:
“Cái sự hào phóng của TQ thì có ý đồ rất rõ rồi, hiện nay TQ đang khai thác mặt mạnh của họ là tiền rất nhiều. Họ đang tập trung tạo thanh thế bằng cách dùng tiền để mua chuộc các nước. Nhưng theo tôi về lâu về dài thì cách ấy của họ không vững bền đâu. Thực sự ra sao, nhưng bây giờ mọi người đều thấy rõ rằng họ rất hào nhoáng, họ rất hào phóng và họ có thể cho nơi nọ nơi kia vay đến hàng tỷ đô la. Họ đang làm như thế khiến nhiều người ảo tưởng rằng họ rất là mạnh. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một giai đoạn thôi, đến một lúc nào đó nó sẽ to lên và sẽ nổ như quả bong bóng ấy.”
Các nhà phân tích cho rằng "Con đường tơ lụa trên biển” không chỉ là mối đe dọa về an ninh và chủ quyền lãnh thổ đối với các nước láng giềng, nhất là các nước đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông, mà còn là mối đe dọa đối với tự do, an ninh, an toàn hàng hải trên biển. Do vậy hơn ai hết, người VN cần cảnh giác trước các thủ đoạn thâm hiểm của TQ.
Anh Vũ
(RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét