Đoàn biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội chặt cây xanh. |
Ngắm nhìn qua ảnh chụp ngập tràn các phương tiện thông tin đại chúng nghìn con người tóc bạc hòa tóc xanh đến nhi đồng măng sữa, áo dài thướt tha kề váy ngắn, quần jeans, tay giương cao những biểu ngữ cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh diễu hành quanh Hồ Gươm giữa lòng Thủ đô Hà Nội vào sáng Chủ nhật 29 tháng 3 năm 2015 để phản đối chính quyền nơi đây tàn sát 6700 cây xanh, hủy diệt môi trường mà tôi ứa nước mắt. Người Hà Nội – phải rồi Người Hà Nội – đã lại vùng đứng lên trước bạo quyền, một cách đồng loạt!
Hẳn nhiên cuộc xuống đường rầm rộ của Người Hà Nội hôm nay bất chấp các xe cảnh sát đặc chủng kè kè với những cái loa ra rả yêu cầu giải tán được phát hết công xuất, bất chấp an ninh nổi chìm chĩa camera ghi hình từng khuôn mặt họ, là tiếp nối tự nhiên của bao cuộc phản kháng chính quyền một cách tập thể và bất bạo động của Người Hà Nội hoặc do Người Hà Nội khởi xướng trong nhiều năm trở lại đây. Là trang mạng Bauxite Việt Nam được Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Phạm Toàn và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng lập ra đầu năm 2009 để phản đối Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường và an ninh quốc gia. Là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 19/01/2013 của 72 nhân sĩ, trí thức và Thư ngỏ ngày 28/7/2014 của 61 đảng viên ĐCSVN lão thành gửi lãnh đạo và toàn thể đảng viên Đảng CSVN đòi xóa bỏ chế độ toàn trị của đảng này. Là Kiến nghị ngày 2/9/2014 của 20 cựu sĩ quan cao cấp Lực lượng vũ trang nhân dân kiên quyết yêu cầu Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam không huy động lực lượng vũ trang chống lại nhân dân, chỉ huy động lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc. Là những cuộc biểu tình không ngớt diễn ra để phản đối Trung Quốc xâm lược, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia xen lẫn tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống tại Hoàng Sa năm 1974, biên giới phía Bắc năm 1979 và Trường Sa năm 1988…
Người dân thủ đô Hà Nội diễu hành quanh Hồ Gươm giương cao biểu ngữ phản đối chính quyền chặt hạ cây xanh, ngày 22/3/2015.
Ở góc độ tâm linh, cuộc biểu tình lớn chưa từng có này của Người Hà Nội thời cộng sản đã diễn ra ngay tại Hồ Gươm, nơi Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho Rùa Thiêng sau khi quét sạch quân Minh khỏi bờ cõi nước Việt cách nay 6 thế kỷ, há chẳng phải để mượn lại Cụ Rùa vũ khí để diệt nội xâm – chính quyền tham nhũng “hèn với giặc ác với dân” - cùng hung hăng ngoại xâm đến từ láng giềng phương Bắc đó sao!
Một hình ảnh khác của sự kiện hôm nay cũng vô vàn xúc động: đoàn người biểu tình quỳ xuống mặc niệm những công nhân Hà Tĩnh thiệt mạng trong vụ sập giàn giáo tại khu công nghiệp Formosa, Hà Tĩnh xảy ra mấy ngày trước. Thật tự nhiên, thật cao cả! Người Hà Nội vì đồng bào ở khắp miền Tổ Quốc thì đồng bào cả nước ắt sát cánh cùng Người Hà Nội trong cuộc chiến giành lại Quyền Dân. Không nghi ngờ gì nữa, chính phẩm chất toàn quốc này của Người Hà Nội đã góp phần khẳng định Hà Nội sẽ mãi là Thủ đô Nước Việt.
Và cũng chính cuộc xuống đường đầy khí thế này của Người Hà Nội đã đặt Quyền biểu tình ở cấp độ nghiêm túc nhất.
Trong mọi trường hợp không thể áp dụng Nghị định 38/2005/NĐ-CP cho công dân thực hiện quyền biểu tình được quy định tại Điều 25 Hiến pháp 2013 hiện hành, huống hồ Nghị định chỉ điều chỉnh “tập trung đông người” chứ không điều chỉnh “biểu tình”. Nói cách khác, cấm đoán biểu tình bất bạo động là vi Hiến!
Các Hiến pháp Việt Nam 1959, 1980, 1992 và 2013 (hiện hành) đều công nhận công dân có quyền biểu tình. Thế nhưng cho đến nay quyền hiến định này đã không được luật hóa, cụ thể là không có Luật biểu tình. Không những thế mới đây Chính phủ còn đề nghị Quốc hội hoãn xét Dự thảo Luật biểu tình sang năm tới. Lý do mà Chính phủ đưa ra là “có một số nội dung cần nghiên cứu thêm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình”, “quyền tự do biểu tình”, “nơi công cộng”, “tụ tập đông người”…; phạm vi áp dụng của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng CSVN, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”. Lý do “không đủ thời gian để nghiên cứu, tham khảo” này là hoàn toàn không thuyết phục vì Bộ Công an được giao soạn thảo Luật biểu tình không phải mới đây mà từ 4 năm về trước, 2011. Vả lại Quốc Hội với nửa nghìn người được trả lương cốt để làm luật không lẽ không biết chỉnh sửa, bổ sung những bất hợp lý, khiếm khuyết (nếu có) của Dự thảo Luật? Đó là chưa kể đến trí tuệ của quảng đại nhân dân một khi Dự thảo Luật được công bố, như đã được thể hiện trong đợt góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cách đây 2 năm mà bản thân tôi đã tích cực tham gia với tư cách tù nhân chính trị tại Trại giam số 5 – Bộ Công an ở Thanh Hóa (1). Để nói sự trì hoãn Luật biểu tình không gì khác hơn là nhằm kéo dài việc cấm cản công dân thực hiện quyền hiến định này, sự cấm cản được cụ thể hóa bởi Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định “một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”.
Điều 8 Nghị định quy định “Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản đăng ký, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc đăng ký tập trung đông người” (Khoản 2) và “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đã cho phép hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp có quyền tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc huỷ bỏ việc tập trung đông người khi xét thấy các hoạt động đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc vi phạm nội dung đã cho phép” (Khoản 3). Tiếp đó, Điều 11 Nghị định quy định: “Đối với những trường hợp tập trung đông người trái pháp luật thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm” (Khoản 1), “Trường hợp tập trung đông người trái với quy định của pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo thì các cơ quan chức năng vận động, giáo dục, thuyết phục họ tự giải tán, trở về nơi cư trú. Đối với người cố tình vi phạm, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ thì các cơ quan chức năng được phép áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, xử lý và buộc người vi phạm trở về nơi cư trú” (Khoản 2).
Như vậy theo Nghị định 38/2005/NĐ-CP, biểu tình chỉ có thể diễn ra nếu “được phép” của chính quyền, đồng nghĩa biểu tình không “được phép” của chính quyền là “trái pháp luật” và trong trường hợp đó biểu tình sẽ bị chính quyền dùng vũ lực giải tán. Bên cạnh đó, vẫn theo các quy định trên của Nghị định, những cuộc biểu tình của những người khiếu nại, tố cáo, tức những cuộc biểu tình mang nội dung phản đối chính sách, hành vi được cho là trái pháp luật của chính quyền, hoàn toàn bị cấm, trong khi biểu tình được hiểu trước hết là hành vi phản đối chính quyền bất luận trong nước hay ngoài nước. Ngoài ra, quy định chính quyền có thể không trả lời trước 7 ngày kể từ khi nhận đăng ký biểu tình cũng đã loại bỏ trên thực tế biểu tình vì đa phần các cuộc biểu tình có mục tiêu chặn đứng ngay lập tức hành vi, chính sách của chính quyền gây thiệt hại cho công dân, quốc gia và xã hội. Để so sánh, luật về biểu tình của các nước dân chủ quy định những người tổ chức biểu tình ngoài trời chỉ phải thông báo chính quyền thời gian và địa điểm biểu tình để chính quyền kịp thời có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia, như ngăn đụng độ với các cuộc biểu tình đối lập nếu có, hạn chế ảnh hưởng của biểu tình tới mọi hoạt động bình thường khác. Thậm chí, theo Luật về tụ tập của Đức, "tụ tập bột phát bởi một lý do tức thời, sẽ không cần báo trước". Tóm lại, chính quyền có quyền cấm hoặc giải tán tụ tập, biểu tình chỉ trong trường hợp có bằng chứng rõ ràng về sử dụng vũ lực của những người biểu tình và trong trường hợp như vậy chính quyền phải công khai lý do.
Đoàn biểu tình mặc niệm các công nhân Hà Tĩnh thiệt mạng trong vụ sập giàn giáo tại khu Formosa.
Nỗ lực cấm cản người dân tập hợp nhau lại để phản đối chính quyền một cách hòa bình còn tiếp tục với Nghị định số 136/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. Thực vậy, Khoản 1 Điều 6 Nghị định này quy định: “Cơ quan Nhà nước khi nhận được đơn khiếu nại có chữ ký của nhiều người thì có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn riêng để thực hiện việc khiếu nại”. Không chấp nhận chính quyền triệt tiêu quyền cơ bản này của người dân, ngày 21/10/2010 tôi đã tiến hành khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hành vi ban hành Nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và pháp luật (2). Đúng hai tuần sau, ngày 5/11/2010, chính quyền đã nại ra vụ kiện này và vụ tôi kiện Thủ tướng Dũng trước đó, vào ngày 11/6/2009, do đã cho phép Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên mà tôi khẳng định là xâm hại nghiêm trọng môi trường, an ninh quốc gia và văn hóa bản địa cũng như đã nại ra các hành vi tự do ngôn luận khác của tôi để bắt giam để tiếp đó bỏ tù tôi về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tại Điều 88 Bộ Luật hình sự!
Chắc chắn nguyên nhân của quái trạng pháp luật nói trên là nỗi lo sợ bị người dân “cướp chính quyền” của các nhà độc tài cộng sản Việt Nam mà chính các bậc tiền bối của họ đã nêu gương cách đây 70 năm, 19/8/1945, cũng chính tại Hà Nội. Mối lo sợ này gia tăng khủng khiếp, nhất là sau các cuộc cách mạng lật đổ các chế độ cộng sản ở Đông Âu vào năm 1989 và “Mùa Xuân Ả rập” lật đổ các chế độ độc tài ở Bắc Phi vào năm 2011. Thế nhưng như chúng ta đã thấy, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền vẫn nổ ra trên toàn quốc, cả ngàn Người Hà Nội vẫn xuống đường Chủ Nhật vừa qua.
Khi xã hội dân sự đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của đời sống công cộng và với tư cách đó tuyệt đối cần thiết cho phát triển đất nước thì việc trì hoãn ban hành Luật về Hội và Luật biểu tình cũng như các luật bảo đảm các quyền tự do cơ bản khác của công dân chính là phá hoại đất nước.
Vấn đề đặt ra là không có Luật biểu tình thì liệu biểu tình ở Việt Nam có trái pháp luật để rồi bất cứ lúc nào cũng có thể bị chính quyền dùng vũ lực giải tán theo Nghị định 38/2005/NĐ-CP hay không? Câu trả lời dứt khoát là Không!
Nên nhớ Hiến pháp được cụ thể hóa bằng Luật chứ không phải bằng Nghị định. Khoản 1 Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ: “Nghị định của Chính phủ được ban hành để quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước”. Hơn thế nữa, Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Điều này có nghĩa “mọi người có quyền làm những gì mà luật không cấm”. Do đó, trong mọi trường hợp không thể áp dụng Nghị định 38/2005/NĐ-CP cho công dân thực hiện quyền biểu tình được quy định tại Điều 25 Hiến pháp 2013 hiện hành, huống hồ Nghị định chỉ điều chỉnh “tập trung đông người” chứ không điều chỉnh “biểu tình”. Nói cách khác, cấm đoán biểu tình bất bạo động là vi hiến!
Vấn đề còn lại là để quyền biểu tình được bảo đảm một cách đầy đủ thì không chỉ Luật biểu tình mà Luật về Hội cũng cần được sớm song song ban hành vì hai Luật này có mối liên quan hữu cơ, không thể có cái này thực chất mà không có cái kia. Thực vậy, biểu tình về cơ bản là bày tỏ quan điểm một cách tập thể và có tổ chức nơi công cộng và Hội (liên kết Hội) chính là người đứng ra tổ chức và đăng ký với chính quyền. Ngược lại, chỉ thông qua biểu tình Hội mới có thể chứng minh một cách thuyết phục nhất sức mạnh xã hội của mình. Nói cách khác, biểu tình chính là phép thử của tính thuyết phục của Hội. Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam khi xã hội dân sự đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của đời sống công cộng và với tư cách đó tuyệt đối cần thiết cho phát triển đất nước thì việc trì hoãn ban hành Luật về Hội và Luật biểu tình cũng như các luật bảo đảm các quyền tự do cơ bản khác của công dân chính là phá hoại đất nước.
Người Hà Nội với hành trang ngàn năm văn hiến và “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” một khi đã vùng đứng dậy tất sẽ là đầu tàu của một cuộc đổi thay ngoạn mục vì Nhân quyền và Cường thịnh Việt Nam.
Cù Huy Hà Vũ
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) LS Cù Huy Hà Vũ góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992 từ trại giam, Đàn chim Việt, 17/11/2013.
http://www.danchimviet.info/archives/81527/ls-cu-huy-ha-vu-gop-y-sua-doi-hien-phap-1992-tu-trai-giam/2013/11
(2) Đơn khởi kiệnThủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về hành vi ban hành Nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và pháp luật, Bauxite Việt Nam, 28/10/2010.
Tác giả là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường, đã từng khởi kiện chính quyền Thừa Thiên – Huế về quyết định phá Đồi Vọng Cảnh để xây khách sạn, đấu tranh chống xây khách sạn tại Công viên Thống nhất ở Hà Nội và kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do đã quyết định cho khai thác bauxite tại Tây Nguyên, hiện là học giả tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét