Báo chí đưa tin, “Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo xử lý nghiêm việc xả thải ra môi trường và các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự trên QL1A”.
“Xử lý nghiêm việc xả thải ra môi trường” thì đúng rồi nhưng nên ngay lập tức chấm dứt truy xét “các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự” để tránh tạo dựng nền móng của sự hận thù.
Một điều rất rõ ràng “các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự” không tự nhiên mà có. Khi chưa có nhà máy nhiệt điện, người dân Bình Thuận có “ra đường”, “chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự” đâu!? Sai là sai ở chính quyền, doanh nghiệp - những nguyên nhân hoàn toàn không từ phía người dân: tình trạng ô nhiễm khói bụi ảnh hưởng nặng nề đời sống, sức khỏe, tính mạng người dân kéo dài hàng năm trời; người dân đã nhiều lần kêu cứu, kiến nghị các cơ quan chức năng mà đâu vẫn đóng đấy; "đại biểu nhân dân" thì im hơi lặng tiếng, không sâu sát, đếm xỉa nguyện vọng chính đáng của người dân trong khi đó là trách nhiệm của họ; hành động ra đường chặn xe cũng chỉ như đánh trống kêu oan, mong có sự thông cảm, hỗ trợ từ cộng đồng nhưng chính quyền không những vẫn không lắng nghe người dân, không kiểm điểm lại mình lại còn giải quyết theo kiểu thêm dầu vào lửa điều công an tới trấn áp.
Trong bối cảnh các vấn đề nảy sinh (không do người dân) không được giải quyết theo pháp luật, nguyện vọng đúng đắn của người dân không được lắng nghe, thực hiện theo luật định thì không thể quy chụp người dân "vi phạm pháp luật". Không thể buộc tội người dân "vi phạm pháp luật" khi lãnh đạo Bình Thuận đã thừa nhận, “yêu cầu của bà con là chính đáng”. "Yêu cầu của bà con là chính đáng" mà không đáp ứng khiến người dân quẫn bách thì sai ở doanh nghiệp, chính quyền.
Nếu người dân run sợ cam chịu để bị trấn áp, đâu lại đóng đấy, tức là người dân sẽ tiếp tục phải sống cùng khói bụi và chờ chết, và những "chính đáng" của người dân không bao giờ được cứu xét. Nhưng người dân không thể chấp nhận như vậy vì họ mới là người chủ thực sự. “Các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối” nếu có hoàn toàn là cực chẳng đã mà người dân bị đẩy vào. Người dân đành phải như thế khi họ không còn con đường nào. Họ không thể ngồi nhà chờ chết và không ai có thể buộc người dân phải chấp nhận cái chết. Chính những kẻ đẩy người dân đến đường cùng mới có tội và cần phải xử. Đó mới là những "kẻ xấu" âm mưu gây bất ổn xã hội.
Qua sự việc này, chính quyền Bình Thuận phải nghiêm túc nhìn lại mình, xem đã thực sự “của dân, do dân và vì dân” chưa!? Phải xử lý mình và chịu trách nhiệm trước dân thế nào!? Phải xử nghiêm những "kẻ xấu" đã o ép, bức bách dân. Với người dân thì nên xem xét bồi thường thiệt hại về tinh thần cũng như sức khỏe. Đấy là cách duy nhất chứng tỏ chính quyền cầu thị, sửa sai, cách duy nhất xóa bỏ nghi kỵ, thù hận, gây dựng vững chắc lòng tin trong nhân dân.
Hy vọng chính quyền Bình Thuận hiểu ra.
N.V.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét