Hai nhà lãnh đạo Việt – Trung tỏ ra hồ hởi và thân thiện với nhau, trái ngược hẳn với năm ngoái, khi giới chức hai nước nhìn nhau với vẻ thiếu thiện cảm. |
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày mai sẽ kết thúc chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Trung Quốc, sau khi tiến hành nhiều cuộc hội đàm với các giới chức cấp cao của nước chủ nhà và đi tới đồng thuận rằng hai bên cần phải giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông.
Trong các bức ảnh chụp với Chủ tịch Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo Việt – Trung tỏ ra hồ hởi và thân thiện với nhau, trái ngược hẳn với năm ngoái, khi giới chức hai nước nhìn nhau với vẻ thiếu thiện cảm sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu gây tranh cãi vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình.
Dù năm ngoái hai bên đối đầu nhau trên biển, giáo sư Carl Thayer từ Australia cho rằng Bắc Kinh vẫn coi Việt Nam là một quốc gia quan trọng vì ít nhất ba lý do sau.
Ông nói: “Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa, có di sản lịch sử về hợp tác và hỗ trợ với Trung Quốc. Thứ hai, Việt Nam là nước láng giềng nằm trong phạm vi của Trung Quốc nên hai bên cùng có quyền lợi duy trì mối quan hệ song phương ổn định và không để xảy ra xung đột. Thứ ba, Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo giáo sư Carl Thayer, vì ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận giữa các thành viên nên Trung Quốc có lẽ không muốn xa lánh Việt Nam”.
Chuyên gia về Việt Nam cho rằng Trung Quốc sẽ phải phải “đáp lễ chuyến thăm của ông Trọng” và một khi đạt được sự thấu hiểu giữa hai nước đôi bên “sẽ tái tục các chuyến thăm cấp cao khác mà cho tới nay vẫn bị đình trệ”.
Việt Nam là nước láng giềng nằm trong phạm vi của Trung Quốc nên hai bên cùng có quyền lợi duy trì mối quan hệ song phương ổn định và không để xảy ra xung đột.
Giáo sư Carl Thayer nói.
Sau những căng thẳng hồi năm ngoái, ông Carl Thayer cho rằng Trung Quốc sẽ phải “nồng hậu hơn với Việt Nam nhằm khôi phục lòng tin chiến lược với nước láng giềng”.
Giới chức Trung Quốc từng tuyên bố muốn “củng cố lòng tin giữa hai nước, thiết lập sự đồng thuận và thúc đẩy quan hệ Trung – Việt đi đúng hướng”.
Trong khi đó, nhận định với VOA Việt Ngữ, ông Dương Danh Di, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, nói rằng ông “không ảo tưởng” về quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh.
Cựu quan chức ngoại giao nói: “Sau chuyện họ đưa giàn khoan vào, Việt Nam cương quyết phản đối, thế giới phản đối, ASEAN phản đối, các nước lớn, trong đó có Mỹ, các nước mới trỗi dậy, trong đó có Ấn Độ, đều lên tiếng phê phán họ thì bây giờ buộc họ phải xuống thang để cải thiện quan hệ với Việt Nam, nhưng xin nói thật, tôi không có ảo tưởng gì về quan hệ với Trung Quốc cả. Việt Nam cũng chẳng bằng mặt, mà bằng lòng thì không bằng lòng rồi. Tất nhiên mình cũng chẳng dại gì một nước nhỏ cạnh nước lớn mà lại căng thẳng, gây sự với họ làm gì, nhưng những nguyên tắc về chủ quyền, lãnh thổ của chúng tôi mà anh xâm phạm thì chúng tôi không thể tha thứ được”.
Hai nhà lãnh đạo Việt - Trung dường như khá gượng gạo khi bắt tay nhau tại một sự kiện ở Trung Quốc cuối năm 2014.
Theo báo chí Việt Nam, trong các cuộc gặp với giới chức phía Trung Quốc, ông Trọng nói rằng “Việt Nam luôn luôn ghi nhớ và trân trọng sự giúp đỡ hết sức to lớn, có hiệu quả của nhân dân Trung Quốc trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam”.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam còn nhấn mạnh tới “chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc.”
Phía Việt Nam cũng cho rằng hai bên “cần kiên trì nỗ lực củng cố và tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước thông qua việc lãnh đạo cấp cao hai bên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi ý kiến một cách chân thành, thẳng thắn và thiết thực”.
Mình không thể thay đổi thực trạng là Việt Nam có một hàng xóm như là Trung Quốc. Dĩ nhiên, với lịch sử của hàng nghàn năm nay, người Việt Nam biết Trung Quốc như thế nào rồi.
Sử gia Nguyễn Nhã nói.
Ông Nguyễn Nhã, sử gia nghiên cứu về Trung Quốc, nhận xét với VOA Việt ngữ rằng Việt Nam không thể làm gì khác khi đứng cạnh Trung Quốc.
Ông cho biết: “Chính bà Nguyễn Thị Bình [nguyên Phó chủ tịch nước Việt Nam] nói ở Paris, trong lần tụi tôi dự hội thảo về biển Đông nhưng đã nói rằng Việt Nam và Trung Quốc giờ muốn đổi lại hàng xóm thì đâu có được. Mình không thể thay đổi thực trạng là Việt Nam có một hàng xóm như là Trung Quốc. Dĩ nhiên, với lịch sử của hàng nghàn năm nay, người Việt Nam biết Trung Quốc như thế nào rồi.”
Chuyến công du cấp cao thứ hai của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới nước lân bang ở phía bắc kể từ năm 2011 diễn ra trước chuyến thăm đã được thông báo sang Washington. Trong bối cảnh Việt Nam đang chịu nhiều sức ép cả ở trên biển lẫn trên đất liền từ chính quyền Trung Quốc, các nhà quan sát cho rằng Việt Nam nên xích lại gần hơn nữa với Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng chuyến thăm của ông Trọng tới Trung Quốc trước cũng có tác động trong cuộc thương thảo giữa Hà Nội và Washington, và chuyến thăm tới Mỹ của ông cũng có tác động tương tự trong các cuộc tiếp xúc giữa Việt Nam với Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu này nói thêm: “Việt Nam hiện đang chuẩn bị các văn kiện chính sách quan trọng cho Đại hội đảng lần thứ 12 nhằm có đường hướng phát triển trong 5 tới 10 năm tới nên điều quan trọng đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là họ phải có những đánh giá đúng đắn về chính sách và ý định của các cường quốc, trong đó có Trung Quốc và Mỹ về một loạt các vấn đề trong đó có chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh và quan hệ quốc phòng”.
(VOA)
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét