Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011
Ai đang đứng trước bức tường sợ hãi
Thanh Quang, phóng viên RFA - Trong bối cảnh người dân Bắc Phi, Trung Đông tiếp tục vượt qua nỗi sợ hải để đứng lên đòi công bằng xã hội với mục tiêu tối hậu của họ là lật đổ chế độ độc tài, thì tại vùng Á Châu – nhất là ở VN, câu hỏi được nêu là liệu “bức tường sợ hải” của người dân có theo gương Cách Mạng Hoa Lài mà bị phá tung không?
Và trận “cuồng phong” thổi từ Bắc Phi, Trung Đông khiến giới cầm quyền lo ngại ra sao ? Tổng hợp thông tin liên hệ, Thanh Quang trình bày tình hình này.
AFP - Công an Việt Nam trên đường phố Hà Nội trong buổi thực tập gữi gìn an ninh. AFP
Nỗi lo sợ đã chuyển ngôi
Qua bài tựa đề tạm dịch “Nỗi lo sợ của Cộng sản VN đang gia tăng”, tác giả Michael Benge, cựu tù nhân chiến tranh VN, từng phục vụ trong lãnh vực ngoại giao và hiện hoạt động tích cực cho nhân quyền, tôn giáo, mở đầu bài viết bằng cách trích dẫn lời 1 người biểu tình chống chính phủ Libya rằng sau khi chứng kiến tình hình khả quan tại Tunisia và Ai Cập, người dân Libya nghĩ là họ có thể hành động như vậy. Và rồi “bức tường sợ hải” của người dân Libya bị phá vỡ để họ không còn sợ giới cầm quyền tham nhũng và bạo tàn nữa.
Trong khi đó, vẫn theo Michael Benge, triển vọng tình hình sôi sục Trung Đông lan toả tới Á Châu khiến cho giới cầm quyền VN lẫn Trung Quốc ngày càng lo ngại, nên lại càng thẳng tay đàn áp những nhà bất đồng chính kiến trong nước. Và nỗi lo sợ của phe cầm quyền tăng thêm khi quốc tế ủng hộ cho nền dân chủ tại Libya qua sự can thiệp cụ thể của LHQ.
Ảnh cho thấy cảnh sát Tunisie thẳng tay đánh sinh viên biểu tình. Khởi đầu cho cuộc Cách mạng Hoa Lài là từ những cuộc trấn áp đó tại Tunisie đưa đến vụ tự thiêu của 1 sinh viên. AFP
Tác giả nhận thấy thể chế độc tài Libya và chính thể CSVN có nhiều điểm tương đồng, và nêu lên câu hỏi rằng liệu “bức tường sợ hải” của người dân VN cũng bị phá vở như ở Libya – hay nói chung như ở Bắc Phi, Trung Đông – hay không ?
Tác giả cũng không quên trích dẫn lời nhà dân chủ nổi tiếng Nguyễn Đan Quế kêu gọi mọi người hãy đứng lên và nêu lên câu hỏi là sống tự do hay sống nhục ?
Theo Giáo sư Trần Khuê từ Saigòn thì người dân VN thực ra không sợ nhà cầm quyền độc tài tham nhũng vì lịch sử đã nhiều lần chứng minh như vậy. Giáo sư Trần Khuê nhận xét:
GS.Trần Khuê: Bây giờ chính tập thể độc tài này đang sợ nhân dân. Nhân dân VN có đặc điểm là khi “gần chết” mới nổi giận. Lịch sử chứng minh như thế. Mà đã nổi giận thì phong kiến, thực dân, đế quốc đều “bay” hết. Đám độc tài, tham nhũng ở VN hiện nay trước sau gì cũng bay thôi.
Vấn đề chỉ là thời gian. Đừng nói nhân dân này sợ. Người ta tưởng họ sợ chứ không phải vậy đâu. Khi đứng trước cả 1 siêu cường Nguyên Mông, họ vẫn thản nhiên; đứng trước đại cường Pháp, họ chỉ có dao găm, mã tấu với gậy tầm vong cũng thản nhiên như không; đứng trước siêu cường Mỹ cũng thản nhiên. Ôi! một dân tộc Thiền lạ lắm. Từ phong kiến, thực dân, đế quốc rồi giờ đến tham nhũng độc tài. Tất cả sớm muộn gì đều cũng “bay” hết trước dân tộc này.
Và Giáo sư Trần Khuê nhân tiện đưa ra 1 thí dụ cụ thể về nỗi lo sợ đó của giới cầm quyền:
GS.Trần Khuê: Chính vụ Cù Huy Hà Vũ thể hiện rằng giới cầm quyền VN sợ lắm. Không sợ sao lại cho mấy trăm công an ra ngăn cản người đến dự phiên toà ? Rồi họ không dám trình bày chứng cứ buộc tội, không dám xử đàng hoàng…Những yếu tố chứng tỏ họ sợ lắm.
Người anh hùng Hà Vũ đã sừng sững trước nhân dân, trước lịch sử. Đó là họ dựng đài cho Hà Vũ đấy chứ. Và có dấu hiệu bất lợi cho nhà cầm quyền nhiều lắm: Dấu hiệu xa như vụ Thái Bình, vụ Tây Nguyên; dấu hiệu gần như Vinashin. Việc Bộ Chính trị phải bỏ phiếu che chắn cho Vinashin, đó là dấu hiệu giới cầm quyền yếu lắm rồi, suy yếu lắm rồi.
Hình ảnh công an thường phục bắt anh Nguyễn Tiến Nam tại chợ Đồng Xuân. Ảnh minh họa. AFP
Từ Paris, TS Phan Văn Song, cựu Giảng viên về Luật và Chính trị học tại Đại học Poitier Miền Nam nước Pháp cũng đồng quan điểm:
TS Phan Văn Song: Tôi nghĩ là giới cầm quyền VN cũng sợ lắm, nếu không muốn nói là rất sợ hải. Bằng chứng là họ lật đật làm vụ án Cù Huy Hà vũ một cách rất trò hề để dập tắt tất cả những hy vọng, mưu toan, tất cả những suy nghĩ nào mà họ sợ là có thể lật đổ được nhà cầm quyền chăng ? Vì vậy vụ án Cù Huy Hà Vũ chứng minh rằng nhà cầm quyền sợ và đang gia tăng đàn áp nặng tay.
Khi người dân nổi giận
Qua bài “Quyền lực nhân dân”, nhà bất đồng chính kiến Tạ Phong Tần trong nước nhận xét rằng “ Bằng vào những biến động hiện nay đang xảy ra trên thế giới, chính phủ những quốc gia đang thống trị người dân bằng bạo lực, đàn áp, độc tài, tham nhũng, mất dân chủ cũng đang run sợ trước viễn cảnh những người dân ngày thường luôn bị xem là thấp cổ bé miệng, luôn bị đối xử bằng dùi cui, còng sắt, cướp đoạt, nhà tù đã không còn chịu nhẫn nhục cúi đầu mà họ sẽ thể hiện quyền lực mình”.
Tác giả Lê Minh qua bài “Ảnh hưởng Domino của cuộc Cách mạng Hoa lài tại Tunisia” cũng lưu ý rằng “Nỗi lo sợ trong mỗi con người là điều tự nhiên, nhưng ở một thời điểm nào đó khi áp bức bất công dồn người dân thấp cổ bé họng đến đường cùng rồi thì sự giận dữ bung trào ra như một cái lò xo, không có gì có thể ngăn cản nổi”.
Người Ai Cập nổi dậy đòi lật đổ chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak hồi tháng 1 năm 2011. AFP
Nhắc đến thuyết Domino, Giáo sư Trần Khuê bày tỏ tin tưởng ở “hiệu ứng domino” có liên quan đến số phận của những thể chế độc đoán từ xưa đến nay – như lịch sử đã chứng minh:
GS.Trần Khuê: Trong tiến trình lịch sử nhân loại người ta đã chứng kiến nhiều “hiệu ứng domino”, qua đó domino thời kỳ thuộc địa hồi các thập niên 50-60 tiếp theo nhau sụp đổ; rồi domino của thời kỳ Liên Xô, Đông Âu theo nhau đổ; và hiện nay cũng là loại domino mới thôi.
Cho nên Cách Mạng Hoa Lài đang lan toả ở Bắc Phi và Trung Đông có thể nói là 1 hiện tượng rất đẹp. Điều này chứng tỏ rằng sau khi chế độ thuộc địa không tồn tại được, rồi chế độ xã hội chủ nghĩa, cộng sản không thể tồn tại thì tới chế độ độc tài hiện nay cũng sẽ không tồn tại được. Vậy câu hỏi được nêu lên là trường hợp VN như thế nào ? VN có đặc điểm như thế này: Trong khi tại các nước khác, độc tài là độc tài cá nhân thì ở VN, độc tài tập thể, mà nếu nói theo lời cựu Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Văn An, là “Vua tập thể”.
Trong tình trạng “Vua độc tài tập thể” như vậy, GS Phan Văn Song lưu ý thêm về yếu tố “tự ái dân tộc” trước “nguy cơ Hán hoá gần kề” để bày tỏ băn khoăn rằng:
TS Phan Văn Song: Yếu tố tự ái dân tộc góp phần phá tan bức tường sợ hải đối với giới cầm quyền. Sự kìm kẹp của nhà cầm quyền CS lại càng làm nổ tung tất cả. Nhưng tôi hoàn toàn không hiểu tại sao tới ngày hôm nay, dân VN – và cả dân TQ nữa – sao không thấy “nhúc nhích”. Có phải vì điều kiện chưa đủ để người dân phá vỡ bức tường sợ hải đó hay là do lòng dân VN quá kiên nhẫn ? Nhưng tôi e rằng chữ “nhẫn” một ngày nào đó sẽ đi với chữ thứ hai, đó là chữ “nhục” đó chăng !
Biểu tình tại Hà Nội khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. AFP
Nhưng GS Phan Văn Song viện dẫn tới hiện tình đất nước với ngày càng nhiều thách thức trong mọi lãnh vực đối với giới cầm quyền để nêu lên nghi vấn về số phận của họ:
TS Phan Văn Song: Người trong cuộc ai cũng đều thấy lối “vừa đánh vừa đàm” của nhà cầm quyền. Nhưng vấn đề là chế độ này có tồn tại được lâu hay không. Vì hôm nay dân tộc VN đang ráo riết đòi tự do giữa lúc khủng hoảng kinh tế, nguyên nhiên liệu, vật giá, nạn lạm phát gia tăng phi mã…Không biết giới cầm quyền VN có phép mầu nào mà giữ mãi người dân bằng bàn tay sắt bọc nhung của họ không ?
Qua bài “Ảnh hưởng Domino của cuộc Cách mạng Hoa lài”, tác giả Lê Minh từ Úc kết luận rằng “Ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh” là quy luật của xã hội loài người. Hương Lài Tunisia sẽ tiếp tục lan tỏa đến các quốc gia như Miến Điện và các nhà nước cộng sản như Cu Ba, Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc,… trong một ngày không xa!”.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-communist-to-be-worry-04072011075345.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét