Tàu ngầm Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh - DR
Theo các nhà phân tích, việc Hà Nội trang bị tên lửa tấn công trên bộ cho đội tàu ngầm của Việt Nam có thể bị xem như là một hành động khiêu khích Trung Quốc.
Theo các dữ liệu được cập nhật hóa trên trang web của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ( SIPRI ), Việt Nam đã mua tên lửa tấn công trên bộ Klub của Nga để trang bị cho các tàu ngầm tấn công hạng Kilo cũng mua của Nga. Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của SIPRI cho biết dữ liệu mới này là dựa trên của bản khai báo các vũ khí quy ước của Việt Nam nộp cho Liên hiệp quốc vào năm ngoái.
Theo nhận định của các tùy viên quân sự trong khu vực và các nhà phân tích, việc trang bị tên lửa nói trên cho các tàu ngầm thể hiện quyết tâm của Việt Nam đối phó với thế lực quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc và nó cũng phản ánh xu thế chung của các nước châu Á hiện nay, gia tăng trang bị vũ khí trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Việt Nam hiện cũng dự tính mua các tên lửa diệt hạm. Nhưng nếu như những tên lửa này chỉ có thể nhắm vào các mục tiêu là tàu trên mặt nước và tàu ngầm của Trung Quốc, thì tên lửa tấn công trên bộ có tầm bắn tới 300 km, tức là có thể bắn tới các thành phố dọc theo các bờ biển Trung Quốc, nếu giữa hai nước nổ ra xung đột. Cũng cần phải ghi nhận rằng Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trang bị tên lửa tấn công trên bộ cho tàu ngầm.
Đối với giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, hành động nói trên là một sự thay đổi đáng kể so với các chiến thuật diệt hạm bình thường. Giáo sư Thayer cho rằng với việc trang bị tên lửa tấn công trên bộ, Việt Nam tự tạo cho mình một khả năng ngăn chận mạnh hơn và điều này khiến cho những tính toán của Trung Quốc phức tạp hơn.
Thật ra, theo giáo sư Thayer, trong trường hợp xảy ra xung đột Việt-Trung, thay vì mạo hiểm oanh kích vào các thành phố như Thượng Hải, chắc là Hà Nội sẽ nhắm vào những mục tiêu như căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam của Trung Quốc, cũng như vào các đảo mà Bắc Kinh đang bồi đắp trên Biển Đông.
Trước khi có tên lửa tấn công nói trên, khả năng tấn công trên bộ của Việt Nam rất giới hạn, vì chỉ dựa vào những tên lửa Scud cũ kỹ và một số vũ khí bắn từ những chiến đấu cơ Su-30 do Nga chế tạo.
Hải quân Việt Nam hiện đã tiếp nhận ba tàu ngầm hạng Kilo của Nga và chờ tiếp nhận chiếc thứ tư trong khuôn khổ hợp đồng 2,6 tỷ euro ký với Matxcơva năm 2009. Chiếc thứ năm hiện đang được cho chạy thử ở ngoài khơi thành phố St Petersburg và chiếc thứ sáu, chiếc cuối cùng, sẽ được hoàn tất vào năm tới.
Nhà phân tích chiến lược tại Matxcơva Vasily Khashin cho biết loại tàu ngầm hạng Kilo bán cho Việt Nam tối tân hơn loại tàu ngầm mà Trung Quốc đang sử dụng và Nga cũng chưa bao giờ bán tên lửa tấn công trên bộ Klub cho Bắc Kinh.
Một giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh cho rằng việc Việt Nam trang bị tên lửa tấn công trên bộ cho tàu ngầm là nằm trong xu hướng tái vũ trang « bình thường » trong khu vực, nhưng theo ông, Hà Nội nên ý thức cái giá phải trả nếu sử dụng vũ khí này chống Trung Quốc.
Còn theo lời ông Trevor Hollingsbee, nguyên là nhà phân tích tin tình báo hải quân của bộ Quốc phòng Anh, thì Việt Nam đang đặt ra cho Trung Quốc một bài toán chiến lược nan giải nhất trên Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét