Pages

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Họa dân tộc

Đầu thế kỷ XIX, ở nước Đức có một người tên Karl Marx, có hiểu biết chút ít về tự nhiên học, song rất đố kỵ với những nhà tự nhiên học giàu có được đi khắp nơi trên thếc giới để mở rộng kiến văn về giới tự nhiên. Do không được đi nhiều lại có những khó khăn riêng của đời sống gia đình, quan hệ cộng đồng và sức khoẻ, khí chất nên ông chuyên tâm dành thời gian đọc sách và tìm cách lai ghép các giống táo châu Âu để tạo thành một giống riêng, gọi là táo Đức, tên khoa học là Triersienne M.K..

Nghe đồn rằng giống táo này có nhiều ưu điểm so với các giống khác đương thời và hơn xa so với giống táo thời Adam và Eva; người nào chịu khó ăn nhiều có thể được vào cõi thiên đàng ngay tại thế gian này. Tiếng lành đồn xa, lại gặp thời các loại quả khác thất bát và không được giá trên thế giới (mà sau này người ta mới nghiệm ra rằng hiện tượng tiêu cực đó được chủ nghĩa thực dân – những đồng bào của ông chủ ý tạo ra), người ta đổ xô tìm mua giống táo mới nói trên. Thị trường cây giống Paris, London tấp nập một thời. Có rất nhiều kiểu, cách mua khác nhau và người mua cũng rất đa dạng, trong đó có thể là những nông dân thực thụ, cũng có thể là những tay làm vườn tài tử, hiếu kỳ; có người mua chỉ để về nghiên cứu chơi; lại có người muốn đem về trồng để làm giàu và được vào thiên đàng. Thậm chí, nghe nói có người lại rắp tâm trồng nhiều, xuất khẩu, khuynh loát thị trường thế giới và làm thất bại chủ nghĩa thực dân đế quốc.

Người Nga mua giống về cải tạo thành một loại lê, tổ chức quảng canh đến nỗi các vùng trồng lúa mì ở Ukrain lép vế, dân chết đói đến mấy triệu; ai lên tiếng chống lại kế hoạch sản xuất lê bị đày đi Siberia, nhiều không kể xuể. Một số nông dân châu Á cũng tìm cách mua cả giống táo và lê đó về nước. Đường xa, phương tiện vận chuyển cây giống khó khăn (sau này có nhà khoa học là con rễ của một trong những người đi mua giống cho biết là một số cây giống chở về bằng xe bò) nên chất lượng cây giống về đến trong nước bị héo hắt, còi cọc, bị cướp dọc đường. Các nhà môi giới bán giống (cộng đồng có hỗn danh là colonists) biết trước việc này, đồng thời cũng dự liệu là khi về nước trồng sẽ bị phản ứng nên đã dự phòng cung cấp hoặc bán cho người mua một ít vũ khí để bảo vệ.

Nhờ quyết tâm cao cùng với những công cụ hỗ trợ đó, các nhà nông châu Á đã tổ chức việc trồng táo Đức và lê Nga suốt trong thế kỷ XX. Do khí hậu thổ nhưỡng khắc nghiệt nên việc trồng, phổ biến, quảng bá sản phẩm rất khó khăn, phải tốn phí nhân lực tài lực rất nhiều. Trước hết, những nhà nông phải tổ chức nên Hiệp hội táo lê được vũ trang; sau đó tiến hành các hoạt động bạo lực, khủng bố để lật đổ nhà cầm quyền và thoả hiệp để các nhà thực dân tạm thời về nước; thực hiện cuộc tranh giành để công hữu hoá toàn bộ đất đai của số nông dân trồng lúa cùng một số cơ sở công nghiệp khác. Khi hệ thống này hoàn thiện, họ mở rộng việc tuyên truyền cho táo lê ở các khía cạnh ưu việt về năng suất, về khả năng lên thiên đàng cho những ai cùng trồng; đồng thời họ đe doạ trấn áp và trấn những ai chống lại việc trồng lê táo song cũng không quên treo những món quà tưởng thưởng cho những ai trồng nhiều. Với hệ thống tuyên truyền, bảo vệ, quản lý đồ sộ tốn không biết bao nhiêu tiền lương trích từ ngân sách quốc gia ấy, giống táo lê vẫn ngoặt ngoẹo, chẳng ra gì, buộc phải điều chỉnh, cải tạo gene nhiều lần. Chất lượng quả của hai giống cây đều kém, cả các ông chủ vườn và nông nô đều biết vậy. Có lần ông chủ lớn đứng ngắm cảnh làm thơ, thấy một số nông phu từ vườn táo về, và có đoạn đối thoại chủ tớ sau đây: – Các cháu đi đâu về đấy? (hỏi thế thôi, có hơi thừa, vì có gì khác khi từ vườn lê về) – Dạ đi trồng lê ạ! – Lê có ngon không? – Dạ ngon lắm ạ! – Có ăn được quả nào không? – Dạ không ạ! Nghe nói đoạn đối thoại về sau được đưa vào sách giáo khoa tuyên truyền trồng lê, còn việc ngon và có ăn được không thì chẳng quan tâm gì.

Bẵng đi nhiều năm, ở nước Đức, nước Nga và các quốc gia châu Âu khác, người ta nghiên cứu thấy giống lê táo nói trên là độc hại, nên nhất loạt phá đi, trồng loại khác và ban bố luật cấm trồng táo lê. Chủ trương hợp lòng dân ấy tạo nên khí thế mới cho nền nông nghiệp các nước này. Sau một thời gian, lê táo xem như tuyệt chủng; lâu lâu chỉ có vài cây dại mọc lên từ hạt sót lại từ thuở trước; người ta thấy cũng không hại gì nên cứ để nó sống cho thêm đa dạng sinh học. Ở các nước châu Á, thấy mối nguy nên người ta cũng đổi mới, cải cách nông nghiệp. Các ông chủ chỉ đạo tất cả các vườn vẫn trồng táo lê ở phía ngoài, còn bên trong khẩn trương trồng các loại cây có thể cạnh tranh khác; đồng thời mời các chuyên gia, nhà đầu tư tư bản có trình độ canh nông cao về các loại cây đó đến để tư vấn, cùng làm ăn. Các ông chủ ngoài miệng vẫn tuyên bố đất nước mình là vương quốc táo lê nhưng thực chất, họ bắt đầu làm giàu bằng những loại cây khác được trồng ngay trên đất tịch thu của nhân dân. Họ cấm nhân dân không được chê bai táo lê, bắt nhân dân phải ăn táo lê như là lương thực chủ yếu và vẫn phải tin nếu ăn nhiều được tiến thẳng lên thiên đường; còn thiên đường là mơ ước nghìn năm của dân tộc, là con đường toàn dân đã lựa chọn (mặc dù các ông chủ chẳng hỏi ý kiến gì người dân), trong khi họ cụng ly tiệc tùng với các nhà tư bản nước ngoài – đồng nghiệp của họ và ăn no nê các loại thực phẩm không phải là táo lê. Con cháu của họ thì nhờ các vị đồng nghiệp nước ngoài ấy cho đi xuất khẩu lao động hoặc học t ập ở nước ngoài để khỏi phải ăn táo lê có hại song lại có cơ hội kế cận trong vai trò tuyên truyền, bảo vệ và trục lợi từ sự nghiệp trồng táo lê giả khi về nước.

Trong hoàn cảnh chung ấy, nhất là ăn quá liều lượng cái thứ táo lê ấy, nhân dân trong nước đâm ra mụ mị, sợ hãi, vui tính như trẻ con, thích được khen, thèm đổi món nên gặp gì ăn nấy, kể cả nhiều loại thực phẩm dở đã bị chôn lấp nhiều thế kỷ, đặc biệt là mọi người chỉ còn một phản xạ duy nhất khi thực hiện các quan hệ xã hội là lừa dối và lừa đảo nhau. Sự giả đối, lừa dối đó không muốn cũng phải có, giống như những người đi coi thơ của một ông Trạng ở đất Thanh tại một nước châu Á nọ. Khốn thay, một dân tộc có trình độ đến mức có thể ứng dụng công nghệ cao để tạo ra một giống cây, một loại thực phẩm, rồi cũng nhờ có trình độ cao đó, đến lúc người ta biết thực phẩm đó là có hại, phải bỏ đi; trong khi một dân tộc khác, chẳng có chút hiểu biết nào, mang cái thứ vạ đó về, lại thấy hợp khẩu vị, bắt nhân dân trồng, ăn suốt đời, và nhơn nhơn tự đắc rằng mình là người sành điệu, có trí tuệ không sánh được.

Đúng là cái họa dân tộc.

Xích Tử

Không có nhận xét nào: