Pages

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Thực chất của chế độ

Phiên toà và bản án dành cho Cù Huy Hà Vũ đã được các phương tiện truyền thông tiếng Việt cũng như báo chí nước ngoài nói tới nhiều.

Trong mục Thấy trên mạng hai hôm nay, Diễn Đàn đã giới thiệu nhiều bài tường thuật hay ý kiến về phiên toà này để khỏi cần nhắc lại ở đây. Những sự kiện như đưa một lực lượng hùng hậu công an, cảnh sát chìm nổi tới khu toà án để ngăn chặn người dân tới theo dõi phiên toà – cả bắt bớ những người phản kháng –, hay không tuân thủ trình tự tố tụng khi xử án (qua việc từ chối đưa ra bằng chứng buộc tội), không cho luật sư nói khi ông đòi toà phải xử đúng luật v.v., mà các bài viết nói trên cho thấy, đều hoàn toàn vắng mặt trên những « bài » viết cho có lệ của các báo chính thống, mặc dù phiên toà được sự quan tâm của rất đông đảo người dân và cả dư luận thế giới. Một lần nữa, tiếng nói của người dân – như được phản ánh trên những tờ báo mạng « ngoài luồng » như Bauxite Việt Nam hay các blog –, không được phản ánh trung thực (thậm chí, phản ánh với ít nhiều thiên kiến, nhưng trực diện) trên những tờ « báo » của đảng.

Nhưng có lẽ cũng nên, nhân dịp này, bình luận đôi chút về một bài viết, hèn như rất nhiều bài viết khác trong cái mục gọi là « Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” » trên tờ báo tiếm danh « Quân đội nhân dân ». Một ngày trước phiên toà, bài viết ký tên Phương Nhi, mang tiêu đề « Bảo vệ chế độ chính trị, thể chế quốc gia là tôn trọng phẩm giá của dân tộc », nói về những luận điểm của CHHV trong vụ án – đặc biệt là đòi hỏi huỷ bỏ điều 4 của « Hiến pháp » – nhưng không hề đả động tới phiên toà, tới nhân vật ngày hôm sau sẽ phải đối mặt với một phiên toà, một bản án đã dàn dựng sẵn.

Bài viết lòng thòng nhắc lại luận điểm quen thuộc về các thể chế khác nhau trên thế giới, để rồi khẳng định « Thành quả của các cuộc đấu tranh với bao nhiêu hy sinh, mất mát kéo dài trên một nửa thế kỷ đó được ghi nhận trong Hiến pháp. Hiến pháp 1992 không chỉ là đạo luật gốc, mà còn là giá trị tinh thần của dân tộc. », nhưng tác giả « quên » một điều cơ bản: Hiến pháp 1992 chưa hề được nhân dân phúc quyết trong một cuộc bỏ phiếu nào, tất nhiên là càng chưa được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu dân chủ, có tranh luận công khai, nghiêm túc và trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau giữa những người khác chính kiến. Xin nhắc lại, 1992 là 17 năm sau khi cuộc chiến tranh giành độc lập đã kết thúc.

Tiếp đó, tác giả viện dẫn những giới hạn luật định ghi trong mục 3 của điều 19[1] trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà các quốc gia thành viên có thể đưa ra nhằm: “a) Tôn trọng uy tín và các quyền của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”, để chứng minh là những quy định trong điều 88, Bộ luật Hình sự, 1999, về « Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam » hay các điều 13, 14 của Luật an ninh quốc gia, điều 10 của Luật báo chí, là « không trái với pháp luật quốc tế ».

« Không trái với pháp luật quốc tế » khi các quan toà không cần tuân thủ các quy định tố tụng của Luật pháp trong xử án? Khi chính những quan toà ấy lại được giao toàn quyền xác định nội dung của các hành vi cấu thành tội phạm của điều 88[2] mà chẳng cần chứng minh được là chúng có thể gây nguy hại cho « an ninh quốc gia » hay không, gây ở chỗ nào?

« Không trái với pháp luật quốc tế » khi công an có quyền đang đêm đập cửa khám phòng ngủ của người dân, nhét các bao cao su đã qua sử dụng vào thùng rác của người ấy để tạo thành « chứng cớ » bắt người? Ai không tôn trọng uy tín và quyền của người khác, ai vi phạm trật tự công cộng, sức khoẻ và đạo đức của công chúng?

Nhưng, tranh luận về luật pháp, về đạo đức với các tác giả của mục « Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” » – nói như một ngạn ngữ Pháp – có khác gì nói chuyện với cái đầu gối ? Họ không bao giờ trả lời những câu hỏi cụ thể, về những sự việc cụ thể. Vậy xin trở lại thực chất của vấn đề.

Ý kiến của ông Vũ – và của rất đông đảo người dân Việt Nam – về tình hình đất nước có thể tóm tắt như thế này: 1/ chính quyền hiện nay là một chính quyền thối nát, tham nhũng từ trên xuống dưới, cậy quyền thế hà hiếp nhân dân, đồng thời với ngu dốt, bất lực trong quản lý quốc gia – điều này được minh chứng bằng các quyết định khai thác bauxite ở Tây Nguyên, quyết định tổ chức các tập đoàn đầy quyền lực nhưng làm ăn thua lỗ nặng nề như Vinashin, EVN…; 2/ tình hình đó là kết quả trực tiếp, không tránh khỏi của sự độc quyền, độc đảng, sự bóp nghẹt các tiếng nói khác trong nhân dân.

Nhiều người khác, tôi không nhớ ông Vũ có trong số này hay không, cho rằng điểm 2/ là hệ quả của sự áp đặt vào VN chủ nghĩa mác-xít, một chủ nghĩa « đã bị thực tế chứng minh là phản khoa học, lỗi thời… ». Tôi sẽ không tranh luận điểm cuối này.

Ý kiến nói trên chỉ « vi phạm » một điều: nó nói lên – mà không được quyền – thực chất của một chính quyền đã trở thành một nhà nước tư bản hoang dã, công an trị, hoàn toàn tha hoá và phản bội các mục tiêu cao đẹp của cuộc cách mạng mà nó tiếp tục nhân danh.

Đó có phải là một « bí mật » mà, khi nói trắng ra, có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia?

Tại sao không tìm cách chứng minh, trên thực tế, là đảng cộng sản nắm độc quyền « lãnh đạo » chính là để xây dựng một đất nước tươi đẹp, trong đó phẩm giá của con người được tôn trọng, bằng những biện pháp đơn giản như: bãi bỏ mọi luật lệ ngăn chặn các tiếng nói phê phán lãnh đạo được công khai phát biểu; công khai tuyên bố rằng không một nhà báo nào phải thực hiện bất kỳ một chỉ thị miệng nào từ bất kỳ cấp uỷ nào; xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc những vụ việc như công an bắn, đánh chết người…?

Người ta có thể chia sẻ hay không các ý kiến, cách phát biểu của CHHV, nhưng làm sao có thể không công nhận : trong ý kiến nói trên, điểm 1/ thường xuyên « được » thực tiễn xác nhận, còn điểm 2/ không hề được phản bác bằng những hành động cụ thể mà chỉ bằng những nguỵ biện cả vú lấp miệng em của những người nắm đầy quyền lực trong tay.

Nhưng, muốn « bảo vệ thành quả cách mạng » và « tôn trọng phẩm giá của dân tộc », thì không có cách nào khác là tôn trọng quyền nói ra sự thật ấy của người dân, để cùng tìm cách giải quyết các vấn đề được nêu ra, chứ không phải là « Bảo vệ các nguyên tắc Hiến định, trong đó có Điều 4, Hiến pháp 1992 quy định về vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam » như tác giả Phương Nhi nguỵ biện.

Hoà Vân

Theo Diễn Đàn

_____________________________

Ghi chú

[1] Điều 19 này có ba mục, hai mục đầu mà tác giả Phương Nhi lờ đi, không nhắc lại, là:

1. Không người nào có thể bị gây khó khăn chỉ vì ý kiến của mình.
2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.

[2] a/ Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b/ Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; c/ Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Không có nhận xét nào: