Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011
Khi các đao phủ run sợ
Ngô Nhân Dụng - Họa sĩ Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei) ở bên Tầu có nhiều điểm giống như Luật sư Cù Huy Hà Vũ ở Việt Nam. Cả hai đều sinh từ những gia đình danh vọng; và cả hai đều thức tỉnh chống lại chế độ mà người cha họ đã từng phục vụ. Cù Huy Hà Vũ mới bị đưa ra tòa kết án về tội “chống chính quyền” cộng sản; còn việc bắt giam Ngải Vị Vị đầu tháng này được bộ ngoại giao Bắc Kinh giải thích là để điều tra ông “vi phạm luật lệ về kinh tế!”
Ông Cù Huy Hà Vũ là con Thi sĩ Huy Cận nổi tiếng, là đảng viên cộng sản Việt Nam từ thời còn trẻ, làm đến chức bộ trưởng. Thân phụ ông Ngải Vị Vị là Ngải Thanh (Ai Qing), một thi sĩ lừng danh trong thế kỷ 20 tại Trung Quốc. Ngải Thanh đã từng du học ở Pháp, từng bị chính quyền Quốc Dân Đảng bỏ tù năm 1932. Vốn tên là Tưởng Chính Hàm, nhưng khi in tập “Sông Đại Yển, Mẹ Vú Nuôi của Tôi” năm 1935 ông tự đổi họ Tưởng sang họ Ngải chỉ vì ghét Tưởng Giới Thạch! Năm 1941 ông tới Diên An gia nhập đoàn quân cộng sản. Dù được Mao Trạch Đông ái mộ lúc đầu, năm 1958 ông vẫn bị bắt tù cải tạo, cho đến khi Mao qua đời ông mới được xuất bản thơ, năm 1979.
Ngải Vị Vị mới bị bắt ngày 3 tháng Tư năm 2011 trước khi đáp máy bay đi Hồng Kông. Ông đang triển lãm tại London, và dự trù sẽ khai mạc một cuộc triển lãm khác ở New York, sẽ mở một xưởng họa và điêu khắc ở Berlin. Chính quyền Bắc Kinh phải biết nếu bắt giam ông họ sẽ gây phản ứng bất lợi trên trường quốc tế; và quả nhiên cả thế giới đã lên tiếng. Cho nên quyết định bắt ông phải do Bộ Chính trị quyết định chứ không phải do một cấp thấp hơn.
Bắt giữ Ngải Vị Vị là dấu hiệu cho thấy phe “diều hâu” trong đảng Cộng sản Trung Hoa đang thắng thế, tiêu biểu là Châu Vĩnh Khang, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách các vấn đề an ninh nội địa. Cũng giống như việc bắt và truy tố Cù Huy Hà Vũ cho thấy phe công an trong Bộ Chính trị Cộng sản Việt Nam đã lên chân. Phiên tòa kết tội Cù Huy Hà Vũ vi phạm cả các thủ tục pháp lý, đến nỗi các luật sư bào chữa đồng loạt bỏ ra về; nó cho thấy là phe công an đang biểu dương quyền lực một cách ngang nhiên, dù làm mất mặt cả chế độ. Vụ bắt giữ Ngải Vị Vị cũng vậy. Ông bị giữ mười ngày mà không ai biết ông bị ai bắt, giam ở đâu; mặc dù lâu nay chính quyền Trung Quốc vẫn tìm cách tôn trọng những luật lệ của chính họ, như việc bắt giữ phải có trát của viện công tố; phải báo cho gia đình biết trong 24 giờ; và chỉ được giam giữ 3 ngày nếu không truy tố. Khi Công an Trung Quốc bất chấp các thủ tục hình thức đó, bắt một người nổi danh quốc tế, họ cho thấy đây là một thái độ mới của chính quyền cộng sản Bắc Kinh, bất chấp thể diện quốc tế. Nhất là khi bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra lý do là Ngải Vị Vị chỉ bị bắt để điều tra về một tội kinh tế, có thể là về thuế má.
Nếu chính quyền cộng sản ở nước ta đã vu tội “trốn thuế” cho nhà báo Điếu Cầy trước đây, chỉ trong một hoạt động kinh doanh là cho thuê nhà, thì việc vu cáo Ngải Vị Vị tội không đóng đủ thuế sẽ rất dễ dàng! Tác phẩm của ông, gồm hội họa, điêu khắc, và kiến trúc được trả giá rất cao trên thị trường quốc tế. Tháng Hai năm 2011 có người đã trả 560,000 mỹ kim để mua một phần còn lại thuộc tác phẩm điêu khắc của ông mang tên “Những Hạt giống Hoa Hướng Dương,” sau khi công an tới đập phá cả họa thất của ông ở Bắc Kinh! Lúc đầu nhà bán đấu giá Sotheby ở London định giá chỉ có 195,000 đô la! Tác phẩm này đã được triển lãm ở London năm ngoái gồm những mảnh nhỏ và hình nhân bằng gốm gọi là những “Hạt giống của Hoa Hướng Dương” mà ông đã thuê 1,600 người thợ ở Cảnh Đức Chấn tô mầu bằng tay.
Ngải Vị Vị được mời làm cố vấn cho công ty Thụy Sĩ phụ trách vẽ kiểu và xây dựng vận động trường “Tổ Chim” của Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008. Nhưng khi thấy chính quyền cộng sản tìm cách dùng cuộc thịnh diễn thể thao này làm một khí cụ tuyên truyền, ông đã rút lui và tuyên bố tẩy chay. Chính ông tạo ảnh hưởng khiến Steven Spielberg cũng rút lui không cộng tác với Trương Nghệ Mưu trong việc đạo diễn màn khai mạc. Cuối năm 2009 Ngải Vị Vị đã triển lãm tại Francfurt, Đức Quốc, với đề tài “Ân Hận,” để mỉa mai những kẻ phạm tội ác rồi chỉ biết nói “Rất ân hận!” Suốt mặt tiền Nhà Nghệ thuật của Francfurt ông cho treo 9,000 cái túi đeo lưng của học sinh. Đó là một biểu tượng cho những vụ chết oan của hàng ngàn học sinh trong cuộc động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, năm 2008, vì bọn quan chức ăn hối lộ để nhà thầu rút ruột khi xây cất trường học. Khi tới Tứ Xuyên ông đã trông thấy những cái túi đeo lưng rớt lại sau khi hàng ngàn học sinh bị tường đè chết. “Phải tưởng niệm các em học sinh này vì báo chí của nhà nước không được phép nhắc tới các em đó; rồi dần dần mọi người sẽ lãng quên!” Ải Vị Vị đã ủng hộ phong trào đòi điều tra cho ra lẽ tội ác này, giữa năm 2009 ông đã công bố danh sách 5,385 tên tuổi các học sinh chết oan, trong khi cuộc điều tra vẫn tiến hành. Vì chuyện này, ông đã bị công an bắt và đánh đến trọng thương; đến cuối năm 2009 ông được đưa vào bệnh viện ở Munich giải phẫu cấp cứu vì chẩy máu trong óc do các vết thương cũ gây ra.
Quyết định bắt giam Ngải Vị Vị, và hàng loạt các nhà báo, luật sư cùng những người chủ trương các blog, cũng chứng tỏ nhóm lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đang lo sợ. Họ muốn ra tay ngăn chặn một làn sóng chống đảng đang lên mạnh trên mạng lưới internet có thể thúc đẩy một cuộc “Cách mạng Hoa Lài;” trước khi hiện tượng này trở thành một phong trào quần chúng. Họ muốn đánh phủ đầu trên giới trí thức Trung Quốc để dập tắt các hành động phản kháng đang âm ỷ bốc lên và có thể lan rộng trên toàn quốc nhờ mạnh lưới internet.
Tháng trước, khi có những lời kêu gọi xuất hiện trên internet mời dân Trung Hoa đi biểu tình tại những địa điểm hẹn trước ở Bắc Kinh và Thượng Hải, guồng máy công an đã mở cuộc tấn công toàn diện trên các phương tiện truyền thông như internet, twitter, vân vân. Tháng Ba vừa qua, Công an Bắc Kinh ngang nhiên đặt máy nghe trộm và theo dõi tất cả các điện thoại di động trong thành phố 20 triệu dân này, lấy cớ là họ cần theo dõi việc lưu thông và tránh bị kẹt trong xe điện ngầm. Công an Thượng Hải đã yêu cầu cuộc diễn hành Thánh Patrick ngày 12 tháng Ba phải đổi địa điểm tụ họp, vì nơi họ chọn quá gần nơi hẹn Biểu tình Hoa Lài; khiến cho ban tổ chức, gồm những người Ái Nhĩ Lan ở Thượng Hải, phải bãi bỏ cả chương trình này lễ thánh quan thầy của nước họ.
Chính quyền cộng sản sợ các mạng lưới thông tin, vì họ đã nếm mùi cay đắng. Những cuộc biểu tình của người dân Tây Tạng năm 2008 và người Yughur ở Tân Cương năm 2009 đều được tổ chức qua các mạng thông tin điện tử.
Các “công dân mạng” rất hoạt động ở Trung Quốc và họ đã gây nên nhiều phong trào quần chúng lớn. Vụ điều tra về nạn tham nhũng sau trận động đất ở Tứ Xuyên là một thí dụ. Cũng trong năm 2008, các công dân mạng cùng nhau hoan hô một người bị kết án tử hình, là Dương Giai (Yang Jia) ở Thượng Hải. Chàng thanh niên 28 tuổi này đã bị công an chửi bới đánh đập khi bị bắt, chỉ vì chuyện đi xe đạp mà không đóng tiền mua bảng số. Anh ta đã trở lại đồn công an, ném chai xăng lửa, xông vào đâm chết 6 viên công an và làm nhiều người bị thương. Anh bị đưa ra tòa, nhưng cả một phong trào toàn quốc đã nổi lên, ví anh như Võ Tòng đả hổ, ca ngợi anh như là một “Đao Khách Bất Hủ!” Nhiều người viết trên mạng: Chúng tôi có lúc cũng muốn làm như anh nhưng chưa dám!
Tháng Năm năm 2009, vụ án oan khuất của cô Đặng Ngọc Kiều (Deng Yujiao's) cũng được các công dân mạng gây nên thành phong trào phản kháng khắp nước. Cô Kiều ở quận Ba Đông, tỉnh Hồ Bắc, làm thợ “neo” ở một khách sạn, bị một viên quan chức trong thị xã đến khách sạn tìm hoa dụ dỗ cô không được nên tìm cách cưỡng bức. Cô dùng con dao nhỏ đồ nghề của mình đâm hung thủ đến chết.
Câu chuyện cô bị đưa ra tòa được đưa lên internet, với nhiều chi tiết cho thấy các quan chức khinh thường người dân như thế nào. Bốn triệu blog đã lên tiếng kêu gọi dân chúng phản đối. Nhiều đám sinh viên đã tổ chức biểu tình ngay tại thủ đô Bắc Kinh, họ trương biểu ngữ gọi cô là nữ anh hùng, là liệt nữ, vân vân. Những chiếc áo T Shirt in các khẩu hiệu, trong đó có cả một câu thơ của Mao Trạch Đông: Giang sơn như thử đa Kiều! (Đất nước như vầy nhiều vẻ đẹp; nhưng có thể hiểu là ‘nhiều người như Kiều’). Trong cuộc biểu tình, một cô gái mặc toàn đồ trắng nằm co quắp trên đường, chung quanh là hàng chữ: Ai cũng có thể thành một Đặng Ngọc Kiều! Cuối cùng công tố viện phải thay đổi tội danh cho cô được xử nhẹ hơn.
Hiện tượng “Công Dân Mạng” (Nettizens, Võng Dân trong tiếng Trung Hoa) đang phát triển rộng lớn là một mối đe dọa cho độc quyền chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc. Số người vào internet gia tăng rất nhanh; năm 2007 có 162 triệu, các năm sau đã tăng lên thành 298, 384 và năm ngoái lên 457 triệu “công dân mạng.” Những người vào mạng đều thuộc thành phần có học và khá giả hơn người dân thường (mỗi tháng trung bình họ chi tiêu 25 đô la để vào mạng), đa số là thanh niên ở các thành phố. Những nhà trí thức có tinh thần độc lập và đấu tranh cho tự do dân chủ như Ải Vị Vị đang sử dụng mạng lưới internet để đánh thức giới trẻ về tình trạng đảng Cộng sản xâm phạm các quyền công dân của người Trung Hoa. Chế độ cộng sản sợ nhất là có thể một biến cố lớn sẽ khiến người dân nổi giận, khi đó chỉ cần một người lên tiếng, tất cả mọi người sẽ đứng lên, nhất hô vạn ứng. Vì vậy, bộ phận công an trong đảng Cộng sản đã thuyết phục được Bộ Chính trị thay đổi sang đường lối cứng rắn! Các tay đao phủ đang run sợ, họ phải ra tay trước. Họ đã bắt rất nhiều nhà trí thức trong thời gian gần đây, và chắc chắn sẽ tiếp tục chính sách này trong 2 năm cầm quyền sau cùng của các ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo.
http://www.diendantheky.net/2011/04/khi-cac-ao-phu-run-so.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét