Pages

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Vụ án Cù Huy Hà Vũ: Sản phẩm sự phục hồi của Chuyên chính vô sản

Hôm qua có anh bạn hỏi tôi rằng việc xét xử vụ án Cù Huy Hà Vũ vừa rồi thấy trên mạng internet “um sùm” vậy mà không thấy tôi viết bài hay có bình luận gì, trong khi anh ta thấy ai ai cũng lên tiếng để nói lên quan điểm của mình xung quanh các vấn đề của vụ án. Nghe người ta hỏi vậy, nhất là sau khi đọc khoảng gần hai chục bài của các tác giả bình luận đánh giá việc xét xử vụ án trong mấy ngày qua về sự kiện trọng đại này, cá nhân tôi cũng đành chỉ biết cười.

Vì còn cái gì nữa mà để viết?

Những cái hôm nay mọi người đang bàn tán là những cái mà tôi đã nói ngay từ trong bài “Nên làm gì vào ngày xử án ông Cù Huy Hà Vũ?” cách đây gần một tháng. Những bình luận đó vẫn còn nguyên giá trị của nó, và mọi diễn biến của phiên toà hôm 04/4, nếu ai mang ra đối chiếu thì cũng không nằm ngoài những nhận định đó, nếu ai quên thì tôi xin trích lại để mọi người cùng suy ngẫm (trích) :

“…Kể ra ai nói cũng có lý của họ, nhưng hình như mọi người đều đánh giá hay đưa ra nhận định của họ trên cơ sở một nền tảng luật pháp của một quốc gia, ở nơi đó luật pháp được thượng tôn và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mà họ quên một đi điều cơ bản rằng vụ án này đang diễn ra ở Việt nam, vì luật pháp ở nước ta thường ấm ớ, có cái khác với các quốc gia dân chủ hoàn chỉnh. Nói như vậy có nghĩa phải hiểu rằng ở Việt nam vai trò của luật pháp đối với các vụ án mang tính chất nhạy cảm hay các vụ án chính trị thì khó mà đoán được. Bởi vì cần phải hiểu một vụ án liên quan đến chính trị, khi xét xử nó sẽ phục vụ một mục đích chính trị, chứ không phải chỉ đơn thuần là giải quyết trật tự xã hội. Chính vì thế các bản án của các vụ án kiểu này không căn cứ vào luật pháp quy định, mà mang nặng cảm tính của các vị lãnh đạo cấp cao khi ra ý kiến chỉ đạo, nói trái là trái, nói phải là phải …“

Điều đó, theo tôi có nghĩa là các tác giả cũng như bạn đọc nên phải xác định rõ những nguyên nhân sâu xa gây ra những sự bất cấp tưởng như vô lý trong và ngoài phiên toà xét xử vụ án Cù Huy Hà Vũ diễn ra tại Hà nội ngày 04/4/2011 đã trích ở trên. Đó là sự can thiệp và chỉ đạo thô bạo của một vài cá nhân, bất kể cả họ là những người đó họ có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án này đi chăng nữa. Mà cụ thể nạn nhân, ông Tiến sị Luật Cù Huy Hà Vũ phải đau xót thốt lên rằng “Đây là một vụ án được dựng lên để chống lại tôi” và người ngoài cuộc thì họ nói thẳng ra là “Nguyễn Tấn Dũng trả thù Cù Huy Hà Vũ?“.

Cần phải hiểu rằng tất cả những sự việc, hành động xảy ra trước hay trong phiên toà và kể cả những gì mà chúng ta thấy bên ngoài phiên toà xử vụ án này là điều hiển nhiên và là đặc trưng của cái gọi là Chuyên chính vô sản. Chỉ khác cái ấy giờ đã biến hoá và núp sau cái vỏ bọc mới có tên là Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa. Đáng tiếc là rất nhiều người hiện nay vẫn còn bị nhầm lẫn, đặc biệt là những người đã từng sống và lớn lên ở trong nước, kể cả họ là thành phần trí thức kiệt xuất mà sau này đã có điều kiện từng sống và làm việc trong một môi trường xã hội dân chủ văn minh tại các nước Pháp, Hoa kỳ v.v… Kể cả một người có tên tuổi như GS Ngô Bảo Châu cũng là một điển hình khi nhìn nhận vụ án này và cho rằng (trích): “Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn“.

Tôi không dám nói GS. Ngô Bảo Châu nói chưa chính xác mà tôi nghĩ hình như Giáo sư đã quên mất (hay vì ngại không dám nói) điều thứ ba quan trọng hơn cả, đó là ông Chủ toạ phiên toà và Hội đồng xét xử vụ án này, những ngưới sẽ lớn tiếng “Nhân danh nước Cộng hoà XHCN Việt nam” cũng chỉ những nạn nhân của chế độ, của thể chế chính trị độc tài không giống ai mà thôi. Họ chỉ là những phi công Thần phong (Kamikaze) đã bị buộc chặt với cái đích sống chết cũng phải lao vào, đó là bản án buộc họ phải tuyên, với mức án đã thành nghị quyết của cấp trên mà họ phải thực hiện.

Đó là bất kể thế nào cũng phải dành cho ông Cù Huy Hà Vũ là 7 năm tù giam và 3 năm quản chế cho bằng được trong phiên xét xử !

Đây là cách giải thích đúng đắn và chính xác nhất vì sao Toà đã yêu cầu cảnh sát tư pháp mời Luật sư ra khỏi toà và lập tức tuyên án ngay khi phần tranh tụng mới bắt đầu. Nếu nói theo kiểu dân dã của bọn làm công ăn lương nhà nước, thì đây là phiên toà theo kiểu “Xong sớm nghỉ sớm, không xong cũng phải kết thúc đúng giờ với mức án đã định sẵn“. Vì thực ra ông Chánh án, ông Thẩm phán rồi mấy ông Hội thẩm Nhân dân của phiên Toà này cũng chỉ là mấy cái nộm rơm biết nói nhưng không biết nghĩ mà thôi, phải hiểu họ có cái quyền hành gì đâu. Cái gì cần quyết tại phiên xử thì đã có người họ quyết hộ cho trước cả rồi.

Chắc cũng vì lẽ đó, ông TS. Cù Huy Hà Vũ và nhóm luật sư bào chữa cho ông cũng biết tỏng trò bậy bạ này nên họ đã chủ động phá đám bằng cách yêu cầu Tòa cung cấp cho ông Vũ tất cả 10 tài liệu liên quan tới cáo trạng nhằm buộc tội ông Vũ, để các LS thẩm vấn thân chủ của họ. Và để rồi vin vào đó tố ngược toà vi phạm điều 214 của Bộ luật Tố tụng Hình sự và để rồi cùng nhau bỏ về trước. Chưa hết, nó còn là cú tạo điều kiện cho ông Cù Huy Hà Vũ thẳng thừng tuyên bố với Hội đồng xét xử rằng “Tôi cũng sẽ không trả lời bất cứ một lời nào đối với hội đồng và cũng không tranh tụng gì nữa và đề nghị hội đồng tuyên án luôn, mức án bao nhiêu tôi cũng chịu trước dân tộc và trước nhân dân”.

Một sự tính toán hợp lý của ông Cù Huy Hà Vũ và nhóm luật sư bào chữa cho ông đã khiến lật ngược tình thế, từ vị thế một kẻ có tội là bị cáo bị truy tố xét xử, ông Cù Huy Hà Vũ và nhóm luật sư bào chữa cho ông bỗng trở thành những người kết tội chế độ vô luật pháp, hành xử kiểu rừng rú y như của lũ thảo khấu. Điều đó đúng như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã nhận xét là “từ ngày Cách mạng Tháng Tám đến nay chưa từng có một phiên tòa nào có cảnh tượng như thế!” và “Dư luận họ cho rằng, không phải ông Chánh án phiên tòa xử, mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xử đấy”.

Xung quanh vụ án xét xử ông TS. Cù Huy Hà Vũ, một vụ án chính trị ấm ớ có một không hai trong hơn 60 năm lịch sử chế độ cộng hoà dân chủ của Việt nam. Bởi trong suốt hơn 60 năm đã qua, khi mà mô hình Nhà nước pháp quyền đã không được chính quyền chú ý và quan tâm xây dựng mà lại dần bị chìm đi bởi sự áp đặt của mô hình “chuyên chính vô sản”.

Đã có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chủ yếu là nặng về chê trách và chỉ trích cách xét xử trong phiên toà xét xử ông TS. Cù Huy Hà Vũ của nhiều người, thuộc nhiều thành phần xã hội trong và ngoài nước. Nhưng mọi người cần hiểu rõ lý do và nguyên nhân đã sinh ra và để cái thứ toà án ba lăng nhăng xét xử vô luật pháp kiểu này tồn tại, đó là cái thứ sản phẩm của kiểu Nhà nước Pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa vô luân và quái dị, một thứ biến thái của nến chuyên chính vô sản của mô hình nhà nước theo chế độ cộng sản còn sót lại khi chính quyền đang được điều hành bởi bàn tay một cựu Công an. Khi mà chính quyền của dân, do dân và vì dân lại được hiểu là Đảng trị, Đảng trở thành “siêu Nhà nước”, Đảng mới chính là Nhà nước theo truyền thống “chuyên chính vô sản” kiểu Stalinnit thủa trước.

Học thuyết Chuyên chính vô sản kiểu Stalinnit, cho dù đã bị chính đảng CSVN xoá bỏ trong các văn kiện từ nhiều chục năm nay để hướng tới xây dựng một nhà nước pháp quyền, khi mà mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng những thế lực bảo thủ, phản động trong đảng CSVN hiện nay đã tìm thấy sự duy trì chuyên chính vô sản bất chấp hiến pháp và luật pháp, phù hợp với việc bảo vệ lợi ích và quyển lực đang có của họ, bởi dùng nó dễ cai trị. Đó chính là lý do vì sao những vướng mắc phát sinh trong cuộc sống hàng ngày ở Việt nam hiện nay, khi mà chính quyền bất lực trong cách giải quyết thì họ ra lệnh cấm. Khi công dân dùng quyền của mình thông qua pháp luật để khiếu nại, tố cáo thì họ bắt bớ bỏ tù bởi tội danh xúc phạm và bôi nhọ làm ảnh hưởng tới uy tín của lãnh đạo đảng và nhà nước. Mà họ quên mất Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt nam tại Điều 2 quy định rõ nhân dân là chủ nhân của đất nước, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và Điều 8 quy định “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…“, nghĩa là họ chỉ là đầy tớ, là công bộc của nhân dân.

Đã đành rằng Luật pháp là các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra (hoặc thừa nhận), thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp khác nhau. Nhưng không có nghĩa nó cho phép Nhà nước đó được quyền tuỳ tiện áp đặt theo ý mình để bảo vệ quyền lợi của chính mình, bởi trên nó còn có Hiến pháp, luật pháp cao nhất.

Một chính quyền nhà nước thì tự mình phải thực hiện nghiêm túc, đúng là đủ mọi quy định do chính tay họ đã tự ghi trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Còn nếu một tổ chức chính quyền nhà nước mà lạm dụng đặc quyền, tuỳ tiện không tự tuân thủ luật pháp quốc gia, để pháp luật có cũng như không rồi dùng thứ luật bất thành văn (luật rừng) để cai trị. Như vụ án Cù Huy Hà Vũ là một điển hình, thì chúng ta chỉ có thể gọi họ là một băng đảng cướp.

Ngày 08/4/2011

—————–

*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

Không có nhận xét nào: