Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011
Vụ “Cù Huy Hà Vũ”: Sự ấm ớ đáng xấu hổ về truyền thông
Hồ Bất Khuất - Vụ án TS Cù Huy Hà Vũ bộc lộ khía cạnh lố bịch về truyền thông trong thế giới hiện đại. Tòa của ta, xử người của ta, giữa Thủ đô của nước ta, ấy thế mà tôi lại phải theo dõi thông tin qua báo chí nước ngoài...
Trong entry “Biến thảm họa thành cơ hội”, tôi đã đưa ra “kịch bản” lãng mạn nhất về vụ án TS Cù Huy Hà Vũ. Đương nhiên“kịch bản” này đã không thành hiện thực. Tôi không bực tức và ngạc nhiên lắm về điều này. Điều làm tôi thấy tủi hận nằm ở khía cạnh khác. Đó là sự ấm ớ về truyền thông tới mức lố bịch.
Những người giảng dạy về nguyên lý truyền thông thường nói một cách sinh động thế này:
Việc chó cắn người là một sự kiện bình thường, không có gì hấp dẫn. Còn nếu người cắn chó là một sự kiện đặc biệt, là tin tức rất có sức hấp dẫn.
Ở nước ta gần đây đã có nhiều phiên tòa xử một số người vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự. Nhưng đó cũng chỉ là những sự kiện “chó cắn người”. Còn vụ án TS Cù Huy Hà Vũ thuộc loại “người cắn chó” vì ông Vũ là con đẻ và con nuôi của hai thi sỹ nổi tiếng của nước ta là Huy Cận và Xuân Diệu. Bản thân ông Vũ lại là người giao du rộng, thân thiết với nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Có rất nhiều bức ảnh chụp ông Vũ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh… Người như vậy mà lại “chống lại Nhà nước, chống lại chính quyền” là điều rất đáng suy ngẫm. Vì vậy vụ án TS Vũ được nhiều người quan tâm là điều dễ hiểu.
Đáng ra toàn bộ vụ việc này và đặc biệt là phiên tòa xử ông Vũ phải được thông tin một cách rộng rãi, trung thực để mọi người suy ngẫm. Thế nhưng thực tế diễn ra ngược lại.
Ấm ớ đến lố bịch
Vụ án TS Cù Huy Hà Vũ bộc lộ khía cạnh lố bịch về truyền thông trong thế giới hiện đại. Tòa của ta, xử người của ta, giữa Thủ đô của nước ta, ấy thế mà tôi lại phải theo dõi thông tin qua báo chí nước ngoài. Theo như thông báo, phiên tòa diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 4/4/2011, nhưng vào lúc 10 giờ sáng, không thấy tờ báo mạng nào của ta tường thuật. Trong khi đó, vào lúc 9 giờ 26 phút, BBC đã có bài và có ảnh về quanh cảnh phiên tòa. Sau đó BBC liên tục cập nhật. Còn tất cả các báo chí của ta, đến chiều mới đồng loạt đưa tin ông Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù.
Điều đáng nói là ở chỗ cho đến lúc đó cũng không có tờ báo chính thống nào tường thuật trung thực, chi tiết về những gì đã diễn ra ở phiên tòa xử ông Vũ. Lại vẫn phải nhờ cậy đến báo chí nước ngoài mới biết được đôi điều.
Nếu căn cứ vào hai luồng thông tin thì thấy chúng mâu thuẫn nhau và không biết hiểu thế nào cho đúng. Có điều thông tin không chính thống cho thấy bức tranh toàn cảnh trung thực hơn, dễ hiểu hơn.
Theo Luật sư Trần Đình Triển và một số luật sư khác nữa thì phiên tòa xử ông Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4/2011 vi phạm Luật tố tụng Hình sự ngay từ ban đầu và người vi phạm là Hội đồng xét xử. Ông Triển nói rất rõ ràng là Điều 214 Bộ luật Hình sự bị vi phạm nghiêm trọng. Chính Hội đồng xét xử mà lại vi phạm Luật thì còn gì để nói nữa?!
Coi chừng phản tác dụng!
Thật ra, việc ông Vũ bị phạt tù bao nhiêu năm không quan trọng. Cái quan trọng là phải hiểu vì sao ông ấy bị phạt tù. Theo thông tin chính thống thì ông Vũ bị phạt 7 năm tù về tội chống lại chế độ XHCN. Nhưng ông ấy chống như thế nào và tại sao ông ấy chống thì không được nói rõ ràng.
Cần phải hiểu rằng vụ án xử TS Cù Huy Hà Vũ là một cơ hội để nhận thức những vấn đề quan trọng có tính nguyên tắc, như: Thế nào là lòng yêu nước? Thế nào là tuyên truyền chống chính quyền nhân dân? Làm thế nào để tăng uy tín quốc gia?... Đáng ra những vấn đề này phải được tranh tụng tại tòa, nhưng thật là buồn là ở phiên tòa vừa rồi không có phần tranh tụng vì các luật sư cho rằng Hội đồng xét xử đã vi phạm điều 214 Bộ Luật hình sự nên họ bỏ về. Còn ông Cù Huy Hà Vũ thì lại sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào. Trong tình thế như vậy mà tòa vẫn tuyên án thì thật không hiểu được mục đích của phiên tòa là gì. Ấy thế nhưng các phương tiện thông tin chính thống vẫn thông báo rất hùng hồn về việc ông Vũ bị bị phạt 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc. Phải chăng tòa và các phương tiện truyền thông đại chúng muốn biến ông Vũ thành “Mandela của Việt Nam ”?
Với cách xử án và thông tin như vừa qua, người ta không thấy ông Vũ phạm tội như thế nào, chỉ thấy ông hiên ngang chịu đựng mọi thứ người ta khoác lên đầu ông.
Những điều cay đắng đọng lại
Đọc những thông tin về vụ “Cù Huy Hà Vũ” trên báo chí chính thống, tôi có cảm giác các nhà báo của chúng ta không biết hành nghề (Mặc dù trên thực tế, chúng ta có nhiều nhà báo có trí tuệ, có bằng cấp, có kinh nghiệm và kỹ năng viết báo rất giỏi). Đó là điều cay đắng thứ nhất. Điều cay đắng thứ hai chính là ở trình độ, bản lĩnh của các quan tòa. Một vụ án quan trọng, đương nhiên phải cử những quan tòa giỏi ra để xét xử. Ấy vậy mà họ tỏ ra không hiểu biết pháp luật, hiểu biết đạo lý và thông lệ quốc tế. Điều cay đắng thứ ba là cách tổ chức phiên tòa và thái độ của các nhân viên an ninh. Việc ngăn đường, cấm đường, đánh người, bắt người có cần thiết không?
Những điều cay đắng trên dẫn đến điều cay đắng tiếp theo là chúng ta bị quốc tế phản đối, bị đặt vấn đề về nhân quyền, bị nghi ngờ về những cam kết. Giáo sư Ngô Bảo Châu rất có lý khi cho rằng: “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.
Hồ Bất Khuất
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét