Tối ngày 22/08/2011, đài phát thanh và truyền hình Hà Nội (HTV), trong chương trình thời sự đã có một phóng sự về các cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam diễn ra trong 11 chủ nhật liên tiếp, tính từ ngày 5/6/2011.
Trước đó không lâu, ngày 4/8, trong khoảng 15 phút, phóng sự “Sự thật về hành vi vi phạm của Cù Huy Hà Vũ” đã được đài truyền hình Việt Nam VTV1 phát trên cả nước, cũng trong chương trình thời sự, với kỹ thuật lồng ghép sống sượng, đã phản ánh không trung thực, đặt sự việc toàn cục nằm ở phía có lợi cho tuyên truyền của nhà cầm quyền. Cùng với thủ pháp hạ cấp là bới móc đời tư vô cớ, VTV1 đã bôi nhọ, xúc phạm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một trí thức bất đồng chính kiến can đảm đã bị kết án nặng nề, bất nhân bởi một phiên toà “lưu manh và ô nhục”, “làm mất cả thể diện quốc gia”.
Ngày 5/8 gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã viết đơn đề nghị gặp Tổng giám đốc VTV1 Trần Bình Minh để khiếu nại, nhưng cho đến hôm nay, hồi âm duy nhất mà gia đình nhận được là sự im lặng trơ trẽn và vĩnh viễn truyền thống.
Tuy nhiên, VTV1 chỉ chĩa mũi phản công vào một cá nhân tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, bằng bộ máy độc quyền thông tin của mình. Còn HTV đã phỉ báng hàng ngàn người nếu tổng cộng tất cả số người tham gia biểu tình trong 11 lần ở Hà Nội và 2 lần ở Sài Gòn, với sự có mặt của nhiều nhân sĩ, trí thức được xã hội quý mến, kính trọng, như nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, v.v…
Ngày 22/8, 14 người gồm Nguyên Ngọc, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A, Nguyễn Văn Khải, Phạm Xuân Nguyên, Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Xuân Diện, Lê Dũng, Nguyễn Đức Mậu, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Chí Đức, Phạm Văn Chính, Nguyễn Tiến Nam, Lã Việt Dũng, đã cùng ký vào kháng thư gửi HTV, đề nghị HTV “xin lỗi và cải chính vì đã phát nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến công dân”.
Ngày 31/8, của Tổng giám đốc, Tổng biên tập HTV Trần Gia Thái bằng văn thư số 111/PTTH đã phúc đáp những người ký tên đã nêu.
Nhận định nội dung thư của ông Trần Gia Thái như một động thái “phủi tay”, “vô liêm sỉ”, nhà văn Nguyên Ngọc đã cho công bố thư của ông gửi Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) thành phố Hà Nội ngày 25/8, trong đó có đoạn:
“Tôi năm nay đã 80 tuổi. Cho đến nay, trong suốt cuộc đời 80 năm qua của tôi, chưa có ai dám vu khống và xúc phạm tôi nặng nề như đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, một cơ quan đặt dưới dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đứng đầu là ông. Ở nước ta, như chắc chắn ông biết, gọi một người là phản động cũng tức là kết tội người ấy là một tên phản quốc. Đối với tôi, đây là một sự lăng nhục cực kỳ nghiêm trọng, nhất quyết không thể tha thứ.
Đài này còn sử dụng một thủ đoạn ti tiện mà tôi nghĩ ở tuổi ông hẳn có thể ông cũng từng được biết, vào thời Cải cách Ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm, dùng những người không được bất cứ ai cử ra nhưng lại được coi là đại biểu của “quần chúng nhân dân” lớn tiếng vu khống và chửi bớichúng tôi trên một phương tiện truyền thông chính thức của Đảng bộ và Chính quyền Hà Nội” [1].
Nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người đã tham gia biểu tình yêu nước tại Sài Gòn, cho rằng, thư trả lời của ông Trần Gia Thái là “đỉnh điểm” của “sự ngạo mạn sau khi vu cáo, bôi nhọ, vẫn khinh thường trí thức để được đứng trên pháp luật. Không xin lỗi - không đính chính. Sặc mùi: trơ tráo dối trá”, “tận đáy của sự suy đồi đạo đức, văn hoá, nhân cách”. Và ông kết luận:
“Không khác gì Khổng Tử vốn ôn tồn, lễ nhượng, đã nổi cơn thịnh nộ, mắng nhiếc lũ nho hương nguyện là bọn giặc của đạo đức. Bởi chúng chuyên nghề “nhân danh”. Bởi chúng là những kẻ phá hoại đạo đức và lý tưởng một cách tàn tệ hơn ai hết. Trước cổng thiên đàng và cửa thánh hiền, không có chỗ cho bọn giả hình, không có chỗ cho bọn “đức tặc”(F.Nietzsche – bản dịch của Hà Vũ Trọng). Giả hình và “đức tặc” qua thái độ và nội dung công văn trả lời của ông Tổng giám đốc Trần Gia Thái của đài Truyền hình Hà Nội là minh chứng rõ nhất” [2].
Thiết nghĩ các trích dẫn nêu trên đã quá đủ cho sự phê phán thái độ của HTV1 mà ông Trần Thái Giá là đại diện. Bởi vì đấy là những lời phát biểu công khai của những khuôn mặt văn hoá lớn.
Một, của nhà văn Nguyên Ngọc, cây đại thụ trong nền văn học Việt Nam hiện đại, một con người điềm đạm, chuẩn mực trong cư xử, tác giả của các tác phẩm “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”… nằm sâu trong tâm khảm của người Việt yêu nước xuyên suốt thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, cũng như sau ngày thống nhất đất nước.
Hai, của nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người từng khoác áo thanh niên xung phong lăn lộn với hiểm nguy, gian khổ, tác giả của “Bài học đầu cho con” (Quê hương), “Chút tình đầu” (Phượng hồng) và “Khúc mưa” được phổ nhạc, rung động lòng người. Bài “Quê hương” của ông đã làm thổn thức hàng triệu con tim những người sống xa Tổ quốc – “Quê hương mỗi người chỉ một – Như là chỉ một Mẹ thôi – Quê hương nếu ai không nhớ – Sẽ không có lúc trở về”!
Vâng, những con người đáng kính như thế đã bị HVT, báo “Hà Nội Mới” và “An ninh Thủ đô” ầm ĩ lên gân cốt, vứt không thương tiếc vào cái rọ “phản động”.
Vậy giới trí thức và tất cả những người lương thiện và yêu nước trong sáng khác phải chịu bó tay trước những tên vừa ăn cướp, vừa la làng? Chỉ mấy ngày trước đó thôi, Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố, đã chẳng dõng dạc tuyên bố các cuộc biểu tình tự phát là thể hiện lòng yêu nước, đó sao?
Các loại thư, đơn từ xin-cho, đề nghị, kiến nghị – như chúng ta thấy qua rất nhiều lần – đã chẳng mang lại chút hiệu quả nào. Cần phải dứt khoát từ bỏ ảo tưởng này. Đến đại tướng Võ Nguyền Giáp ba lần viết thư can ngăn đừng khai thác bauxite Tây Nguyên, mà có ai thèm nghe đâu!
Nhà văn Phạm Viết Đào, cũng một người đã tham gia biểu tình, cho rằng, “bản tin của Đài truyền hình Hà Nội tối 22/8 đã vi phạm vào khoản 4 Điều 10 của Luật Báo chí, quy định về những điều không được thông tin trên báo chí: “Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân” [3].
Như thế thì rõ rồi! Nhưng những người bị xúc phạm có thể kiện HTV và các báo “Hà Nội Mới”, “An ninh Thủ đô” không?
Câu hỏi này làm tôi nhớ đến vụ kiện của người bạn sống ở một đất nước đã là “anh em” gần nửa thế kỷ với Việt Nam trong khối cộng sản: anh Trần Ngọc Thành ở Ba Lan.
Năm 2001, A. Borowska và M. Michalak, hai nữ ký giả của TVP1, Chương trình 1 của đài truyền hình quốc gia Ba Lan TVP, có số lượng khán giả lớn nhất từ trước đến nay, thực hiện phóng sự về cuộc sống của người Việt trên chợ trời “Sân Vận Động Mười Năm” ở thủ đô Warszawa, một chợ trời được xem là lớn nhất tại Đông Âu, có từ đầu thập niên 90 cho đến năm 2010 khi Ba Lan giải toả để xây dựng sân vận động phục vụ Giải Vô địch Bóng đá Âu châu 2012. Đã có nhiều ngàn người Việt Nam làm ăn, buôn bán ở đây, đa số không có giấy tờ cư trú hợp pháp.
Trong phóng sự đã phát, anh Thành và công ty “Transpol” của anh được TVP1 nói đến như là thuộc tổ chức mafia của người Việt chuyên thu bảo kê.
Anh Thành quyết định kiện TVP1 và hai ký giả nói trên, đòi bồi thường thiệt hại danh dự với khoản tiền tương đương 30 ngàn USD, vì cho rằng phóng sự trên không những xúc phạm tới anh, công ty của anh, mà còn làm tổn hại tới hoạt động dân chủ của anh, trong đó có việc phát hành báo “Đàn Chim Việt”, đồng thời gây ra hình ảnh xấu cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan.
Anh Thành đã giành thắng lợi trong phiên tòa của thủ đô Warszawa ngày 15/12/2005, nhưng TVP1 kháng án lên Tòa án Tối cao. Ngày 1/2/2007, Tòa án Tối cao Ba Lan xử y án, phán quyết TVP1 phải chính thức xin lỗi anh Thành và công ty của anh trên TVP1. Số tiền được bồi thường 30 ngàn USD, anh Thành đã đề nghị, và toà đồng ý, để TVP1 chuyển cho trại trẻ em mồ côi.
Đài truyền hình Quốc gia Ba Lan xin lỗi anh Trần Ngọc Thành tối ngày 21/3/2007 – Ảnh: TVP1
Khi hỏi cảm tưởng về sự việc này, anh Thành nói rất vui và cám ơn chế độ dân chủ tại Ba Lan đã cho anh cơ hội bảo vệ quyền lợi của công dân mà anh chưa thể có trên chính quê hương mình.
Đúng vậy! Cơ hội mà anh Thành có ở Ba Lan dân chủ ngày hôm nay vẫn chưa thể có cho những người Việt Nam yêu nước bị HTV và các cơ quan báo chí Hà Nội xúc phạm.
Rất dễ hiều vì Ba Lan đã lột xác, xoá bỏ chế độ cộng sản từ năm 1989, hội nhập với Liên minh châu Âu, ngày mỗi hoàn thiện luật pháp để phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn dân chủ của cộng đồng quốc tế. Còn Việt Nam vẫn là đất nước với “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, “có cả một rừng luật nhưng xử theo luật rừng” (lời của luật sư Ngô Bá Thành).
Tôi cho rằng, trong trường hợp dư luận gây áp lực mạnh, chẳng đặng đừng, và cứ cho rằng gì thì gì cũng phải có kỷ cương phép nước, chính quyền có thể nhận đơn kiện, nhưng các nạn nhân sẽ gặp lắm nhiêu khê. Từng người, nếu muốn kiện, chắc chắn phải thực hiện riêng rẽ, nếu không sẽ dã tràng xe cát.
Khái niệm “khiếu nại đông người” trong Luật khiếu nại và tố cáo hiện hành mập mờ đến mức Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 13 mới cuối tháng 8 đã phải đề nghị chỉnh lý. Còn hiện tại nó đang bị Thông tư số 04/2010, ngày 26/8/2010, có hiệu lực thi hành ngày 10/11/2010, của ông Nguyễn Tấn Dũng, chặn đứng:
“Đơn khiếu nại có họ, tên, chữ ký của nhiều người thì cán bộ xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn và toàn bộ tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn và hướng dẫn người khiếu nại,viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật…”.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã từng phê phán Thông tư trên, vì nó hoàn toàn mang tính hành chính, nhưng lại đứng trên luật. Cũng giống như Nghị định 38 của chính phủ về “tụ tập đông người” đứng trên cả Hiến pháp.
Tuy nhiên, dù cố gắng làm đúng thủ tục, tôi tin rằng việc kiện tụng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Những bất công, phi lý, oan ức, thậm chí cả những cái chết tức tưởi của công dân bởi bạo hành của công an, v.v… hiện hữu hàng ngày, nhưng tai của nhà cầm quyền vẫn bị bưng bít, mắt bị bịt kín.
Mặt khác, các cơ quan truyền thông báo chí, viện kiểm soát, toà án đều là con đẻ, là công cụ của ĐCSVN, thường dân đi kiện chúng thì có khác gì muỗi đốt bê-tông?
Do đó, theo tôi, chỉ còn cách phản kháng hữu hiệu nhất là biểu tình chống đối, như một số trí thức trong nước đưa ra sáng kiến này trên các diễn đàn mạng.
Phải đưa bản mặt “trơ tráo, dối trá” của các cơ quan truyền thông báo chí, những kẻ bất lương nắm trong tay công cụ thông tin độc quyền, ra trước dân chúng và dư luận thế giới!
Bằng cách này, những người công dân thấp cổ, bé miệng mới khả dĩ bảo vệ được công lý, bằng một quả đấm thép cảnh báo. Bởi vì bất luận cơ quan truyền thông, báo chí là sở hữu của ai, uy tín với khán, thính giả vẫn quan trọng nhất, nếu không vì lợi ích tuyên truyền, thì vì lợi ích quảng cáo thương mại.
Hình thức biểu tình phản đối các cơ quan truyền thông đưa thông tin sai sự thật xảy ra thường xuyên ở nhiều nước.
Đơn cử một ví dụ với tờ “Wall Street Journal” (WSJ), nhật báo rất lớn, có uy tín hàng đầu không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.
Ngày 14/5/2010 trên WSJ có bài viết sử dụng cụm từ “trại tập trung Ba Lan” khi nói về các trại tập trung của phát xít Hitler nằm ở Ba Lan trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới II.
Cho rằng, với những người không biết nhiều về lịch sử, nhất là giới trẻ, dùng cụm từ trên sẽ gây ngộ nhận các trại tập trung là của Ba Lan, của người Ba Lan, nên Lãnh sự quán Ba Lan tại New York và “Polonia”, hiệp hội người Ba Lan tại Mỹ, đã đề nghị WSJ chỉnh sửa và xin lỗi.
Do WSJ chần chừ chưa trả lời, một số người Ba Lan sống tại Mỹ đã tổ chức biểu tình trước trụ sở WSJ. Họ mang theo cờ, quốc huy Ba Lan cùng với nhiều biểu ngữ trong đó có “Change the text, it is incorrect” (“Hãy sửa lại bài viết, điều đó không đúng”).
Trong lần biểu tình đầu tiên WSJ làm ngơ, không cử đại diện ra gặp, người Ba Lan lại biểu tình tiếp. Sự có mặt nhiều lần của người Ba Lan đã gây sự chú ý và ủng hộ của bạn đọc, báo chí truyền thông và giới chính khách. Cuối cùng WSJ đã đính chính và chính thức đăng lời xin lỗi trên trang nhất.
Những người Ba Lan biểu tình trước trụ sở WSJ – Ảnh: AFP
Rõ ràng, các cuộc biểu tình tự nguyện của một số ít người Ba Lan đã mang lại hiệu quả hơn cả tác động của cơ quan ngoại giao hay hội đoàn.
Khi các nhân sĩ trí thức Việt Nam bị HTV, các báo “Hà Nội Mới”, “An ninh Thủ đô” “lăng nhục cực kỳ nghiêm trọng” và nhà văn Nguyên Ngọc nói “nhất quyết không thể tha thứ”, thì liệu những phân tích của tôi trong bài viết này có được nhìn nhận nghiêm túc và trọng thị?
Nếu sáng kiến biểu tình phản đối HTV, các báo “Hà Nội Mới,” “An ninh Thủ đô” trở thành hiện thực, sẽ mang lại tác dụng rất tích cực, tạo ra một tiền lệ tốt cho xã hội. Không nhất thiết phải thật đông người tham dự, chỉ cần đến 14 người (hoặc ít hơn) đã ký tên gửi thư lên lãnh đạo thành phố Hà Nội. Nhưng phải kiên trì, kiên định cho đến khi có kết quả.
Mang sứ mệnh tiên phong cho sự thay đổi tư duy của xã hội, đã đến lúc những người trí thức Việt Nam cần tỏ thái độ cho các cơ quan báo chí nhà nước Việt Nam biết rằng, không thể lấy sự độc quyền để chuyển tải thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến danh dự của công dân. ■
————————————————————————————
Các trích dẫn trong bài:
© Lê Diễn Đức – RFA Blog – http://www.rfavietnam.com/ledienduc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét