Pages

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Cháy xe ra mặt…chuột!

Cháy xe thì chưa rõ hẳn nguyên nhân nhưng nó giúp chúng ta nhìn lại xã hội đương đại đang có vấn đề gì.
Đã có nhiều vụ cháy xe nhưng đến giờ nguyên nhân vẫn còn… mơ hồ. Cháy xe thì coi như cháy tài sản, cháy luôn cả những tài sản khác trên xe và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng tin tôi đi, cháy xe cũng có những lợi ích khác…
Lý do có khi rất gần
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2011 có 90 trường hợp cháy ô tô, xe máy trên cả nước. Ngoài thiệt hại về tài sản, cháy xe cũng đã làm 2 người chết và 2 người bị thương. Có rất nhiều lý do để xe máy bốc cháy như chuột gặm dây dẫn xăng, sự cố kỹ thuật của xe hoặc các nghi vấn khác như xăng dỏm. Có những trường hợp thì có trời mới biết lý do khi dựng xe nằm im một chỗ cũng cháy.

Thế nên trong khi chờ đợi người viết chỉ xin có một thắc mắc rất cơ bản: Tại sao các loại xe khác nhau của các hãng sản xuất khác nhau lại cùng cháy. Người đa nghi đặt vấn đề liệu các hãng xe có “chơi” nhau không? Từng có trường hợp hình ảnh ghi lại sau khi xe bốc cháy chủ xe đã lẳng lặng ra đi đầy bí ẩn. Nhiều vụ xe cháy, chủ xe không trình báo với cơ quan chức năng mà thông tin với báo chí.
Những chuyện này chỉ có cơ quan điều tra mới trả lời được!
Trong khi chờ kết luận thì người viết mạo muội cho rằng cái cơ bản để tất cả những chiếc xe (đã cháy) vận hành được là xăng và khả năng xăng dỏm gây cháy cũng có vẻ hợp lý hơn. Vì các vụ cháy không chỉ cùng một dòng xe, một loại xe và ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều này không phải không có cơ sở…
Ngày 29.12.2011, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học Công nghệ) phát hiện một trường hợp bán lẻ xăng dầu có hàm lượng các chất dung môi gây cháy nổ vượt tiêu chuẩn tại Hà Nội. Đó là cây xăng Mai Dịch, tại km số 9, đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm.
Kết quả kiểm tra cho thấy mặt hàng xăng A92 tại đây có hàm lượng oxy thực tế đạt 8,8% (hơn 3 lần mức quy định), hàm lượng methanol chiếm 15,3% thể tích, hàm lượng nước đạt tới 366ppm. Tất cả đều sai quy định!
Người phụ trách cây xăng nói họ vô can, không chấp nhận kết quả bất lợi vì nơi cung cấp là Tổng Công ty xăng dầu quân đội. Dĩ nhiên, Tổng Công ty xăng dầu quân đội cũng không cho rằng đấy là trách nhiệm của mình mà nói tại doanh nghiệp nhận hàng nhưng kiểm tra không kỹ. Đó là chuyện một cây xăng, mà nước ta thì có bao nhiêu cây xăng? Lo lắm thay…
Chợt nhớ đến vụ những con chip gian lận xăng dầu trước đây…
Đường dây bán chip xăng dầu đã bị lộ nhờ phóng viên đài PTTH Đồng Nai, đã có những tên tội phạm công nghệ cao bị bắt giữ theo hình ảnh tư liệu và kết quả điều tra của phóng viên. Nhưng chỉ dừng lại ở đó! Chỉ dừng lại ở con số mà phóng viên cung cấp…
Phóng viên An Vi- người thực hiện phóng sự hình ảnh nói trên (vì lý do tế nhị, tôi xin giấu tên) cho biết đến giờ anh vẫn còn ấm ức. Anh tin chắc những thước phim mình cực khổ quay được chỉ là một phần nhỏ trong “sự nghiệp” ăn cắp tiền túi người dân qua xăng dầu của những kẻ bất lương.
Chuyện cũ nhắc lại để nghĩ về một vấn đề mới hơn: Khi người ta thay đổi chất lượng xăng để trục lợi trên bình diện rộng hơn thì thứ xăng dễ cháy kia có phải là thủ phạm gây hàng loạt vụ cháy xe?
Nhưng cháy xe coi vậy mà cũng có cái lợi…
Rất nhiều vụ cháy xe xảy ra trong năm 2011
Cháy xe… ra mặt chuột?
Vừa rồi người ta đã xác định nguyên nhân cháy xe là do chuột. Chuột thậm chí làm tổ trong xe, cắn các thiết bị của xe khiến xe dễ bốc hỏa hơn. Nhưng nên nhớ không hoàn toàn các vụ cháy là do chuột vì vừa rồi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng có nói: “Nếu chaý xe là do xăng thì Bộ sẽ nhận trách nhiệm!”
Vâng, chỉ “nếu” thôi. Vì với “nếu”, người ta có thể nhét cả Paris vào chai cơ mà…
Hậu các vụ cháy, trong các lãnh đạo bộ ngành có liên quan chỉ mỗi ông Đinh La Thăng đứng ra nhận trách nhiệm cụ thể về Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ông Đinh La Thăng và ông Vũ Huy Hoàng (có kèm chữ “nếu”), các nơi khác thì im lặng.
Đã có một độc giả viết thế này trên Dân Trí: “Nhưng chỉ riêng Bộ GTVT chịu trách nhiệm về tình trạng cháy nổ xe nghe thật không ổn. Bởi vì, quản lý kinh doanh xăng dầu thuộc Bộ Công thương. Kiểm định chất lượng xăng dầu thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ. Điều tra nguyên nhân các vụ cháy thuộc về Bộ Công an. Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo việc kiểm tra chất lượng xăng dầu, điều này cho thấy, nghi vấn nguyên nhân gây cháy xe do xăng được đặt lên hàng đầu”
Ông Đinh La Thăng chỉ đích danh Cục Đăng kiểm là nơi phải chịu trách nhiệm các vụ cháy xe, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nhận trách nhiệm về quản lý Nhà nước. Dĩ nhiên Cục Đăng kiểm không thể “bao sân” trách nhiệm vì xăng dầu thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng quản lý nữa cơ mà. Đó là chưa kể đến các bộ ngành mà vị độc giả trên vừa liệt kê ra.
Nhưng ngẫm lại thấy cũng có lý khi Bộ trưởng Đinh La Thăng nói vậy. Vì người ta vẫn chưa quên chiếc tàu Vinalines Queen hiện đại vừa chìm không một lời cầu cứu, dù thiết bị cực kỳ hiện đại với 22 nhân mạng tổn thất. Và rất nhiều chiếc tàu khác bị nước ngoài bắt giữ vì không đủ độ an toàn.
Dù tất cả chúng đều được đăng kiểm!
Từ cháy xe nhìn được sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý hay nhìn được sự bất cập trong cách quản lý? Hay chính các nhà quản lý cần nhìn lại mình trong việc phản ứng trước những thứ đe dọa quyền lợi hợp pháp về tài sản và tính mạng của người dân- những điều cơ bản có trong Hiến pháp?
Từ cháy xe trên Bộ mới nhớ ra chìm tàu trên biển, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Biết đâu những chiếc xe cháy của hôm nay sẽ còn gợi ý đến nhiều thứ bị bỏ quên vì thiếu trách nhiệm của ngày mai. Xa hơn, những chiếc xe cháy trơ khung sẽ là bằng chứng cho một thời kỳ “bầu ơi thương lấy bí cùng” như trẻ con được dạy nhưng người dạy chúng lại… làm ngược.
Cháy xe thì chưa rõ hẳn nguyên nhân nhưng nó giúp chúng ta nhìn lại xã hội đương đại đang có vấn đề gì.
Từ cháy xe nhìn được sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý hay nhìn được sự bất cập trong cách quản lý? Hay chính các nhà quản lý cần nhìn lại mình trong việc phản ứng trước những thứ đe dọa quyền lợi hợp pháp về tài sản và tính mạng của người dân- những điều cơ bản có trong Hiến pháp?
Nếu ngày mai xe tôi cháy?
Giả sử có thế thật thì việc đầu tiên của người viết là nhanh chóng rời xe (đang cháy). Sau đó là nhanh chóng dập lửa và nhờ mọi người giúp đỡ dập lửa hộ. Dù sao cháy ít thì thay phụ tùng vẫn còn xài được. Sau đó tôi báo ngay với cơ quan chức năng, làm tường trình và chờ kết quả điều tra như bao người từng bị cháy xe khác.
Ngày tháng trôi… Chiếc xe lại bon bon trên đường và (biết đâu) lại… cháy tiếp. Vẫn là quy trình cũ, chỉ khác về ngày tháng và số lần cháy được ghi trong biên bản. Lại đặt giả thiết chiếc xe cà tàng của tôi dựng trước hiên nhà bỗng dưng bốc cháy thì sao nhỉ? Cũng là quy trình ấy thôi mà…
Đôi khi tôi nghĩ trước như thế để dặn lòng không phải lo lắng quá nhiều hoặc chí ít có gặp biến cố cũng không quá hốt hoẳng, sợ hãi hay… tiếc của. Dân gian hay bảo “của đi thay người” cơ mà!
Nhưng trước khi viết bài này có người quen bỗng nhắc nhở bâng quơ mà người viết phải lạnh sống lưng: “Coi chừng viết bài về xe cháy mà xe mình cũng cháy luôn hoặc có khi hơn thế. Làm báo bây giờ nguy hiểm lắm nghen em!”
NHẤT NGÔN

Không có nhận xét nào: