“Tôi muốn công lý phải được thực thi, oan khuất của bố tôi sẽ được giải đáp, pháp luật sẽ thật nghiêm minh và công bằng để từ đó con người ta sẽ tôn trọng pháp luật. Tôi thật sự mong rằng sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng, sẽ không còn ai phải gánh chịu nỗi đau mất cha, mất người thân như gia đình tôi đã chịu. Tôi không muốn những gì xảy ra cho gia đình mình lại xảy đến với những người khác…” - Trịnh Kim Tiến
*
Tôi đã từng nghĩ mình có một cuộc sống bình thường, sẽ học xong và có một công việc ổn định, lấy một người chồng bình thường, sống trong ngôi nhà nhỏ, cuộc sống vẫn cứ êm đềm như thế trôi đi.
Ai cũng nói là tôi rất vui tính, rất hoạt bát, có rất nhiều bạn bè, và ai cũng rất tốt với tôi. Tôi thấy mình thật hạnh phúc với cuộc sống bình lặng ấy.
Nhiều khi đọc thấy những tin tức hay có nghe thấy vụ này, vụ kia, người này, người kia bị công an đánh, tôi cũng chỉ biết cảm thông hay bức xúc nhưng không có để ý đến nhiều. Và chưa bao giờ nghĩ rằng việc đó sẽ xảy ra cho chính gia đình mình.
Cho đến khi bố tôi bị CA đánh chết… dường như tôi đang bước vào một thế giới khác, thế giới mà chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra…
Tôi vẫn cứ uớc mình không phải thấy những điều đó, không phải hiểu những điều đó để cuộc sống chỉ là những tháng ngày vui vẻ bên bạn bè, những buổi đi chơi, lê la quán cóc…
Lý do mà tôi treo băng rôn để kêu oan vì tôi muốn công lý được thực thi. Bố tôi có thể được yên lòng nhắm mắt. Khi bố mất, 3 lần bố mở mắt, và tôi là người vuốt mắt cho ông. Hình ảnh của ông những ngày tháng cuối đời lúc nào cũng xuất hiện trong đầu óc tôi.
Bố tôi chết không được như người ta, ông ra đi trong sự đói khát. Mặc cho sự van xin khẩn cầu của tôi và gia đình ngày 28/02/2011, những người CA trực ban ngày hôm đó vẫn không cho phép tôi được vào cho bố ăn. Họ cầm bát phở trên tay, kiểm tra, rồi quăng lên bàn: “Dậy mà ăn đi!”. Họ gọi một con người đang kêu rên đau đớn, liệt hết tứ chi, tay bị còng trên ghế với thái độ vô cùng dửng dưng.
Vậy nên đến lúc vào được bệnh viện thì cũng đã quá muộn, bố tôi chỉ còn có thể được thở oxy, bằng ống dẫn, ông đã không còn có đủ khả năng để ăn nổi một thìa phở. Bố kêu khát, muốn đỡ dậy uống nước, thì ông Ninh – người đã đánh bố tôi còn đòi cho thêm vài tát. Nhìn thấy bố như vậy, nghe thấy họ nói như vậy, tôi ứa nước mắt, nhưng chỉ biết nín nhịn mà van xin, mong sao họ động lòng, có chút tình người cho bố được đi cấp cứu. Nhưng 3 lần đến là 3 lần thất vọng.
Họ mặc kệ những lời cầu khẩn của gia đình tôi, họ trả lời một cách hết sức vô lý: “Phường họ không có người, bận họp hết rồi. Không ai cho đi cấp cứu được”.
Bố tôi mỗi lúc đau đớn hơn, đến mức nôn mửa, sùi bọt mép. Họ vẫn nói bố giả vờ. Tôi xin họ cho mời bác sĩ tư đến phường để khám, họ cũng không chịu. Chỉ đến khi tình trạng của bố đã chuyển biến khá nặng và người bạn của bố đến yêu cầu, họ mới đồng ý cho đi. Nhưng đến tận lúc đó, họ vẫn bảo là bố giả vờ, họ còng tay bố như một tên tội phạm đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai. Trong khi bố tôi là một người dân lương thiện, chưa bao giờ làm gì trái với pháp luật. Khi họ đưa bố lên xe thùng chuyển đến viện, họ còn không cho mẹ và em tôi đi cùng, họ bắt mẹ ở lại dọn dẹp, lau dọn phường rồi mới cho đi.
Trong ngày bố nằm ở viện Bạch Mai, họ vẫn còn nói với các bác sĩ rằng bố tôi là tội phạm cần phải canh giữ. Có lẽ vì thế mà các bác sĩ nhìn bố với ánh mắt kì thị. Chỉ cho đến khi chị họ của tôi vào viện, thấy bố nằm như vậy, không chịu nổi nữa mới nói với mấy người công an đang đứng canh giữ ngoài phòng bệnh rằng:“Chỉ vì không đội mũ bảo hiểm mà các anh đánh người ta ra đến thế này, các anh có còn là con người nữa không?” thì các bác sĩ ở đây mới biết bố tôi không phải là tội phạm. Và ngay chiều hôm đó, họ cho bố tôi chuyển viện sang Việt Đức với lý do bên này không chuyên về xương. Ngay sau khi chuyển viện, thì các bác sĩ bên Việt Đức đã yêu cầu gia đình chuẩn bị tâm lý bởi bố tôi có thể đi bất cứ lúc nào. Các bác sĩ yêu cầu nhập viện và đưa ra phương án mổ. Tuy nhiên các bác sĩ có nói: ”Dù có mổ hay không thì cơ hội sống cũng chỉ còn 20%”. Lúc đó tôi hy vọng, tôi chỉ cầu mong bố có thể sống, dù chỉ còn 1% cơ hội, dù ông bị liệt toàn thân thì tôi cũng nguyện chăm sóc ông cả đời.
Nhưng điều đó không thể thành sự thực, sau khi mổ xong thì bố không còn nói được nữa, ông phải nằm chiến đấu với những cơn đau dằn vặt gần một tuần tại phòng hồi sức đặc biệt bệnh viện Việt Đức. Trong khoảng thời gian đó, không một ai từ phía những người đã gây ra sự việc nghiêm trọng này đến thăm hỏi, động viên một lời nào.
Điều quan trọng ở đây là tình cảm giữa con người với nhau, nhưng có vẻ như họ cho rằng họ sẽ không cần phải chịu bất cứ sự chế tài nào của pháp luật, hay đến lúc đó họ vẫn cho rằng bố tôi đang giả vờ? Sao họ lại có thể vô tâm, máu lạnh đến vậy???
Chính vì vậy tôi muốn công lý phải được thực thi, oan khuất của bố tôi sẽ được giải đáp, pháp luật sẽ thật nghiêm minh và công bằng để từ đó con người ta sẽ tôn trọng pháp luật. Tôi thật sự mong rằng sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng, sẽ không còn ai phải gánh chịu nỗi đau mất cha, mất người thân như gia đình tôi đã chịu. Tôi không muốn những gì xảy ra cho gia đình mình lại xảy đến với những người khác.
Lúc còn sống, bố và tôi không hợp nhau, nên hai bố con không có nhiều kỷ niệm. Đó là điều mà có lẽ tôi cảm thấy ân hận và day dứt cả đời.
Bố ra đi trong sự vội vàng, đó là một cú sốc đối với tôi và cả gia đình. Bố tôi là trụ cột, là người đàn ông duy nhất trong gia đình. Bố mất đi rồi, tôi phải thay bố làm những điều đang còn dang dở. Tôi còn quá nhỏ để có thể lo liệu được nhiều thứ, nhưng tôi đã cố gắng rất nhiều, và tôi nghĩ mình cũng trưởng thành hơn so với trước kia. Tôi đã biết quan tâm hơn đến những vấn đề xã hội xung quanh. Nhưng trước tiên thì việc quan trọng nhất đối với tôi hiện nay vẫn là đòi lại công bằng cho bố.
Cầm bài báo có in hình ảnh bố, tôi đau lắm. Nó là một nỗi đau uất nghẹn mà tôi không thể nói thành lời. Tôi vẫn sống cuộc sống bình thường, vẫn làm những công việc hằng ngày. Tuy rằng tôi không khóc như người ta, nhưng nỗi đau trong lòng tôi rất khó nguôi ngoai.
Tôi là người duy nhất được ở bên bố, lúc tiễn biệt ông đi.
Cầm bức di ảnh đó, tôi đi với một nỗi đau và một niềm tin, niềm tin vào sự thật.
Trước hết sống phải có niềm tin. Nhưng tin vào sự thật một niềm tin tuyệt đối để đòi lại công bằng. Và để đạt được điều đó thì không chỉ đặt niềm tin suông vào những người có trách nhiệm. Mà tôi phải tranh đấu để có.
Công lý tự nó cũng không phải là một điều được ban phát. Phải tìm thì mới hy vọng có. Và phải có niềm tin thì mới có ý chí để đi tìm.
Trích phỏng vấn của blogger Mẹ Nấm với Trịnh Kim Tiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét