Pages

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa?

Bài 3: Khi làng hóa phố -Boxitvn
Văn Phúc Hậu
clip_image001
100% ruộng ở La Cả, Dương Nội (Hà Đông-Hà Nội) đã bị thu hồi để nhường chỗ cho những lô biệt thự
Thu hồi đồng ruộng, nông dân ở nhiều làng quê có một khoản tiền đền bù trong tay đã đua nhau xây nhà, tậu xe… Thậm chí còn tiêu hoang, ăn nhậu, cờ bạc. Mọi thứ dần rối tung lên, làng quê chẳng yên ả nữa…
Ở nhà lầu, chịu thất nghiệp
Cách đây hơn năm, người làng Dục Tú, Vĩnh Ngọc thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), Đền Đô, Đình Bảng (Từ Sơn-Bắc Ninh) rộn ràng hẳn lên khi có dự án thu hồi ruộng để mở rộng quốc lộ 3 và xây các khu công nghiệp, khu đô thị trên những cánh đồng lúa xanh của họ. Mỗi sào ruộng được đền bù gần 70 triệu đồng rồi tăng lên 360 triệu đồng. Bởi thế, nhà ít cũng có 500 – 600 triệu đồng, nhà nhiều lên tới 1 – 2 tỷ đồng.

Để hỗ trợ nông dân nhiều nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, Bộ LĐTB-XH đang xây dựng dự thảo “cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất nông nghiệp” trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, người bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tạo việc làm trong nước và sẽ được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài nếu có nhu cầu. Cụ thể, lao động được hỗ trợ 100% học phí học nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định, được hỗ trợ 100% chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa và lý lịch tư pháp khi đi xuất khẩu lao động. Thậm chí, lao động còn được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất khẩu lao động.
Cầm gần 1,5 tỷ đồng trong tay, vợ chồng anh Đỗ Đức Đoan ở thôn Đền Đô, xã Đình Bảng vừa mừng vừa lo. Mừng vì lần đầu tiên một hộ nông dân như vợ chồng anh có cục tiền tỷ trong tay, còn lo vì không biết sắp tới làm ăn ra sao khi ruộng không còn nữa.
Chị vợ khuyên chồng nên gửi ngân hàng để rút lãi ra ăn dần cho chắc. Nhưng anh chồng lại tặc lưỡi: “Thôi có tí tiền, mình cứ xây cái nhà ở cho sướng. Cả làng người ta đều xây nhà cửa thênh thang, chẳng lẽ mình cứ ở mãi nhà tùm hụp”. Mà đã xây phải cho oách, nhà cao 3 tầng, đổ mái, lợp ngói Hạ Long, nền rộng 80m², kiểu chữ “L”.
Tuy nhiên, anh tính, xây nhà chỉ hết khoảng 1 tỷ đồng. Còn lại gần 500 triệu đồng vẫn gửi ngân hàng, tháng vẫn có dăm triệu lãi để đong thóc gạo, cho con ăn học. Nhưng gần năm trời quay lại, nhà anh vẫn còn dang dở mà chi phí đã đội lên 1,5 tỷ đồng do trượt giá, nhà xây to quá. Anh Đoan buồn: “Có khi toàn bộ số tiền đền bù chỉ cái khung nhà là hết, chẳng còn tiền mua sắm bàn ghế, giường tủ… bên trong”. Khoản tiền để gửi ngân hàng, anh chẳng dám nhắc tới. Hết tiền lại hoàn nghèo, dù sở hữu căn nhà to vật vã.
Ông Khái bán nước chè ở đầu làng An Khánh (Hoài Đức – Hà Nội) kể, sau khi được tiền đền bù, cả làng An Khánh gồm hàng trăm hộ đổ xô xây nhà, tậu xe máy. Chỉ 2 – 3 năm, An Khánh đã trở thành một “phố làng” sầm uất, nhà tầng lô nhô mọc kín. Nhưng xây xong thì tiền cũng hết. Nhiều nhà cho tới bây giờ vẫn chưa hoàn thiện được. Lại có nhiều nhà trông bên ngoài như biệt thự nhưng bên trong chỉ có một bộ bàn ghế rẻ tiền, cái ti vi Trung Quốc, 2 – 3 cái giường ọp ẹp. Chủ nhà ngày ngày phải lo chạy ăn từng bữa.
Kể chuyện mình, ông Khái nói: “Lúc thu hồi đất, giá đền bù có 54 triệu đồng/sào. Tôi được 300 triệu đồng, chẳng biết đầu tư vào đâu nên gửi tiết kiệm, dùng lãi suất để dưỡng già nên bây giờ còn giữ được. Chứ nếu đem xây nhà thì bây giờ cũng hết sạch”.
Theo ông Khái, trước bà con còn có ruộng mà bám, cũng đỡ vất vả, chứ bây giờ đi làm thuê, ráo mồ hôi là hết tiền. Mà người trong làng thất nghiệp nhiều lắm. Rít xong hơi thuốc, ông nói tiếp: “Như tôi còn có quán nước để nhặt nhạnh chút rau cháo, chứ hàng trăm người ở tuổi như tôi hiện phải ngồi chơi xơi nước từ khi bị thu hồi ruộng, xin vào nhà máy ở tuổi này thì ai nhận. Chỉ có vài người xin được chân làm bảo vệ, nhưng cũng không sẵn việc và cũng không quen”.
Ông Báu đang ôm đứa cháu ngồi bên cạnh, góp chuyện: “Tôi còn may là có đứa cháu, trông nom giúp cho vợ chồng chúng nó vừa để khuây khỏa, vừa đỡ mất tiền gửi sang nhà trẻ. Giờ ruộng không có, đồng tiền khó khăn, bố mẹ các cháu không xoay được”.
Cứ một lúc lại có người trong làng lang thang đi qua, tạt vào, ngồi buôn chuyện. Ông Khái chỉ vào họ bảo: “Đây, cứ như 2-3 ông này chỉ ăn xong lại nằm, một năm chơi không cả 365 ngày”. Ông Quyết, một người dân ở thôn Yên Lũng, thừa nhận: “Buồn lắm chú ạ. Chẳng phải chúng tôi lười mà vì còn đồng ruộng nữa đâu để làm. Ở tuổi chúng tôi, lẽ ra vẫn có thể làm ăn được nếu còn đồng ruộng”.
Ngoài kia, khu đô thị mới vẫn đang san lấp mặt bằng dở dang, trong khi nông dân lại không có thửa ruộng để canh tác. Bạn ông ngồi bên cạnh bảo: “Ra đây ngồi chém gió tí chứ lát lại về làm ván tổ tôm, tá lả”. Tôi hỏi: “Có đánh tiền không?”. Ông cười: “Thì cũng phải có tí chứ”. Ông Quyết bổ sung: “Từ hồi mất ruộng cả làng mới sinh phong trào cờ bạc vậy”.
Nỗi buồn làng cổ hóa phố
Lại có những nơi việc thu hồi ruộng đã gây ra những hệ lụy không cưỡng lại được, thậm chí còn phá vỡ những giá trị không thể tái tạo, như chuyện ở làng cổ Cự Đà thuộc huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ông Đinh Khắc Cường, Phó trưởng thôn Cự Đà, kể: Hồi cuối năm 2010, ở đây bắt đầu rộ lên phong trào thu hồi ruộng để xây dựng dự án khu đô thị mới Thanh Hà. Do thu hồi toàn bộ ruộng nên tiền đền bù rất nhiều, có nhà nhận tới 6 tỷ đồng, còn mức từ 1,2 đến 2 tỷ đồng/nhà rất phổ biến.
clip_image002
Ở làng Cự Đà, hàng trăm gia đình xây nhà mới vì có tiền đền bù đất ruộng
Từ đầu năm 2011, tiền được giải ngân, chẳng biết làm gì, người dân Cự Đà bắt đầu thi nhau đập bỏ hàng trăm nhà cổ để xây nhà mới. Nhà ông Kim còn xây một lúc 2 căn cho 2 đứa con. Có thời điểm, cả làng hơn 200 ngôi nhà cùng xây dựng từ tiền đền bù đất ruộng. Đến thôn Cự Đà lúc này, những nếp nhà cổ trầm mặc bao đời rêu đen bám phủ mà các chuyên gia văn hóa đang kêu gọi cần gìn giữ, giờ bị đập bỏ tan hoang, gạch vỡ ngổn ngang để mọc lên những ngôi nhà lầu hiện đại.
Ruộng bị thu hồi, dân Cự Đà như “bội thực” vì tiền đền bù. Ông Vũ Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Cự Khê, giãi bày: “Có tiền nên dân mới đập nhà cổ để xây nhà mới, chính quyền cũng khó ngăn cấm”. Khi nhận được tin, Sở VH-TT-DL Hà Nội cử cán bộ xuống kiểm tra nhưng đã muộn. Cũng như An Khánh, Dương Nội và bao làng bị thu hồi ruộng đồng trước đó, những mặt trái ở Cự Đà hiện cũng bắt đầu phát sinh. Có sẵn tiền tỷ, nhiều nhà con cái đòi mua “a còng”, SH và cả ô tô, cha mẹ cũng chìu theo. Có nhà lại đứng ra cho vay nặng lãi để người vay đầu tư vào bất động sản. Nay bất động sản đổ bể, “con nợ” cao chạy xa bay thì chủ cũng trắng tay, ngồi khóc.
Hương, con gái ông trưởng thôn Cự Đà, sau khi nhận tiền đền bù, vợ chồng cô đã nhanh tay mua lại được 2-3 suất đất ở nơi khác, chứ nhiều nhà chẳng biết làm gì, đem xây nhà cửa, mua sắm xe cộ và chơi lô đề. Hương tiết lộ, vợ chồng cô cũng tranh thủ ra ghi lô đề thuê cho các chủ. Tôi hỏi: “Dân ở đây đánh nhiều không, mỗi lần có tới vài trăm ngàn không?”. Hương ngoắc nguẩy: “Vài trăm thế nào, từ hồi có tiền, có người còn đánh tới vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng một nháy”.
“Lô đề ra đê mà ở” – các cụ chẳng đã bảo thế. Tương lai của người dân làng Cự Đà một khi không còn ruộng nữa, việc làm khó khăn, họ sẽ ra sao khi toàn bộ tiền tỷ đền bù ruộng rồi cũng “nướng” cả vào xây nhà lầu, lô đề, xe cộ… mà không có một sinh kế ổn định”.
V.P.H.
—————————————————————————-
Bài 4: Hệ lụy ô nhiễm môi trường
Vùng ĐBSCL hiện có 20 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 3.645 ha. Tuy nhiên đến nay, số KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung đưa vào hoạt động đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Thiếu tập trung… xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung
TP Cần Thơ hiện có 8 KCN tập trung với tổng diện tích 2.364 ha, nằm cặp sông Hậu. Trong số này có 5 KCN sau nhiều năm hoạt động nhưng chỉ có KCN Thốt Nốt vừa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, công suất giai đoạn 1 là 2.500 m³/ngày đêm, giữa năm 2012 mới đi vào hoạt động. Đặc biệt, KCN Trà Nóc 1 và 2 quy mô gần 300 ha cơ bản lấp đầy, sau 15 năm hoạt động vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Dù hơn 3 năm qua, TP Cần Thơ đã xúc tiến việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng vẫn còn trên giấy.
Theo đánh giá của Sở TN – MT TP Cần Thơ, chất lượng nguồn nước mặt trên sông Hậu bị ô nhiễm các chất hữu cơ vượt quy chuẩn cho phép và có chiều hướng gia tăng. Riêng chất lượng nước ở 12 kênh rạch trên địa bàn TP Cần Thơ bị ô nhiễm chất hữu cơ và Coliform đều vượt quy chuẩn cho phép hàng chục lần, có nơi hàm lượng Coliform vượt 181 lần, chủ yếu do nước thải của các doanh nghiệp ở KCN chưa đạt chuẩn thải ra sông rạch gây nên…
clip_image003
Vì không có nhà máy xử lý tập trung, nên sau khi xử lý bước 1 tại các doanh nghiệp trong KCN Trà Nóc, nước thải được xả thẳng ra môi trường
Trưởng ban quản lý KCN – KCX Cần Thơ Võ Thanh Hùng thừa nhận: Hiện có 34 doanh nghiệp ở KCN Trà Nóc 1 và 2, 6 doanh nghiệp ở KCN Thốt Nốt phát sinh nước thải. Qua kiểm tra 26 doanh nghiệp, chỉ có 11 doanh nghiệp xử lý nước thải tại chỗ đạt quy chuẩn loại B. Nước thải của 15 đơn vị còn lại có chỉ số môi trường vượt quy định. Đặc biệt, 3 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là nhiều năm qua nước thải của các doanh nghiệp qua xử lý đạt hay chưa đạt đều thải thẳng ra sông, rạch do các KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân.
Báo cáo với đoàn giám sát về môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND TP Cần Thơ nhìn nhận: Nước thải từ KCN Trà Nóc 1 và 2 không được xử lý triệt để đang gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt, sức khỏe của cư dân lân cận và trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp cho cư dân TP Cần Thơ. Với tỷ lệ diện tích lấp đầy, hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, nguy cơ nguồn nước ở thượng nguồn sông Hậu của TP Cần Thơ ô nhiễm trầm trọng là không thể tránh khỏi nếu không kịp thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho KCN Trà Nóc 1 và 2.
Lãnh đạo Ban quản lý KCN-KCX Cần Thơ từng khẳng định: Mặt bằng đã chuẩn bị xong, trong quý 4-2011 sẽ khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho KCN Trà Nóc 1 và 2 công suất 12.000m³/ngày đêm với vốn đầu tư 200 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Thủy điện lấn… nông nghiệp
Khác với các địa phương khác, tại Quảng Nam, đất nông nghiệp vốn đã rất ít ỏi ngày càng bị thu hẹp không chỉ bởi phát triển các KCN mà còn bởi hệ thống mạng lưới thủy điện được xây dựng dày đặc.
Đứng nhìn 3 sào ruộng của mình chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, ông Hồ Văn Hợp (thôn 5, xã Trà Bui, Bắc Trà My) chậc lưỡi: “Hồi cái thủy điện ni chưa tích nước, mỗi vụ tôi thu về gần 500 kg lúa khô. Nhờ vậy, chẳng bao giờ sợ thiếu ăn. Còn chừ, mất đất coi như chiếc cần câu cơm đã gãy rồi, lo quá!”.
Ông Hợp có 4 sào đất lúa, thủy điện Sông Tranh 2 thi công đã thu hồi 2/3 diện tích này. Con đông, lại đang tuổi ăn học nên số tiền bồi thường cho ông cách đây mấy năm cứ thế vơi dần.
Theo ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, để phục vụ cho việc xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, năm 2006 Nhà nước thu hồi 60 ha đất canh tác lúa nước của hàng trăm hộ dân xã Trà Bui, Trà Giác, Trà Đốc. Ông Phong nói: “Đất sản xuất mất đi, việc cải tạo lại chừng đó diện tích là chuyện không đơn giản. Gần đây, địa phương có chủ trương hỗ trợ 7 – 15 triệu đồng/ha cho nông dân đầu tư khai hoang lúa nước nhưng tiến độ diễn ra hết sức chậm chạp. Bởi ở đây địa hình phần lớn là đồi núi, bị chia cắt nhỏ”.
Khi dự án thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng, có đến 1.200 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Công trình này đã làm ngập xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác và Trà Tân với số hộ trong vùng ảnh hưởng lên đến 1.196 hộ/6.329 nhân khẩu. Trong đó, số hộ phải di dời đến nơi ở mới là 834 hộ/4.369 nhân khẩu. Để nhường đất cho dự án thủy điện, hàng ngàn người dân không chỉ phải bỏ nhà cửa, vườn tược mà còn đau xót nhìn hàng ngàn hécta ruộng lúa nước khai hoang khổ cực trong hàng chục năm trời bị chìm sâu dưới 730 triệu m³ nước của hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, trong 5 năm, từ 2006 đến 2010, bình quân tỷ lệ mất đất nông nghiệp hàng năm của tỉnh là 0,77% so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong khi mức mất đất nông nghiệp bình quân chung cả nước ở mức 0,4%/năm.
Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, đất sản xuất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng trên 8.000 ha, trong đó lúa nước chiếm 2.511 ha. Đây là con số rất lớn và ở mức “báo động đỏ” so với một địa phương vốn đất nông nghiệp còn eo hẹp như Quảng Nam.
Trước tiên cần nhìn lại những kỳ tích ngành nông nghiệp Việt Nam đã tạo dựng. Tổng sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới năm 2010 đạt 30 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam đóng góp 7 triệu tấn, Thái Lan 8 triệu tấn, chiếm 50% thị trường gạo của toàn cầu. Thật sự, đây là con số áp đảo trong cuộc chiến giành thị phần lúa gạo. Không ít người đặt câu hỏi: Tại sao Thái Lan có 10 triệu ha đất trồng lúa nhưng chỉ đạt sản lượng 30 triệu tấn, Việt Nam với gần 4 triệu ha sản lượng vượt 40 triệu tấn (tất nhiên không thể so sánh về giá trị với Thái Lan)!
Các chuyên gia lúa gạo nhận định: Việt Nam đã làm đúng những gì mà tổ tiên tổng kết: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Kể từ năm 1975 đến 1995, diện tích lúa có nước tưới ở Việt Nam tăng gấp 3,7 lần, tốc độ tăng cao nhất ở Đông Nam Á trong cùng thời kỳ. Hiện nay, diện tích được tưới chiếm 85% diện tích canh tác lúa, 1,71 triệu ha được tiêu nước chủ động.
NHÓM PV
—————————————————-
Bài 5: An ninh lương thực là vấn đề cốt lõi
Cuối cùng, Quốc hội cũng như Chính phủ đã quyết giữ lại 3,8 triệu ha đất lúa cho cả nước để sản xuất lúa, đảm bảo an ninh lương thực cũng như sinh kế của người nông dân. Bộ NN-PTNT cũng đang được giao soạn thảo nghị định quản lý đất lúa để ngăn chặn tình trạng các tỉnh đua nhau xẻ thịt đất lúa, quy hoạch vì lợi ích nhóm, địa phương cục bộ, “vạch sợi chỉ đỏ” cho những vựa lúa cần phải giữ lại.
clip_image004
Lo an ninh lương thực
Theo Bộ NN – PTNT và Bộ TN-MT, hơn 10 năm qua, diện tích đất nông nghiệp trên cả nước bị thu hồi để phục vụ các dự án làm đường giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, thậm chí sân golf, sân bay… đã lên tới hơn 300.000 ha và theo nhận định sẽ còn nhân lên trong thời gian tới.
Trong đó, 80% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật” với cơ sở hạ tầng, thủy lợi thuận tiện, có thể trồng hai vụ lúa một năm, kéo theo bình quân mỗi năm đã mất đi 500.000 tấn lúa, làm ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân. Đây là những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa nông thôn và đô thị hóa vội vàng trong thời gian qua.
Theo Bộ TN – MT, nhiều nơi tốc độ chuyển đổi đất lúa diễn ra một cách kinh hoàng, dẫn đầu ở miền Bắc là Hải Dương: 1.400 ha, Vĩnh Phúc: 1.200 ha, Hưng Yên: 1.000 ha mỗi năm. Còn ở miền Nam, Cà Mau giảm 6.200 ha, Bạc Liêu 5.400 ha… Ngay cả các tỉnh có lợi thế về cây lúa nước, giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang… vì những lợi ích cục bộ địa phương, đất lúa cũng đã và đang bị xẻ thịt không thương xót.
Điều đáng lo ngại, sản lượng lúa làm ra tính theo đầu người đã giảm rõ rệt khi đất lúa bị thu hồi. Chẳng hạn ở tỉnh Bắc Ninh, năm 2000 vẫn có tổng diện tích đất nông nghiệp tới hơn 49.000 ha nhưng hiện chỉ còn hơn 40.000 ha. Trong khi đó, năng suất lúa không hề tăng thêm, chỉ đạt bình quân khoảng 11 tấn/ha và đã “kịch trần”.
Từ Sơn là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh của tỉnh Bắc Ninh. Năm 2000, bình quân thóc lúa đầu người ở đây là 323 kg/người, nhưng năm 2006 chỉ còn 78 kg và hiện nay khoảng 60 kg/người… Do vậy, một khi đồng ruộng tiếp tục thu hẹp, dân số gia tăng thì không đảm bảo an ninh lương thực.
Trước đây chúng ta có 4,3 triệu ha đất trồng lúa nước nhưng theo rà soát của Bộ NN – PTNT, hiện nay cả nước chỉ còn 4,1 triệu ha. PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, nhận định, với diện tích lúa như vậy, về lâu dài khó gánh vác được nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực.
Còn ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng: “Cùng với nguy cơ bị co hẹp bởi công nghiệp hóa, đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn chịu sự tác động của nước biển dâng, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Chúng ta cần phải tính toán tới việc bảo vệ đất lúa đảm bảo an ninh lương thực không chỉ mục tiêu cho 20-30 năm mà cả trăm năm nữa”.
Theo ông Thông, hiện sản lượng lúa cả nước mỗi năm vẫn đạt trên 36 triệu tấn nên áp lực về an ninh lương thực chưa quá nặng nề. Trong tương lai, nếu áp dụng các giải pháp công nghệ mới, cũng chỉ nâng tổng sản lượng lên 40 triệu tấn/năm, nhưng cũng chỉ đủ đảm bảo nuôi dân số ở mức 100 triệu người, trong khi tương lai dân số ổn định của nước ta khoảng 120 triệu người, đó là chưa tính đến yếu tố mất mùa, diện tích trồng lúa bị thu hẹp.
Tuyệt đối không dùng đất lúa làm sân golf
Theo dự đoán của các nhà khoa học thế giới, Việt Nam sẽ là một trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu như bão lũ, khô hạn, ngập mặn, đặc biệt có sự dâng cao mực nước biển. Trong đó, vùng ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất.
Theo kịch bản về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, tổng lượng mưa đến năm 2030 sẽ giảm 20%, mưa trễ hơn 2 tuần và lũ đến sớm hơn 2 tuần và nếu nước biển dâng thêm 1m Bến Tre sẽ mất 50% diện tích đất, kế đến Long An (mất 49%), Tiền Giang (32,7%), Cần Thơ (24,7%). Như vậy diện tích lúa chắc chắn sẽ bị đe dọa, sản lượng lúa sẽ giảm đáng kể.
Trong khi đó, đất nông nghiệp vẫn tiếp tục mất ở nhiều dạng khác nhau. Nhiều địa phương vẫn chưa rút ra được bài học khi ồ ạt xây dựng các khu công nghiệp, đô thị… Hiện Cần Thơ và Vĩnh Long có nhiều khu công nghiệp nhưng tỷ lệ sử dụng rất thấp và đang tiếp tục chuyển đổi công năng đất nông nghiệp (như Cần Thơ sẽ chuyển khoảng 1.000 ha từ đất nông nghiệp sang nhiều dạng khác trong năm 2012).
“Tuyệt đối không dùng đất lúa làm sân golf dù cho nhà đầu tư có “ve vãn”, cũng phải cương quyết từ chối” – PGS.TS Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP HCM bức xúc nói.
Theo PGS-TS Lê Kế Lâm: Nhà nước phải quyết liệt trong việc giữ diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL ở mức từ 2,7 đến 3 triệu ha, phấn đấu đạt năng suất 6 đến 7 tấn/ha/vụ, mỗi năm làm 2 vụ, còn lại thời gian để cho đất nghỉ và đón phù sa của lũ (nếu có). Đồng thời để nông dân làm nghề phụ, hưởng thụ văn hóa cộng đồng, cập nhật tri thức sản xuất và cuộc sống… từng bước tri thức hóa nông dân để tiến kịp thời đại.
Lợi thế “trời cho” đối với ĐBSCL là khí hậu ôn hòa, mưa nắng nhiều, ít bão lớn và sông, rạch chằng chịt, rất thuận lợi cho giao thông thủy và tưới tiêu đồng ruộng. Cần tận dụng hết lợi thế này để quy hoạch lại vùng trồng lúa chuyên canh: có loại đặc sản, loại chất lượng cao và loại trung bình phục vụ toàn bộ nền kinh tế và bảo đảm “an ninh lương thực”.
Đánh bóng thương hiệu lúa gạo
Việt Nam vẫn còn thiếu một chiến lược xuất khẩu gạo, đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế nghiên cứu về tình hình kinh doanh – xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hơn hai chục năm qua. Ngành hàng lúa gạo chưa xác định đúng chiến lược marketing nên vẫn buôn bán theo chuyến, theo cách “ai mua thì tôi bán” và “bán thứ mình có chứ không bán thứ thị trường cần”, gây thiệt hại nguồn tài nguyên nội địa.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh trong ngành lúa gạo của Việt Nam là Thái Lan có chiến lược rất rõ ràng và thông minh nhằm không “đối đầu với Việt Nam và các nước xuất khẩu gạo khác”. Đó là xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản với giá bán rất cao, cao hơn nhiều so với gạo thường nhằm tăng giá trị gia tăng, nâng giá trị hạt gạo và tăng lợi tức cho nhà nông.
Các chuyên gia lúa gạo cho rằng: cần có tầm nhìn về quy hoạch để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa ngành lúa gạo. Trước tiên, chiến lược marketing cho ngành hàng lúa gạo phải dựa trên những nghiên cứu và dự báo nhu cầu của khách hàng tiêu thụ gạo để tìm ra phân khúc thị trường phù hợp với điều kiện sản xuất – chế biến – cơ sở hạ tầng nông thôn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế.
Nghiên cứu và phát triển hài hòa lợi ích của các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo (nông dân trồng lúa – thương lái – nhà máy xay xát, chế biến – doanh nghiệp xuất khẩu) nhằm huy động hiệu quả năng lực và tăng lợi thế cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam.
Quyết tâm bảo vệ đất lúa
Tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa nước cũng như 26,7 triệu ha đất nông nghiệp trên cả nước đến năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, an ninh lương thực quốc gia là vấn đề cốt lõi, không chỉ đảm bảo đời sống cho đại đa số dân cư nông thôn mà còn đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, mặc dù Bộ NN-PTNT báo cáo Quốc hội hiện còn 4,1 triệu ha đất lúa, nhưng với đà giảm nhanh hiện nay thì nếu không có biện pháp quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất thật chặt chẽ, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm sai quy hoạch, sẽ khó đảm bảo giữ 3,8 triệu ha đất lúa.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp cả nước đến năm 2020 theo nguyên tắc hạn chế tối đa việc sử dụng đất lúa, không xét duyệt các quy hoạch chuyển đất trồng lúa nước sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác.
“Cây lúa là một lợi thế của nền nông nghiệp Việt Nam, là sự sàng lọc của lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nên ta cần phải phát huy, gìn giữ cho muôn đời sau. Để thực hiện mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hạn chế đến mức tối thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn chế lấy đất nông nghiệp. Ngoài ra, cần có chính sách phù hợp với địa phương, hộ chuyên trồng lúa”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát
Nhóm PV
Nguồn: sggp.org.vn

Được đăng bởi bauxitevn

Không có nhận xét nào: