GS. Hoàng TụyNguồn: Tia Sáng
“Thử nghĩ xem những trị thân chính nào làm nên diện mạo thật của khoa học, giáo dục nước nhà, đang được tôn vinh, khuyến khích? những giá trị nào ta đang tôn vinh phù hợp với hệ thống giá trị trên thế giới? Bởi lẽ đơn giản, ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, làm sao hội nhập và cạnh tranh được nếu cái người ta trọng thì mình coi nhẹ, cái mình trọng thì người ta xem thường.“
Một năm mới lại đến, với những dự báo không mấy lạc quan cho những tháng sắp tới và xa hơn nữa. Không khí lo lắng đang bao trùm xã hội. Nổi lên là lo lắng về khả năng ứng phó của từng người, từng ngành hoạt động trước những biến động khôn lường sắp tới. Chính lúc này là một dịp nên tạm dừng lại suy ngẫm sâu hơn một chút về lẽ đời, lẽ trời, về những cái thường ngày ta ít quan tâm.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy khi môi trường biến động thất thường thì chỉ những hệ thống nào có độ đa dạng cao, có bộ giảm xóc tốt, có thể uyển chuyển thay đổi cấu trúc để tái lập được sự đồng điệu với môi trường – chỉ những hệ thống ấy mới vượt qua được sự mất ổn định tạm thời để có thể tồn tại và tiếp tục phát triển. Trong bất kỳ tổ chức, cộng đồng nào mỗi thành viên đều có lợi ích riêng (cả tinh thần và vật chất) và dù nói ra hay không nói ra, mỗi thành viên khi hành động và ứng xử đều không tránh khỏi bị chi phối bởi lợi ích riêng của mình. Đó là cái lẽ tự nhiên của tạo hóa, bỏ qua nó, cưỡng lại nó chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong nhiều việc lớn. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng một tổ chức muốn thành công bền chặt phải làm sao đạt tới sự thống nhất hài hòa giữa các mặt lợi ích của các thành viên. Không phải thống nhất thô bạo, máy móc, dẫn đến triệt tiêu mọi sáng kiến, mà là thống nhất dựa trên sự thừa nhận và tôn trọng các lợi ích riêng chính đáng của từng thành viên.
Thông thường sự thống nhất các lợi ích được thực hiện qua một cơ chế giá trị sao cho khi mỗi thành viên hoạt động nhằm những lợi ích riêng của mình theo hệ thống giá trị ấy thì điều đó đồng thời phù hợp với lợi ích chung và thúc đẩy thực hiện mục tiêu chung của cả cộng đồng. Nói nôm na, khi nào ích nước và lợi nhà đi đôi với nhau thì xã hội mới phát triển thuận lợi. Một cơ chế như thế là một cơ chế thông minh.
Có thể nói đó là trí tuệ của hệ thống, là phần mềm để vận hành hệ thống một cách thông minh. Chỉ một cơ chế như thế mới phát huy được tính tích cực năng động của từng thành viên, mới tạo ra được cộng năng (synergy) cần thiết, nhân lên và liên tục tăng cường khả năng của từng thành viên. Mỗi hệ thống thường có nhiều bộ phận quan hệ chằng chịt với nhau, nếu đầu ra của mỗi bộ phận tác động tới đầu vào của nhiều bộ phận khác, thì chỉ cần từng bộ phận tăng năng suất sẽ khiến cho năng suất tổng hợp của cả hệ thống tăng vọt nhanh hơn mọi tính toán máy móc. Chính vì thế mà mọi tính toán theo kiểu dựa vào mức tăng trưởng kinh tế hằng năm để dự báo Việt Nam chỉ có thể đuổi kịp Thái Lan, lndonesia, Malaysia, sau chừng này chừng kia năm là hoàn toàn không đáng tin cậy.
Vậy cái chính là phải có cơ chế thông minh. Nhưng rất tiếc cái đang thiếu nhất trong nhiều tổ chức của ta là cái cơ chế thông minh này, cho nên cứ thường xuyên phát sinh chuyện nọ chuyện kia, mà nghiêm trọng nhất là lợi ích cộng đồng bị xâm phạm nặng nề đến mức sự cấu kết nội bộ của tổ chức biến thành hình thức, giả tạo, dần dần làm tha hóa mọi quan hệ, rồi đến lúc nào đó biến cả tổ chức thành một cái gì rất xa lạ với mục tiêu, sứ mạng nguyên thủy của nó. Không may, đây cũng chính là điều đáng lo ngại nhất hiện nay đối với hai hệ thống giáo dục và khoa học lẽ ra phải là hai hệ thống cần cơ chế thông minh hơn đâu hết.
Có mấy chục năm trời rồi, hai lĩnh vực này cứ ì ạch mãi, luôn luôn là đối tượng bị chỉ trích nặng nề, mà số đông thành viên đều không phấn khởi, mặc dù vẫn có những gương hy sinh lặng lẽ và lao động quên mình đáng ngưỡng mộ. Thử nghĩ xem ta đang khuyến khích những giá trị gì trong hai lĩnh vực này? thử nghĩ xem những giá trị chân chính nào làm nên diện mạo thật của khoa học, giáo dục nước nhà, đang được tôn vinh, khuyên khích? những giá trị nào ta đang tôn vinh phù hợp với hệ thống giá trị trên thế giới? Bởi lẽ đơn giản, ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, làm sao hội nhập và cạnh tranh được nếu cái người ta trọng thì mình coi nhẹ, cái mình trọng thì người ta xem thường.
Cũng cần thấy thêm một điều nữa: khi một hệ thống gặp trục trặc mà có thể khắc phục được bằng cơ chế phản hồi thì đó là sự trục trặc bình thường (trục trặc kỹ thuật). Nhưng nếu trục trặc lặp đi lặp lại mãi mà không sao khắc phục được bằng cơ chế phản hồi thì có nhiều phần chắc đó là một lỗi cấu trúc, lỗi thiết kế, hay cũng gọi là lỗi hệ thống, chỉ có thể khắc phục được bằng cách thay đổi cấu trúc, thay đổi thiết kế. Chẳng hạn, một khẩu súng khi đem dùng nếu cứ bắn trật hoài, dù xạ thu rất giỏi thì chắc là cấu trúc của nó, thiết kế của nó có vấn đề: phải sửa cái khuyết tật cấu trúc mới có thể phát huy được tài năng của xạ thủ.
|
Đối với hệ thống xã hội cái khuyết tật hệ thống thường do ở cơ chế giá trị, nói cụ thể hơn là do chính sách và việc thực thi chính sách: khuyến khích cái gì, ngăn chặn cái gì. Vấn đề thời sự là khuyết tật hệ thống trong chính sách trả lương và kiểm soát thu nhập trong bộ máy hành chính và dịch vụ công cộng của ta đang làm méo mó mọi quan hệ, mọi hệ thống giá trị. Một khi số đông trong bộ máy ấy phải tìm nguồn thu nhập chủ yếu bằng những hoạt động ngoài công việc và trách nhiệm chính của mình, thì dẫu có hô hào chống tham nhũng quyết liệt, dẫu có tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cán bộ bao nhiêu đi nữa cũng không thể diệt được cái quốc nạn ấy. Cho nên phải thay đổi tư duy mới có thể chống tham nhũng có hiệu quả.
Ai đã đặt chân vào khoa học hay giáo dục đều hiểu rằng đây không phải là những nghề để làm giàu. để trở thành tỉ phú. Lịch sử chỉ ghi nhận một số rất hiếm hoi nhà khoa học trở nên giàu có nhờ phát minh khoa học của mình, như nhà hóa học Nobel đã phát minh ra chất nổ (nhưng khi chết Nobel đã hiến cả gia tài đồ sộ của mình để tài trợ các giải thưởng Nobel nổi tiếng). Nhà khoa học hay nhà giáo thường ít ham làm giàu. Tất nhiên trên đời này hiếm có ai chê của cải vật chất, nhưng cái đó không phải là niềm đam mê lớn nhất của họ. Mong muốn chủ yếu của họ là được nghiên cứu khoa học, được dạy học sao cho có kết quả, được đồng nghiệp thừa nhận, được học trò yêu quý, được xã hội tôn trọng. Nhưng đương nhiên xen lẫn với những tính cách đặc thù đó thường còn có cả những ham thích đời thường khác, cho nên cũng thật hiếm có (và chính vì thế mà càng đáng trọng) những nhà khoa học, nhà giáo “thuần khiết”. Của đáng tội, do cái phức tạp này mà thiếu một cơ chế giá trị thích hợp thì những ham muốn đời thường sẽ là cái động lực chính làm cho giáo dục, khoa học tha hóa dần, suy thoái dần, như canh tượng đang diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta từ bao năm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét