Trong một thông cáo, Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), nói: “Các quốc gia thành viên đã quyết định rút đại sứ của họ ở Syria và đồng thời cũng yêu cầu tất cả đại sứ của chế độ Syria phải về nước ngay lập tức.”
‘Đau buồn và giận dữ’
“Không có lý do gì để họ ở lại sau khi chế độ Syria bác bỏ tất cả sáng kiến và bóp chết mọi nỗ lực chân thành của khối Ả Rập để giải quyết cuộc khủng hoảng này và chấm dứt tình trạng đổ máu,” thông cáo viết.“Với sự đau buồn và giận dữ, các quốc gia thành viên đang theo dõi tình trạng bạo lực và bắn giết gia tăng ở Syria vốn không tha cho trẻ em, người già và phụ nữ với những hành động đáng kinh tởm mà dù dùng lời lẽ nhẹ nhàng nhất cũng có thể mô tả là thảm sát hàng loaṭ.”
Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh nói họ sẽ yêu cầu tất cả các quốc gia vùng Vịnh còn lại có các ‘biện pháp quyết đoán’ khi Liên đoàn Ả Rập có cuộc họp vào tuần tới.
"Không có lý do gì để họ (các đại sứ) ở lại sau khi chế độ Syria bác bỏ tất cả sáng kiến và bóp chết mọi nỗ lực chân thành của khối Ả Rập để giải quyết cuộc khủng hoảng này và chấm dứt tình trạng đổ máu."
Thông cáo của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh
Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ý cũng đã triệu hồi đại sứ của họ về nước.
Trong lúc này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hiện đang có chuyến công cán đến Damascus trong nỗ lực cứu vãn tình hình, đã kêu gọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng dựa trên sáng kiến của Liên đoàn Ả Rập mặc dù ông không hề đả động gì đến việc Nga ủng hộ lời kêu gọi Tổng thống Assad từ chức mới đây của Liên đoàn.
Ngoại trưởng Lavrov nói Damascus đã sẵn sàng cho một sứ mạng lớn hơn của Liên đoàn để giám sát các nỗ lực hòa bình và có thể sẽ định ngày trưng cầu dân ý về Hiến pháp.
Trước đó, Liên đoàn đã triển khai một nhóm quan sát viên đến Syria vào tháng 12 năm ngoái nhưng đã đình chỉ sứ mạng này vào cuối tháng Giêng do tình trạng bạo lực ngày càng xấu đi.
Sau phát biểu của Lavrov, hãng thông tấn nhà nước Syria Sana cho biết Tổng thống Assad ‘lặp lại sự sẵn sàng của Syria để làm việc với mọi nỗ lực vì sự ổn định của đất nước.’
Đề xuất quen thuộc
"Toàn thể cộng đồng quốc tế hơi nghi ngờ rằng thay vì tập trung vào việc chấm dứt bạo lực, cái mà dường như chúng ta đang có là sự lặp đi lặp lại một đề xuất mà ông Assad đã nói mãi từ hàng tháng nay."
Victoria Nuland, người phát ngôn Bộ ngoại giao Hoa Kỳ
“Quý vị có thể hiểu rằng toàn thể cộng đồng quốc tế hơi nghi ngờ rằng thay vì tập trung vào việc chấm dứt bạo lực, cái mà dường như chúng ta đang có là sự lặp đi lặp lại một đề xuất mà ông Assad đã nói mãi từ hàng tháng nay,” bà nói.
Trong một phát biểu riêng rẽ, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin đã phủ nhận thông tin rằng ông đã đe dọa Thủ tướng Qatar trong các cuộc thảo luận tại Hội đồng bảo an hồi tuần trước.
Ông lên án rằng ‘ai đó’ đang muốn chia rẽ Nga và thế giới Ả Rập.
Còn Ngoại trưởng Lavrov phê phán phản ứng của phương Tây đối với sự phủ quyết của Nga là ‘kích động’.
Các nhóm hoạt động nhân quyền Syria cho biết hơn 7.000 người đã bị lực lượng an ninh Syria giết kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Assad nổ ra vào tháng Ba năm ngoái.
Bộ nội vụ Syria nói các chiến dịch chống lại ‘các nhóm khủng bố’ sẽ tiếp tục ở Homs cho đến khi nào ‘an ninh và trật tự được lập lại’.
Chính phủ Assad cho biết ít nhất 2.000 người trong lực lượng an ninh của họ đã chết trong các cuộc xung đột.
‘Không chờ đợi Nga’
Phóng viên BBC Paul Wood, một trong số rất ít các phóng viên nước ngoài có mặt ở Homs – cho biết quân đội Syria đã nối lại các cuộc tấn công bằng đạn cối và súng máy.Ông cho biết là những chiếc xe tăng xuất xứ từ Nga đã được nhìn thấy gần trung tâm thành phố, tuy nhiên cho đến giờ vẫn không có dấu hiệu gì của một chiến dịch mặt đất mà nhiều người dân ở Homs đang lo sợ.
"Các cường quốc hậu thuẫn bản nghị quyết bị đánh đắm của Liên Hiệp Quốc sẽ không chờ đợi người Nga làm nên điều kỳ diệu."
Jim Muir, phóng viên BBC tại Beirut
Từ Beirut, thủ đô của nước láng giềng Lebanon, phóng viên BBC Jim Muir nhận định rằng nhìn bên ngoài thì cuộc nói chuyện giữa Ngoại trưởng Lavrov với Tổng thống Assad ở Damascus dường như không đem lại bất cứ đột phá gì.
“Nếu mọi việc được thỏa thuận ở hậu trường mà không được loan báo rộng rãi, kết quả này sẽ hiển hiện trước mắt mọi người trong những ngày tới đây, nhất là ở những nơi như Homs, nơi mà tình trạng bạo lực không hề thuyên giảm,” ông nói.
“Nhưng ở bề ngoài thì các phát biểu sau hội đàm không có gì mới, mặc dù Lavrov cho biết nhà lãnh đạo Syria dường như đã lưu ý đến việc cần thiết phải hành động nhanh chóng,” ông nói thêm.
Phóng viên Muir cũng nhận xét rằng mặc dù Tổng thống Assad vẫn duy trì cam kết với các nỗ lực chấm dứt bạo lực từ bất kỳ phía nào nhưng ông ấy đã sử dụng mô típ đó để che dấu hành động đàn áp các chiến binh vũ trang của phe đối lập.
“Các cường quốc hậu thuẫn bản nghị quyết bị đánh đắm của Liên Hiệp Quốc sẽ không chờ đợi người Nga làm nên điều kỳ diệu,” ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét