Pages

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

‘Ngày thơ Việt Nam’, những trò hề rẻ tiền

Phi Hồng/Người Việt

ÐÀ NẴNG - Vẫn biết dùng chữ “trò hề rẻ tiền” để chỉ một ngày khá là trọng đại của những thi sĩ (nhà nước) là không nên, nhưng thú thật, không biết phải dùng chữ gì khác sau khi chứng kiến đêm thơ nguyên tiêu mấy năm liền. Ðặc biệt là sau cái đêm thơ tại quán cà phê New World ở Ðà Nẵng hôm 2 tháng 2, do nhà xuất bản Văn Học tổ chức.

Ðọc thơ xong thì MC phỏng vấn, hỏi về thân thế, sự nghiệp. (Hình: Phi Hồng/Người Việt)

Theo truyền thông Việt Nam, “Ngày Thơ Việt Nam” là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức vào ngày Rằm Tháng Giêng âm lịch hàng năm theo quyết định của Hội Nhà Văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban Tư Tưởng-Văn Hóa Trung Ương và Bộ Văn Hóa-Thông Tin Việt Nam.


Nơi để xun xoe, lấy lòng lãnh đạo chính quyền
Theo một nhà thơ đang làm việc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Quảng Nam: “Ngày này dùng để tôn vinh nhà thơ đã được nhà nước công nhận hoặc là từng đăng tải tác phẩm trên các báo nhà nước, được ngành văn hóa chú ý, thiện cảm, cũng là cơ hội để lăng-xê họ thành nhà thơ lớn....”
Cứ theo cái đà của ông nhà thơ vừa nói thì ngày thơ Việt Nam là ngày của những nhà thơ từng phục vụ và làm hài lòng chính quyền, làm vừa ý các quan.

Thường, đêm thơ có kèm theo dịch vụ phụ như bán thư pháp, bán hoa để tặng nhà thơ. (Hình: Phi Hồng/Người Việt)

Ðiều này làm tôi nhớ đến một nhà thơ trẻ tên Ð.T.T, tại Ðiện Bàn, Quảng Nam, trong đêm nguyên tiêu cách đây vài năm, lúc đó ông T.V.L làm chủ tịch huyện Ðiện Bàn (kiêm nhà thơ) ngồi ghế đại biểu dự đêm thơ.
Trong lúc mọi người, từ MC cho đến các ngâm sĩ, thổi sĩ đang say sưa lên giọng, uốn éo để trình diễn mấy bài thơ của ông Chủ Tịch L. thì liền sau đó, Ð.T.T lên đọc thơ, anh này đọc bài thơ về rượu theo lối trình diễn, vừa đọc vừa uốn lượn hình thể, huơ tay, múa chân. Không biết vô tình hay cố ý, đến câu “rượu, rượu, rượu, rượu thịt ê hề trở thành rác tuốt...,” anh chỉ tay thẳng vào mặt ông chủ tịch huyện mấy lần.
Kết quả, sau đêm thơ, anh bị khiển trách, sự nghiệp thơ ca của anh bị ảnh hưởng mấy năm sau đó, không được lăng-xê như nhiều cây bút trẻ (nhà nước) khác trong tỉnh mà lẽ ra anh là số một...
Ngoài mục đích là nơi lấy lòng, thậm chí xun xoe các lãnh đạo chính quyền của các nhà thơ muốn/sắp nổi tiếng, đây còn là nơi rửa tiền và kiếm chác khá lý thú cho các “lãnh đạo thơ.”
Chỗ rửa tiền của Hội Nhà Văn...
Thường, trong đêm thơ Việt Nam, sau buổi đọc diễn văn khai mạc của ông chủ tịch, đến bà trưởng phòng thể thao văn hóa, rồi các quan chức, đến phần giới thiệu thành phần (cũng các quan chức), là phần trình diễn thơ, ngâm nga, hát hò...
Một bạn trẻ tên Hải, khán giả của đêm thơ 2 tháng 2 năm 2012 tại New World, chia sẻ: “Ðêm thơ này tào lao quá, từ cách tổ chức cho đến ban tổ chức cũng như quán cà phê này. Lừa bịp để lấy tiền thì đúng hơn. Trong giấy mời ghi có phát phiếu bốc thăm trúng thưởng máy Fujifilm cho khán giả, giờ mình hỏi, nó bảo là hết phiếu cách đây ba ngày, thua luôn, biết vậy thì mình đâu tới đây cho mất công!”
“Trong giấy mời ghi là khách đến tham dự được miễn phí thức uống, vậy mà mình uống hai ly nước, tính gần một trăm ngàn đồng, mình bị lừa đến đây uống cà phê giá cắt cổ và nghe mấy chả đọc lằng nhằng chẳng đâu vào đâu!”
Trong lúc Hải trò chuyện với chúng tôi thì trên sân khấu, MC giới thiệu một “nghệ sĩ” lên hát tân cổ giao duyên để thay đổi không khí. Cô này lên hát vừa phô, vừa rớt nhịp... Cứ thế, đêm thơ diễn ra theo cách tả pí lù, tạp kỹ, đủ trò, ai cũng được giới thiệu là nghệ sĩ, ca sĩ, thi sĩ, nhưng khi họ trình diễn xong thì khán giả hỡi ôi!
Thú vị nhất trong đêm có lẽ là cô H.Y, một doanh nhân, lên hát một bài, được giới thiệu là ca sĩ, nhưng khi vào nhạc, rất khó khăn mới hát được. Hát xong, cô H.Y giới thiệu mình là một doanh nhân, thích làm thơ và đọc một bài thơ do mình viết trong chuyến đi công tác ra Ðồng Ðăng, Kỳ Lừa, viết về nàng Tô Thị, có nội dung đại khái: Nàng Tô Thị hóa đá để ngóng chồng/ Còn em một đời hóa hư huyễn ngóng anh/ Anh ở phương nào hồn em vàng vọt/ Những bản tình ca chót vót linh hồn...
Nghe đến đây, Hải than thở: “Ðây là trò hề, mà cũng là trò kiếm ăn rẻ tiền của các ông hội nhà văn, cứ một bà có tiền, háo danh, được lăng-xê thành nhà thơ, được phỏng vấn, chắc chắn là bỏ ra cả đống tiền cho ban tổ chức, ngay cả ngày thơ, dù gì cũng phải giữ thể diện cho ngành nghề của mình, vậy mà các ông không có tự trọng, xã hội này thật sự nát bét rồi!”
Chỉ trong một đêm thơ mà có đến vài chục chuyện khôi hài, năm nào cũng như năm nào.
Ðó còn chưa nói đến chuyện các hội nhà văn tỉnh, hội nhà văn trung ương tồn tại như những gánh nợ của xã hội. Cả một năm chẳng có được mấy tác phẩm của hội viên cho ra tấm ra mẽ, mà tiền duy trì hoạt động thì tỉ này, tỉ nọ.
Những đêm thơ được tổ chức rình rang cũng là một cách rửa tiền của hội. Và qua đó, những tay có chức sắc trong hội sẽ “mượn đầu heo nấu cháo.” Thay vì mang đến cho khán giả, độc giả những tác phẩm đàng hoàng thì mời những người có tiền, thích nổi tiếng lên phô diễn các trò không đâu vào đâu, thêm vào là chuyện mánh với các quán để ăn tiền của khách.
Ðương nhiên, không phải nơi nào, đêm thơ nào tổ chức ra cũng tệ hại như câu chuyện trên đây. Nhưng chắc chắn một điều, có hai vấn đề: Họ cũng nằm trong trào lưu xôi thịt của giới gọi là văn nghệ chính thống, chẳng mang lại lợi ích nào cho con người; Thứ đến, nếu đất nước này còn những con người mê mải “múa lửa lắc vòng” như vậy, thì chuyện một đất nước tiến bộ, e rằng còn lâu lắm.

Không có nhận xét nào: