Rác ở thành phố mang tên Người
Bà Huệ, 52 tuổi, dựng chiếc xe đạp cũ kỹ vào một góc rồi dốc ngược chiếc bao tải to tướng cao quá đầu bà. Một đống chai nhựa, vỏ lon bia, bao ni lông, … đổ ra ngổn ngang dưới đất. Đó là thành quả của một buổi lao động cật lực mà bà góp nhặt được. “Chẳng biết làm nghề gì nên hằng ngày ra bãi rác kiếm những thứ thiên hạ vứt đi để bán kiếm tiền đong gạo sống qua ngày”, bà bộc bạch.
Chồng bà cũng “công tác” cùng nghành với bà, ông làm phu cho các xe rác. Thời gian gần đây, do tuổi cao sức yếu nên ông thường xuyên đổ bệnh. Hai đứa con gái của ông bà cũng không được học hành đến nơi đến chốn đành cam phận làm mướn để chỉ kiếm vài chục nghìn mỗi ngày. Làm việc quần quật như vậy, nhưng cuộc sống đói nghèo vẫn không bao giờ buông tha gia đình ông bà. “Cả bốn người chúng tôi chui rúc trong một túp lều tạm bợ chỉ rộng chưa đầy 5m2 tránh mưa tránh nắng nhưng đã dột nát từ lâu. Tiền làm ngày nào xài ngày đó, chúng tôi không có dư để mua tôn đắp lên cho qua mùa mưa này”, nhìn về túp lều tả tơi bà rơm rớm nước mắt.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Thanh, 48 tuổi, cũng mưu sinh cùng một nghề như bà.“Ngày nào trúng mánh mới kiếm được năm, bảy chục ngàn còn bình thường chỉ được khoảng hai ba chục thôi. Mưa to gió lớn gì chúng tôi cũng phải ra đây kiếm ăn cả”, chị Thanh cho biết. Do hoàn cảnh khó khăn, các con của chị cũng bươn chải ngoài bãi rác để phụ mẹ. Tối đến chúng mới được nghỉ ngơi để đến dự lớp “tình thương” trong xóm. Ban ngày chúng tất tả lượm rác, ban đêm chúng chạy vạy lượm dăm ba chữ mong đổi đời.
Ông Nguyễn Văn Tùng, 57 tuổi, ở cùng xóm là một cảnh đời khác, cô đơn không nơi nương tựa. Người đàn ông với thân hình chỉ có da bọc xương trú ngụ trong một túp lều lụp xụp chỉ vừa đủ cho một người chui ra chui vô. “Cuộc đời tôi sống nhờ vào rác. Vợ tôi do chịu không nổi cái nghiệp này nên đã mang con theo người khác. Có lẽ do quanh năm tiếp xúc với rác nên giờ vướng phải bệnh lao phải sống nhờ vào hàng xóm. Họ cưu mang cho từng bữa cơm nên tôi mới được trụ tới ngày hôm nay”, ông thều thào nói.
Còn những đứa trẻ trong xóm hầu hết không được đi học bởi cuộc sống đói nghèo không cho phép chúng xa rời thực tế nghèo đói. Sáng và chiều, chúng tụ tập chờ những chiếc xe tải đổ rác xuống bãi, với đôi chân trần và tay không dụng cụ bảo hộ lao vào những đống phế thải tranh nhau bới móc, nhặt nhạnh từng thứ có thể bán được để phụ giúp cha mẹ, và những món chúng cần, chúng thích.
Trên đây là những mảnh đời bất hạnh tìm sự sống trong rác rưởi, ngay trong thành phố mang tên Người. Đó là bãi rác xóm Sở Thùng, nằm trong một hẻm nhỏ trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, giáp ranh với quận Gò Vấp. Không biết từ lúc nào, nhiều người dân vô gia cư và dân lao động nghèo đã kéo đến đây lập nghiệp bằng nghề lượm ve chai để hình thành nên xóm Sở Thùng này. Con đường nhỏ dẫn vào xóm Sở Thùng mùi rác bốc lên nồng nặc. Càng vào sâu, mùi xú uế bốc lên làm ai cũng phải lợm giọng khi đặt chân đến. Nơi đó, một bãi rác rộng chừng 500m2 với đủ các loại phế thải nằm vương vãi hoặc được chất thành từng đống. Đó là nguồn sống chính của nhiều gia đình kiếm sống từ đồ phế thải.
Rác, đâu cũng rác.
Rác giữa lòng thủ đô
Bãi rác thuộc khu liên hiệp Nam Sơn nằm trên địa bàn 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn và Bắc Sơn là nơi chứa rác lớn nhất của Hà Nội. Hàng ngày có khoảng từ 800 đến 1000 người dân nhặt rác vào đào bới tìm kiếm phế liệu. Ở đây như một thế giới khác, thế giới của môi trường độc hại, lam lũ với hàng mấy trăm con người thường trực vất vả mưu sinh.
Bãi rác khu liên hiệp Nam Sơn Hà Nội
Bắt đầu từ 3 giờ sáng những người tìm kiếm phế liệu đã lục tục kéo đến bãi rác để bắt đầu công việc tìm kiếm.
Chị Vinh, có thâm niên làm nghề này ở đây cho biết đã quá quen thuộc nên không còn cảm giác ghê sợ như lúc mới vào nghề. “Giờ mà còn sợ mùi, không nhanh chân tìm kiếm có mà chết đói”, chị nói. Chị Vân ở xã Nam Sơn cho biết cả nhà cùng hành nghề này, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình chị. Trung bình một người trong gia đình chị chỉ có thể kiếm được từ 80 ngàn đến 150 ngàn (tương đương với 4 đến 7 đô) một ngày tuỳ theo số lượng phế liệu thu về.
Rác ở tận cùng đất nước
Bãi rác Cà Mau nằm cách trung tâm thành phố hơn 6km, hàng ngày tiếp nhận trên 60 tấn rác thải, là nơi mưu sinh của hàng trăm người nghèo khổ. Ngày ngày, có hàng trăm người tụ tập về kiếm sống bằng nghề thu gom phế liệu. Nhiều người ở đây có thâm niên trên dưới 10 năm, người ít cũng được 3, 4 năm. Họ nhặt nhạnh tất cả những gì mà người khác vứt đi, rồi phân loại, rồi chất đống chờ người đến mua. Đa số họ là những người nghèo khổ, không học vấn, không nghề nghiệp. Vì cuộc sống khó khăn nên họ đành phải vào đây kiếm sống. Mùi hôi thối, tanh tưởi bốc ra nồng nặc, ruồi nhặng từng bầy bám đen cả mặt đất. Vậy mà số người đến đây mưu sinh chỉ có tăng, không giảm.
Bãi rác Cà Mau
Rác Cố Đô
Nghề bới rác những tưởng là công việc nặng nhọc, ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ chỉ dành cho đàn ông nhưng tại khu vực bãi rác ở Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế chiếm đa số trong đội ngũ hành nghề này lại là phụ nữ và trẻ em. Họ hầu hết là những người vô gia cư, không có nghề nghiệp ổn định, vì miếng cơm manh áo mà phải lao vào cái nghề được gọi là cực chẳng đã này.
Có thâm nhập vào cuộc sống của những người bới rác, được chứng kiến cảnh họ đua nhau tranh giành, mò mẫm đào xới trên những núi rác khổng lồ, trong cái mùi hôi nồng nặc mới hiểu hết được tình cảnh những người đã và đang ngày đêm xem cái nghiệp này như là một phương cách mưu sinh sống qua ngày. Vật dụng hành nghề của họ đơn giản chỉ là 2, 3 cái bao tải to, một que móc sắt và 1 cái cuốc.
Biết cái nghề này là nguy hiểm, bệnh tật đủ thứ nhưng không làm thì lấy gì mà ăn!? Giây phút mà họ chờ đợi nhất là lúc những chiếc xe tải chở rác tới, đó là vào khoảng 4-5 giờ sáng. Dưới tiếng ầm ầm của động cơ, ánh đèn điện mập mờ, hàng mấy chục con người chen nhau bới tìm. Những đứa trẻ cũng hồn nhiên, vô tư tìm những thứ chúng thích.
Cuộc sống khó khăn đã khiến nhiều người ở đây chấp nhận cái nghèo, cái khổ như một điều hiển nhiên.Rác ở thành phố kiểu mẫu trực thuộc Trung Ương
Bãi rác Khánh Sơn là bãi rác lớn nhất Đà Nẵng, có chừng 200 người túc trực ngày đêm đào bới phế liệu. Mỗi ngày, họ lầm lũi cúi mặt trên núi rác đầy ruồi nhặng và xác động vật đang phân huỷ. Ở đây, có người đã gắn bó với nghề đào bới rác đến 20 năm, cũng có người sống quá nửa đời người trên bãi rác. Công việc ở đây thật nặng nhọc trong một môi trường khắc nghiệt, thu nhập lại chẳng là bao. 7 giờ sáng họ đã bắt đầu lục đục bới rác, làm việc tới khoảng gần trưa thì nghỉ ăn uống tại một quán ăn dã chiến có ruồi nhặng bu đầy xung quanh. Có khi đang ăn dở bữa thì xe rác đến, ai nấy đều bỏ vội chén cơm để chộp lấy sọt, cuốc chỉa và chạy bám theo xe, mong nhanh chân tìm được những món rác có giá trị.
Bãi rác Khánh Sơn Đà Nẵng
Rác phố biển thành phố du lịch
Bãi rác Nha Trang cách nội thành chừng 10km, nằm cạnh nghĩa trang phía Bắc mà người dân quen gọi là bãi rác Rù Rì, tồn tại đã hơn 20 năm qua. Đây là nơi tập trung rác lớn nhất thành phố với bãi rộng và cao như một ngọn núi. Đây cũng là nơi ăn chốn ở của những người vô gia cư, những người sống bằng nghề lượm phế liệu.
Hầu hết họ là người dân tứ xứ, đến từ Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Kon Tum, … Có gia đình cả vợ chồng lẫn con cái cùng nhặt rác. Có những cụ già tuổi đã xế chiều cũng nhặt rác. Dù mưa hay nắng, họ cũng cặm cụi, cày xới luôn tay trên đống rác.
Mỗi ngày, vào khoảng giữa trưa và chiều tối, khi những chiếc xe chở rác từ Nha Trang tiến vào bãi là họ tụ tập lại, nhặt nhạnh, moi móc đồ phế thải. Lúc đông gần cả trăm người.
Ở đây có bà Ba, tên thật là Trần Thị Ngắn, 79 tuổi cho biết: “Bới rác ở đây, mỗi ngày chúng tôi kiếm được 50.000 – 80.000 đồng, gặp hôm trúng mánh thì được hơn 100.000 đồng. Số tiền đó cũng đủ đắp đổi qua ngày, … Nghề nghiệp không có, bắt buộc tôi phải tìm đến bãi rác này mưu sinh”. Bà Ba theo nghề nhặt rác đã được hơn 10 năm, trông bà già hơn so với tuổi, lưng còng rạp và khuôn mặt lúc nào cũng lộ nét mệt mỏi, phờ phạc.
Cũng như bà Ba, hầu như những người nhặt rác tại bãi Rù Rì ai cũng đều có cuộc sống khó khăn. Vì mưu sinh, họ bất chấp hiểm nguy, dầm mình vào những đống rác để đào bới, nhặt nhạnh mọi thứ, từ ve chai, lon, giấy báo, đến bao bì. Vì cuộc sống nghèo khổ nên con em họ không có điều kiện học hành, trẻ được học hết tiểu học không nhiều, học lên trung học càng hiếm hơn. Đa số, các em phải nghỉ học để kiếm tiền đỡ đần gia đình, nhiều em do vậy mà theo nghề của cha mẹ luôn.
Ở bãi rác Rù này còn có bà cụ già tên Trần Thị Cúc đã 82 tuổi, mấy chục năm qua cuộc đời vẫn thế, vẫn sống với rác, không còn làm công việc nặng nhọc được nữa, giờ chỉ quanh quẩn nhặt nhạnh phụ với con cháu mua gạo. Nhiều lúc cụ chạnh lòng tự hỏi: “Liệu thế hệ con cháu mình cứ tiếp tục sống vật vả bên những đống rác này mãi hay sao!?”.
Rác cao nguyên
Ở bãi rác Hàm Rồng, xã Chư Hdrông, TP Pleiku có đến 200 người ngày đêm bám trụ để mưu sinh. Đa số là người thiểu số Ja Rai của làng Brong Thong, xã Ia Băng, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai.
Quanh bãi rác Hàm Rồng có gần 30 căn chòi được dựng tạm là nơi trú ngụ của hàng trăm người. Mỗi chòi là một nhóm khoảng 20-30 người.
Ở một góc bãi, trên vai đèo đứa con chưa tròn tuổi đi nhặt rác, chị Hyak cho biết: “Gia đình tôi sống đều bằng nghề này, thu nhập tương đối ổn định. Ngày nào nhiều thì được 50.000 – 70.000đ, ít cũng được 20.000đ nên đủ sống qua ngày. Con còn nhỏ nhưng ở nhà thì lấy gì ăn, địu nó cùng đi chứ biết sao”.
Ở đây, không chỉ người lớn mưu sinh từ nghề bới rác mà những đứa trẻ chưa học hết bậc tiểu học cũng bỏ học để cùng cha mẹ kiếm sống. Bé Hương, 11 tuổi, người làng Brong Thong, hồn nhiên nói: “Em học hết lớp 3, không thể học được nữa nên theo cha ra đây kiếm sống. Không chỉ mình em, có rất đông các bạn cùng lứa đều bỏ học đi nhặt rác phụ gia đình”. Những đứa trẻ nhỏ hơn thì vô tư chơi đùa mặc cho người lớn làm gì thì làm.
Nồng nặc mùi hôi thối, môi trường ở đây ô nhiễm nặng nhưng hầu như không một ai có khẩu trang. Hỏi thì họ đều cho biết: “Quen rồi. Hiểm họa bệnh tật về đường hô hấp ở bãi rác là rất lớn nhưng làm sao bây giờ!?”.
Trên đây là những bãi rác lớn của VN ngày nay, từ Nam chí Bắc, từ miệt Cà Mau tận cùng của đất nước cho đến thủ đô với mấy ngàn năm văn hiến. Rác! Ở đâu cũng rác! Rác mọi nơi! Rác cùng khắp! Ở những nơi đó chúng ta dễ dàng bắt gặp vô số những mảnh đời bất hạnh lam lũ tìm sự sống trong những phế thải, cặn bả của xã hội. Vì miếng cơm manh áo, họ chấp nhận làm công việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Xét cho cùng, họ không còn con đường nào khác.
Trên đây là những bãi rác lớn, tiêu biểu của mỗi vùng đất nước, nhưng lại là những bãi rác nhỏ trong một bãi rác LỚN là nước VN ngày nay. Ngày nay, mạnh ai nấy xua rác ra đường. Dân thì xua bất cứ thứ gì mà mình phế thải ra xã hội, sống ích kỷ, không mảy may nghĩ đến tương lai của nước nhà cũng như tương lai của con cháu những đời sau. Cán bộ thì chỉ lo tận hưởng, vơ vét, làm giàu lẹ, biến VN thành một bãi rác lớn, cho ngoại bang muốn làm gì thì làm, để cho “đồng chí” phương Bắc tuỳ tiện đem rác của xứ họ là những hàng hoá hư và độc hại đổ vào thị trường VN, tạo điều kiện cho những thành phần rác rưỡi của thế giới đổ xô vô VN mua dâm trên thân xác của những phụ nữ VN rẻ mạt.
Kết quả của chiêu bài “xóa bỏ giai cấp” để đưa đến “thế giới đại đồng” của người CS là đây. Ở VN, ngày nay, sự cách biệt giai cấp đã rõ như ban ngày. Giai cấp của tham quan thì giàu nứt vách còn giai cấp của nhân dân thì nghèo khó đến khốn cùng. “Thiên đường XHCN” chỉ dành cho thành phần thiểu số nắm quyền hành trong tay. Địa ngục XHCN không đòi hỏi mà có là của đại đa số người dân thấp cổ bé miệng. Cả Thiên đường và Địa ngục đều đang hiện hữu trên đất nước VN. Quê hương Việt Nam của tôi ngày nay là thế đó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét