Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Theo AFP
HÀ NỘI – Mahmoud Ahmadinejad đã đến Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Tổng thống Cộng hòa Hội giáo Iran trong 17 năm qua nhằm tăng cường quan hệ với các đồng minh bên ngoài các nước phương Tây.
Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (trái) cùng Chủ tịch Trương Tấn Sang (phải) trong chuyến thăm Việt Nam ngày 9 tháng 11, 2012.
Ahmadinejad ghé thăm Hà Nội hai ngày trên đường trở lại Iran từ Diễn đàn Dân chủ ở Bali. Ông đã thảo luận với Chủ tịch Trương Tấn Sang về các liên kết kinh tế cũng như các lĩnh vực tiềm năng mà hai nước có thể hợp tác.
Phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Ahmadinejad ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước là “rất thân thiện” và cho biết sẽ tăng cường quan hệ song phương trong thời gian tới.
“Chúng tôi quyết tâm mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm kinh tế, nông nghiệp, khoa học, công nghiệp và công nghệ, văn hóa, du lịch, thể thao”, ông nói thông qua một thông dịch viên.
Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Iran đến các quốc gia cộng sản kể từ năm 1995. Các nước này thường được xem là những nước ủng hộ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân ôn hòa của Tehran.
Ông Sang cho biết hợp tác giữa hai nước sẽ được “tăng tốc” trong thời gian tới. Ahmadinejad cũng sẽ gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để đàm phán về thương mại và đầu tư.
Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 – và trước đây đã ký một loạt các thỏa thuận hợp tác về dầu khí và các dự án cơ sở hạ tầng.
Iran hiện đang phải vật lộn bởi các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây đối với các hoạt động hạt nhân gây nhiều tranh cãi. Tình trạng thiếu ngoại tệ gây sụt giảm giá trị tiền rial tại nước này hồi tháng trước.
Các cường quốc phương Tây nghi ngờ Tehran đang sử dụng chương trình để phát triển khả năng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran đã phủ nhận và nói rằng các hoạt động hạt nhân của họ là hoàn toàn vị mục tiêu hòa bình.
Một nhà ngoại giao tại Hà Nội cho biết chuyến thăm của Tổng thống Ahmadinejad là để nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao cũng như kinh tế từ quốc gia thân thiện này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang “thiếu hụt” nên không phải ở vị thế tốt đẹp để giúp đỡ giữa lúc nền kinh tế tại đây đang gặp nhiều khó khăn.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét