Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Anh có khổ không anh Tư?



Huỳnh Ngọc Chênh
1. Thời gian gần đây bỗng dưng rộ lên những trang blog bậy bạ tập trung chĩa mũi dùi vào anh Tư làm tui cảm thấy thương cho anh quá.
Trong các trang bậy bạ đó lại có trang mang hẳn tên anh nữa mới đau cho anh chứ. Hình như chúng nó không kiếm ra được cái gì sai trái trong công việc của anh nên chúng xục vào chuyện riêng tư gia đình, con cháu của anh để mong bôi bác anh. Nhiều người cho rằng những chuyện chúng viết đều linh tinh hầm bà lằng chẳng đúng đâu vào đâu. Ngay cả chuyện con anh, một “hoàng tử” mà chỉ làm một công việc bình thường ở một công ty tầm tầm, không như các “hoàng tử” và “công chúa” khác, mà chúng cũng không tha, cũng mang ra bêu riếu. Tuy nhiên những chuyện “hở váy lòi lưng” thấp kém ấy lại kích thích sự tò mò của nhiều người và do vậy cũng có lắm kẻ vào xem, lắm người thích thú cười cợt sau lưng anh, trong đó không loại trừ các đồng chí thân yêu của anh. Chắc anh đau lắm nhỉ?

Đường đường một ông vua như anh mà bị người ta xỏ xiên bêu riếu, xâm phạm vào đời tư, đăng ảnh sinh hoạt riêng tư của con cháu anh lên một cách trái phép mà anh không biết làm cách nào để chống đỡ, để nói lại, để thanh minh hoặc để kiện chúng nó ra tòa – ít ra là về tội xâm phạm đời tư công dân – quả là đau lắm chứ!
Tại sao lại có chuyện như vậy anh Tư hè?
Tôi thấy ở các nước khác, nguyên thủ của họ, kể cả những nguyên thủ có lắm chuyện riêng tư bê bối cũng không đến nỗi bị khổ như vậy. Có những chuyện riêng tư dư luận không dám đụng vào, có những chuyện họ đụng vào được thì phải có bằng chứng rõ ràng và cách họ đụng cũng rất đàng hoàng, rất minh bạch, không sai sự thật và không viết lách theo kiểu bôi tro trét trấu một cách ti tiện.
Họ làm được như vậy bởi vì họ có một nền báo chí tự do, cá nhân nào, tổ chức nào cũng có quyền ra báo. Khi mà họ chịu trách nhiệm pháp lý về tờ báo của mình thì họ không thể viết bậy, không thể xuyên tạc sự thật và không thể tự do tung tin bịa đặt xâm phạm vào quyền riêng tư của công dân. Một khi đã có tự do báo chí thì những trang blog nặc danh không có đất sống vì không ai thèm vào đọc những thứ bậy bạ vô trách nhiệm như vậy. Ở Mỹ, Châu Âu, Nhật bản và ngay ở những nước như Thái Lan, Mã Lai… khó tìm thấy những trang blog theo kiểu tusangnhamhiem.tk, nguyentandung.org. Mà ở những nước ấy nếu có những trang bậy bạ như vậy thì cũng hiếm người biết đến.
2. Ở Việt Nam, phản ứng lại sự độc quyền báo chí của đảng anh, các trang blog cá nhân xuất hiện. Sự xuất hiện này là nỗ lực tự thân của người dân nhằm cải thiện quyền tự do ngôn luận đang bị hạn chế.
Anh Tư ơi, nỗ lực đó bị chính quyền của anh cản trở bằng nhiều cách như: bắt bớ, hành hung, theo dõi, đánh sập, chặn tường lửa và đặc biệt dùng lực lượng 900 dư luận viên để chống lại như công bố của ông Hồ Quang Lợi. Không biết các dư luận viên được nhà nước trả lương nầy làm những việc gì trên mạng nhưng sự xuất hiện của họ ngẫu nhiên trùng hợp với sự xuất hiện của nhiều trang blog nặc danh bậy bạ và bẩn thỉu. Chúng thường giả danh là yêu nước, là chống cộng, là dân chủ, là hải ngoại… để viết những bài bịa đặt bôi nhọ những trí thức, nhân sĩ và những blogger tiến bộ.
Và bây giờ đám âm binh đó lại chỉa mũi dùi vào chính các vị lãnh đạo của đảng cũng như vào chính anh đấy anh Tư ạ. He he, chơi âm binh có ngày bị mặc áo giấy là vậy.
Chắc anh và các đồng chí của anh cũng đã ghé mắt nhìn vào làng báo lề dân đứng đắn rồi chứ. Làng báo ấy được xây dựng lên bởi ai nếu không nói là những người được xã hội quý trọng. Đó là những đảng viên cấp tiến, những trí thức tài năng, những nhà văn, nhà báo tiến bộ, những công dân chân chính… Những bài báo của những người ấy viết, những trang blog của những người ấy lập ra là hoàn toàn đứng đắn, có tính phản biện cao, đóng góp tích cực cho công cuộc bảo vệ và đổi mới của đất nước. Tôi có thể kể ra đây một số người mà tôi nhớ như Hà Sĩ Phu, Tô Hải, Hoàng Tụy, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, Tương Lai, Hoàng Lại Giang, Phạm Đình Trọng, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Trung, Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Trung, Lê Hiếu Đằng, Hạ Đình Nguyên, Hoàng Xuân Phú, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh, Trần Mạnh Hảo, Huy Đức, Võ Văn Tạo, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phạm Chí Dũng, Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Huy Canh, Phạm Hồng Sơn, SV Phạm Lê Vương Các, Nguyễn Văn Thạnh, Oanh Yến thị Phạm, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vi… Và một số trang blog như: Ba Sàm, Bauxite VN, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tường Thụy, Quê Choa, Người Buôn Gió, JB Nguyễn Hữu Vinh, Trương Duy Nhất, Nguyễn Trọng Tạo, Bùi Văn Bồng, Đoan Trang, Thùy Linh, Dòng Chúa Cứu Thế, Anh Vũ, Giang Nam Lãng Tử, Phạm Viết Đào, Nguyễn Thông, Đào Tuấn, Nhật Tuấn, Nguyễn Vạn Phú, Hồ Trung Tú, Bà Đầm Xòe, Tạ Phong Tần, Lê Hiền Đức, Bùi Thị Minh Hằng, Xuân Việt Nam, Hồ Hải, Đông A, Phương Bích, Nguyễn Đức Kiên…
Anh có thể nào tìm ra các bài viết xúc phạm cá nhân lãnh đạo, xâm phạm đời tư công dân và muôn vàn thứ bậy bạ vô trách nhiệm khác của những người đó hay trên các blog đó không? Ngay những bài viết giật gân câu khách bằng các đề tài rẻ tiền như đâm- cướp- hiếp mà báo chí được cho là chính thống của nhà nước vẫn tận tình khai thác cũng không hề có mặt trên những blog lề dân này. Hoàn toàn không.
Dù bị bao vây đánh phá, dù không được chính quyền các anh công nhận, những người cầm bút tự do ấy, những blog lề dân ấy vẫn luôn luôn trách nhiệm về từng bài viết của mình trước lương tâm, trước xã hội và trước pháp luật. Đó là diện mạo thật sự của một nền báo chí tự do, dù là tự do trong hàng rào vây chặt của an ninh, của tường lửa, của giả danh côn đồ, của hacker cùng với hai lưỡi gươm 88 và 79 treo lơ lửng trên đầu.
Một khi hàng rào ấy được dỡ bỏ, nền tự do báo chí thật sự được cởi trói, thì làng báo lề dân sẽ vươn lên. Những thứ âm binh, nặc danh, hạ cấp sẽ không còn chỗ đứng. (Bằng chứng là từ khi xuất hiện những blog đứng đắn kể trên, các trang blog bậy bạ, sex siếc khác vắng hẳn người vào). Lúc đó bản thân anh cũng sẽ bớt khổ anh Tư ơi. Nhưng cho dù các anh không cởi trói thì làng báo lề dân cũng tự mình tìm cách vươn lên vì nó đã có chỗ đứng trong lòng dân, dĩ nhiên là cam go và tốn kém hơn.
3. Những trang blog nặc danh hạ cấp cùng những bài viết bôi bác nhắm vào các cấp lãnh đạo các anh thường xuất hiện rộ lên trước những cuộc họp quan trọng có liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự của đảng anh. Trước hội nghị TW 6 đã rộ lên đến chóng mặt rồi sau đó tắt đi. Bây giờ nghe nói chuẩn bị nhóm họp hội nghị TW 7, những bài viết kiểu ấy lại nổi lên và không hiểu vì sao, lần nầy lại tập trung chĩa vào anh nhiều nhất. Không am hiểu chuyện nội bộ của các anh nên khó giải thích như thế nào. Tuy nhiên qua hiện tượng đó mọi người không thể nào không cùng rút ra một kết luận như đinh đóng cột như dưới đây.
Để tìm ra thủ phạm gây án, các thám tử thường đặt ra câu hỏi: Động cơ gây án là gì? Trong trường hợp trên, động cơ gây án là bôi nhọ, hạ thấp uy tín đối thủ để tranh giành quyền lực. Các nhân sĩ trí thức, các nhà báo tự do, các blogger và người dân lành thì không thể nào cạnh tranh giành giựt quyền lực với anh rồi anh Tư ạ.
Vậy thì ai đứng sau đám âm binh, đứng sau thứ nặc danh hạ cấp hẳn đã rõ rồi anh Tư nhỉ? Và nhân tiện cũng chúc mừng anh vì dư luận cho rằng một khi đối thủ của anh đã hết nước, phải dùng đến biện pháp hạ cấp thì có nghĩa “phe anh” đang thắng thế. He he!!!
Nhưng tại sao lại có chuyện nầy?
Một nền chính trị không minh bạch, thiếu dân chủ, nhân sự lãnh đạo không thực sự do người dân bầu chọn là nguyên nhân của mọi sự tồi tệ.
Và anh đang hứng chịu một phần nhỏ của sự tồi tệ đó.
Còn đất nước và nhân dân này đang hứng chịu tất cả, 38 năm qua. Anh có khổ không anh Tư?
HNC

Không có nhận xét nào: