VRNs (30.04.2013) – Sài Gòn – Mấy ngày nay, Dân cư mạng có nhiều nỗi niềm về những ngày cuối tháng 4. Nhiều người cảm thấy buồn và nuối tiếc khi việt cộng xâm chiếm Miền Nam và khát khao nền Dân chủ ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Họ bày tỏ nỗi niềm của họ trên facebook như sau:
Luật sư Nguyễn Văn Đài: “Một quốc gia đã giành được độc lập và thống nhất, mà nhân dân không được hưởng các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền không được tôn trọng, thì người dân của quốc gia đó đã hy sinh xương máu một cách vô ích để thay thế sự cai trị của giặc ngoại xâm bằng sự cai trị của giặc nội xâm. Mà giặc nội xâm thì lại tham lam và gian ác gấp trăm ngàn lần giặc ngoại xâm.”
………..
Năm 2001 và 2003, tôi có dịp được sang thăm Hàn Quốc và thấy đó là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và quân sự. Ở đó không bao giờ có sự hiện diện và tồn tại của đảng cộng sản. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên dưới sự cai trị độc đoán và tàn bạo của chế độ cộng sản. Mỗi năm có cả trăm ngàn người chết đói mặc dù họ đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Tôi cảm thấy buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Còn cảm xúc thì buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự.”
Đốp Catherine: “Những ngày này, người ta đang tranh cãi nhau nên gọi nó là ngày gì: giải phóng hay quốc hận. Em đã đọc về Sài Gòn trước 75, em đã thấy những hình ảnh của một Sài Gòn phồn thịnh, tự do nên em không thể coi đó là ngày giải phóng. Em đã đọc câu chuyện ngậm ngùi về một người lính miền Bắc mang một hũ mỡ heo vào Nam, định tặng bà con vì nghĩ miền Nam đói khổ, rên xiết, lầm than dưới tay đế quốc. Em sinh sau đẻ muộn, em biết chuyện hàng ngàn người bỏ mạng ngoài biển khơi, em hiểu nỗi đau của những người còn sống sót và đến được bến bờ tự do nhưng em không muốn mang chữ hận thù bên cạnh mình. Em sẽ gọi nó là ngày tang thương, dù thực ra, cuộc tang thương của đất nước mình bắt đầu trước đó cả ba mươi năm…”
Ba sàm: “Không thể gọi đây là cuộc chiến “Chống ngoại xâm”, “Giải phóng miền Nam” hay chiến tranh “Chống Mỹ cứu nước”… bởi vì trước khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, đã xảy ra chiến tranh ở 2 miền Nam – Bắc và sau khi Mỹ rút quân thì Nam – Bắc vẫn tiếp tục đánh nhau (vả lại, khi Mỹ đưa quân vào miền Nam thì ở miền Bắc cũng đã có sự hiện diện của quân Liên Xô và Trung Quốc).
Vậy thì, chúng ta nên gọi tên gì cho cuộc chiến này cho đúng nghĩa của nó? Nội chiến? Chiến tranh ý thức hệ? Huynh đệ tương tàn?”
Hoàng Sa: “Đất nước lầm than, khốn khổ suốt chiều dài lịch sử cận đại của VN. Nếu bỏ qua những sai lầm nghiêm trọng của đảng CS thì câu hỏi đặt ra là: THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC có phải là CÔNG LAO LỚN NHẤT của đảng CS hay không? Thật bất hạnh cho chúng ta, khi đất nước đã được “thống nhất” như thế để hôm nay vẫn phải mang ơn!”
Lâm Mạnh Di: “Đối với tôi, tháng tư là tháng tư đen của dân tộc, mà ngay chính nhiều người miền Bắc cũng đã cảm nhận như vậy. Vậy ngày tang là ngày của màu đen, avatar của tôi là bức hình Tiếc Thương, ngày 30.04 nào, tôi vẫn đeo tấm hình này. Riêng về cờ máu, chưa cần bàn về lịch sử của nó, chỉ cần nhìn cái màu đỏ chóe là đã thấy nhức mắt, mất cảm tình. Tuy vậy, 90 triệu người VN có cơ hội chọn màu cờ trong tự do và dân chủ, nếu họ chọn cờ máu là màu cờ Tổ Quốc, thì tôi cũng đành phải chấp nhận. Nhưng tôi tin dân tộc tôi không u mê như vậy.”
Nỗi buồn của Facebooker Chiêu Anh Nguyễn được diễn tả qua một bài thơ “Chút gì cho tháng 4” do chị sáng tác, xin được trích lại một đoạn như sau:
“biển mùa này phản ánh hoàng hôn
đen thẫm vết dầu loang của bao nhiêu mùa cũ
cả triệu linh hồn
quây quần bên tháng tư ngơ ngác
trả cho ai món nợ rửa không trôi
biển có mặn đến ngàn đời vẫn tanh mùi tử khí”
Mẹ Nấm Gấu: “…Trong nhật ký viết cho Nấm và Gấu, tôi đã kể cho con mình nghe về cuộc sống của những đứa trẻ lớn lên ở hai thế giới Đỏ và Vàng.
Những đứa trẻ ở thế giới Vàng tội nghiệp vì phải mang vác khát khao tiếc nuối của ông cha để lại bao nhiêu thì những đứa trẻ ở thế giới Đỏ lại đáng thương bấy nhiêu, bởi chúng thiếu cơ hội để tiếp xúc với sự thật, tiếp xúc với một thế giới tươi mới đầy màu sắc khác bởi sự hèn nhát, cố chấp và độc tài của người lớn.
Rất nhiều năm đã qua đi, tôi muốn dạy các con mình biết rằng, thế giới không chỉ có hai màu vàng và đỏ, thế giới là một tập hợp đa sắc màu khác nhau, và việc của các con – những đứa trẻ tương lai – là có đủ tự do, đủ thông minh, đủ tỉnh táo để nhìn nhận bản chất của thế giới này.
Tôi muốn những đứa trẻ của mình lớn lên và hiểu rằng, dân tộc này đã từng có những tháng Tư đau buồn để rồi chúng có thể lựa chọn và không ngừng thương yêu nhau vì những tháng Tư tươi đẹp sắp đến.”
HT, VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét