Pages

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Để tiến tới một chế độ tốt đẹp



Chu Chi Nam (Danlambao) – Hiện nay ở Việt Nam đang bàn tán xôn xao về việc sửa đổi hiến pháp. Công nhận đây là một yếu tố quan trọng, nhưng không phải là quyết định tất cả, vì hiến pháp chỉ là một phần trong một chế độ. Một hiến pháp tốt đẹp, mà những yếu tố khác như quan niệm đạo đức, triết lý chính trị, vai trò lãnh đạo của giới cầm quyền và giai tầng sĩ phu trí thức không tốt, thì hiến pháp cũng chỉ là mớ giấy lộn, không thể nào tạo nên được một chế độ tốt đẹp, có hiệu quả để phục vụ dân. 
Vậy chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ để xem thế nào là một chế độ tốt đẹp, cùng đồng thời định rõ vai trò của một hiến pháp.
Thế nào là một chế độ tốt đẹp 
Mạnh Tử có nói: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Bên trời tây, ông Abraham Lincoln cũng nói một chế độ tốt đẹp là một chế độ: “Vì dân, do dân và bởi dân”.
Ngày hôm nay, không ai chối cãi rằng một trong những chế độ tốt đẹp nhất của thế giới là chế độ Hoa Kỳ. Chính nhờ chế độ này mà tất cả các sắc dân trên thế giới từ da đen, đa đỏ, da vàng đến da trắng có thể chung sống hòa bình và hơn thế nữa có thể phát triên để thực hiện giấc mơ của mình. Người ta thường nghĩ rằng được như vậy là nhờ Hoa kỳ có một bản hiến pháp tốt. Điều này không phải là sai. Nhưng không hoàn toàn như thế.
Chế độ Hoa Kỳ được như vậy là nhờ ở chỗ:
1) Hoa kỳ được dựa trên một nền tảng triết lý, đạo đức tốt, mang đến từ những người của chiếc thuyền Mayflower 
Mayflower là tên một con tàu đi từ Southampton (Anh quốc), qua châu Mỹ, vùng đất mới. Trên con tàu này có 102 “Thuyền nhân”, phần lớn là những người theo đạo “Puritains”, một trường phái đạo, theo tư tưởng Calvin, theo đạo Tin lành (Protestantisme), đường hướng Anh-Đức (Anglo – Saxon), xuất hiện ở nước Anh vào thời của nữ hoàng Elisabeth I, khoảng năm 1560. Những người này được gọi là “Presbytériens”, mà cách tổ chức, lãnh đạo, hướng dẫn, từ cấp nhỏ, ở mức độ nhà thờ, cho tới cấp lớn, quốc gia, quốc tế, đều được bầu cử qua một hội đồng của những giám mục và những người theo đạo.
Nhánh đạo này đã được truyền vào nước Anh, nhất là vùng Ecosse, bởi John Knox, năm 1560, và đã trở thành quốc giáo năm 1688, nhưng lại bị từ chối bởi Nhà Thờ Anh quốc giáo (Eglise Anglicane).
Những người “Puritains”, trên con thuyền Mayflower, đã truyền đạo của mình qua Hoa Kỳ.
Sau một cuộc hành trình đầy gian lao và cực khổ, có người đã chết vì thiếu ăn, thiếu uống, vì bệnh tật, những người còn lại, đại diện bởi 41 trưởng gia đình, đã cùng thề ước với nhau qua một khế ước, được gọi là Khế Ước Mayflower (Mayflower Compact), theo đó họ nhất quyết xây dựng lên một xã hội, một chế độ tốt đẹp, tự do, dân chủ, mà theo đó:
- Mọi người đều có quyền tự do tôn giáo, muốn theo đạo nào thì theo, tùy sở thích của họ.
- Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.
- Chính quyền là do mọi người bầu ra, với mục đích duy nhất là để phục vụ con người và cộng đồng. Nếu chính quyền đi ngược lại mục đích này, thì người dân có quyền hủy bỏ chính quyền và thiết lập ra một chính quyền khác.
- Một điều rất quan trọng đã ảnh hưởng về sau này tới giới lãnh đạo và dân tộc Hoa kỳ, đó là những người “Puritains” sống một cuộc đời rất đạo đức, khắc khổ. Chữ “Puritanisme” dịch tiếng Việt Nam ta thành ra là Thanh giáo, chủ nghĩa khắc khổ, khó khăn, nghiêm khắc với chính mình, nhưng độ lượng và thương người. Dân Hoa Kỳ một dân tộc thương người khác và là một dân tộc theo đạo và đi nhà thờ rất đông: gần 30% theo đạo Thiên chúa giáo (Catholicisme), gần 60% theo đạo Tin lành (Protestantisme).
Những người, những tổ chức thiện nguyện ở Hoa kỳ giúp đỡ người nghèo, người bệnh tật trên thế giới rất đông. Một thí dụ cụ thể, đó là ông Bill Gates, giầu nhất nhì thế giới và tiền bạc ông bỏ ra giúp đỡ người khác cũng đứng đầu thế giới.
Đây cũng là tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc lập Hoa Kỳ năm 1776, và cũng là ý nghĩa câu nói của Abraham Lincoln: “Chính quyền vì dân, do dân và bởi dân.”
Bởi lẽ đó, có người nói rằng, nền tảng đạo đức, triết học, chính trị để tạo ra chính thể hiện nay của Hoa Kỳ là tinh thần Mayflower. Điều này không sai. Và cũng chính vì thế, hàng năm dân tộc Hoa Kỳ làm lễ “Thanks Giving day”, ngày lễ Tạ Ơn, để tưởng nhớ đến cuộc hành trình đi tìm dân chủ, tự do, nhớ đến “Mayflower Compact”, của 102 người “Thuyền nhân” là như vậy.
2) Hoa kỳ có một hiến pháp tốt 
Người ta có thể nói hiến pháp Hoa kỳ là hiến pháp thành văn, đầy đủ nhất của nhân loại. Có người bảo rằng có những hiến pháp lâu đời như những giao ước giữa những chiến quốc thời Xuân thu – Chiến quốc bên tàu ( 722 – 256 trước tây lịch), hay những giao ước, hiệp ước quân sự giữa những Pharaons với dân hay với những nước chung quanh, hoặc hiến pháp của thái tử Shotoku vào thế kỷ thứ 6 bên Nhật. Tuy nhiên những giao ước, hiệp ước hay hiến pháp này còn quá thô sơ và chỉ nói nhiều đến quyền lợi của người cầm quyền, ít nói hay không nói đến bổn phận của người cầm quyền và nhất là quyền lợi của dân. Người ta cũng có thể nói đến hiến pháp của Anh, nhưng đây là hiến pháp bất thành văn, đất nước và chính quyền theo truyền thống, tập tục mà hành xử dân chủ, vua từ từ mất quyền và trở thành một biểu tượng, quyền hành thực sự là ở một quốc hội do dân bầu ra qua bầu cử dân chủ thực sự chứ không phải lừa bịp, giả dối.
Trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ có thể nói lược qua một vài đặc tính của Hiến pháp Hoa Kỳ. Và khi người ta nói đến bản Hiến pháp, thì người ta nhắc luôn đến bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ.
Đó là một bản hiến pháp thành văn, nhắc tới quyền của công dân, đến bổn phận của chính quyền, có sự phân quyền rõ rệt, có sự quân bằng quyền lực (counter balances), được dựa trên một nền tảng triết lý đạo đức rõ rệt.
Về quyền của công dân và bổn phận của chính quyền, theo bản Tuyên Ngôn Độc Lập, thì:
“Chúng tôi cho rằng có những chân lý hiển nhiên như sau: Mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Đấng Tạo hóa trao cho những quyền bất khả nhượng, trong những quyền này, có quyền sinh sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Những chính quyền được thiết lập lên bởi con người là để bảo vệ những quyền này. Một khi một hình thức chính quyền nào đó trở nên nguy hại cho mục đích trên, người dân có quyền thay đổi hay phế bỏ nó và tạo lên một chính quyền mới, bằng cách dựa trên những nguyên tắc và tổ chức nó như thế nào để nó có thể cống hiến cho người dân an ninh và hạnh phúc.” 
Nói đến phân quyền, thì ai cũng phải công nhận rằng Hiến pháp Hoa Kỳ có sự phân quyền rõ ràng: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Mỗi quyền có những lãnh vực hoạt động và đặc quyền riêng, không có quyền nào lấn áp quyền nào.
Nhưng một đặc điểm rất quan trọng của Hiến pháp Hoa Kỳ là sự quân bằng và sự kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền, mà nếu chúng ta đếm, chúng ta thấy vào khoảng 50 điểm nhằm mục đích quân bằng quyền lực. Tôi xin kể sơ một vài đặc điểm mà chúng ta thường thấy: như sự quân bằng giữa quyền trung ương và quyền địa phương, được đại diện bởi những thống đốc và những chính quyền cùng quốc hội tiểu bang. Chúng ta thấy, ngay trong lãnh vực luật pháp đơn giản là quyền kết hôn hay ly dỵ, mỗi tiểu bang có một luật lệ riêng, mà chính quyền trung ương cũng như chính quyền địa phương khác không thể can thiệp.
Một thí dụ khác về sự quân bằng và kiểm soát quyền lực lẫn nhau, đó là chẳng hạn trong lãnh vực ngoại giao và quốc phòng. Đồng ý là Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng có nhiều quyền hạn trong lãnh vực này. Tuy nhiên ngân sách nói chung và ngân sách quốc phòng và ngoại giao nói riêng là do quyền lập pháp quyết định.
Nhưng người ta hỏi tại sao có các đặc điểm này. Như chúng ta đã rõ những người soạn thảo ra bản Tuyên Bgôn Độc Lập và Bản Hiến pháp đều bị ảnh hưởng sâu đậm bởi 2 nền văn hóa quan trọng Âu châu lúc bấy giờ: Văn hóa Anglo – Saxon (Anh Đức) và Văn hóa Pháp.
Đứng tên dưới Bản Tuyên Ngôn Độc Lập người ta thấy có 57 người, dưới bản Hiến Pháp có Đại diện các Tiểu bang chính lúc bấy giờ, 12 tiểu bang. Nhưng người ta có thể nói phần lớn những người này đều bị ảnh hưởng bới 2 luồng văn hóa tư tưởng như vừa nói, mà đại diện cho văn hóa Pháp là Thomas Jefferson; đại diện cho văn hóa Anglo – Saxon là Benjamin Franklin và Alexander Hamilton.
Chúng hãy cùng nhau xem xét kỹ vấn đề:
Để nói về văn hóa Pháp và Anh – Đức thì rất dài, phải nói đến nhiều nhân vật, nhiều tác giả, trong khuôn khổ bài này, và vì liên quan đến những tư tưởng tự do, dân chủ, tôi chỉ xin nêu ra một vài nhân vật tiêu biểu, trước cuộc Cách mạng Hoa kỳ 1776 không lâu. Những nhân vật tiêu biểu đại diện cho văn hóa Pháp thời đó, chúng ta phải kể đến J.J Rousseau (1712 – 1778), với quyển sách  “Khế ước dân xã” ( Le Contrat social); người thứ hai là Montesquieu (1689 – 1755).
Thomas Jefferson, tác giả chính của bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ là người bị ảnh hưởng sâu đậm bởi văn hóa Pháp, nhất là bởi 2 người trên.
Theo Rousseau, trong quyển Khế ước dân xã, thì con người lúc mới sinh ra rất là tự do, tự tại, nhưng vì để chống với thiên nhiên, để chống lại loài thú dữ, con người đã kết đoàn lại, tổ chức thành nhân xã, hy sinh một phần tự do của mình, bầu lên người đại diện để lo về vấn đề an ninh và hạnh phúc cho con người. Nhưng đây chỉ là khế ước giữa người dân và người đại diện, nếu người đại diện không làm đủ bổn phận của mình là lo đủ về an ninh và hạnh phúc, thì người dân có thể hủy bỏ khế ước, lập lên một người đại diện khác. Đây cũng là lời mở đầu của bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ mà tôi vừa mới trích dẫn ở trên.
Ngoài ra quan niệm tất cả mọi quyền hành đều ở trong tay một người, một tổ chức, họ vừa làm ra luật pháp, vừa xử án và vừa thi hành án, thì chắc chắn là đi đến độc tài, độc tài cá nhân hay độc tài tổ chức, đảng đoàn. Chính vì vậy mà cần phải có quan niệm tam quyền phân lập, tư tưởng của Montesquieu trong quyển “Esprit des Lois” (Tinh thần luật pháp). Tinh thần này đã được đặc biệt tôn trọng bởi những người soạn thảo ra bản Hiến pháp Hoa Kỳ.
Ngoài ra còn có ảnh hưởng văn hóa Anh – Đức (Anglo – Saxon). Ở đây tôi cũng chỉ nêu 2 tác giả chính là Shakespeare (1564 – 1616) và Goeth (1749 – 1832).
Shakespeare, nhà viết kịch người Anh, mà đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802 – 1885), đã thốt lên “Le divin Shakespeare” (Thiên thần Shakespeare). Tác phẩm của ông đủ loại, vô cùng phong phú, từ thế thái nhân tình, tình yêu qua vở kịch Roméo và Juliette, tới lịch sử qua những triều đại, với những vở như César et Cléopatre, Antoine et César v.v… Nhưng đặc biệt là ông chống lại những chế độ và những bạo chúa độc tài, mà theo tôi nghĩ một trong những vở kịch tiêu biểu là Macbeth:
Vở tuồng này được trình diễn vào năm 1606. Do vợ xúi dục, Macbeth đã ám sát Duncan, vua Ecosse và là chủ của ông, rồi ông trở thành vua. Nhưng vì tính nghi kỵ, độc tài, do vợ xúi dục thêm, ông giết hại từ người xa, đến kẻ gần, trong đó có một người gần nhất, thân thiết nhất tên Banquo, bạn của ông. Từ đó ông bị mọi người xa lánh, trở nên cô độc, rồi điên loạn. Trong một bữa tiệc, ông thấy xuất hiện bóng ma của Banquo. Trong một đêm mộng du, ông thấy xuất hiện vợ ông, bà đã hối hận vì những việc làm của mình, vì bàn tay nhúng máu, sau đó bà tự vẫn chết. Còn ông, sau đó, bị quân của Malcolm, con của vua Duncan cũ, vây chặt trong thành. Sau cùng ông điên loạn, một mình chạy ra khỏi thành, lao vào đám đông, rồi bị giết chết.
Đây là một vở kịch rất nổi tiếng của Shakespeare, nói lên lòng tham vọng, quyền lực, sự hối hận và cái chết, nổi tiếng cả Âu lẫn Á, được nhà thi sĩ kiêm phổ nhạc Đức Richard Strauss (1864 – 1949) làm thành thơ và phổ nhạc sau này; cũng như được nhà đạo diễn Nhật Akira Kurosawa (1910 – 1998) làm thành phim, với tên đề “Le Château de l’Araignée” (Lâu đài của con Nhện).
Những người làm ra bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến pháp Hoa Kỳ bị ảnh hưởng sâu đậm bởi văn hóa Anh, mà tiêu biểu là Shakespeare, chống độc tài, chống chuyên chế cá nhân. Chính vì thế mà trong một buổi họp soạn thảo Hiến pháp, một đại diện tiểu bang, đã tuyên bố: “Bản chất con người là tham lam, tham vọng, tham quyền, tham tiền. Nếu không có gì ngăn cản thì nó sẽ trở nên độc tài, ác ôn, ma quái. Tôi chấp nhận bất cứ một bản hiến pháp nào, với điều kiện có những giới hạn về quyền hành“. Đây cũng chính là tinh thần của 50 nguyên tắc quân bình quyền hành mà chúng ta tìm thấy trong hiến pháp Hoa Kỳ mà tôi đã nói ở trên.
Ngoài ra bản Tuyên ngôn và bản Hiến Pháp còn mang tính cách lãng mạn, nhân bản, đi tìm, đi xây dựng một thế giới mới, tự do, dân chủ, công bằng hơn. Đó là tinh thần Saxon, mà tiêu biểu bởi nhà văn hào lãng mạn, nhân bản, độ lượng, yêu người, yêu vật, yêu thiên nhiên, Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832), mà Napoléon đã gặp và nhận định về ông: “Đó là một con người” (Voilà un homme). Goethe, mà tư cách, sự suy nghĩ, việc làm đã ảnh hưởng sâu đậm đời sống văn hóa, văn chương Đức.
Một đặc điểm nữa của hiến pháp Hoa Kỳ là có rất nhiều cuộc bầu cử, tỏ rõ tinh thần dân chủ. Người ta thường chỉ biết tới bầu cử tổng thống, nghị sĩ và thượng nghị sĩ. Nhưng ở Hoa kỳ, ngay cả một ông cảnh sát trưởng, một người lo về vấn đề giáo dục, hay ông thẩm phán một vùng cũng được bầu.
Quả thật những người viết, làm ra bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến pháp, cũng như giới trí thức và lãnh đạo, lúc đầu thời lập quốc Hoa Kỳ, phần lớn đều bị ảnh hưởng bởi những tinh hoa của văn hóa Pháp và Anglo – Saxon. Họ không những hiểu thấu triệt, nắm vững và biến ra thành hành động để áp dụng, chứ không có nghĩa là hiểu như con vẹt, chỉ biết nhắc lại, không hiểu ý nghĩa, chẳng muốn áp dụng hay không thèm áp dụng hoặc áp dụng ngược lại.
3) Hoa kỳ có một số người lập quốc và lãnh đạo giỏi như Washington, Jefferson, Lincoln v.v…
Chế độ Hoa Kỳ tốt đẹp là nhờ ở giai tầng lãnh đạo tốt, khá, ngay từ lúc đầu. Không cần phải quá đi vào chi tiết trong khuôn khổ nhỏ hẹp của bài này, chúng ta chỉ lấy thí dụ người tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ Georges Washington, và những người tiếp đó, không tham quyền cố vị. Đây đã là một điểm quan trọng của một chế độ tốt, vì ngay dù có một Hiến pháp tốt, mà giới lãnh đạo tham quyền cố vị, chỉ nghĩ đến bản thân hay gia đình, không thèm áp dụng, không nghĩ đến tu bổ, thì cũng chỉ là vô giá trị.
Thật vậy, nếu chúng ta đọc kỹ Hiến pháp Hoa Kỳ, thì không có một đạo luật nào cấm người tổng thống ra tái ứng cử lần thứ ba. Nhưng bắt đầu từ Washington, ông chỉ ra tái ứng cử lần thứ nhì, rồi thôi, và từ đó gần như tất cả những vị tổng thống kế tiếp cũng chỉ ra tranh cử hai lần, ngoại trừ ông Franklin Roosevelt, ra tranh cử 4 lần, lần thứ tư vào năm 1944, vừa mới thắng cử xong thì ông chết. Phải đợi mãi đến năm 1967, dưới thời tổng thống Johnson, mới có tu chỉnh Hiến pháp, mang số XXII, theo đó “Nul ne pourra être élu à la présidence plus de deux fois…” (Không ai có thể ra tranh cử tổng thống hơn 2 lần…)
Đây là một điểm rất quan trọng cho tinh thần dân chủ của một chế độ, ngược lại những chế độ độc tài, giới lãnh đạo cố bám víu vào quyền hành cho đến chết, vì bệnh hoạn hay vì bị lật đổ như chúng ta thấy qua những chế độ độc tài hiện tại, hơn thế nữa còn có tính cách cha truyền con nối như ở Bắc Hàn, Cuba, hay qua cảnh “Gia Tộc”, như ở Trung cộng và Việt Nam.
4) Nhờ Hoa kỳ có một nền giáo dục tốt ngay từ lúc đầu
Chế độ Hoa Kỳ tốt đẹp là ngay từ lúc đầu lập quốc, đã có một nền giáo dục khá, mà người chính tạo lên nền giáo dục đó, không ai hơn là tác giả của bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Thomas Jefferson.
Thật vậy, như trên đã nói, ông là người bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa Pháp thời trước Cách mạng Pháp. Ông là bạn thân với rất nhiều người trong nhóm soạn ra quyển tự điển Bách Khoa như Voltaire, Diderot, d’Alembert và đặc biệt với Marquis de Condorcet (1743 – 1794).
Condorcet, quí tộc, hầu tước, nhưng theo cách mạng Pháp 1789, tuy nhiên bị ruồng bỏ sau đó. Ông là triết gia, nhà toán học lúc 25 tuổi, được bầu vào Hàn Lâm viện Khoa học Pháp vào tuổi này và trở nên Thư ký vĩnh viễn. Ông chống luật tử hình, chống chế độ nô lệ và tranh đấu cho quyền bình đẳng của con người. Nhưng ông cho rằng: “Bình đẳng không phải là cào bằng từ trên xuống dưới“ như quan niệm của Marx và những người cộng sản, mà là xây dựng từ dưới lên trên, dựa vào khoa học, giáo dục và giới trẻ. Trong thời gian đầu của Cách mạng Pháp, là nghị sĩ, ông đã đề nghị một đạo luật về giáo dục, theo đó, một nền giáo dục tốt phải là một nền giáo dục hướng thượng, nhân bản, toàn cầu và đại chúng, tất cả mọi trẻ em, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, đến tuổi đi học, đều được đi học, ít nhất đến bậc phổ thông. Nhà nước có bổn phận thi hành luật lệ này. Chính vì vậy mà ông được coi như là cha đẻ của nền giáo dục hiện đại.
Người áp dụng luật lệ này cho Hoa Kỳ chính là bạn của ông, ông Thomas Jefferson và cũng là người đã vẽ kiến trúc và lập ra Đại học Virginie. (1)
Ngày hôm nay, nền giáo dục Hoa Kỳ đã bắt đầu xuống dốc, nhất là ở bực tiểu học và trung học, nhưng Hoa Kỳ vẫn đứng đầu trên bực đại học, vẫn là nơi qui tụ nhiều nhân tài và bác học nhất.
5) Hoa kỳ có một giai tầng sĩ phu, trí thức tốt
Từ một nền tảng triết lý, đạo đức tốt đẹp, đến từ tinh hoa của Âu châu, dựa trên những nguyên lý đạo đức nhân bản, toàn cầu, cổ truyền, đúng với cả Đông và Tây, nhờ một Hiến pháp tốt, một giai tầng lãnh đạo tốt và một nền giáo dục tốt, tất nhiên nẩy sinh ra một giai tầng trí thức tốt.
Để nói về lịch sử giai tầng trí thức và những nhân vật trí thức Hoa Kỳ thì rất dài dòng, ở đây, chỉ xin phép nói đến trí thức hiện đại, nhất là từ thời gian sắp chấm dứt Chiến tranh Lạnh cho tới ngày hôm nay; và tôi chỉ xin mạo muội, có thể là chủ quan, kể một vài người.
Từ gần sau Chiến tranh Lạnh đến giờ, có 4 tên tuổi ảnh hưởng mạnh đến thời cuộc là: Paul Kennedy với quyển sách The Rise and Fall of the great Powers, ông Francis Fukuyama, với quyển sách The End of History and The Last Man, ông Samuel Hungtington, với quyển The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order, và ông Gene Sharp, với quyển From Dictatorship to Democracy.
Chúng ta cùng nhau đi sâu vào 4 tác giả với 4 quyển sách này:
Paul Kennedy với quyển Sự Hình thành và Kết thúc của những Đế quốc, với tiểu đề “Economic Change and Military Conflict from 1500 to 2000” (Sự thay đổi kinh tế và tranh chấp quân sự từ năm 1500 đến năm 2000).
Cái nhìn của Paul Kennedy cũng là cái nhìn của Karl Marx. Theo Marx thì hạ tầng cơ sở kinh tế bao gồm sức sản xuất (Forces productives) và tương quan sản xuất (Rapports de production) quyết định thượng tầng, bao gồm hình thái tổ chức xã hội hay thể chế chính trị, văn hóa, triết lý và tôn giáo. Paul Kennedy đã thay thế hạ tầng cơ sở kinh tế bằng tổng sản lượng kinh tế quốc gia và thượng tầng là hình thức đế quốc. Theo ông, thì có một sự liên hệ, chữ ông dùng là “Corrélation”, giữ sự tăng trưởng tổng sản lượng quốc gia và sự hình thành hay sụp đổ của những đế quốc mà ông đã bỏ công nghiên cứu từ thế kỷ thứ 16 đến hết thế kỷ 20, theo đó, nhất là đối với những quốc gia lớn, nếu tổng sản lượng quốc gia tăng đều trong một thời kỳ, thì sẽ xuất hiện “đế quốc”; có nghĩa là quốc gia đó sẽ có ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và quân sự trên trường quốc tế. Ông ví tổng sản lượng quốc gia như nền móng, trên đó được xây dựng lên hình thái đế quốc, tức sự tiêu xài về chính trị, quân sự. Nếu sự tiêu xài này quá lớn và tăng quá nhanh, khiến sự tăng trưởng kinh tế theo không kịp, thì sẽ đè nặng lên hạ tầng, đưa đến sự sụp đổ của đế quốc, điển hình và rõ nhất là sự sụp đổ của đế quốc Pháp thời Napoléon (1804 – 1815).
Quyển sách này được nhà xuất bản Random House phát hành vào năm 1988 và đã trở thành quyển sách bán chạy nhất thế giới vào lúc bấy giờ và người ta có thể nói là nó đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến 2 đại cường quốc lúc bấy giờ là Hoa Kỳ và Liên sô.
Thực vậy, ngoài việc phân tích sự hình thành và sự sụp đổ của những đế quốc trên thế giới dựa trên tổng sản lượng kinh tế quốc gia, ông còn mang theo một thông điệp là cảnh cáo 2 chính quyền của 2 đại cường quốc Hoa Kỳ và Liên sô là nếu cứ tiếp tục chạy đua vũ trang, thì đế quốc sẽ sụp đổ.
Chính vì lẽ đó, mà người ta thấy chính quyền Hoa Kỳ của Reagan, nhiệm kỳ đầu (1980 – 84) chủ trương chạy đua vũ trang với cả chương trình Chiến tranh các vì sao (Starwar); nhưng vào nhiệm kỳ nhì (1984 – 88), thì chủ trương hoàn toàn trái ngược lại là tài giảm binh bị.
Chính quyền Liên sô của Gorbatchev cũng vậy. Tuy nhiên có người đưa ra giả thuyết rằng đây là một trong những lý do chính đưa đến sự sụp đổ của Liên sô. Họ ví nước này như một anh lực sĩ yếu, cố thi đua chạy với Hoa Kỳ, đến khi ngừng chạy, thì kiệt sức, rồi chết.
Không ai chối cãi rằng quyển sách này có một ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, cho tới cả ngày hôm nay, như một số nhà bình luận cho rằng với sự tăng trưởng kinh tế của Trung cộng, thì nước này sẽ “dẫn đầu thế giới” trong tương lai.
Thực ra thì sự tăng trưởng kinh tế chỉ là một trong nhiều yếu tố để tạo thành hay đưa đến sự thành hình của một đế quốc. Đó là điều kiện tất yếu, nhưng chưa đủ để quyết định.
Tôi xin lấy ngay những con số của quyển sách để chứng minh, như vào năm 1830, tổng sản lượng của Tàu là 29,8% so với tổng sản lượng thế giới (gần 1/3), (Paul Kennedy – The Rise and Fall of the Great Powers– trang 190 – nhà xuất bản Random House – 1988), thế mà đế quốc Tàu (nhà Thanh) đang trên đà sụp đổ. Chỉ 10 năm sau thì Liệt Cường xâu xé nước Tàu, trước đó đã chèn ép ở những vùng duyên hải như Quảng Đông.
Ngày hôm nay chỉ dựa vào sự tăng trưởng sản lượng kinh tế để tiên đoán sự trổi dậy của Tàu thì cũng chưa đủ, còn cần những yếu tố khác.
Francis Fukuyama với quyển Kết thúc Lịch sử và Con Người cuối cùng. 
Đây cũng là một quyển sách nổi tiếng, có người cho rằng nó đã là nguyên nhân sâu xa của đường lối ngoại giao của tổng thống G. Bush (con) trong nhiệm kỳ đầu qua nhóm Tân bảo thủ, mà những người dẫn đầu là phó tổng thống Dick Cheney, bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld và thứ trưởng quốc phòng Paul Wolfowitz. Qua chiến lược của Paul Wolfowitz, Tiên hạ thủ vi cường, vì tự do dân chủ, vì mô hình tố chức nhân xã dân chủ tự do và kinh tế thị trường, nhất là vì việc chống khủng bố, Hoa Kỳ cần phải hành động mạnh mẽ, mau chóng, ngay dù có phải hành động một mình. Đây là một trong những nguyên nhân chính đưa đến việc Hoa Kỳ tấn công A Phú Hãn và Irak.
Quyển sách này là tóm lược lại những bài báo mà Fukuyama đã viết vào năm 1989, lúc mà Liên sô đang trên đà sụp đổ.
Theo ông, kết thúc lịch sử đây có nghĩa là kết thúc tiến trình của những mô hình tổ chức nhân xã từ bộ lạc, gia tộc, quân chủ, độc tài hữu cũng như tả, để tiến tới mô hình cuối cùng (kết thúc) là mô hình dân chủ, tự do và kinh tế thị trường. Con người cuối cùng đây là con người sống trong mô hình tố chức nhân xã cuối cùng này.
Ông đã chứng minh với sự hiểu biết uyên thâm, với những trích dẫn lịch sử rằng 2 sức mạnh đã đưa đến sự sụp đổ tất yếu của của những chế độ độc tài tả cũng như hữu. Đó là sức mạnh của khoa học, càng ngày càng đi sâu vào hang cùng ngỏ hẻm, qua hệ thống thông tin, truyền thông, internet, phá vỡ tất cả những màn đêm, mà những chế độ độc tài giăng ra để lừa gạt dân. Sức mạnh thứ nhì thiên về tâm lý lịch sử, ông đã lấy tư tưởng của Platon và Hégel, đó là quyền “được người khác tôn trọng” (L’estime de soi), mà Platon gọi là Thymos. Tâm lý này gần như bẩm sinh ở con người. Ông viết: “Nơi con người, điều này giống như một giác quan bẩm sinh về công lý ai cũng nghĩ rằng mình có một giá trị nào đó và nếu người khác coi thường họ thì họ bất mãn…; một khi, người khác đánh giá đúng giá trị của họ, thì họ hãnh diện… Theo Hégel, đó là những động lực của toàn tiến trình lịch sử” (Fukuyama – Bản dịch tiếng Pháp: La Fin de l’Histoire et le dernier Homme – trang 17 – nhà xuất bản Flammarion – 1992).
Thật vậy, nhìn vào lịch sử cận đại, của thế kỷ 20, có những điều đáng buồn đó là con người đã dùng kết quả của khoa học để chế ra những vũ khí giết người hàng loạt, làm hại đến môi sinh, môi trường; nhưng chính cũng nhờ khoa học, mà đời sống con người được cải thiện trên mọi phương diện, từ vật chất đến tinh thần. Thêm vào đó, con người sống dưới chế độ độc tài, vì bị ngăn cấm đủ mọi phương diện, nhưng niềm ước vọng thầm kín và duy nhất của nó vẫn là được sống dưới một chế độ tự do, dân chủ. Dù bị cấm đoán, nhưng con người vẫn tìm cách liên hệ với nhau, người ở trong nước, rồi với người ở ngoài nước, để có những nguồn thông tin trung thực. Chính những liên hệ này đã trở thành những sợi dây vô hình, đợi có dịp thì sẽ giật đổ những chế độ độc tài, từ chế độ độc tài phát xít, quân phiệt, đến độc tài cộng sản.
Tuy nhiên, nhân danh mô hình tổ chức nhân xã dân chủ tự do và kinh tế thị trường để can thiệp quân sự, tàn bạo vào một nước khác, điều này Fukuyama cũng đã phản đối sau đó.
Samuel P. Hungtington với quyển sách Le Choc des Civilisations (Sự kình chống giữa các văn minh) (Bản dịch tiếng Pháp). Đây cũng là một quyển sách rất nổi tiếng.
Ông Zbigniew Brzenski, cố vấn an ninh của tổng thống Carter, có viết: “Đây là một sự cố gắng về văn hóa, trí thức: một tác phẩm nền tảng, nó cách mạng hóa tất cả những cái nhìn về bang giao quốc tế”. Theo ông Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Hoa kỳ, thì “Đây là quyển sách quan trọng nhất từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.”
Thật vậy, đây là một quyển sách mang đến nhiều bình luận, khen cũng như chê, nhiều nhất trên thế giới.
Theo Huntington, thế kỷ 20 vừa qua là thế kỷ tranh chấp về ý thức hệ, tất cả những tranh chấp khác đều bị làm khô cứng bởi tranh chấp này. Tuy nhiên nay Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, những tranh chấp khác được dịp bùng dậy, mang tính chất đặc thù của văn hóa, văn minh, đặt trên nền tảng tôn giáo. Theo ông có 7 tới 8 nền văn minh trên thế giới dựa trên các tôn giáo khác nhau: Văn minh Tàu, dựa trên Khổng giáo; Văn minh Nhật, dựa trên Thần giáo, Phật giáo và Khổng giáo; Văn minh Ấn độ dựa trên Ấn độ giáo; Văn minh Tây phương gồm có văn minh Âu châu, Văn minh Bắc Mỹ phần lớn dựa trên Thiên chúa Giáo và Tin lành; văn minh Nam Mỹ; Văn minh Xlavô dựa trên Chính thống giáo; Văn minh Hồi dựa trên Hồi giáo và Văn minh Phi châu.
Theo ông thì gần như ông đã lẫn lộn, văn minh, văn hóa và tôn giáo, và cũng theo ông thì những tôn giáo luôn luôn kình chống nhau, vì vậy mới có đề tựa quyển sách, theo tiếng Anh là The Clash of Civilizations and the Remaking of the World Order, theo tiếng Pháp, bản dịch, là le Choc des civilisations. Ở đây tôi dựa trên bản dịch.
Đây là một cái nhìn khá bi quan về lịch sử tương lai, cho rằng thế giới tương lai, sau Chiến tranh Lạnh, là một thế giới bất ổn, vì tranh chấp văn hóa, văn minh và tôn giáo.
Nếu chúng ta nói về vấn đề khủng bố thì có người cho rằng đây là sự bắt đầu của chiến tranh giữa văn minh Hồi giáo và văn minh Tây phương, thì ông Huntington đôi phần có lý. Nhưng chúng ta nhìn dòng dài lịch sử nhân loại, qua con đường Tơ Lụa, nối liền Đông Tây, thì chúng ta thấy ngay trên những hang đá, có những hình vẽ, nói lên sự hợp tác giữa những người theo Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Phật giáo, Khổng giáo; cũng như vào thế kỷ thứ 6, Hoàng tử Nhật, ông Shotoku đã làm việc gộp đạo, gộp 3 tôn giáo Thần, Khổng, và Phật đến từ Tàu.
Không nói đâu xa ngay cả Việt Nam chúng ta cũng có quan niệm Tam giao đồng qui (Phật, Lão và Khổng), rồi sau này dân Việt sẵn sàng chấp nhận Thiên chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài và Hòa hảo.
Đồng ý rằng con người có những dị biệt dựa trên hoàn cảnh địa lý, dựa trên tiến trình phát triển về văn hóa, văn minh, nhưng bản chất của con người, dựa trên những nhu cầu vật chất và tinh thần của nó, thì con người dù là da đen, da đỏ, da vàng hay da trắng, theo tôn giáo nào, ở quốc gia nào chăng nữa, cũng đều giống nhau: Ai đói cũng muốn ăn, ăn miếng ngon đều biết thưởng thức, nghe một bản nhạc hay đều thích thú, ai cũng muốn sống tự do, thoải mái để mưu cầu hạnh phúc, phần lớn ai cũng có niềm tin, tin vào lẽ phải, tin vào điều thiện, tránh điều ác, chỉ có một số ít là làm ngược lại.
Chính vì vậy mà khi làm ra bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, những nhà soạn thảo đã lấy ra 2 câu châm ngôn Đông Tây để làm kim chỉ nam: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác.” 
Ông Huntington chỉ nhìn thấy những điểm khác biệt về tôn giáo, về đặc thù văn hóa, không thấy những điểm giống nhau, điểm đồng qui, rồi đưa ra những tiên đoán bi quan cho tương lai.
Phải chăng đây là một sai lầm lớn?.
Ông Gene Sharp với tập tài liệu Từ Độc tài đến Dân chủ 
Nếu ai theo dõi những cuộc cách mạng dân chủ, mới xẩy ra ở những nước Ả rập, từ Tunisie tới Ai cập, trên báo chí, thì không ngạc nhiên khi có những ký giả loan tin rằng, trong thời gian đấu tranh biểu tình ở thủ đô Tunis hay Le Caire, có những thanh niên đã thắp nến để đọc, nghiên cứu cách đấu tranh trong quyển “From Dictatorship to Democracy”.
Có người cũng không sai khi họ nói, một trong những nguyên nhân chính đưa đến cách mạng dân chủ thành công ở Tunisie và Ai Cập, đó là quyển sách trên.
Đây là quyển sách nói lên làm thế nào để đấu tranh cho tự do, dân chủ, chống lại độc tài, qua phương pháp “ Bất bạo động “.
Ông viết: “Một trong những quan tâm chính của tôi trong nhiều năm trời là làm sao người ta có thể ngăn ngừa và phá đổ các chế độ độc tài. Tôi nuôi dưỡng mơ ước này một phần vì tin rằng không thể để con người bị lấn áp hay hủy hoại bởi những chế độ như vậy…“Tôi đã cố gắng suy nghĩ cẩn thận về những cách mạng hiệu quả cao nhất để làm tan rã chế độ độc tài với tổn thất tối thiểu về sinh mạng và đau khổ. Trong nỗ lực này tôi đã tham khảo kết quả nghiên cứu nhiều năm của tôi về các chế độ độc tài, những phong trào kháng cự, các cuộc cách mạng, những giòng tư tưởng chính trị, các hệ thống chính phủ, và đặc biệt về đấu tranh bất bạo động trong thực tiễn.” (Gene Sharp – Từ Độc tài đến Dân chủ – Lời Mở đầu – Bản dịch và sách do Việt tân chuyển ngữ và ấn hành).
Trong phần Phụ Bản 1, ông có đưa ra 198 phương cách đấu tranh bất bạo động, mà tôi xin lược qua như sau:
1) Diễn văn công khai, 2) Thư phản đối hay ủng hộ, 3) Tuyên ngôn bởi tổ chức hay định chế, 4) Tuyên bố công khai có chữ ký, 5) Tuyên ngôn buộc tội hay bày tỏ dự định, 6) Thỉnh nguyện thư tập thể hay quần chúng, 7) Khẩu hiệu, hý họa và biểu tượng, 8) Biểu ngữ, băng vẽ, và những phương cách diễn đạt phô bày, 9) Truyền đơn, tài liệu ngắn, và sách vở…18) Phô bày cờ và màu biểu tượng, 19) Mặc đeo biểu tượng… 43) Để tang chính trị… 72) Không tiêu dùng đồ bị tẩy chay… 85) Bãi thị đồng loạt, 86) Rút tiền khỏi các ngân hàng… 97) Đình công phản đối… 122) Viết và phát biểu kêu gọi nổi dậy… 124) Tẩy chay các cuộc bầu cử… 162) Ngồi ăn vạ, 163) Đứng ăn vạ, 164) Lái xe tuần hành biểu thị phản đối… 166) Đi vòng vòng phản đối… 197) Làm việc nhưng không cộng tác, 198) Tạo chủ quyền đối lập và chính quyền song song. (Sách đã dẫn – Phần Phụ bản 1).
Đó có thể nói sơ lược là 5 điều kiện chính, từ đạo đức triết lý đến hiến pháp, giai tầng lãnh đạo, giáo dục, qua giai tầng trí thức, tất nhiên còn rất nhiều nguyên nhân khác, để làm nên một chế độ tốt, chứ không phải chỉ có riêng mình hiến pháp.
Nhưng nếu nói đến nền dân chủ Hoa Kỳ mà quên một tác giả cổ điển, với quyển sách nổi tiếng của ông, ông Alexis de Tocqueville và quyển sách “De la Démocratie de l’Amérique”, (Về Dân Chủ Mỹ châu), thì quả là một điều thiếu sót.
Tocqueville sinh năm 1805 tại Paris, chết năm 1859 tại Cannes, là sử gia, nhà chính trị Pháp. Ông được chính phủ Pháp trao cho nhiệm vụ nghiên cứu về hệ thống nhà tù, nhưng đồng thời ông nghiên cứu thêm về thể chế dân chủ Hoa Kỳ, và cho xuất bản quyển sách Về Dân chủ ở châu Mỹ (1835 – 1840). Đây là một quyển sách không những làm cho ông nổi tiếng, không riêng gì ở Hoa Kỳ, mà cả ở thế giới, cho cả đến ngày hôm nay. Người dân, nhất là giới trí thức Hoa Kỳ cho rằng đây là một trong những quyển sách hay nhất từ xưa tới nay về nền dân chủ Hoa Kỳ, không chỉ riêng về phần quan sát, phân tích, nhận xét, mà cả về phần tiên đoán tương lai. Ông trở thành Nghị sĩ, rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Nhưng ông đã từ chức để nghiên cứu về lịch sử. Năm 1856, ông cho xuất bản quyển sách mang tựa đề “L’Ancien Régime et la Révolution” (Chế độ cũ và Cách mạng), làm ông càng nổi tiếng thêm.
Ông cho rằng tư tưởng dân chủ, mà trong đó quyền bình đẳng về điều kiện (l’égalité des conditions) là một sự kiện thiên phú (fait providentiel), điều kiện này sẽ đưa đến sự sụp đổ tất yếu của những chế độ độc tài. Ông tìm cách định nghĩa thế nào là một chế độ dân chủ, cái lợi và cái hại của nó.
Để có một chế độ dân chủ, và cũng đồng thời tránh chế độ mỵ dân, độc tài đa số (despotisme de la majorité), mà sau này chúng ta thấy đó là chế độ độc tài mỵ dân phát xít và cộng sản, theo ông, thì đó phải là một chế độ: 1)Về chính trị phải có sự tản quyền (décentralisation de pouvoirs), có tự do ngôn luận, báo chí, có sự bảo vệ, tôn trọng quyền tự do của các vùng (défense des libertés locales). 2) Về xã hội thì phải có sự phát triển của những xã hội dân sự (développement des associatuions civiles); 3) Và về pháp lý, thì phải có sự phân quyền rõ rệt và phải có quyền độc lập của tư pháp.
Ông đã tiên đoán, vào thế kỷ 20, sẽ có 2 cường quốc lớn, trổi dậy ở thế giới, đó là Hoa Kỳ và Nga, vì theo quan sát của ông, thì 2 nước này là 2 nước tương đối dân chủ nhất vào thời bấy giờ, và ông cho rằng dân chủ là một động lực chính để phát triển.
Nhưng tại sao ông lại tiên đoán là Hoa Kỳ và Nga?
- Hoa Kỳ vì nước này vừa mới làm cuộc cách mạng độc lập 1776 và cuộc cách mạng dân chủ, mới ban hành một hiến pháp thành văn 1787, có đủ những điều kiện mà ông yêu cầu.
- Nga, vì nước này, mặc dầu dưới chế độ quân chủ dưới quyền của nữ hoàng Catherine II (1762 – 1796), nhưng nước này vẫn là một nước tương đối dân chủ, so với những nước Âu châu thời bấy giờ. Những nhà tư tưởng dân chủ Pháp nổi tiếng như Voltaire, Diderot, không những được bà nữ hoàng này che chở, mà còn là bạn thân của bà.
Nước Hoa Kỳ thì vẫn duy trì, tiếp tục chế độ dân chủ, nên đã trở thành cường quốc hàng đầu thế giới cho tới ngày hôm nay. Chỉ tiếc cho xứ Nga, thì sau đó bị rơi vào độc tài cộng sản, mà nói theo Tocqueville là“Despotisme de la majorité”, một chế độ độc tài mị dân, mị thợ thuyền lao động, nhưng thực ra thì chẳng nghĩ gì đến dân và lao động, mà chỉ là một sự lừa bịp khổng lồ, như chúng ta thấy hiện nay còn sót lại ở Tàu và Việt Nam.
Điều này ông Boris Eltsine, cựu đảng viên cộng sản, cựu tổng thống Nga, đã nhìn thấy rõ nhất, trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu của ông vào năm 1992: “Vào đầu thế kỷ 20, nước Nga đang ở cùng chung một đoàn tàu với thế giới. Nước Nga không phải là đầu tàu, nhưng cũng ở trong những toa tàu hạng nhất. Thế rồi, nước Nga, tự nghĩ mình có thể có một mô hình phát triển riêng biệt, đã tách rời đoàn tàu… Không dè đoàn tàu vẫn tiến mà nước Nga dẫm chân tại chỗ. Nước Nga ngày hôm nay so với những nước phát triển, thì nước Nga chậm tiến hàng nửa thế kỷ.” 
Ở đây, mặc dầu ông không nói rõ, nhưng ai cũng hiểu Eltsine ám chỉ chế độ cộng sản do Lénine mang lại vào đầu thế kỷ 20 (1917).
Thế nào là một chế độ xấu
Chế độ xấu là chế độ ngược lại những điều vừa kể. Đó là chế độ không dựa trên một căn bản triết lý, đạo đức tốt đẹp, không có một hiến pháp tốt, không có một giai tầng lãnh đạo, sĩ phu tốt và không có một nền giáo dục tốt.
Ở điểm này, nhiều người nghĩ rằng để phân biệt chế độ tốt xấu rất khó. Điều này chỉ đúng một phần. Nhiều khi họ cố tình lập lờ, đánh lận con đen, để bênh vực chế độ xấu, vì họ được hưởng bổng lộc của bạo quyền. Chúng ta chỉ cần lấy lương tâm, lương tri của một con người bình thường để quan sát và xét đoán: Chế dộ độc tài là chế độ xấu, chế độ dân chủ là chế độ tốt; trong lịch sư cận đại, chế độ độc tài cộng sản là chế độ xấu, chế độ dân chủ là chế độ tốt. Chỉ cần quan sát 2 chế độ, độc tài cộng sản Bắc Hàn và chế độ dân chủ Nam Hàn. Ngày hôm nay dân Bắc Hàn đang chết đói, trong khi Nam Hàn là một cường quốc kinh tế trên thế giới, không thua bất kỳ cường quốc nào, trong bất cứ lãnh vực nào, từ điện toán, tới xe hơi, điện ảnh, mặc dầu Nam Hàn mới được dân chủ hóa vào thập niên 80.
Chúng ta hãy cùng nhau xét sơ về 2 chế độ xấu trong lịch sử cận đại: chế độ độc tài phát xít và chế độ độc tài cộng sản.
Thực vậy cả hai chế độ này, chế độ phát xít Hitler thì dựa trên quan điểm cho rằng dân tộc Đức là dân tộc tiêu biểu cho chủng tộc Aryen, chủng tộc tinh khiết, vượt lên trên tất cả những chủng tộc pha trộn khác, vì vậy nên thông minh, đáng làm lãnh đạo những chủng tộc khác. Đây là một quan niệm phản hoa học.
Chế độ cộng sản thì dựa trên nền tảng lý thuyết của Marx, phát xuất từ Âu châu, nhưng chính người Âu châu không chấp nhận lý thuyết này. Chẳng hạn như ở vùng Trèves (Đức), nơi sinh trưởng của Marx, người ta dựng một bức tượng của Marx, nhưng ở dưới có hàng chữ: “Nơi đây là nơi sinh trưởng của Marx, nhưng nơi đây không chấp nhận tư tưởng của ông”. Ở nước Đức, người ta thấy ở những tỉnh lớn nơi nào cũng có viện Goeth, nhưng không có viện Marx.
Nhà đại văn hào Pháp Victor Hugo có nói: “Biến con đại bàng thành con chim chích, bắt con thiên nga thành con vịt trời, đó là cộng sản. Và đó cũng là điều mà tôi không thích”. (1)
Việt Nam không những dựa trên một nền tảng triết lý đạo đức sai lầm, mà hiến pháp còn là một hiến pháp xấu. Ở đây tôi chỉ đơn cử trường hợp về hiến pháp hiện hành Cộng sản Việt nam. Không những đây là một hiến pháp dài dòng, tự quảng cáo, như trường hợp quảng cáo dầu cù là, mà lại còn là một hiến pháp đầy mâu thuẫn và độc tài:
- Dài dòng và tự quảng cáo, tự nhận, đó là cho rằng đảng Cộng sản là đại diện cho giới công nhân, cho toàn thể dân tộc Việt Nam, nhưng đâu là bằng chứng, có qua một cuộc bầu cử hay một cuộc trưng cầu dân ý nào không?.
- Độc tài và mâu thuẫn ở chỗ chủ trương độc khuynh, độc đảng, không có sự phân quyền rõ rệt, tất cả rốt cục là ở trong tay đảng Cộng sản từ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mâu thuẫn ở chỗ mặc dầu nêu ra tất cả những quyền tự do căn bản, nhưng do quyết định và chỉ đạo của đảng.
- Ngoài ra giới lãnh đạo Cộng sản là những con người tham quyền, cố vị. Bắc Hàn thì cha truyền, con nối, Cuba thì anh truyền, em nối, Cộng sản Tàu và Việt Nam thì là gia đình trị, qua hệ thống gia tộc.
Đó là tất cả những điều kiện căn bản để làm cho một chế độ trở nên tốt hay xấu. Nếu thiếu một trong những điều kiện đó cũng không được, như có một nền tảng triết học, đạo đức, một hiến pháp tốt, nhưng giới lãnh đạo lại ngồi xổm lên đạo đức, coi thường hiến pháp và giới trí thức chỉ nịnh bợ, a dua với kẻ cầm quyền, như trường hợp một số trí thức cộng sản Việt Nam, mà dân Việt đã chế riễu: “Nói leo, nói theo, nói dài, nói dở và nói dai”, thì cũng không thể là một chế độ tốt được.
Chẳng khác nào như có Hydrogène và Oxygène, đó là điều kiện ắt có, nhưng không có đủ 2 nguyên tử Hydrogène và 1 nguyên tử Oxygène, thì không thể tạo ra nước được.
Paris ngày 25/04/2013 

Không có nhận xét nào: