Ông Norton và bà Thủy nói về âm nhạc và phản kháng |
'Liệu Việt Nam đã khi nào có hòa bình?' nghệ sỹ nhạc dân tộc Nguyễn Thanh Thủy hỏi lại tôi bằng tiếng Anh.
Chúng tôi đang trò chuyện cùng một sinh viên Hàn Quốc sau buổi thuyết trình 'Tiếng hát át tiếng bom: Âm nhạc, Phản kháng và Cuộc chiến Việt Nam' mà diễn giả chính là Tiến sỹ Barley Norton, người đã dày công tìm hiểu vai trò của âm nhạc trong Cuộc chiến Việt Nam và cũng vừa chơi đàn nguyệt vừa hát trong buổi thuyết trình 90 phút hôm 15/5.
Câu hỏi của tôi sau sự kiện diễn ra ở Đại học Goldsmiths mà nghệ sỹ Thanh Thủy cũng tham gia biểu diễn đàn thập lục là 'liệu âm nhạc có vai trò lớn hơn trong các cuộc phản kháng trong thời chiến so với thời bình không'.
Bản thân Tiến sỹ Norton hẹn sẽ trả lời với BBC trong một cuộc phỏng vấn chính thức trong những ngày tới đây.
Nhưng nhạc sỹ Ngọc Đại, người cũng được Tiến sỹ Norton trích dẫn trong buổi thuyết trình, nói với BBC rằng ở Việt Nam "chưa có" những nghệ sỹ có tên tuổi viết ca khúc cho phong trào phản kháng trong thời bình.
Trong khi đó Cuộc chiến Việt Nam đã tạo cảm hứng cho những tên tuổi lớn như Trịnh Công Sơn và Phạm Duy ở miền Nam cũng như Đỗ Nhuận và Phạm Tuyên ở miền Bắc.
'Thằng Mõ 1'
Khán giả tại Goldsmiths đã được xem một đoạn phim trong đó ông Ngọc Đại, người đang gặp rắc rối với chính quyền khi phát hành CD mới nhất 'Thằng Mõ 1', nói về bài 'Chiều' được viết trong thập niên 80.Nhạc sỹ Ngọc Đại đang gặp rắc rối vì 'Thằng Mõ 1'
Nhạc sỹ Ngọc Đại từng đi bộ đội và Barley Norton của Đại học Goldsmiths nói ca khúc có thể được sáng tác vào lúc nhạc sỹ đang suy sụp tinh thần.
Trong trích đoạn từ phim dài một tiếng về ban nhạc 'Đại Lâm Linh', ông Ngọc Đại nói khi được hỏi về lý do tại sao ông không để sự đau đớn phải chứng kiến đồng đội hy sinh và thậm chí phải tự tay chôn họ có sự hiện diện trực tiếp trong ca từ:
"Tao muốn nói cái nỗi đau, mất mát của con người ở năm 72 ở Quảng Trị là quá lớn, không ai có thể trả được. Người Mỹ cũng không thể trả được và cộng sản cũng không trả được. Tao viết bài ra [để người ta] hát cũng không trả được.
"Nó như là món nợ với người bạn của tao chết. Tao cũng không sao mà trả được
"Có lúc nhiều đêm tao nằm mơ thấy họ."
'Xứ sở câm'
Nói chuyện với BBC hôm 16/5, nhạc sỹ Ngọc Đại nói ông sẽ phải làm việc với thanh tra văn hóa về việc tự phát hành CD 'Thằng Mõ 1' với chín ca khúc bị cho là "phản động và đồi trụy" vào ngày 17/5.Ca khúc 'Thông điệp hoa hồng' trong CD có đoạn:
"Mùa xuân, mùa xuân thật là ngu ngốc
"Cớ sao lởn vởn xứ này
"Kìa mùa xuân
"Mùa xuân thật là ngu ngốc
"Xứ sở câm
"Xứ sở chán ngắt buồn nôn
"Phí hoại gót chân, gót chân mộng du
"Tiếng thở dài nghìn năm Hà Nội
"Tấm bảng hiệu
"Giẫm đạp lên đôi mắt người lính già."
Một đoạn trong bài 'Ngũ sắc'
Giao hợp đi đồng bào ơi
Tinh trùng phóng đạn đi
Đồng bào ơi
Săn lùng tổ quốc tôi
Cột mốc ơi
Te he trên giường tổ quốc ơi
Đồng bào ơi
Tổ quốc ơi
Tinh trùng phóng đạn đi
Đồng bào ơi
Săn lùng tổ quốc tôi
Cột mốc ơi
Te he trên giường tổ quốc ơi
Đồng bào ơi
Tổ quốc ơi
Ngọc Đại nói ông sẵn sàng trả giá để thử nghiệm âm nhạc và thể hiện suy nghĩ của mình.
Nhạc sỹ cũng nói một trong những cái giá ông đã trả là "60 năm sống ở Việt Nam".
Ông nói: "Thực chất đây là một thể nghiệm trong trải nghiệm.
"Cái trải nghiệm đó là cả một cái cuộc sống 60 năm của tôi."
"Thông điệp thì mọi người cũng biết rồi.
"Tôi nói ra thì tôi cũng đã nói rồi."
"...Tôi muốn được thả sức sáng tạo nghệ thuật trong một không gian ở Việt Nam mà tôi thấy mọi người phải bộc lộ."
Ông cũng nói người ta cần "tinh tế hơn trong nghệ thuật âm thanh" và nói thêm:
"Tôi cho là phải bỏ qua những vấn đề đó [bình luận về ca từ] để đi vào cảm giác âm thanh."
"Tôi cho là mọi người phải có lương tâm, phải thức tỉnh, không vì bản thân mình hay một thói quen nghe mà phản ứng lỗ mỗ như thế."
'Không tiện nói ra'
Trở lại với buổi thuyết trình về âm nhạc và phản kháng, Tiến sỹ Norton kể lại nhạc sỹ Phạm Tuyên của Việt Nam đã xúc động khi xem những hình ảnh ca sỹ Pete Seeger hát 'Give Peace a Chance' (Hãy cho Hòa bình một Cơ hội) trước đông đảo người biểu tình phản chiến ở Washington hồi năm 1969 và đã viết ca khúc 'Gẩy Đàn Lên Hỡi Người Bạn Mỹ'.Pete Seeger từng ngợi ca Việt Nam nêu gương cho cả thế giới về chủ nghĩa anh hùng
Khi Pete Seeger tới thăm Hà Nội hồi năm 1972, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã ra sân bay Gia Lâm đón và ông Seeger, và cũng là đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ, đã ngẫu hứng hát tặng nhạc sỹ Phạm Tuyên ngay tại sân bay.
Ông Norton cũng tìm lại được bản ghi âm chưa từng được công bố những lời ông Seeger phát biểu ở Hà Nội.
"Tôi quá xúc động và khó nói nên lời. Chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam đang dạy cho cả thế giới một bài học.
"Và chuyện các bạn đã chào đón tôi rất nồng nhiệt ở đây trong khi đất nước mà tôi là công dân đóng thuế đã trút chết chóc lên đầu các bạn, cho tôi hy vọng rằng một ngày kia cả thế giới này rồi sẽ sống trong hòa bình."
Bản thân Pete Seeger sau này dần dần đã rời xa chủ nghĩa cộng sản vì sự lãnh đạo độc đoán và thiếu tự do ngôn luận.
Ông cũng thừa nhận ông nhận ra quá muộn sự hà khắc của những người cộng sản với tự do biểu đạt.
Hơn 40 năm sau khi Pete Seeger tới Hà Nội và ca ngợi chủ nghĩa anh hùng và sự hiếu khách của Việt Nam, những nhạc sỹ như Ngọc Đại lại có những trải nghiệm hoàn toàn khác.
Họ không có được sự bình yên trong những sáng tác mà họ nói thể hiện cảm xúc nghệ thuật và cũng lột trần cuộc sống đảo điên hiện nay.
Hà Nội đã mở vòng tay đối với những người sáng tác ca khúc phản đối những hành động sai trái của chính phủ nước họ như Pete Seeger nhưng lại khắt khe với những nhạc sỹ Việt muốn phản kháng trước thực tại cuộc sống.
Trong cuộc nói chuyện với BBC hôm 16/5, nhạc sỹ Ngọc Đại nói trong nghệ thuật không có đúng sai.
Ông nói: "Tôi chỉ trả lại cho cuộc sống những gì tôi đã sống và tôi nghĩ"
"Nó có sự thật trong đời sống mà mọi người chưa tiện nói ra, mọi người đang lựa chọn, thì tôi nói ra."
Nguyễn Hùng (bbcvietnamese.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét