Pages

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Hiến pháp sửa mà không chữa là phá


Phạm Trần (Danlambao) - Quốc hội Việt Nam khóa XIII sẽ để lại vết nhơ trong lịch sử nếu Hiến pháp mới không theo ý dân mà theo lệnh đảng vì “sửa mà không chữa là phá chứ không xây” gì cả.

Những lý do sau đây đã dẫn đến kết luận bi quan như thế:

Thứ nhất, cuộc lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 lần thứ nhất từ 2/1 đến 31/3/2013 đã chứng minh mất tiền toi vì đã tổ chức vội vã, hình thức và phần lớn người dân không có thời giờ đọc và nghiên cứu để hiểu về tầm quan trọng của văn kiện. Cũng không có ai giải thích cho dân biết sự góp ý của họ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bản thân, của con cháu họ và của đất nước sẽ ra sao. Vì vậy, hầu hết người dân lao động và nông dân, chiếm đa số trong 90 triệu dân, đã nhắm mắt ký cho xong để không bị phiền toái.

Thứ hai, kết quả có “hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp”, như Nhà nước khoe đã diễn ra “khẩn trương, đồng bộ, dân chủ” và “đã thu hút sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân”, hay việc “hoàn thiện Dự thảo còn nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân” là không đúng, nhiều phần “phóng đại tô mầu”.

Bởi vì nhân dân không được phép “từ chối” tham gia ý kiến với Dự thảo mà chỉ được phép chọn: 1) Ý kiến chung về Dự thảo. 2) Ý kiến tham gia cụ thể vào các Chương, Điều, Khoản, Điểm của Dự thảo Hiến Pháp. 3) Các ý kiến khác.

Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc đã báo cáo với Quốc hội hôm 20/5 (2013) rằng: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn hình thức, lúng túng, bị động, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan; một số nơi in, phát Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới từng hộ gia đình nhưng việc hướng dẫn nhân dân thảo luận góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân chưa tốt.”

Điều 4 – Trưng cầu ý dân?


Thứ ba, ý dân, nhất là những đóng góp không phù hợp với chủ trương của đảng, đặc biệt với những quan điểm muốn xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, không hề được công khai thảo luận dân chủ hay giải thích tại sao đảng đã bác mà chỉ thấy nhà nước độc đoán lên án đó là những “ý kiến sai lệch với đường lối lãnh đạo của đảng”, hay coi là “có động cơ chính trị” và tư tưởng “phá hoại”.

Ngay cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã rúng động trước làn sóng người dân không đồng tình với đảng trong nội dung sửa đổi Hiến pháp. Ông đã lên án những ai đề nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.” 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho đó là những ý kiến “ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn”

Thứ bốn, sự dao động trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng khi Điều 4 trong Hiến pháp sửa đổi bị tấn công đã thu hút phần lớn cuộc tranh luận giữa người dân muốn nước Việt Nam có một chính quyền dân chủ do dân bầu lên và số Cán bộ đảng viên có nhiệm vụ chống đa nguyên đa đảng.

Điều 4 cho phép đảng đương nhiên tiếp tục được độc quyền: “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” mà không qua lá phiếu tín nhiệm của người dân đã được phe giáo điều và bảo thủ trong đảng, tiêu biểu như Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, ủy viên Hội đồng Lý luận Trung Ương cho rằng “Việc hiến định điều 4 được cho là phù hợp ý chí nguyện vọng, khát vọng của nhân dân” (VNNET, 08/03/2013).

Không cần phải có cuộc thăm dò trong xã hội vì ai cũng biết ông Bảo đã nói lên quan điểm “tự biên tự chế” vô căn cứ trong đời sống thực tế ở Việt Nam.

Lý do đơn giản vì ông Bảo và Lãnh đạo đảng không thể chứng minh được “quyền cai trị tự phong” của đảng là “phù hợp ý chí nguyện vọng” hay đó là “khát vọng” của dân vì dân chưa bao giờ được ai hỏi ý. 

Đảng cũng đã nói có quyền lãnh đạo là “tất yếu của lịch sử” và nhiều cán bộ “tư tưởng Cộng sản” của đảng, tiêu biểu như Đại tá Đào Văn Đệ còn sợ hãi viết rằng: “Sự thừa nhận vai trò lãnh đạo của đảng như trong Điều 4 của Hiến pháp là cơ sở pháp lý để chống lại sự xuyên tạc vai trò lãnh đạo của đảng, chia rẽ đảng với nhân dân, kích động nhân dân chống lại đảng hòng mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng, thay đổi chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.” (báo Quân đội Nhân dân, 28/01/2013)

Nhưng nếu ông Bảo, ông Đệ và đảng CSVN không sợ bị mãi mãi mang tiếng đã áp đặt quyền thống trị bằng võ lực lên nhân dân thì hãy hối thúc Quốc hội làm Luật Trưng cầu ý dân để tổ chức lấy ý kiến xem dân có muốn đảng tiếp tục cầm quyền không ?

Ngày 27/5 (2013), tại phiên họp tại tổ ở Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp, Đại biểu Quốc hộiĐỗ Mạnh Hùng (đơn vị Thái Nguyên) đã có gợi ý đưa điều 4 ra trưng cầu ý dân.

Ông nói: “Tiếp xúc cử tri nhiều nơi, từ các cán bộ lão thành cho đến sinh viên, nhiều ý kiến đề nghị QH nghiên cứu đưa điều 4 ra trưng cầu ý dân”.

“Phân tích của cử tri rất nên lắng nghe: Nếu trưng cầu, một câu trả lời gần như chắc chắn là đa số người dân vẫn tin tưởng vào đảng và chúng ta sẽ có kết quả tích cực về điều 4. Khi ta đã lấy ý kiến dân rồi, những xu hướng, tư tưởng khác, chưa nói đến các thế lực thù địch, sẽ không còn lý gì để tranh luận nên hay không nên quy định điều này trong Hiến pháp, vì tối cao là người dân đã quyết định, không phải tranh luận nhiều”(báo ViệtnamNet,28/05/2013)

Đây là lần đầu tiên đã có một Đại biểu Quốc hội đưa ý kiến đưa vai trò lãnh đạo của đảng ra thử nghiệm trước dân, nhưng vì Việt Nam chưa có Luật tổ chức Trưng cầu ý dân nên ý kiến của Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng chưa thể thực hiện được.

Cố tình trì hoãn ra luật


Thứ năm, chuyện Luật Trưng cầu ý dân chưa có hay đảng “chưa muốn có” cũng không khác nhau mấy vì, như các quyền biểu tình, lập hội, hội họp đã có trong 4 bản Hiến pháp nhưng đảng cố tìm mọi cách không ủng hộ việc ra luật nhằm triệt tiêu các quyền này của dân. Ngay trong trường hợp dân biểu tình chống Trung Cộng xâm chiếm biển đảo của Việt Nam trong hai năm 2011 và 2012 ở Sài Gòn và Hà Nội cũng đã bị ngăn cấm, đàn áp dã man với lý do gây mất ổn định, hay lấy cớ bị “kẻ xấu” lợi dụng chống đảng, chống nhà nước.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội trong năm 2013 và hai năm sau 2014 và 2015 thì sẽ không có thời khóa biểu dành cho các luật biểu tình, lập hội, hội họp và trưng cầu ý dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người thuộc phe “cực kỳ bảo thủ” trong đảng, đứng đầu đã không mặn mà với các luật này vì chúng thuộc diện được gọi là “nhạy cảm”. Ông Hùng và một số người khác, kể cả Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đã muốn kéo dài thời gian với lý do “cần nghiên cứu thêm”.

Ngay đến các quyền “tự do ngôn luận” và “tự do báo chí” cũng đã được ghi trong tất cả các bản Hiến pháp, kể cả Hiến pháp sửa đổi ở Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69) “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin….” Nhưng nhà nước vẫn tự tiện không cho ra báo tư nhân, cấm lập nhà xuất bản tư nhân và tìm mọi cách kiểm soát, hù họa, khủng bố, bắt giam và bỏ tù tùy tiện những Nhà báo tự do, hay “truyền thông xã hội” (Bloggers)

Thứ sáu, Hiến pháp mới không từ bỏ việc áp đặt chủ nghĩa phá sản Mác-Lenin vào bộ Luật cao nhất của nhà nước Việt Nam và đã “hiến pháp hóa” Cương lĩnh của đảng (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - (bổ sung, phát triển năm 2011) là vi phạm trắng trợn vào quyền làm chủ đất nước của dân vì đảng không phải là của toàn thể 90 triệu dân mà chỉ thay mặt cho trên 3 triệu đảng viên mà thôi. Do đó khi Quốc hội đồng ý biến nội dung Cương lĩnh thành nội dung của Hiến pháp là đã hạ thấy giá trị của Hiến pháp khi để cho Hiến pháp lệ thuộc vào Cương lĩnh đảng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp, ông Phan Trung Lý đã chứng minh sự lạm dụng này trong báo cáo với Quốc hội (ngày 20/5/2013): “Ủy ban Dự thảo nhận định, đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. đảng lãnh đạo thông qua Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng, chính sách, chủ trương lớn của mình. Cách thức lãnh đạo thể hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, thời kỳ.”

Quyền làm chủ - Kinh tế lâm nguy


Thứ bẩy, Ủy ban soạn thảo vẫn cương quyết duy trì chủ trương phản dân chủ được gọi là “đất đai thuộc về toàn dân” nhưng quyền sở hữu lại do Nhà nước thay mặt dân làm chủ quản. Nói cách khác, dân chỉ làm chủ trên giấy tờ trong khi quyền sử dụng đất và chia đất, lấy lại đất vẫn cho Nhà nước quyết định.

Mặc dù việc bồi thường khi đất do dân sử dụng bị trưng thu, vì lý do an ninh-quốc phòng hay kinh tế, sẽ được thi hành theo pháp luật, nhưng Hiến pháp không thừa nhận “quyền tư hữu” của dân, mặc dù dân là chủ nhân lâu đời trên đất của gia đình đã có công khai phá để lại.

Sự bất công này là một bằng chứng khác của đảng Cộng sản qua chủ trương bóc lột sức lao động của dân để phục vụ cho quyền lợi của đảng.

Thứ tám, nền kinh tế Việt Nam, theo đa số khuynh hướng tại Quốc hội vẫn không dám đi ngược lại với Cương lĩnh đảng để khẳng định tiếp tục là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nhưng thực tế chủ trương này đang khiến cho tình hình kinh tế lâm nguy trong năm 2013.

Nhiều Đại biểu Quốc hội chê trách báo cáo về tình hình kinh tế của Chính phủ của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 20/5 (2013) “bình yên” quá và không phản ảnh đúng tình trạng khó khăn của người dân.

Điều này đã được phản ảnh trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 27-5-2013: “Hiện nay mọi người đều thừa nhận dấu hiệu suy giảm nền kinh tế đã rất rõ ràng. Ngoài việc GDP (Gross Domestic Product, Mức Tăng trưởng Nội địa) đạt thấp so với các năm trước, tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản cũng chưa được chặn đứng. Tại khu vực nông thôn thì nông dân chịu thiệt hại kép do giá lương thực, thực phẩm ngày càng rẻ, khó tiêu thụ nhưng các khoản chi phí cứ tăng: đầu vào sản xuất, các dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu... Tình thế đang đặt ra vấn đề nóng bỏng: Những giải pháp gỡ khó nền kinh tế thời gian qua đã đủ liều lượng chưa và phải làm gì để thực sự vực dậy sản xuất kinh doanh, niềm tin thị trường?

Người dân dõi theo diễn đàn Quốc hội đã ghi nhận nhiều ý kiến đáng chú ý: ĐB Trần Du Lịch đề nghị không nên quá câu thúc tới các chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể mà phải vực dậy nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, bằng việc xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế trong 3 năm 2013 - 2015.” (LÊ TIỀN TUYẾN/báo Sài Gòn Giải Phóng)

Bằng chứng “báo cáo sai sự thật” của nhà nước Việt Nam còn được World Bank và Tổ chức tiền tệ Quốc tế (IMF) vạch ra trong báo cáo mới đây của họ: “Nợ công được xác định là tổng khoản vay mượn và trái phiếu phát hành hoặc được bảo lãnh phát hành bởi chính quyền Trung ương, địa phương và cả doanh nghiệp Nhà nước. Trong khi đó, cách định nghĩa nợ công của Việt Nam lại chỉ tính nợ của doanh nghiệp Nhà nước bảo lãnh mà "gạt" đi nhiều khoản nợ rất lớn của doanh nghiệp Nhà nước, kể cả những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn.”

“Do đó”, báo cáo viết tiếp, “nếu tính thêm cả khoản nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà không được Chính phủ bảo lãnh như nợ nước ngoài, trái phiếu trong nước và nợ hệ thống ngân hàng thì nợ công Việt Nam lên xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP được các tổ chức quốc tế khuyến cáo. Như vậy, tổng sản phẩm quốc nội được làm ra của đất nước là 100 đồng nhưng người dân cũng đang "cõng" 95 đồng vay nợ.” (Báo VNEXPRESS, 27-05-2013)

Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: “Tính đến hết tháng 4/2013, số doanh nghiệp đóng cửa bình quân theo quý lớn hơn cả hai năm trước. Chứng tỏ các doanh nghiệp hiện nay đã kiệt sức. Ngân hàng là một tuyến của doanh nghiệp mà doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng gặp khó khăn, vì có tiền mà không cho vay được thanh khoản tồn nhiều cũng không được. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là việc đoán định tình hình để có giải pháp và có những giải pháp tốt là rất yếu. Đều này cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp phải.” (Đài Phát thanh Quốc gia, 29/5/2013)

Như vậy, nếu một bản Hiến pháp chỉ phản ảnh những điều giả dối, sai trái và không hợp lòng dân thì trách nhiệm không những chỉ thuộc về đảng mà còn nằm gọn trong tay của 500 Đại biểu Quốc hội của Khóa XIII.

Nhìn qua lối làm việc theo “đơn đặt hàng” của đảng trong việc thảo luận Hiến pháp sửa đổi 1992, ai cũng thấy Đại biểu Quốc hội đã mất hết tính đại diện dân để bảo đảm họ là những đảng viên nô lệ trung thành của đảng cầm quyền.

Điều này cho thấy các Đại biểu Quốc hội chỉ còn là những cái xác không hồn đang sống vật vờ trên sự đau khổ của người dân, những người đã cho họ chức và quyền, ít nhất là 5 năm của một nhiệm kỳ.

Khác với Quốc hội ở các nước dân chủ, chưa bao giờ thấy có các Luật được thông qua ở Quốc hội Việt Nam đã do một Đại biểu hay nhóm Đại biểu là Tác giả đưa ra mà toàn do đảng hay Nhà nước chuyển qua cho Quốc hội biểu quyết.

Quyền lập pháp, do đó, bị coi như rất xa lạ đối với các Đại biểu Quốc hội Việt Nam. Có thể vì sợ bị quy kết đi ngược lại chủ trương của đảng, nhưng cũng có thể họ đã quen với thủ tục làm luật là “chỉ cần nghe và làm theo lệnh đảng” là an toàn nhất để bảo vệ vững chắc chiếc ghế trong Quốc hội.

Nhưng đối với việc thảo luận Hiến pháp sửa đổi 1992 thì việc giữ im lặng hay chỉ biết ngậm miệng biểu quyết theo lệnh, đi ngược lại nguyện vọng của cử tri, thì không những chỉ phản bội sự tín nhiệm của những người đã bầu mình vào Quốc hội mà thật ra là đã tiếp tay phá Hiến pháp để cho đảng tiếp tục thao túng, lộng quyền để làm khổ dân và nhục cho nước. -/-

(05/013)

Không có nhận xét nào: