Sinh viên Hồng Kông diễn lại sự kiện Thiên An Môn trong cuộc biểu tình ngày 26/05/2013 nhân kỷ niệm 24 năm vụ thảm sát. (REUTERS/Tyrone Siu) |
Thân nhân của các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 tại Trung Quốc, trong một lá thư ngỏ công bố hôm nay 31/05/2013, đã khẳng định tân Chủ tịch Tập Cận Bình « không phải là một nhà cải cách », ngược lại đất nước đang phải chịu đựng các chính sách phản tiến bộ.
Tổ chức « Các bà mẹ Thiên An Môn » khẳng định : « Chúng ta đang chứng kiến cụ thể những bước tụt hậu khổng lồ về phía chủ nghĩa mao-ít chính thống ». Hiệp hội đấu tranh cho nhân quyền đặt trụ sở ở nước ngoài, có 123 thành viên, luôn đòi hỏi không ngơi nghỉ công lý và sự thật về vụ tàn sát các sinh viên tham gia phong trào đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn.
Lá thư ngỏ trên đây được công bố vài ngày trước kỷ niệm 24 năm vụ thảm sát Thiên An Môn 04/06/1989. Lá thư lên án : « Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lần lượt kế tục nhau, cứ như là được đẩy lên sân khấu bằng một cánh cửa xoay. Càng thăng quan tiến chức thì họ càng trở nên cao ngạo và cực đoan, làm cho toàn bộ dân chúng rơi vào tuyệt vọng ».
« Các bà mẹ Thiên An Môn » nhận định : « Cho đến nay tất cả những nỗ lực của chúng tôi đều vô vọng, chúng tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ câu trả lời nào của chính phủ ».
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bác bỏ lời kết án về sự thiếu vắng cải cách, nêu ra: « Sự phát triển kinh tế liên tục của Trung Quốc và xây dựng hệ thống dân chủ, tư pháp trong hơn 20 năm qua ». Ông nói : « Như đã thấy, con đường mà chúng ta chọn lựa phục vụ cho lợi ích cơ bản của nhân dân Trung Quốc ».
Hồng Lỗi nhấn mạnh : « Người dân Trung Quốc được hưởng rất nhiều quyền tự do. Chính quyền và nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa ».
Theo các ước lượng không chính thức, có khoảng 200 đến trên 3.000 thanh niên đã bị quân đội giết hại trong khi đàn áp phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989. Bắc Kinh biện minh rằng việc huy động quân đội tàn sát sinh viên biểu tình là cần thiết để chống lại các cuộc nổi loạn « phản cách mạng ».
Các nhà phân tích cho rằng một sự tái đánh giá chính thức về phong trào phản kháng này sẽ là tín hiệu quan trọng cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự quan tâm đến việc cải cách hệ thống chính trị của đất nước, vốn không thay đổi gì từ đó đến nay.
Năm ngoái, « Các bà mẹ Thiên An Môn » cho biết một trong các thành viên - là cha của một thanh niên 22 tuổi bị quân đội sát hại trong sự kiện này - đã tự sát, để lại một lá thư nói rõ ông không ngừng đau khổ về vụ thảm sát. Thư viết : « Chúng tôi sẽ không bao giờ chối bỏ, không bao giờ ngơi nghỉ cho đến khi sự kiện Thiên An Môn được đánh giá lại, và linh hồn của các nạn nhân được nghỉ ngơi trong bình an ».
Thụy My (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét