Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Nếu bạn đọc được entry này, tôi hy vọng bạn quan tâm và cùng tôi nghĩ đến việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình trước điều 258 của Bộ luật Hình sự
*
Ngày 2 tháng 9 năm 2009, tôi bị bắt khẩn cấp lúc nửa đêm sau hơn 1 tháng ròng rã làm việc với lực lượng an ninh từ Bộ Công an và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA38) tỉnh Khánh Hòa.
Hành vi được xem là cấu thành tội phạm của tôi lúc ấy là viết blog về các vấn đề chính trị - xã hội, và kêu gọi in áo, mặc áo với nội dung “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, “Stop Bauxite - No China”, “Hãy giữ lấy màu xanh & an ninh cho Việt Nam”.
Lý do tôi bị bắt khẩn cấp lúc đó là vi phạm điều 258 Bộ luật Hình sự:
Điều 258: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Trong suốt 9 ngày trời bị giam giữ, không một ai giải thích cho tôi biết lợi ích nhà nước được cho rằng tôi “lợi dụng quyền tự do, dân chủ” của mình bị xâm phạm là gì.
Nội dung thẩm vấn chỉ xoay quanh chuyện ai xúi viết blog, ai xúi in áo, tham gia tổ chức này, tổ chức kia ra sao.
Lần mới đây nhất, ngày 22 và 23 tháng 5 năm 2013, sau gần 24 tiếng làm việc với an ninh tỉnh Khánh Hòa, về việc đã phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và bong bóng bay với dòng chữ “Quyền Con Người của Chúng Ta phải được tôn trọng”, tôi nhận một biên bản vi phạm hành chính, cũng về việc viết blog (facebook) theo điểm i, khoản 3, điều 7 của Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội:“Lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo kích động người khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”.
Điều đáng chú ý ở đây, khi tôi phản đối quyết định đưa ra biên bản trên, ông Trần Đình Hải, trung tá Công an Thành phố Nha Trang đã nói rằng: Họ kết luận tôi vi phạm hành chính vì tôi nói xấu nhà nước, làm mất hình ảnh của nhà nước...
Và hôm qua, blogger Trương Duy Nhất đã bị bắt khẩn cấp cũng bởi điều 258 Bộ luật Hình sự.
Câu hỏi đặt ra ở đây, với những quy định (được diễn giải) trong điều 258, Việt Nam thực sự có tự do, dân chủ không?
Và lợi ích của nhà nước bị các bloggers quan tâm đến những vấn đề chính trị - xã hội xâm phạm là gì?
Ông Trương Duy Nhất cũng như tôi và một số blogger khác đã chọn cách công khai danh tính, để thẳng thắn nói điều mình nghĩ, và đã bị xem là “lợi dụng quyền tự do, dân chủ” của mình.
Tôi đã từng nói với lực lượng an ninh, nếu cho rằng tôi không có đủ điều kiện để tiếp cận đủ thông tin, để viết những điều mà ban tuyên giáo muốn báo chí viết, thì ít nhất cơ quan công an phải thừa nhận quyền được nói điều mình nghĩ của tôi, ở góc nhìn của một công dân, dù nó có thể đúng, hoặc có thể sai, nhưng ít nhất nó không bao giờ có thể gây tác hại thực sự bằng chính những người có trách nhiệm đang lãnh đạo/thực hiện.
Ngăn cấm chúng tôi nói điều mình nghĩ, chia sẻ ý kiến với cộng đồng là một trong những cách chặn đứng thông tin, bưng bít sai phạm, góp phần tạo điều kiện khiến xã hội thêm trì trệ, tệ nạn có chỗ hoành hành.
Lợi ích của nhà nước, người được thụ hưởng thực sự phải là công dân, trong đó có cá nhân tôi, chứ không phải là lợi ích của một nhóm người, một lực lượng đảng viên đảng Cộng Sản.
Lợi ích của nhà nước không thể được xây dựng và phát triển bằng việc bóp nghẹt quyền phản biện của mỗi công dân.
Điều cuối cùng không kém phần quan trọng, mà tôi muốn bạn bè đọc bài viết này hãy thử suy nghĩ xem phải chăng điều 258 của Bộ luật Hình sự sẽ là cái thòng lọng xiết chặt quyền tự do ngôn luận của chúng ta – những người đang sử dụng mạng xã hội (blog, facebook, twitter...) để nói lên tiếng nói của mình.
Giả sử cứ cho rằng việc ông Trương Duy Nhất bị bắt là do có sự đánh nhau giữa các phe phái trong nội bộ của Bộ Chính Trị, thì tác nhân ảnh hưởng sâu nặng nhất trong vụ bắt giữ lần này vẫn là những người viết blog trong lĩnh vực chính trị - xã hội.
Liệu chúng ta có dám chiến đấu để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình hay không?
Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét