Pages

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Không nêu tên 'đồng chí X' là hèn hạ?


Hai ông Trương Tấn Sang (trái) và Nguyễn Tấn Dũng
Blogger Nhất bất bình khi Chủ tịch Sang gọi Thủ tướng Dũng là 'đồng chí X'
Blogger có tiếng Trương Duy Nhất vừa đặt câu hỏi về lý do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ nói "đồng chí X" khi đi tiếp xúc cử tri sau Hội nghị trung ương 6. 
Blogger này tỏ ra bất bình khi ngay cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng "không dám" điểm mặt, chỉ tên người có sai phạm trong khi lại kêu gọi người dân tố cáo tham nhũng và những việc làm sai trái.

"Đến mức khi giải trình với cử tri, Chủ tịch nước vẫn không dám nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà phải gọi là “đồng chí X”.
Ông Nhất đặt câu hỏi: "Tại sao cái tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- người bị BCT [Bộ chính trị] yêu cầu kỷ luật cũng không dám công khai, phải nói trại ra là "một đồng chí ủy viên BCT" như kiểu không dám gọi đích danh mấy loại tàu cướp của Trung Quốc mà phải gọi là "tàu lạ" vậy?

"Đây là sự tế nhị, là nguyên tắc bảo vệ "tình đồng chí" trong đảng, hay là sự thỏa hiệp, là thái độ hèn hạ, bất lực?
"Thế thì làm sao còn dám kêu gọi người dân đừng sợ hãi, đừng sợ trù úm để cùng đảng chống tham nhũng?"
Ông Nhất mới đây nói rằng an ninh Việt Nam đã gây sức ép với ông về các bài viết trên Bấmblog.
Nhưng ba cuộc gặp với các nhân viên an ninh không khiến ông nương tay khi viết về các chính trị gia hàng đầu của Việt Nam.
Ông kêu gọi ông Trương Tấn Sang "đừng nói nữa, hãy hành động!".
Blogger này viết: "Trách nhiệm tập thể là thứ vô trách nhiệm.
"Chẳng lẽ để tình hình đất nước, kinh tế như thế, tình hình nội tại đảng như thế mà không có một ai phải chịu trách nhiệm? Đừng nói nữa, hãy hành động đi!"
'Lòng tốt không đủ'
Ông Nhất nhắc lại tuyên bố của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân về chuyện "muốn trị quốc phải trị đảng" và nói các nhà lãnh đạo Việt Nam nên đọc các thông tin trên mạng để hiểu thêm người dân nghĩ gì và bình luận thêm:
"Cho dù vượt qua cuộc bỏ phiếu nhưng uy tín và thanh danh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở mức nào trong mắt dân?
"Cho dù có những câu để đời như "một bầy sâu" của Chủ tịch nước, hay những phát ngôn thẳng thắn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến mức trước đó vài năm chỉ những "thằng phản động" mới dám mở mồm như "đảng viên nhan nhản cộng sản mấy người?", hoặc "một bộ phận không nhỏ đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ"… nhưng uy tín, sự tin cậy trong hành động của Tổng Bí thư, của Chủ tịch nước, của tập thể BCT và trung ương đảng để lại trong dân ở mức nào?
"Bất kể ai, chỉ cần một người dám hi sinh, tôi tin tình thế sẽ rẽ sang một hướng rất khác."
Ông Trương Duy Nhất kêu gọi các vị lãnh đạo cao cấp hãy ra đi vì sai phạm hay bất lực trước sai phạm
"Không tìm ra sâu nào, không tìm thấy nhóm lợi ích nào, không phát hiện ra "bộ phận không nhỏ" nào - thế hóa ra cả Tổng Bí thư và Chủ tịch nước can "tội" vu khống, xuyên tạc, nói xấu đảng sao? Cái “tội” mà công an luôn chụp lên đầu tôi trong các cuộc làm việc tra vấn vừa rồi.
"Tôi viết vậy đã ăn nhằm gì. Nếu kết tội thế là xuyên tạc, nói xấu, là phản động, thì há chẳng phải Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đang xuyên tạc, nói xấu đảng và phản động hơn tôi sao?"
Ông Nhất nói ông không nghi ngờ sự thực lòng của ông Sang và ông Nguyễn Phú Trọng nhưng bình thêm: "...[C]ái tâm và sự thật thà qua những lối rao giảng về "lòng tốt" không đủ để trị quốc.
"Ông Trọng ông Sang không phải là mẫu người có tầm khuynh loát, vai trò cá nhân đủ sức bẻ xoay vận cuộc.
"Việc của đảng lúc này không phải là kêu gọi người dân đừng sợ trù úm, mà là hành động của đảng thế nào để bảo vệ người dân không bị trù úm, không bị truy bức."
'Thỏa hiệp'
Ông Nhất cũng lên tiếng kêu gọi các vị lãnh đạo Việt Nam, kể cả Tổng bí thư và Chủ tịch nước, hãy ra đi nếu họ không làm được việc hoặc "nhìn ra sự bất lực".
Blogger bình luận: "Bất kể ai, chỉ cần một người dám hi sinh, tôi tin tình thế sẽ rẽ sang một hướng rất khác.
"Ta luôn quen thói kêu gọi quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào giật mình hỏi ngược ở ý thức lãnh tụ? Tại sao không thấy một ai dám hi sinh chút lợi ích quyền lực của mình, của gia đình vợ con… để mở đường cho những cú hích chuyển thay?
"Ai đó sợ hãi, thỏa hiệp hoặc bất lực thì hãy lánh sang một bên nhường cho người khác, đội ngũ khác."
Các nhà quan sát Việt Nam từ bên ngoài nói rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị "cắt cánh" cho dù còn tại chức.
Họ cũng nói tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới đây sẽ có tác động đáng kể tới khả năng tiếp tục tại nhiệm của vị Thủ tướng.

Không có nhận xét nào: