Nhiều cuộc chiến ngầm đã được tiến hành nhằm vào thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Báo Anh Financial Times ngày 15/5 có đăng tải bài viết về chủ nghĩa tư bản thân hữu tại Việt Nam và những thiệt hại mà nó gây ra cho sự phát triển của nước này.
Bài bình luận của cây bút David Pilling cho rằng, với một đất nước trong thời kỳ có nhiều lợi thế do dân số mang lại, nền kinh tế Việt Nam dường như không tăng trưởng đủ nhanh.
Theo quan sát của Pilling, bao trùm đất nước này là những câu chuyện về các tập đoàn khổng lồ hoạt động kém hiệu quả nhưng lại được sự bảo bọc từ “các nhóm lợi ích đầy quyền lực”, các vụ chiếm đoạt đất đai, những tù nhân lương tâm và sự phẫn uất trước quyền lợi mà con cái những lãnh đạo đảng cầm quyền đang được hưởng.
Giống với Trung Quốc?
“Tất cả những đấu đá chính trị này luôn được cải trang dưới dạng xung đột tư tưởng về tương lai đất nước”
Tác giả bài viết cho rằng đây là những hiện tượng nghe thì khá giống Trung Quốc bởi lẽ Việt Nam cũng là một thể chế độc đảng, nơi mà “nền kinh tế cũng như dư luận đang phải kêu ca vì một hệ thống chính trị cứng nhắc và nhiều lỗ hổng”, dù ông cho rằng người Việt Nam không muốn bị so sánh với Trung Quốc vì thái độ phản kháng lâu năm dành cho người láng giềng phương Bắc.
Dưới góc nhìn của Pilling, Việt Nam và Trung Quốc có quá nhiều điểm tương đồng.
“Dù có sự khác biệt về quy mô và độ phát triển, nhưng những sự so sánh quá sức hấp dẫn để có thể bỏ qua,” ông viết.
Giống với vụ Bạc Hy Lai ở Trung Quốc, tác giả cho rằng bản thân Việt Nam cũng đang trải qua một thời kỳ đấu tranh nội bộ khốc liệt, lộ liễu đến nỗi người dân có thể có được cơ hội hiếm hoi để thấy được những gì đang xảy ra bên trong bộ máy điều hành.
Tiêu biểu trong số này là, theo Pilling, là những động thái chống lại thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người mà ông cho là “nhân vật quyền lực nhất của nước này.”
“Cũng giống như Trung Quốc, những cuộc chiến ở Việt Nam chủ yếu đều là nhằm vào những người đại diện,” trích bài viết.
Bài viết dẫn ra rằng nạn nhân của những trận chiến như vậy tiêu biểu gồm có giám đốc Vinashin (chịu 20 năm tù) – tập đoàn đóng tàu gánh khối nợ 4,4 tỷ đôla mà ông Dũng đứng sau lưng hay như Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), người đồng sáng lập Ngân hàng thương mại Á Châu, vốn có nhiều mối quan hệ rộng rãi.
“Tất cả những đấu đá chính trị này luôn được cải trang dưới dạng xung đột tư tưởng về tương lai đất nước, tuy nhiên, nó giống với một cuộc tranh chấp quyền lợi một cách đáng nghi ngờ,” Pilling viết.
Tác giả bài viết nói ở Việt Nam, người dân tin đồng đôla và vàng hơn cả giấy bạc của nước mình
Kết quả của việc này: Thủ tướng Dũng đã phải nhiều phen “lao đao”, và mặc dù “sống sót”, nhưng phải “tỏ ra nhún nhường”, ví dụ như hồi tháng Mười, khi ông này phải xin lỗi trước Quốc hội về sai phạm trong việc sử dụng ngân quỹ quốc gia.
Một điểm tương đồng nữa với Trung Quốc, theo bài viết đó là việc chính phủ có những động thái tỏ vẻ mình đã rút kinh nghiệm, tiêu biểu trong số đó là lời hứa cải tổ khu vực quốc doanh (không phải lần đầu tiên), trưng cầu dân ý về việc thay đổi hiến pháp, sửa đổi luật đất đai cho đến quyền bình đẳng cho người đồng tính.
“Dân chủ và quyền lãnh đạo đảng, không nằm trong số đó,” trích bài viết.
Thiệt hại kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam đang hứng chịu những hậu quả từ sự đấu đá nội bộ, theo tác giả.
“Ở một đất nước mà hiếm việc gì có thể được tiến hành nếu không có sự chấp thuận của những người môi giới quyền lực, cả hệ thống bị tắt nghẽn,” Pilling viết.
Những số liệu mà ông dẫn ra bao gồm chỉ số tăng trưởng chỉ ở mức dưới 5% trong thời điểm hiện tại, so với mức trung bình 8% trong 5 năm trước 2007, lạm phát và thâm hụt tài khoảng vãng lai cũng đã giảm, nhưng chủ yếu do sự suy yếu đối với nhu cầu nội địa thay vì khả năng quản lý vĩ mô tốt của chính phủ.
Theo quan sát của tác giả, những lần mất giá của tiền đồng ở Việt Nam khiến người dân trong nước “tin vào đôla và vàng hơn cả chính giấy bạc của nước mình.”
Bên cạnh đó, khu vực ngân hàng cũng đang ngập nợ xấu bởi tăng trưởng tín dụng nóng và sự sụp đổ của thị trường bất động sản.
“Khó mà nói được lý do nào sẽ khiến những người đã tư lợi quá nhiều từ hệ thống muốn từ bỏ nó”
Tất cả những vấn đề này đang khiến Việt Nam, một nước đang trong thời kỳ “có lợi thế tốt nhất về nhân khẩu, với những người dân đầy nhiệt huyết và máu kinh doanh”, không “phát triển đủ nhanh.”
Tác giả nhận định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hoa Kỳ đang đàm phán với các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, vốn quy định các quy tắc chung đối với các thành viên, từ việc gọi thầu công khai cho đến các doanh nghiệp Nhà nước có thể trên lý thuyết bắt Việt Nam phải cải tổ.
Thế nhưng, theo ông, chỉ chính Đảng Cộng sản mới khả năng cải tổ nền kinh tế bị thống trị bởi doanh nghiệp nhà nước.
“Khó mà nói được lý do nào sẽ khiến những người đã tư lợi quá nhiều từ hệ thống muốn từ bỏ nó,” Pilling viết.
“Tuy nhiên, nếu họ không làm điều đó, tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ trở nên đáng thất vọng.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét